Chuyển giao quyền lực tại Nhà trắng: Nước cờ hiểm trong những ngày tàn

Hoàng Bách 13/01/2021 09:03

(Baonghean.vn) - Khi mà thời gian tại nhiệm chỉ còn được tính bằng ngày, vào đầu tuần này, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump khá gây bất ngờ khi tuyên bố đưa Cuba trở lại danh sách “các nước bảo trợ khủng bố” của Mỹ, kèm theo nhiều biện pháp trừng phạt mới. Đây là động thái đặt ra nhiều trở ngại cho chính quyền sắp nhậm chức, nhất là khi tổng thống đắc cử Joe Biden đã hứa sẽ khôi phục tình trạng bớt căng thẳng trong mối quan hệ với La Habana như dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama.

Cú thụt lùi chính sách đối ngoại

Ở thời điểm chỉ còn 9 ngày nữa là vị Tổng thống xuất thân đảng Cộng hòa Donald Trump nói lời từ biệt với chiếc ghế quyền lực tại Nhà Trắng, nhà ngoại giao số 1 của ông - Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tuyên bố đưa Cuba quay trở lại có tên trong danh sách “đen”. Lập luận được chính quyền sắp mãn nhiệm của xứ cờ hoa đưa ra là đảo quốc láng giềng “liên tục cung cấp sự ủng hộ cho các hành động khủng bố quốc tế” thông qua việc chứa chấp những kẻ đào tẩu Mỹ và thủ lĩnh phiến quân Colombia.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vừa tuyên bố Mỹ đưa Cuba trở lại danh sách bảo trợ khủng bố. Ảnh: AP
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vừa tuyên bố Mỹ đưa Cuba trở lại danh sách bảo trợ khủng bố. Ảnh: AP

Bên cạnh đó, ông Pompeo cũng viện lý do là sự ủng hộ về an ninh của La Habana dành cho Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, điều mà theo Mỹ là tạo điều kiện để nhà lãnh đạo Nam Mỹ duy trì gọng kìm quyền lực và tạo ra “một môi trường dễ dãi cho các phần tử khủng bố quốc tế sinh sôi nảy nở trong lãnh thổ Venezuela”. Tuyên bố của vị ngoại trưởng của chính quyền đã ở lúc “chiều tà” có đoạn: “Bằng hành động này, chúng tôi sẽ một lần nữa quy trách nhiệm cho Cuba và gửi đi một thông điệp rõ ràng: Chính quyền Castro phải chấm dứt sự ủng hộ đối với chủ nghĩa khủng bố quốc tế và đảo ngược công lý của Mỹ”.

Không khó để nhận ra rằng, việc đưa Cuba quay trở lại danh sách bảo trợ khủng bố của Mỹ, đứng cạnh những quốc gia khác như Triều Tiên, Iran, Syria, là một trong vài động thái chính sách đối ngoại “phút chót” của chính quyền Trump trước khi ông Biden chính thức nhậm chức vào ngày 20/1. “Nước cờ” này đảo ngược tình thế xoa dịu căng thẳng trong mối quan hệ giữa các cựu thù thời Chiến tranh Lạnh, vốn có được nhờ sự can thiệp và nỗ lực thúc đẩy dưới thời cựu Tổng thống Obama. Nói cách khác, việc ông Obama quyết định chính thức rút Cuba khỏi danh sách bảo trợ khủng bố vào năm 2015 là bước đi quan trọng hướng tới khôi phục các quan hệ ngoại giao vào thời điểm ấy, nay bỗng chốc như “đổ sông đổ bể” “nhờ” người kế nhiệm là ông Trump.

Bất ngờ? Có và không!

Với nhiều người, việc chính quyền Trump đưa Cuba trở lại danh sách bảo trợ khủng bố nửa gây bất ngờ, nửa không. Sở dĩ nói vậy là bởi, đáng lẽ như thông lệ, khi mà thời khắc chuyển giao đã tiệm cận, những quyết định hệ trọng sẽ ít được đưa ra, thay vào đó, chính quyền sắp mãn nhiệm sẽ dành thời gian để đảm bảo cho việc chuyển giao quyền lực diễn ra suôn sẻ, trơn tru. Nhưng với một nhân vật khó dự đoán và “khác lạ” như ông Trump, mọi khả năng đều có thể xảy ra.

Chính quyền Trump vừa có bước đi được xem là
Chính quyền Trump vừa có bước đi được xem là "trói tay" người kế nhiệm Biden. Ảnh: dpa

Đó là chưa kể thực tế rằng, kể từ thời điểm trở thành chủ nhân Phòng Bầu dục 4 năm trước đến tận hôm nay, ông Trump luôn muốn tìm cách đảo ngược nhiều quyết định của người tiền nhiệm Obama liên quan đến Cuba. Bằng lập trường cứng rắn đối với La Habana, vị tổng thống thứ 45 của Mỹ đã áp đặt trở lại nhiều vòng trừng phạt mà chính quyền Obama đã nới lỏng hoặc dỡ bỏ sau khi khôi phục hoàn toàn quan hệ ngoại giao với Cuba năm 2015. Thậm chí, sau một chiến dịch chĩa mũi nhọn tấn công các động thái bình thường hóa quan hệ với Cuba của ông Obama, từ năm 2017, ông Trump đã chèo lái để khiến những sợi dây kết nối đôi bên thêm phần căng thẳng.

