Chuyện Bộ đội Biên phòng Nghệ An xây nhà không dùng để ở

Hoài Thu 19/01/2021 16:17

(Baonghean.vn) - Cán bộ, chiến sỹ Đồn biên phòng Mỹ Lý gom góp tiền lương, tự tay san nền, đục đẽo từng thanh gỗ để dựng nên ngôi nhà ba gian khang trang, song không dùng để ở. Ấy vậy mà từ ngày khai trương đã có hàng trăm người dân tìm đến, và cả những tổ chức, cá nhân hảo tâm cũng mang của cải, vật chất đến ủng hộ ngôi nhà này.

NIỀM VUI CỦA MẸ PÒNG

Ngôi nhà đặc biệt đó được mang tên "Ngôi nhà thiện nguyện - Ai cần đến lấy, ai có sẻ chia "đã lan tỏa hơi ấm yêu thương đến người dân nghèo, kết nối những tấm lòng thiện nguyện giữa mùa đông băng giá. “Được cán bộ bản và Đồn Biên phòng Mỹ Lý thông báo hôm nay có quần áo miễn phí, ai cần thì đến lấy nên mẹ và các cháu đến đây để chờ được chọn lựa. Vui quá nên khi con gà chưa gáy sáng mẹ đã dậy để chuẩn bị đi”, bà Cụt Mẹ Pòng vui vẻ cho biết.

Bà Cụt Mẹ Pòng (SN 1961), sinh sống tại bản Huồi Cáng 1, xã Bắc Lý - nơi được chọn để xây dựng “Ngôi nhà thiện nguyện ai cần đến lấy - ai có sẻ chia”. Dáng người gầy gò, nhỏ thó, bà Mẹ Pòng dắt theo 2 đứa cháu nhỏ, đứa lên hai, đứa lên ba quần áo lấm lem, mỏng manh trong cái lạnh co ro 6 - 7 độ C nơi núi rừng miền biên giới. Mặc dù nhà khá gần với địa điểm của “Ngôi nhà thiện nguyện”, nhưng khi sương núi còn chưa tan hết, 3 bà cháu đã đến ngồi chờ trước sân.

Bằng tiếng Kinh nhiều từ còn trọ trẹ, trò chuyện về hoàn cảnh gia đình, bà Pòng cho biết, bà có 7 người con, chồng mất từ năm 2008. Hiện bà ở với đứa con út, phụ giúp các con trông nom mấy đứa cháu. “Đứa con gái lấy chồng ở Mỹ Lý có 3 đứa, thằng thứ hai lấy vợ bản kế bên có 4 đứa…”, bà Pòng lần theo trí nhớ của mình vừa kể tên các con, vừa đếm được tất cả 19 đứa cháu nội, ngoại.

Bà Cụt Mẹ Pòng, bản Huồi Cáng 1 xã Bắc Lý (Kỳ Sơn) chọn quần áo ấm cho các cháu. Ảnh: Hoài Thu
Bà Cụt Mẹ Pòng, bản Huồi Cáng 1 xã Bắc Lý (Kỳ Sơn) chọn quần áo ấm cho các cháu. Ảnh: Hoài Thu

Rồi bà hỏi: “Có cửa hàng cho chọn đồ áo, sách, vở miễn phí thật vui quá. Bà có thể lấy cho mỗi cháu 1 thứ đồ áo ấm được không? Mùa Đông năm nay lạnh quá, lạnh đến nỗi bà không lên nương rẫy được, phải ngồi ở nhà đốt củi sưởi ấm. Không có tiền mua áo quần nên các cháu đi học không có đủ áo ấm để mặc, lạnh nên có đứa ốm rồi”. Nói rồi, bà cười với ánh mắt lấp lánh niềm vui.

Cũng như mẹ Pòng, rất nhiều người dân nghèo của xã Bắc Lý đã đến đây từ tinh mơ, khi màn sương và giá buốt còn bao phủ núi rừng. Ông Cụt Văn Hoàng ở bản Huồi Cáng 2, một bản khá xa trung tâm xã Bắc Lý cũng đến từ sáng sớm. Người đàn ông tuổi ngoại ngũ tuần vận trên mình một chiếc áo sơ mi và chiếc quần nâu ống rộng đã cũ sờn, khuôn mặt hốc hác, gầy gò như xạm đen hơn bởi cái lạnh tê tái bủa vây. Nhà xa, nhưng ông vẫn dậy để đến thật sớm.

