Hoàn thành GPMB đường dây 500kV nối Nhiệt điện Nghi Sơn 2 vào hệ thống điện lưới Quốc gia trong tháng 12/2020
(Baonghean.vn) - Đó là chỉ đạo của đồng chí Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại buổi làm việc về công tác bồi thường GPMB dự án Tuyến đường dây 500kV nối Nhiệt điện Nghi Sơn 2 vào hệ thống điện lưới Quốc gia, đoạn tuyến qua tỉnh Nghệ An.
Chiều 3/12, UBND tỉnh tổ chức buổi làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia về công tác bồi thường GPMB dự án Tuyến đường dây 500kV nối Nhiệt điện Nghi Sơn 2 vào hệ thống điện lưới Quốc gia, đoạn tuyến qua tỉnh Nghệ An.
Đồng chí Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì; tham gia có đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan; lãnh đạo các huyện Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn, TX Hoàng Mai, TX Thái Hòa; lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia, Ban Quản lý các công trình điện miền Trung và các Ban, đơn vị có liên quan của EVN. Ảnh: Đ.C |
Nhiều khó khăn, vướng mắc
Trên cơ sở báo cáo của Ban Quản lý các công trình điện miền Trung, đến thời điểm hiện nay trong công tác bồi thường GPMB còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Tại thị xã Hoàng Mai, khoảng cột 57-59 -T1 đã bảo vệ thi công kéo dây xong, tuy nhiên hiện nay còn 2 hộ dân có trại tạm phục vụ sản xuất nông nghiệp xây dựng trước năm 2004, các hộ này không nhận tiền theo quyết định phê duyệt và không tháo dỡ nhà trong hành lang tuyến để đảm bảo an toàn theo quy định trước khi đóng điện công trình.
Tại khoảng cột 59-61 -T1 và 57-59 -T2 đã bảo vệ thi công kéo dây xong, tuy nhiên hiện nay còn 3 hộ dân có nhà, công trình xây dựng từ năm 2018 trên đất không đúng mục đích sử dụng nằm trong hành lang tuyến (không đủ điều kiện được bồi thường).
Đại diện Ban Quản lý các công trình điện miền Trung báo cáo tại buổi làm việc. Ảnh: Đ.C |
Tại huyện Quỳnh Lưu, kết quả họp công khai phương án bồi thường (PABT) cho 36 hộ dân vào chiều ngày 02/12/2020 có 18 hộ dân đồng thuận ký PABT; 11 hộ dân có đất lâu năm không đồng thuận PABT, do đơn giá bồi thường cây trồng thấp; 7 hộ dân có đất nông nghiệp (BHK) đề nghị được bồi thường theo đất trồng cây lâu năm.
Tại huyện Nghĩa Đàn, tại khoảng néo 79-86 -T1 và 78-85 -T2 còn 8 hộ dân có đất rừng sản xuất không ký PABT, lý do đơn giá thấp và đề nghị được bồi thường đất cây lâu năm. Tại khoảng néo 86-93 -T1 và 85-92 -T2 còn 19 hộ dân chưa phê duyệt PABT. Tại khoảng néo 93-96-97-T1 và 92-96 -T2 còn 4 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng, trong đó: 2 hộ ông Phạm Đăng Khoa, Nguyễn Văn Nghi đã thống nhất PABT, 2 hộ ông Nguyễn Văn Dung, Nguyễn Văn Khánh chưa thống nhất PABT. Tại khoảng néo 101-105 -T1: còn 6 hộ dân có đất ở, nhà và công trình bị ảnh hưởng HĐBT đã lập xong PABT theo giá đất cụ thể, đang công khai đến từng hộ dân để hoàn thiện thủ tục phê duyệt PABT.
