BHXH Nghệ An: Nỗ lực trong công tác thu, phát triển số người tham gia BHXH, BHYT

P.V 23/11/2020 09:26

(Baonghean.vn) - Thời gian qua, Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, từng bước hoàn thành các chỉ tiêu về công tác thu, phát triển số người tham gia BHXH, BHYT và phấn đấu giảm nợ đọng.

Dẫn đầu cả nước về số người tham gia BHXH tự nguyện

Bước vào năm 2020, BHXH Nghệ An đặt ra mục tiêu phấn đấu tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 90,6% dân số; chỉ tiêu bao phủ BHXH so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động là 16,09%; tỷ lệ nợ đọng BHXH bằng hoặc thấp hơn tỷ lệ nợ bình quân cả nước; đạt dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 100% các đơn vị, tổ chức thực hiện giao dịch điện tử về BHXH, BHYT...

Hiện thực hóa các mục tiêu, từ đầu năm đến nay, BHXH Nghệ An đã không ngừng đổi mới phương pháp, nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH, BHYT; đẩy mạnh phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, đảm bảo đủ chỉ tiêu theo lộ trình; tăng cường thanh kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật về BHXH, BHYT; tăng cường biện pháp quản lý sử dụng hợp lý, hiệu quả Quỹ BHYT; cải cách thủ tục hành chính, triển khai hiệu quả hệ thống tương tác đa phương tiện với người dân và doanh nghiệp.

Tuyên truyền cho người dân về chính sách BHXH, BHYT. Ảnh tư liệu P.V

Đặc biệt, BHXH tỉnh đã có nhiều cách làm, kinh nghiệm, sáng kiến hay trong việc thực hiện hiệu quả công tác thông tin, truyền thông phát triển người tham gia BHXH tự nguyện. Cụ thể: BHXH tỉnh đã huy động sự vào cuộc của hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện; chú trọng vai trò của cấp ủy chính quyền xã, phường, thị trấn trong quá trình triển khai chính sách tại địa phương như: Giao chỉ tiêu phát triển số người tham gia BHXH tự nguyện; đề nghị chính quyền địa phương báo cáo kết quả số người tham gia BHXH tự nguyện theo các thời điểm; phối hợp, chủ trì tổ chức các Hội nghị tuyên truyền, đối thoại chính sách, đại diện cấp ủy, chính quyền địa phương phát biểu chỉ đạo hội nghị; lồng ghép phát triển BHXH tự nguyện qua các mô hình có sẵn của các hội, đoàn thể; lựa chọn cán bộ các ngành làm nhân viên đại lý thu, cộng tác viên tuyên truyền ...

Bên cạnh đó, BHXH tỉnh đã giao nhiệm vụ rõ cho các cơ quan BHXH huyện/thị: Lãnh đạo BHXH các huyện phải tham gia chủ trì, tư vấn giải đáp trực tiếp tại các hội nghị tuyên truyền, phát triển đối tượng; cán bộ BHXH luôn luôn đồng hành, hỗ trợ nhân viên đại lý thu trong quá trình tuyên truyền tại cơ sở; linh hoạt trong phương thức tiếp cận người dân với việc tổ chức hội nghị tuyên truyền ngay tại khối xóm, bản, làng; thời gian tổ chức hội nghị linh hoạt, phù hợp với tập quán, thói quen của người dân; nội dung, ngôn ngữ tuyên truyền chuyển thể từ ngôn ngữ chuyên ngành khó hiểu sang ngôn ngữ dân giã đời thường.

Nghệ An ra quân hưởng ứng Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân. Ảnh tư liệu Công Kiên

Ngoài ra, BHXH tỉnh đã luôn tận dụng tối đa cơ hội để tiếp cận với từng nhóm đối tượng tiềm năng với cách thức tuyên truyền, vận động phù hợp, Với nhóm lao động là nông dân, tiểu thương, cơ quan BHXH đã tổ chức hội nghị, tuyên truyền trực tiếp ngay tại nhà, nơi người lao động đang làm việc. Với nhóm người lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp, cơ quan BHXH thực hiện tuyên truyền ngay tại Trung tâm Dịch vụ việc làm. Với nhóm lao động đã nghỉ việc, về sinh sống tại địa phương thì cơ quan BHXH thực hiện mời tham dự Hội nghị, tư vấn trực tiếp tại nhà và tư vấn ngay tại bộ phận “Một cửa” nơi người lao động đăng ký hưởng BHXH 1 lần.