Ông Cụt Văn Hoàng cho biết, bản làng nơi ông sinh sống có 39 hộ với 320 nhân khẩu, hầu như nhà nào cũng nghèo, nhiều nhà không có đủ tiền mua quần áo ấm cho con cái. Vì thế, biết được Đồn Biên phòng Mỹ Lý xây dựng cả một ngôi nhà chứa quần áo ấm, sách, vở phát miễn phí cho học sinh, ông và bà con bản Huồi Cáng 2 phấn chấn lắm, ai cũng đến từ tinh mơ để chờ được chọn quà, mặc dù biết chính quyền thông báo là 9 giờ mới bắt đầu mở cửa.

Bộ đội Đồn BP Mỹ Lý giúp em nhỏ mặc áo ấm ngay tại Ngôi nhà thiện nguyện. Ảnh: Hoài Thu
Bộ đội Đồn Biên phòng Mỹ Lý giúp em nhỏ mặc áo ấm ngay tại Ngôi nhà thiện nguyện. Ảnh: Hoài Thu

Không chỉ người dân bản Huồi Cáng 1 và 2 mà nhiều bản khác, trước giờ “khai trương” “Ngôi nhà thiện nguyện ai cần đến lấy - ai có sẻ chia”, bà con đã kéo đến đông đúc, trong đó chủ yếu là người già và trẻ em. Nhiều em nhỏ mong manh, co ro trong tấm áo mỏng, chân đi đôi dép cũ sờn, đứt nham nhở, nhiều cụ già tóc đã bạc, lưng đã còng, nhiều chị gái địu theo con nhỏ, có cháu mới chỉ 1 tháng tuổi, có cháu 5 -7 bảy tháng tuổi…Chứng kiến cảnh người dân nô nức, phấn khởi đến chọn quà, ông Cụt Văn May - Phó Chủ tịch UBND xã Bắc Lý bày tỏ: “Chính quyền xã rất cảm động vì việc làm ý nghĩa của Đồn Biên phòng Mỹ Lý. Biết được chủ trương về xây dựng “Ngôi nhà thiện nguyện”, chính quyền xã rất đồng tình, tích cực hỗ trợ đồn biên phòng sớm hoàn thành ngôi nhà”.

Huồi Cáng 1 là bản trung tâm của xã nghèo Bắc Lý, nên được cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Mỹ Lý lựa chọn để xây dựng “Ngôi nhà thiện nguyện ai cần đến lấy - ai có sẻ chia”. Ngôi nhà là nơi tập trung trưng bày quần áo ấm, sách, vở, đồ dùng học tập miễn phí phục vụ người dân trên địa bàn 25 bản, làng của 2 xã Bắc Lý, Mỹ Lý. Ngày 10/1/2021, chính thức mở cửa phục vụ người dân 25 bản, làng thuộc 2 xã Mỹ Lý, Bắc Lý vào 3 ngày cuối tất cả các tuần.

Bắc Lý là xã nghèo của huyện nghèo Kỳ Sơn, có đông đồng bào dân tộc Khơ mú sinh sống, địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt. Riêng xã Bắc Lý có 920 hộ, với gần 5.000 nhân khẩu. Trong số 13 bản thì có 11 bản là người dân tộc Khơ mú. Tính đến tháng 10/2020, xã Bắc Lý có 540 hộ nghèo, chiếm 58,95%, và có 355 hộ cận nghèo, chiếm 39,76% dân số.

ĐẦM ẤM TÌNH NGƯỜI

Biết được tin tức về ngôi nhà thiện nguyện, trước giờ khai trương, cô giáo Lương Thị Tiếp ở Trường Mầm non Bắc Lý cùng đồng nghiệp đã đến phụ giúp các chiến sỹ quân hàm xanh là ủi và bày biện quần áo, sách, vở để chuẩn bị tặng miễn phí cho người dân, trong đó, có các học sinh thân yêu của trường mình giảng dạy. Mặc dù là đồ áo cũ, nhưng với bàn tay chăm chút, nâng niu của các cô giáo cũng trở nên sáng đẹp, tinh tươm hơn.

Cán bộ, chiến sỹ Đồn biên phòng Mỹ Lý sắp xếp sách vở, tự tay vẽ tranh cổ động tuyên truyền phòng chống Covid-19 treo tại Ngôi nhà thiện nguyện. Ảnh: Hoài Thu

Để có được ngôi nhà gỗ 3 gian khang trang, nền lát gạch sạch sẽ để trưng bày quần áo, sách, vở, cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Mỹ Lý đã có một thời gian dài nỗ lực vừa góp tiền, vừa tự tay chuẩn bị từng vật liệu nhỏ, tự tay thi công từ san lấp nền đến đẽo gọt từng mảnh gỗ khi hoàn thiện.