Về công tác tái định cư, có 8/15 hộ dân phải bố trí TĐC, UBND huyện Nghĩa Đàn đã lựa chọn địa điểm, lập quy hoạch chi tiết, đo đạc giải thửa và đã kiểm đếm đất, cây trồng trên đất nhưng chưa phê duyệt PABT tại mặt bằng xây dựng TĐC và chưa triển khai xây dựng hạ tầng để giao đất cho các hộ dân.
Đại diện lãnh đạo thị xã Thái Hòa báo cáo tình hình thực hiện, những khó khăn vướng mắc tại địa bàn. Ảnh: Đ.C |
Tại thị xã Thái Hòa, còn 9 hộ dân chưa phê duyệt PABT, trong đó 4 hộ có đất ở, nhà và công trình bị ảnh hưởng. HĐBT đã họp kết thúc công khai phương án vào ngày 3/11/2020. Tuy nhiên, do cùng trong một khoảng cột nhưng đơn giá đất cụ thể của huyện Nghĩa Đàn cao hơn nên các hộ dân không đồng thuận và đề nghị HĐBT thị xã Thái Hòa điều chỉnh đơn giá tương đương với huyện Nghĩa Đàn.
Cần tính đến phương án cưỡng chế
Tại buổi làm việc, UBND các huyện, thị xã: Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn, Hoàng Mai, Thái Hòa đã báo cáo tình hình thực hiện, trao đổi những khó khăn vướng mắc cụ thể. Đồng thời, các sở, ngành liên quan cũng đã rà soát, đề xuất phương án giải quyết để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng...
Ông Phạm Hồng Phương - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam nêu ý kiến tại buổi làm việc. Ảnh: Đ.C |
Về phía lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng đề nghị UBND tỉnh Nghệ An có ý kiến chỉ đạo các sở, ngành và các địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động để các hộ dân đồng thuận với chủ trương, chính sách quy định nhận tiền bồi thường, hỗ trợ theo Quyết định phê duyệt, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Trường hợp sau khi giải quyết đầy đủ các chính sách quy định và đã tuyên truyền, vận động nhưng các hộ dân vẫn không đồng thuận đề nghị xây dựng kế hoạch bảo vệ thi công.
Đồng chí Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh kết luận buổi làm việc. Ảnh: Đ.C |
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hoa đề nghị Văn phòng UBND tỉnh tổng hợp báo cáo. Theo đó, đề nghị các huyện xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, đối với TX Hoàng Mai, TX Thái Hòa, Quỳnh Lưu ngoài tập trung tuyên truyền tạo sự đồng thuận từ người dân, cần tính đến phương án cưỡng chế, bảo vệ thi công đối với các hộ không bàn giao mặt bằng. Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đồng ý áp dụng hỗ trợ khác đối với các hộ dân ở huyện Nghĩa Đàn, theo đó yêu cầu địa phương giải quyết được hộ nào thì thu hồi hộ đó bàn giao cho đơn vị thi công, với mục tiêu hoàn thành dự án trong tháng 12/2020.
Dự án Tuyến đường dây 500kV nối Nhiệt điện Nghi Sơn 2 vào hệ thống điện lưới Quốc gia xây dựng mới 2 tuyến đường dây mạch kép 500kV dài 39,6 km (219 vị trí) đấu nối từ Trung tâm Điện lực Nghi Sơn (Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2) với đường dây 500 kV Nho Quan - Hà Tĩnh mạch 1&2 và thi công các trụ đảo pha trên tuyến đường dây 500 kV mạch 1&2 hiện hữu.
Tuyến đường dây đi qua địa bàn huyện, thị xã gồm: Tĩnh Gia (Thanh Hóa); Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn và Thái Hòa (Nghệ An).
Trong đó, tuyến đường dây đi trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 123 vị trí móng, bao gồm 4 vị trí cột đảo pha thuộc các huyện: Yên Thành 2 vị trí, Nam Đàn 2 vị trí và 119 vị trí đi qua các huyện, thị xã: Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn và Thái Hòa với chiều dài tuyến 23,35 km (2 tuyến đường dây, mỗi tuyến 2 mạch).