Cùng với đó, BHXH tỉnh cũng đã quan tâm, đẩy mạnh việc sử dụng kênh truyền thông trên mạng xã hội về BHXH, BHYT mang lại những hiệu quả tích cực, đặc biệt là việc tiếp cận với tầng lớp người dân, lao động trẻ tuổi…

Tính đến hết tháng 9/2020, toàn tỉnh Nghệ An có 68.818 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 18.853 người (37,73%) so với năm 2019. Hiện, Nghệ An đang dẫn đầu cả nước về số người tham gia BHXH tự nguyện, chiếm hơn 8% tổng số người tham gia toàn quốc.

Tuyên truyền tư vấn trực tiếp chính sách BHXH, BHYT cho tiểu thương ở các khu chợ trên địa bàn thành phố: Ảnh tư liệu Phan Liên

Toàn tỉnh có 2.933.162 ngườitham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, đạt 98,97% kế hoạch BHXH Việt Nam giao, tăng 78.479 người (tăng 2,75%) so với cùng kỳ năm 2019, tăng 97.091 người (tăng 3,42%) so với cuối năm 2019. Tổng số thu BHXH, BHYT, BHTN đạt gần 4.836 tỷ triệu đồng, đạt 71,29% so với kế hoạch giao, tăng gần 291 tỷ đồng (tăng 6,40%) so với cùng kỳ năm 2019.

Tập trung đôn đốc thu hồi nợ

Bên cạnh những thành quả, BHXH Nghệ An cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác đôn đốc thu hồi nợ tại các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và nợ kéo dài. Đặc biệt trong quý 3/2020 công tác thu, thu hồi nợ chịu tác động ảnh hưởng lớn bởidịch Covid-19 bùng phát trở lại ở nước ta trong khi nền kinh tế chưa phục hồi lại được do đợt bùng phát dịch vào đầu năm, gây tăng nợ BHXH, BHYT tại các đơn vị sử dụng lao động. Mặc dù đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhưng tính đến hết tháng 9/2020, tổng số nợ BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN (không bao gồm nợ lãi suất chậm đóng, nợ NSNN) trên địa bàn toàn tỉnh là 279,213 tỷ đồng, chiếm 4,12% số phải thu.

BHXH Cửa Lò hướng dẫn người dân tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Ảnh tư liệu Đức Anh

Nhằm hạn chế, khắc phục tối đa tình trạng nợ BHXH, BHYT, BHTN trong những tháng cuối năm, nhiều kịch bản đã được BHXH tỉnh xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện: Phát động phong trào thi đua giảm nợ; giao chỉ tiêu cho từng đơn vị, cá nhân; tiếp tục rà soát hồ sơ phân loại nợ, cập nhật vào phần mềm theo đúng quy định. Đối với khối đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tham mưu văn bản báo cáo UBND các cấp để chỉ đạo đối với các đơn vị nợ trên địa bàn; phối hợp với Kho bạc nhà nước huyện trong kiểm soát chi đối với các khoản chi trả lương, đóng BHXH, BHYT cho người lao động; rà soát nhu cầu ngân sách nhà nước còn thiếu năm 2020, báo cáo BHXH tỉnh để tổng hợp gửi Sở Tài chính cấp kinh phí kịp thời, không để tình trạng nợ BHYT của nhóm đối tượng được NSNN đảm bảo; thực hiện lấy nguồn ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ BHYT của quý 4/2020.

Đối với khối doanh nghiệp: Thực hiện phân loại các doanh nghiệp nợ theo số tháng nợ, trong đó tập trung đôn đốc các đơn vị có tình trạng nợ gối đầu và các đơn vị lạm dụng việc ảnh hưởng Covid dẫn đến trốn đóng BHXH, BHYT; tiếp tục thành lập các đoàn đôn đốc thu nợ trực tiếp tại đơn vị hoặc mời đơn vị nợ trực tiếp BHXH tỉnh để làm việc và lập biên bản làm việc; đồng thời chuyển danh sách các đơn vị nợ đủ điều kiện để phòng thanh tra - kiểm tra thành lập đoàn thanh tra chuyên ngành đột xuất; tập trung nhân lực, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đôn đốc thu, giảm nợ trong 3 tháng cuối năm theo Kịch bản đôn đốc thu giảm nợ BHXH, BHYT năm 2020 và tài liệu Chuyên đề về công tác đôn đốc thu giảm nợ đã gửi cho BHXH các huyện, thị xã, đảm bảo phù hợp với thực tế tại địa phương.

Thông tin từ BHXH Nghệ An: Hiện nay, toàn tỉnh đang có số nợ khó thu là 69,4 tỷ đồng, chiếm 19,74% tổng số nợ (các đơn vị mất tích, phá sản, giải thể). BHXH Nghệ An đã đề nghị BHXH Việt Nam phối hợp với các ngành để có giải pháp xử lý nợ này.

P.V