Thiếu tá Hoàng Thế Tài - Chính trị viên Đồn Biên phòng Mỹ Lý cho biết, địa bàn phụ trách của Đồn Biên phòng Mỹ Lý là 2 xã Mỹ Lý, Bắc Lý, trong đó, đặc biệt có xã Bắc Lý người dân còn nhiều khó khăn, địa hình xa xôi hiểm trở. Có những bản như Cha Nga, Kẻo Nam cách trung tâm xã Bắc Lý 20 - 25 km, đường đi lầy lội, dốc đứng, những ngày mưa thì hầu như các bản xa bị chia cắt, rất khó khăn trong đi lại.

Thêm vào đó, thổ nhưỡng nhiều nơi cằn cỗi, không có nhiều quỹ đất nên việc sản xuất nông nghiệp của bà con cũng gặp nhiều khó khăn. “Bên cạnh bám địa bàn thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ biên giới, chúng tôi còn muốn góp chút tâm huyết, công sức của mình giúp người dân vơi bớt khó khăn, vì vậy, ý tưởng xây dựng “Ngôi nhà thiện nguyện” đã ra đời và được thực hiện trong thời gia khá dài. Từ giữa năm 2019 chúng tôi bắt đầu vận động, kêu gọi ủng hộ quần áo ấm. Song song với việc gom quần áo, sách, vở cũ còn dùng tốt, cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Mỹ Lý cũng tiến hành quyên góp tiền, tận dụng gỗ phụ để xây dựng nhà”, Thiếu tá Hoàng Thế Tài cho biết.

Phó Chủ tịch UBND xã Bắc Lý Cụt Văn May cho biết, hàng năm, trên địa bàn xã Bắc Lý cũng có một số đoàn thiện nguyện đến tặng quà, chủ yếu dịp mùa Đông giáp Tết âm lịch, và các đoàn thiện nguyện thường tặng quần áo ấm, lương thực cho học sinh và một số hộ nghèo ở một số bản gần trung tâm xã. Xã Bắc Lý địa hình đồi núi cao, đường đi dốc đứng, rất khó khăn nên nhiều đoàn thiện nguyện không có khả năng đi vào tận bản xa. Chính quyền địa phương cũng đã hỗ trợ, song so với nhu cầu của người dân trải đều trong năm thì còn thiếu thốn.

Các em nhỏ hào hứng lựa chọn sách miễn phí. Ảnh: Hoài Thu
Các em nhỏ hào hứng lựa chọn sách miễn phí. Ảnh: Hoài Thu

Điều này cán bộ Đồn Biên phòng Mỹ Lý hiểu rất rõ, họ ngày đêm bám nắm địa bàn và rất trăn trở về những biện pháp giúp người dân vơi bớt khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Ngôi nhà thiện nguyện ra đời cũng xuất phát từ tâm huyết đó, khiến địa phương chúng tôi rất cảm kích. Các chiến sỹ biên phòng đã thực sự xem biên giới là nhà, bà con là người thân ruột thịt, mỗi việc các anh làm đều từ tấm lòng chân thành, không chỉ để xây dựng địa bàn biên giới bình yên, mà còn mong muốn giúp bà con sớm thoát khỏi cái đói, cái nghèo.

Ngày khai trương “Ngôi nhà thiện nguyện ai cần đến lấy - ai có sẻ chia”, không chỉ có hàng trăm người dân nghèo ở Bắc Lý nô nức kéo đến, mà ngay từ sáng sớm còn xuất hiện những vị khách đặc biệt đến từ Hà Nội. Lặn lội từ thủ đô xa xôi đến với vùng biên Bắc Lý, đoàn thiện nguyện “Tuổi Canh Tuất” mang theo bánh kẹo, sách, vở và áo ấm để góp vào “Ngôi nhà thiện nguyện”. Một thành viên đoàn thiện nguyện này cho hay, đoàn biết được thông tin về lễ khai trương gian hàng này thông qua sự kết nối với Đồn Biên phòng Mỹ Lý qua những lần đến tặng quà trước đây.

Một lần đến là một lần thương mến, lần sau lại muốn quay lại vì ai cũng thấy thương, thấy bà con mình còn quá nhiều người khó khăn, và thấy cả sự tâm huyết của các anh bộ đội biên phòng. Họ đã dành dụm, chia sẻ đồng lương của mình để xây một ngôi nhà cả trăm triệu đồng để giúp đỡ bà con, khiến nhóm thiện nguyện thấy rằng những sẻ chia của mình còn thật nhỏ nhoi.

