Đưa Việt Nam có tên trên bản đồ sản xuất thiết bị viễn thông của thế giới
(Baonghean.vn) - Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Ngành Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cần thực hiện sứ mệnh lớn hơn đó là làm sao 5-10 năm nữa trên bản đồ sản xuất thiết bị viễn thông có tên Việt Nam.
Sáng 12/1, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021.
Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Xuân Phúc - Thủ tướng Chính phủ; Võ Văn Thưởng,Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.
Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Vũ Đức Đam - Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ TT&TT cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương.
Các đại biểu tham dự điểm cầu Trung ương. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Tiên phong công nghệ số, chuyển đổi số
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, sự di chuyển từ thế giới thực vào thế giới số là sự di chuyển vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại.
Trong cuộc di chuyển này, thách thức lớn và cơ hội lớn luôn đi song hành. Công nghệ số, chuyển đổi số và báo chí truyền thông có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự chuyển đổi này. Đây cũng là cơ may hiếm có để ngành TT&TT định vị lại mình, nhìn rõ các thách thức và xác định đúng không gian mới đóng vai trò quyết định cho mọi sự phát triển.
Theo báo cáo của Bộ TT&TT, năm 2020, ngành Thông tin và Truyền thông tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ. Toàn ngành có gần 60.000 các đơn vị, trên 1 triệu cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc ngày đêm, góp phần vào sự phát triển đất nước.
Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Lê Ngọc Hoa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Ảnh: Thanh Lê |
Trong giai đoạn 2016-2020, ngành TT&TT đã đạt được nhiều kết quả. Đó là, bưu chính tăng hạng từ thứ 57 lên thứ 49; ICT tăng hạng từ thứ 108 lên thứ 77; Chính phủ điện tử tăng hạng từ thứ 89 lên thứ 86. Đặc biệt, an toàn, an ninh mạng tăng hạng đột phá từ thứ 100 lên thứ 50. Tổng số nhân lực tham gia hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp ICT tăng từ 780.000 lên hơn 1 triệu người.
Lĩnh vực bưu chính luôn có mức tăng trưởng cao, tăng trưởng doanh thu trung bình trên 30%/năm. Năm 2020 đã thử nghiệm thành công thương mại mạng và dịch vụ viễn thông 5G.
Việt Nam trong nhóm 10 quốc gia có mức độ triển khai địa chỉ Internet thế hệ mới cao nhất toàn cầu. Thứ hạng viễn thông Việt Nam đã nâng hạng từ thứ 108 năm 2018 lên 77 năm 2020.
Đặc biệt, trong giai đoạn 2016-2019, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những nước dẫn đầu thế giới về sản xuất công nghiệp phần cứng, điện tử - viễn thông; đứng thứ 2 về sản xuất điện thoại và linh kiện, thứ 10 thế giới về sản xuất điện tử và linh kiện, vượt qua nhiều cường quốc như Hoa Kỳ, Đức, Ấn Độ, Brazil, Singapore. Đây cũng là 2 mặt hàng chiếm vị trí số 1 và 3 trong danh sách 10 sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đưa ngành công nghiệp ICT Việt Nam trở thành ngành xuất khẩu và xuất siêu lớn nhất của nền kinh tế.
Năm 2020 đánh dấu mốc lần đầu tiên Việt Nam công bố chính thức về định hướng phát triển doanh nghiệp công nghệ số, chiến lược Make in Viet Nam. Số doanh nghiệp công nghệ số tăng 28%, đạt gần 60.000 doanh nghiệp.
Ngành TT&TT cũng đã khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của báo chí trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hoạt động xuất bản, in và phát hành tiếp tục phát triển và đi vào nề nếp...
Tại hội nghị, các tham luận đã tập trung về các nội dung: Chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử; Công tác sắp xếp, quy hoạch báo chí; công tác in ấn, phát hành.
Tạo bước tiến mới
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận, đánh giá cao kết quả của ngành TT&TT trong năm 2020. Triển khai nhiệm vụ thời gian tới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị ngành TT&TT cần khơi dậy sáng tạo, quyết tâm khát vọng và quan trọng hơn là chỉ ra được cách làm đổi mới mạnh mẽ hơn, tiên phong chuyển đổi số, công nghệ số tiếp tục tạo ra bước tiến mới, phát triển nền công nghiệp công nghệ thông tin.
Theo Phó Thủ tướng, ngành TT&TT cần thực hiện sứ mệnh lớn hơn đó là tiếp tục tạo bước đột phá mạnh mẽ, làm sao 5-10 năm nữa trên bản đồ sản xuất thiết bị viễn thông có tên Việt Nam.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kêu gọi sự đồng tình hưởng ứng của các bộ, ngành Trung ương, chính quyền các địa phương đẩy mạnh ứng dụng CNTT triệt để, để minh bạch hơn, gần dân hơn để Chính phủ cũng như chính quyền các cấp vừa quản lý, vừa phục vụ nhân dân tốt hơn.
Ứng dụng CNTT trong quản lý giám sát điều hành giao thông vận tải. Ảnh: Thanh Lê |
Tại hội nghị đã công bố Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số. Công bố nền tảng hỗ trợ chuyển đổi số cho các cơ quan báo chí. Khai trương Cổng thông tin tiếp nhận phản ánh và công bố tin giả và ra mắt đầu số tiếp nhận phản ánh tin giả 18008108.
Một số kết quả cụ thể của ngành Thông tin và Truyền thông năm 2020:
- Tổng doanh thu toàn ngành Thông tin và Truyền thông năm 2020 đạt 3.063.606 tỷ đồng.
- Tổng nộp ngân sách nhà nước toàn ngành Thông tin và Truyền thông năm 2020 đạt 105.876 tỷ đồng.
- Doanh thu bưu chính năm 2020 đạt 56.500 tỷ đồng.
- Tỷ lệ hộ gia đình kết nối Internet năm đạt 75%.
- Thuê bao băng rộng di động/100 dân của Việt Nam so với thế giới đạt 76,42%.
- 100% bộ, ngành, địa phương có nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu.
- Tổng doanh thu công nghệ ICT năm 2020 đạt 120.607 tỷ USD.
- Năm 2020 có 90,5 triệu người dùng mạng xã hội ở Việt Nam.
- Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cả nước đạt 30,86%.
- Tỷ lệ dịch vụ công mức độ 3, 4 có phát sinh hồ sơ trực tuyến cả nước đạt 38,38%.