Vậy hệ quả của những tuyên bố từ chính quyền Mỹ hôm thứ Hai là gì? Đó là hầu hết việc đi lại từ Mỹ đến Cuba, cũng như việc gửi kiều hối từ Mỹ về Cuba sẽ bị cấm đoán, trong khi đây là nguồn thu khá quan trọng của đảo quốc này. Nhưng xét cho cùng, trong bối cảnh hoạt động kinh doanh vốn dĩ đã lao đao do tác động của đại dịch Covid-19 kèm theo những biện pháp trước đó như lệnh cấm của Trump đối với các du thuyền và quy định hạn mức chuyển tiền, thì với bước đi vừa rồi, có lẽ tác động đáng kể nhất sẽ nằm ở phương diện ngoại giao. Nói cách khác, việc đưa Cuba trở lại danh sách quốc gia bảo trở khủng bố, từ góc nhìn của La Habana có lẽ mang nặng tính biểu trưng hơn là có tác động thực tế.

Làn sóng chỉ trích

Có quan điểm cho rằng, “nước cờ” của ông Trump khá hiểm, ở chỗ sẽ để lại “dư âm” cho người kế nhiệm gánh vác, làm chậm bất cứ sự ấm lên nào trong các quan hệ của La Habana với chính quyền Biden - nhân vật trong quá trình vận động tranh cử từng khẳng định sẽ nhanh chóng đảo ngược các chính sách của Trump với Cuba “vốn gây hại cho người dân Cuba và chẳng giúp ích gì cho việc thúc đẩy dân chủ và nhân quyền”. Thực vậy, việc dỡ bỏ biện pháp ấy sẽ mất tối thiểu 1 năm, đòi hỏi Chính phủ Mỹ phải nghiên cứu kỹ lưỡng. Ấy là chưa kể vẫn có người đặt ra nghi vấn, liệu rằng ông Biden - người vốn không đóng vai trò quan trọng nào trong việc chính quyền Obama cởi mở với Cuba - có sẵn lòng đầu tư “vốn liếng” chính trị như ông Obama từng làm mà không đòi hỏi đổi lại bất cứ điều gì từ ban lãnh đạo Cuba hay chăng?

Được biết, các phụ tá của ông Biden đã tuyên bố rằng, việc ông Trump trong suốt 11 giờ đồng hồ liên tục đưa ra các thông báo về các biện pháp trừng phạt cùng các động thái khác nhằm vào các mục tiêu gồm Cuba, Venezuela và Iran có vẻ như nhằm “trói tay” nhà lãnh đạo mới khi ông Biden tuyên thệ vào ngày 20 tới. Một quan chức trong chính quyền Biden tiết lộ: “Chúng tôi đã lưu ý những động tác phút chót này. Ê kíp chuyển giao đang xem xét từng cái một”.

Cuộc sống của người dân Cuba bị ảnh hưởng khá lớn do đại dịch Covid-19. Ảnh: AP
Cuộc sống của người dân Cuba bị ảnh hưởng khá lớn do đại dịch Covid-19. Ảnh: AP

Từ phía Cuba, Ngoại trưởng Bruno Rodriguez cũng chia sẻ quan điểm trên mạng xã hội Twitter sau khi hay tin Washington, chỉ trích: “Chúng tôi lên án việc Mỹ bất chấp đạo lý xem Cuba là một quốc gia bảo trợ chủ nghĩa khủng bố. Chủ nghĩa cơ hội về chính trị của Mỹ được những người thực sự quan ngại về tai họa của chủ nghĩa khủng bố cùng các nạn nhân của nó công nhận”. Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ Patrick Leah, một người ủng hộ việc hâm nóng quan hệ với Cuba dưới thời Obama cũng lên án ông Pompeo có động thái “bị chính trị hóa một cách trắng trợn”, thậm chí khẳng định “chủ nghĩa khủng bố trong nước tại Mỹ còn đặt ra mối đe dọa lớn hơn nhiều với người dân Mỹ”. Trong khi đó, vốn là thành viên phe Cộng hòa, tân chủ tịch Ủy ban các vấn đề đối ngoại của Hạ viện Mỹ Gregory Meeks cũng nhận xét tương tự: “Việc chỉ định Cuba là quốc gia bảo trợ khủng bố khi chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa là ông Trump hết nhiệm kỳ tổng thống và sau khi ông ta khơi mào cuộc tấn công khủng bố trong nước nhằm vào thủ đô nước Mỹ… điều đó thật đạo đức giả”.

Tóm lại, có lẽ như một số người quan sát nhận định, ông Trump thuộc tuýp người muốn thể hiện quyền lực đến tận những ngày cuối tại nhiệm, chứ không chấp nhận mang danh “tổng thống vịt què” khi nhiệm kỳ của mình đã bước vào hoàng hôn, nên mới có những bước đi “chẳng giống ai” và để lại những hệ lụy khó đỡ cho nhà lãnh đạo thứ 46 tìm cách gỡ rối. Và mối quan hệ của Mỹ với Cuba sau ngần ấy trắc trở, ắt hẳn sẽ vẫn còn phải vượt nhiều trở ngại nữa mới có thể đạt được sự hữu hảo như kỳ vọng dưới thời Obama.

Hoàng Bách