Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An tái khẳng định chủ trương không cấp phép dự án thủy điện mới
(Baonghean.vn) - Thảo luận về đề xuất điều chỉnh quy hoạch và bổ sung quy hoạch một số dự án thủy điện, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An tái khẳng định chủ trương từ năm 2015 là không bổ sung mới quy hoạch thủy điện trên địa bàn tỉnh.
Sáng 26/11, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An họp phiên thường kỳ tháng 11/2020, nghe và cho ý kiến nhiều nội dung quan trọng. Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì cuộc họp.
Dự cuộc làm việc có các đồng chí: Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Cao Thị Hiền - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số các ban Đảng Trung ương, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo một số ban, sở, ngành.
Toàn cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy |
Ban Thường vụ Tỉnh ủy nghe báo cáo và cho ý kiến về các dự án nhà máy nhiệt điện tại xã Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai); Tổng thể quy hoạch, quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác các dự án thủy điện và công tác quy hoạch, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 32 dự án được phê duyệt Quy hoạch phát triển thủy điện với tổng công suất 1.378,9 MW và hiện có 21 dự án đã vận hành phát điện với tổng công suất 930,9 MW. Có 3 dự án đang thực hiện đầu tư xây dựng với tổng công suất 276 MW là Tiền Phong, Nậm Mô 1 và Mỹ Lý; 3 dự án chưa giao chủ đầu tư với tổng công suất 67 MW là Bản Pủng, Sông Quang và Thủy lợi - Thủy điện Thác Muối; có 2 dự án đã thu hồi giấy chứng nhận đầu tư là Xốp Cốc (4 MW) và Yên Thắng (1 MW).
Các dự án nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh được đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác, vận hành hàng năm phát điện với sản lượng trung bình gần 3 tỷ kWh, đóng góp ngân sách cho tỉnh gần 600 tỷ đồng/năm. Bên cạnh những hiệu quả mang lại thì những tác động do thủy điện, cũng như giải quyết vấn đề hậu thủy điện tại các khu tái định cư cũng đang là vấn đề đặt ra.
Đồng chí Bùi Thanh An - Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy phát biểu ý kiến liên quan đến vấn đề thủy điện. Ảnh: Thành Duy |
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thảo luận, cho ý kiến đối với việc đề xuất điều chỉnh quy hoạch và bổ sung quy hoạch một số thủy điện, đề xuất nghiên cứu khảo sát để áp dụng mô hình khai thác thủy năng của các hồ thủy lợi. Theo đó, quan điểm của các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất không bổ sung mới quy hoạch thủy điện trên địa bàn tỉnh.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung nhận định: Tuy số lượng dự án thủy điện được quy hoạch và số lượng hoàn thành, đưa vào khai thác không phải là lớn, nhưng nguy cơ rủi ro từ các nhà máy thủy điện là hiện hữu, tác động của thủy điện hiện nay rất rõ. Do đó, quan điểm là trong giai đoạn hiện nay dứt khoát dừng bổ sung quy hoạch mới các dự án thủy điện, vì chưa làm rõ được những vấn đề đặt ra về môi trường, an toàn cho người dân. Những dự án trong quy hoạch xin xem xét điều chỉnh quy hoạch cũng cần phải xem xét hết sức cẩn trọng và kỹ lưỡng.
Kết luận nội dung này, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý khẳng định, từ năm 2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có chủ trương là không xem xét bổ sung quy hoạch thủy điện. Tháng 8/2019, tỉnh cũng thống nhất chủ trương thuê tư vấn để đánh giá tổng thể, toàn diện tác động của thủy điện trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy kết luận nội dung về thủy điện. Ảnh: Thành Duy |
Quan điểm của tỉnh khi xem xét các dự án thủy điện là xem quyền lợi, nguyện vọng chính đáng của nhân dân là tối thượng; từ đó có quyết tâm chính trị cao, thống nhất tư tưởng và hành động.
Cụ thể, đối với các dự án có trong quy hoạch đề xuất điều chỉnh quy hoạch, Bí thư Tỉnh ủy thống nhất với ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy là cho phép điều chỉnh quy hoạch nhưng không được tăng công suất dự án. Còn đối với 10 dự án đề xuất bổ sung vào quy hoạch, người đứng đầu Tỉnh ủy chỉ rõ cần trả lời nhà đầu tư quan điểm của tỉnh là dừng lại toàn bộ, không cho phép bổ sung. Khi có kết quả đề tài nghiên cứu khoa học mới tiếp tục xem xét, nhưng nếu vẫn ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt, tâm tư, nguyện vọng của người dân thì tỉnh vẫn không đồng ý dự án thủy điện.
Còn với những dự án đã được thông qua trước đây đang trong quá trình vận hành, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu tập trung theo dõi quá trình vận hành thật tốt; nếu quy trình thấy bất lợi cho người dân thì đề xuất với Chính phủ để điều chỉnh quy trình cơ chế vận hành. Còn những nhà máy đang thi công cần phải đẩy nhanh tiến độ. Đối với 3 dự án chưa giao chủ đầu tư, quan điểm là nếu nhà đầu tư chưa bỏ kinh phí để khảo sát thì nên dừng.
Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ trên địa bàn huyện Tương Dương. Ảnh: Thành Cường |
Về phương án nghiên cứu khai thác các dự án thủy điện trên các hồ thủy lợi, cần phải được nghiên cứu, đánh giá khách quan, đầy đủ; phải đảm bảo không tác động đến đời sống, tài sản của nhân dân thì mới đồng ý cho thực hiện; nếu không thì dừng lại.
Đồng chí Thái Thanh Quý cũng yêu cầu các cấp, các ngành liên quan cần tăng cường chỉ đạo, phối hợp thật tốt với các chủ đầu tư, các dự án để xử lý các tồn đọng về thủy điện.
(Baonghean.vn) - Sáng 26/11, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An họp phiên thường kỳ tháng 11/2020 nghe và cho ý kiến nhiều nội dung quan trọng.Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2021 đạt từ 7,5 - 8,5%
Tại cuộc làm việc, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất đề nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương dừng thực hiện Trung tâm nhiệt điện Quỳnh Lập (bao gồm Nhiệt điện Quỳnh Lập 1 và Nhiệt điện Quỳnh Lập 2) và đưa ra khỏi dự thảo Quy hoạch điện VIII; ưu tiên quỹ đất thu hút đầu tư các ngành công nghiệp chế biến, chế có hàm lượng khoa học, ứng dụng công nghệ cao và thân thiện môi trường, phát triển thị xã Hoàng Mai trở thành đô thị biển, gắn với công nghiệp sạch và du lịch, dịch vụ, thương mại.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng nghe và cho ý kiến về báo cáo tổng thể quy hoạch, khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Theo đó, quan điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy là đưa ra khỏi quy hoạch, không bổ sung quy hoạch khai thác đối với các loại khoáng sản như: vàng, thiếc, kẽm, đá trắng… chỉ cho phép quy hoạch những vật liệu thông thường phục vụ xây dựng và phát triển hạ tầng. Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm soát, quản lý chặt chẽ quá trình khai thác, vận chuyển và gắn liền với trách nhiệm của chính quyền địa phương đối với những mỏ khoáng sản đã cấp phép.