HĐND tỉnh cho ý kiến chủ trương thu hồi đất phục vụ 468 công trình, dự án
(Baonghean.vn) - Thẩm tra về dự thảo nghị quyết thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện các công trình, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đề xuất UBND tỉnh lưu ý nâng cao tỷ lệ thực hiện các công trình, dự án thuộc diện thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Chiều 25/11, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh tổ chức cuộc họp thẩm tra một số dự thảo nghị quyết trình kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2016 - 2021 tới. Tham gia thẩm tra có các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh: Cao Thị Hiền và Hoàng Viết Đường; đại diện lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh và một số sở, ngành cấp tỉnh. Ảnh: Mai Hoa |
Về dự thảo nghị quyết thông qua danh mục công trình, dự án cần thu hồi đất theo quy định tại Khoản 3, Điều 62 Luật Đất đai trên địa bàn tỉnh được UBND tỉnh trình gồm 468 công trình, dự án cần thu hồi đất; tổng diện tích cần thu hồi là hơn 1.223 ha.
Trong đó, nhiều nhất là thành phố Vinh với 76 công trình, dự án; huyện Yên Thành 48 công trình; thị xã Hoàng Mai 46 công trình; huyện Quỳnh Lưu 30 công trình; huyện Nghi Lộc 29 công trình; thị xã Cửa Lò 26 công trình; huyện Diễn Châu 22 công trình…
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Văn Nông cho biết, tỷ lệ thực hiện các công trình, dự án cần thu hồi đất còn thấp. Ảnh: Mai Hoa |
Thẩm tra dự thảo nghị quyết này, cơ bản đồng tình dự thảo UBND tỉnh trình, một số thành viên cũng đặt ra một số băn khoăn liên quan đến kết quả thực hiện các công trình, dự án cần thu hồi đất theo các nghị quyết HĐND tỉnh đã ban hành trước đó thấp; chỉ đạt 39,53% tổng số công trình, dự án và đạt 30,67% tổng diện tích cần thu hồi.
Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh có các giải pháp nâng cao tỷ lệ thực hiện các công trình, dự án thuộc diện thu hồi đất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Bên cạnh đó, thành viên dự họp cũng đặt ra trách nhiệm rà soát, làm việc với chủ đầu tư các dự án quá 3 năm không triển khai để đôn đốc, tránh 3 năm tiếp theo vẫn không làm và trình tiếp.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Viết Đường đề nghị UBND tỉnh và Sở Tài nguyên - Môi trường có trách nhiệm làm việc với các chủ đầu tư các dự án quá 3 năm không triển khai để đôn đốc, tránh 3 năm tiếp theo vẫn không làm. Ảnh: Mai Hoa |
Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh cũng đã thẩm tra thống nhất về dự thảo nghị quyết về chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng theo quy định tại Khoản 1, Điều 58 Luật Đất đai để thực hiện công trình, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, diện tích chuyển đổi mục đích sử dụng đất gồm hơn 361 ha đất trồng lúa và hơn 21 ha đất rừng phòng hộ để thực hiện 301 công trình, dự án trên địa bàn tỉnh.
Thẩm tra về báo cáo của UBND tỉnh về công tác bảo vệ môi trường năm 2020, các thành viên dự họp đề nghị UBND tỉnh và Sở Tài nguyên - Môi trường quan tâm đề ra các giải pháp xử lý triệt để các cơ sở ô nhiễm môi trường và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; nâng tỷ lệ cơ sở được xác nhận hoàn thành công trình BVMT; có giải pháp hữu hiệu hơn trong thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt…
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Đệ làm rõ cơ cấu nguồn lực để thực hiện chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới và xây dựng sản phẩm OCOP. Ảnh: Mai Hoa |
Cũng trong chiều nay, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh cũng đã thẩm tra báo cáo về thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn tỉnh năm 2020; thẩm tra dự thảo nghị quyết về một số chính sách hỗ trợ trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025 và dự thảo nghị quyết về chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), giai đoạn 2021 - 2025.
Riêng 2 dự thảo nghị quyết về chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), giai đoạn 2021 - 2025 và dự thảo nghị quyết về một số chính sách hỗ trợ trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025, các thành viên Ban Kinh tế - Ngân sách đề xuất UBND tỉnh cần đảm bảo cân đối nguồn lực thực hiện.