Nhà Thánh Vân Tập - Văn miếu cổ nhất Nghệ An
(Baonghean.vn) - Nhà Thánh (làng Vân Tập, xã Minh Châu, huyện Diễn Châu) được xây dựng để thờ các bậc Tiên Thánh, Tiên Sư để khuyến khích việc học hành thi cử và như một lời nhắc nhở về truyền thống tôn sư trọng đạo, giữ lề thói thuần phong, mỹ tục.
Nghệ An là mảnh đất có bề dày văn hiến, nhân kiệt địa linh, nhân tài đời đời bối xuất. Chính vì vậy, đây được xem là mảnh đất Nho học nổi tiếng ở nước ta. Tư tưởng Nho học đã ăn sâu, bám rễ vào tiềm thức của con người xứ Nghệ. Từ quan niệm đến ứng xử, người Nghệ đều lấy những lời dạy của thánh hiền làm khuôn vàng, thước ngọc. Truyền thống Nho học ấy như một dòng chảy bất tận xuyên suốt cả ngàn năm lịch sử. Quá trình đó đã để lại trên đất Nghệ An một khối lượng lớn các di sản Nho học. Đó chính là nền văn hóa tư tưởng, tình cảm, phong tục, tập quán, trước tác và các công trình, hiện vật, kiến trúc thấm đẫm nhân sinh quan Nho giáo, mà Nhà Thánh Vân Tập là công trình tiêu biểu và cổ nhất còn lại cho đến ngày nay.
Hai xã Diễn Ngọc và Diễn Thành (Diễn Châu) từ trên cao. Ảnh tư liệu: Sách Nguyễn |
Người khai khoa và sự tôn vinh hiền tài
Làng Vân Tập, xã Minh Châu, huyện Diễn Châu là vùng đất có truyền thống khoa bảng nổi tiếng của Nghệ An các thế hệ sĩ tử của làng nối tiếp nhau đậu đạt, làm rạng rỡ quê hương. Niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 13 (1717) ông Nguyễn Thiện Thuật thi đỗ Hiệu sinh và trở thành người khai khoa cho làng Vân Tập. Vốn là người trọng đạo nghĩa, lại am tường địa lý, nên ông đã chọn đất, bỏ tiền và đứng ra kêu gọi nhân dân góp công, góp của xây dựng văn chỉ của làng để thờ các bậc Tiên Thánh, Tiên Sư để khuyến khích việc học hành thi cử và như một lời nhắc nhở về truyền thống tôn sư trọng đạo, giữ lề thói thuần phong, mỹ tục. Về sự kiện này, văn bia có đoạn chép: “Văn chỉ của hội ta đã có từ lâu vậy, không biết là có từ khi nào. Đến khoảng niên hiệu Vĩnh Thịnh (1705 – 1719, Lê Dụ Tông) triều Lê, Nguyễn Thiện Thuật tiên sinh mở đầu văn khoa, bèn chọn đất này lập Văn chỉ". Đây là Văn chỉ cổ nhất còn lại trên địa bàn hiện nay.
Kể từ khi Nhà Thánh được xây dựng, làng Vân Tập có 14 người đậu Sinh Đồ (Tú tài), 4 người đậu Hương cống (Cử nhân), 2 người đậu Tam trường (Phó Bảng)... trong đó, tiêu biểu là: Tam trường Nguyễn Trung Thứ, Giám sinh Nguyễn Trọng Mưu, Hương cống Nguyễn Trung Mậu, Cử nhân Nguyễn Trung Tỉnh...
Nhà Thánh Vân Tập được xây dựng trên một vùng đất bằng phẳng, cao ráo, ngoảnh mặt theo hướng Đông Nam, quần tụ giữa khu dân cư trù mật, còn phía sau là sông Bùng bao bọc chảy từ Tây sang Đông. Nơi đây còn có nhiều di tích, danh thắng nổi tiếng như lèn Hai Vai, nhà thờ họ Võ, nhà thờ họ Nguyễn Danh, đền Đệ Nhất, đền thờ Tiến sĩ Đàm Văn Lễ, Giác Thiện Đàn, đền thờ Tạ Công Luyện, đền Đạu, đình Trung Phường, chùa Cổ Am... đã tạo nên khung cảnh thôn quê vừa dân dã, thanh bình lại mang màu sắc tâm linh, tín ngưỡng.
Việc phối thờ những người đỗ đạt ở Nhà Thánh, trong đó có những người đỗ đầu của làng và khắc tên trên bia đá là sự tôn vinh “hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, xứng đáng được xã hội tôn vinh, ngưỡng vọng, đồng thời thông qua những tấm gương ấy khuyến khích tinh thần hiếu học, vươn lên của các thế hệ con em trong vùng.
Nhà thánh Vân Tập. Ảnh: Trí Cường |
Nơi lưu giữ những giá trị lịch sử
Nhà Thánh có kết cấu kiến trúc kiểu chữ “Nhất”, có kết cấu vì kèo “thượng giao nguyên hạ kẻ”, một lối kết cấu khá phổ biến ở Việt Nam dưới thời trung đại. Kết cấu này kế thừa và phát triển kết cấu ở các thế kỷ trước, vừa đảm bảo sự chắc chắn để trường tồn với thời gian mà còn tạo ra không gian rộng rãi, thoáng đãng. Trở thành nơi hội tụ những tinh hoa văn hóa của làng Vân Tập xưa. Trước kia, đây là một trong những điểm sinh hoạt văn hóa truyền thống, nơi gặp gỡ của các văn sỹ, nho sỹ, các tao nhân mặc khách, nơi giảng sách, bình văn, nơi diễn ra lễ cầu khoa. Những quy cách và các hình thức sinh hoạt văn hóa ở đây đã từng là đề tài hấp dẫn cho các văn thân, sĩ tử.
