SLNA: Sa bàn, thủ lĩnh và các trụ cột
(Baonghean.vn) - Dù có sự thay đổi trên băng ghế chỉ đạo nhưng lâu nay hầu như SLNA luôn tập luyện, đá giao hữu cũng như vào giải chính thức theo sơ đồ cố định 4-4-2 với một đội hình cân đối, vừa đảm bảo phòng ngự, vừa đáp ứng nhiệm vụ tấn công.
Tư tưởng “ăn chắc, mặc bền” có lợi thế là phát huy được điểm mạnh truyền thống của đội bóng nhưng khi gặp đối thủ ngang hoặc trên cơ thì mọi chuyện trở nên phức tạp hơn, thậm chí thua trận rất dễ.
Nếu như mùa giải trước SLNA khá thuận lợi ở những vòng đấu đầu tiên và chỉ chịu lún khi lộ hết bài vở và lực lượng mỏng, thì mùa này đáng lo hơn, đội bóng sớm bị phá sản mọi toan tính, do lỗi cả hệ thống lẫn cá nhân trụ cột. Đó là hàng phòng ngự mỏng, tuyến giữa non khiến cho tử huyệt ở trung tâm hàng thủ bị khai thác triệt để. Vì vậy, ngay từ đầu mọi cầu thủ đã phải nỗ lực hơn 100% phong độ vì vừa phải làm nhiệm vụ của mình, lại còn phải “gánh” khoảng trống do cầu thủ bị thẻ đỏ để lại, không chỉ trong trận đó mà cả 1-2 trận kế tiếp.
Tình hình đó buộc BHL phải tìm mọi cách có thể để vừa vá víu tại chỗ, vừa toan tính dài hơi cho những quân bài chưa lộ diện và chưa biết hiệu quả đến mức nào?
SLNA thi đấu đầy kiên cường. Ảnh: VPF |
Chẳng hạn, ở vị trí trung vệ trong những trận tới, ngoài ngoại binh Jelic khá chắc chắn thì người đá cặp sẽ là Thế Nhật hay Đình Đồng, Xuân Mạnh? (nên nhớ trong một thời điểm khó khăn hồi U23 VN đá ở Thường Châu, ông Park Hang-seo đã kéo Xuân Mạnh từ hậu vệ biên vào đá trung vệ và anh thi đấu không tệ?).
Hay khi Văn Khánh và Bá Sang trở lại, Xuân Mạnh cần được “cắm” vào đâu để tạo cân đối cho đôi cánh khi tham gia phòng ngự và làm ngòi nổ tấn công, chia lửa với Văn Đức, buộc đối thủ phải căng sức… là điều cần được xử lý linh hoạt trong từng trận đấu và cả từng thời điểm.
Sau khi chia tay Khắc Ngọc, SLNA dần quen với việc không phụ thuộc vào một cá nhân biết làm bóng và nhiệm vụ này có vẻ được giao nhiều hơn cho Xuân Mạnh, Đình Tiến… từ bên cánh? Hai cầu thủ này đã có những pha tạt bóng tốt để đồng đội băng lên dứt điểm rất đẹp mắt, chỉ tiếc là các cú dứt điểm cuối cùng thiếu đi một chút may mắn để làm nên chuyện.
Các trung vệ SLNA cần phải tỉnh táo hơn trước những pha phạm lỗi trước vòng cấm. Ảnh: VPF |
Trong khi đó, những pha bóng tấn công trực diện, những cú sút xa uy lực thành bàn (như cú sút của Văn Lắm trận gặp Hà Nội mùa trước không/chưa thấy xuất hiện trở lại?). Hy vọng sự năng nổ của Đình Châu sẽ làm nên một điều gì đó trong những trận đấu tới? Chưa kể, sau khi Khắc Ngọc rời đi, nhiệm vụ đá phạt - ăn bàn vẫn chưa có ai đảm đương nổi? Xuân Mạnh khá tự tin và vẫn phải chờ cơ hội ăn mừng. Văn Lắm đã ghi bàn trong trận đấu tập của U23 VN nhưng tiếc mùa này chưa thể vào sân thi đấu…
Niềm hy vọng lớn nhất của đội bóng lâu nay vẫn dồn cả lên “thủ lĩnh” Văn Đức và cầu thủ này không bao giờ làm người hâm mộ thất vọng. Giá như các ngoại binh sắc bén hơn và được bố trí linh hoạt hơn, giá như Văn Đức ít phải lùi sâu phòng ngự và tìm bóng thì cơ hội tỏa sáng của tuyển thủ này sẽ nhiều hơn, nghĩa là cơ hội có điểm, thậm chí 3 điểm sẽ nhiều hơn. Vấn đề đặt ra là ngoài chuyên môn, Văn Khánh, Văn Đức và các trụ cột cần có thêm những phẩm chất gì nữa cả trong và ngoài sân cỏ để đoàn kết, tạo ra sức bật cả đội từ việc phát huy cao nhất khả năng của từng vị trí và mối liên kết “không cần nhìn cũng chuyền bóng chuẩn xác”?
Phan Văn Đức (áo vàng) vẫn là "đầu tàu" trên hàng công của SLNA. Ảnh: VPF |
Điều đó phụ thuộc rất nhiều vào toan tính của BHL, khi họ linh hoạt, uyển chuyển, biết mình, biết ta, không để đối thủ bắt bài, bắt nạt, tạo ra uy lực với đối thủ và cả… vua áo đen một cách thuyết phục nhất.
Bản lĩnh của thày trò trong cả 2 trận đấu thiếu người vừa qua đã được thể hiện, nhưng vấn đề là xây dựng và ổn định cho được tâm lý, kỹ chiến thuật trong mọi tình huống là cả một câu chuyện dài, nhất là các trụ cột. BHL đội bóng chắc chắn phải dày công hơn nữa mới tạo ra được dấu ấn và sự mát tay cần thiết, dù việc này luôn hao tổn vô vàn trí lực...