Em bé theo mẹ đến chọn áo ấm
Em bé theo mẹ đến chọn áo ấm. Ảnh: Hoài Thu

Bởi vậy, tại lễ khai trương, khi chỉ huy Đồn Biên phòng Mỹ Lý cho biết, tuy ngôi nhà chưa được hoàn chỉnh, còn thiếu kinh phí lắp đặt mái tôn che mưa, nắng cho phần sân phục vụ bà con những khi mưa gió, các thành viên đoàn thiện nguyện “Tuổi Canh Tuất” đã “hội ý” chớp nhoáng, mỗi người tự nguyện góp gần hết số tiền mang theo bên mình để đủ 15 triệu đồng để lắp đặt mái tôn, hoàn thiện ngôi nhà ý nghĩa này. Tiền được trao ngay tại buổi lễ, trước sự chứng kiến của chính quyền, người dân.

“Chia sẻ chút vật chất mình có được, nhưng nhận lại là cả biển trời mênh mông niềm vui, hạnh phúc, thấy mình vẫn còn sống có ý nghĩa, làm được những việc ấm áp tình người dù là nhỏ nhoi”, một thành viên đoàn thiện nguyện xúc động chia sẻ.

Các em nhỏ say sưa đọc sách ngay tại Ngôi nhà thiện nguyện sau khi lựa chọn được sách ưng ý. Ảnh: Hoài Thu

Không chỉ nhóm thiện nguyện “Tuổi Canh Tuất”, khi biết đến ý nghĩa của “Ngôi nhà thiện nguyện” mà Đồn Biên phòng Mỹ Lý xây dựng, Công ty Tập đoàn Thiên Minh Đức - một doanh nghiệp lớn đang đầu tư nhiều công trình trên địa bàn Nghệ An, đã liên hệ và cam kết đồng hành tài trợ để duy trì mô hình này một cách bền lâu. Không chỉ hỗ trợ 50 triệu đồng kinh phí xây dựng ngôi nhà, hàng năm công ty này sẽ thường xuyên cung cấp một số lượng nhất định quần áo, sách, vở mới để góp phần duy trì “Ngôi nhà thiện nguyện” phục vụ nhu cầu người dân nơi đây.

Và khi những hình ảnh, những thông tin về lễ khai trương “Ngôi nhà thiện nguyện” được truyền tải trên báo Nghệ An đã được rất nhiều người chia sẻ trên các trang mạng xã hội Facebook, Zalo. Không chỉ vậy, nhiều tấm lòng hảo tâm đã liên hệ với người đăng tải thông tin để được góp phần ủng hộ bà con xã Bắc Lý, có người muốn góp quần áo cũ của chính gia đình mình, người muốn tặng sách, vở, người thì mua vở mới nhờ tác giả gửi tặng “Ngôi nhà thiện nguyện”…

Các tổ chức, cá nhân hảo tâm trao quà ủng hộ Ngôi nhà Thiện nguyện. Ảnh: Hoài Thu
Các tổ chức, cá nhân hảo tâm trao quà ủng hộ Ngôi nhà Thiện nguyện. Ảnh: Hoài Thu

Và chỉ sau chưa đầy 2 tiếng đồng hồ khai trương, toàn bộ quần áo ấm, sách, vở trưng bày tại “Ngôi nhà thiện nguyện” đã được người dân lựa chọn và mang về. Nhiều em khi chọn được quyển sách ưng ý liền đứng đọc ngay tại chỗ, thậm chí để sách ngay trên sàn nhà, say sưa lật từng trang, chỉ trỏ nhau cùng xem với ánh mắt rạng ngời khiến nhiều người cảm động, yêu thương không nói nên lời.

Niềm vui của người dân khi đến với Ngôi nhà thiện nguyện
Niềm vui của người dân khi đến với Ngôi nhà thiện nguyện. Ảnh tư liệu Hoài Thu

Cháu Moong Văn Thành - học sinh lớp 7, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Bắc Lý tâm sự: "Cháu chưa có đủ sách và vở để học nên đến đây cháu mong sẽ có được những quyển sách mình cần, và có thêm quần áo ấm để mặc". Và rồi, Thành ra về với tập sách trên tay cùng 2 bộ áo quần như còn mới nguyên và nụ cười cứ mãi nở trên môi. Rồi cả những bà, những chị và nhiều em nhỏ khác cũng vui vẻ ra về bởi không chỉ đã có sách, có áo ấm mà còn có cả tình thương mến cùng theo những bước chân về bản nhỏ…

Hoài Thu