Các sinh hoạt nói trên chủ yếu gắn liền với Hội Tư văn. Đây là hội những người đi học chữ Thánh hiền, họ là những tri thức trong xã hội đương thời. Các việc tế lễ trong làng cũng đều do hội đảm nhiệm. Hội viên của Hội Tư văn rất được dân làng kính trọng. Vì vậy, được là thành viên của Hội Tư văn là cả một vinh dự lớn. Nếu làm quan võ mà không biết chữ thì cũng không được vào hội. Khác với những phường, hội khác, Hội Tư văn làng Vân Tập có quy chế, quy ước chặt chẽ, việc sinh hoạt của hội được duy trì thường xuyên.
Ngoài việc phân biệt ngôi thứ theo tuổi tác, chức tước thì Hội Tư văn có quy ước đặc biệt, đó là phân chia ngôi thứ theo khoa cử. Nghĩa là ai đậu cao thì được ngồi trên, bất kể tuổi tác, chức tước.
Đặc biệt, Hội Tư văn ở làng Vân Tập có ruộng học riêng. Ruộng học một phần được làng cấp cho, một phần do hội bỏ tiền ra mua, một phần khác do những người hảo tâm cúng cho hội... Ngoài ra, ruộng học còn được sử dụng để chu cấp cho học trò nghèo học giỏi và biếu tặng các vị khoa mục đậu đạt cao để khuyến khích sự học của con em trong làng Vân Tập.
Văn bia "Vân Tập văn chỉ bi ký". Ảnh: Trí Cường |
Nhà Thánh Vân Tập hiện vẫn còn lưu giữ được nhiều văn bia ghi lại sinh hoạt tín ngưỡng của làng. Đây có thể xem là những hiện vật có giá trị nhất. Trong đó, phải kể tới văn bia 4 mặt được thi công mùa Xuân Quý Hợi năm 1863, niên hiệu Tự Đức thứ 16, do Thám hoa Nguyễn Đức Đạt soạn văn, Phó bảng Nguyễn Trung Tỉnh viết chữ và Nghệ nhân Nguyễn Hữu Hạnh điêu khắc. Bia 4 góc khắc gờ nổi sống khế tạo thành khung diềm được khắc các họa tiết hoa văn, dây lá, hoa thị, hoa văn hình học, hổ phù. Bốn mặt bia khắc chữ Hán nét khắc tinh tế, sắc sảo. Mặt trước ghi quá trình xây dựng văn bia, mặt sau ghi danh các vị đậu hiệu sinh, sinh đồ qua các triều đại; mặt trái: Các vị tiên sinh đậu giải thi hương qua các triều đại, mặt phải ghi tên tuổi của các vị đậu đại khoa qua các triều đại, những người đậu Hương cống, mặt sau ghi danh những người đậu Tú tài. Ngoài ra, còn có văn bia 2 mặt được làm bằng đá xanh vào ngày 15 tháng 3 năm Mậu Dần (1878) niên hiệu Tự Đức thứ 31, do Cụ Phó bảng Nguyễn Trung Tỉnh soạn văn, ông Cao Thức Như phác thảo, ông Nguyễn Trung Tuấn viết chữ và ông Nguyễn Văn Quán điêu khắc. Mặt trước ghi việc tế lễ, mặt sau ghi lại ruộng đất và những người công đức ruộng cho nhà Thánh. Trải qua hàng trăm năm, nhưng những hiện vật này vẫn giữ được cơ bản các yếu tố gốc. Chứng tỏ ý thức gìn giữ di sản văn hóa của cha ông trên mảnh đất này luôn được chú trọng, quan tâm từ đời này sang đời khác.
Nhà Thánh Vân Tập cũng là nơi để diễn ra các kỳ tế lễ định kỳ. Tuy nhiên, việc tế lễ ở đây không mang tính huyền diệu, hướng người ta đến thế giới tâm linh, phụ thuộc vào thần quyền như ở đền, miếu mà nó mang tính chất tưởng niệm, giáo dục. Vì vậy, tại Nhà Thánh Vân Tập không có việc cầu tài, cầu lộc mà chỉ có cầu học. Với ý nghĩa “Tiên học lễ, hậu học văn” người ta cầu đạo của thánh hiền trước hết để làm cho con người có đạo đức, nhân cách, sau đó đem cái kiến thức của mình có được để phục vụ cộng đồng.
Dưới thời trung đại, cùng với việc xây dựng văn miếu ở kinh đô và các tỉnh, thành, thì hệ thống văn từ, văn chỉ lan xuống tận thôn, xóm. Điều đó thể hiện truyền thống tôn sư, trọng đạo và tinh thần hiếu học của nhân dân ta, đồng thời phản ánh một nền giáo dục có hệ thống, quy chuẩn từ thấp đến cao, mà Nhà Thánh Vân Tập là minh chứng điển hình nhất. Dù thời thế đã thay đổi nhưng hiện nay Nhà Thánh Vân Tập vẫn chính là biểu tượng có giá trị to lớn trong việc giáo dục giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp, đề cao tinh thần yêu nước, yêu thiên nhiên và qua đó góp phần hình thành nhân cách con người, xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, văn minh.