Để trẻ em được tham gia xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh

Thanh Nga 11/08/2023 12:39

(Baonghean.vn) - Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ 7 diễn ra tại Hà Nội từ ngày 5 - 8/8 với chủ đề “Trẻ em tham gia xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em”, đã thu nhận nhiều ý kiến nguyện vọng của trẻ với các vấn đề gặp phải trong cuộc sống.

Nhân sự kiện này, Báo Nghệ An có cuộc phỏng vấn đồng chí Bùi Văn Hưng - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH về ý nghĩa của diễn đàn và sự tham gia của đoàn Nghệ An.

P.V: Thưa ông, việc lắng nghe trẻ em nói và để trẻ được giãi bày về quan điểm lẫn những khúc mắc đang gặp phải là phương châm để đồng hành và bảo vệ trẻ, mà các cấp, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương xác định từ lâu. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

bna _ Anh Hưng.jpeg
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH phát biểu tại Diễn đàn trẻ em cấp tỉnh. Ảnh: Minh Quân

Ông Bùi Văn Hưng: Trẻ em là mầm non, là tương lai của đất nước, nhưng đồng thời cũng là đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương, cần được quan tâm, yêu thương, chăm sóc, bảo vệ một cách đặc biệt. Thực hiện lời dạy của Bác “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”, nhằm thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em, tạo cơ hội cho trẻ em được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng với các cơ quan, tổ chức theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Trẻ em năm 2016, từ cấp huyện, cấp tỉnh và cấp Trung ương đã tổ chức Diễn đàn trẻ em năm 2023 với chủ đề Trẻ em tham gia xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em. Diễn đàn trẻ em là nơi trẻ em được cung cấp thông tin, được nói lên ý kiến, nguyện vọng của trẻ em, để các cơ quan, tổ chức lắng nghe, tôn trọng và đáp ứng nguyện vọng của trẻ em.

Đối với tỉnh Nghệ An chúng ta, những năm qua, công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em đạt nhiều thành tựu, đảm bảo mọi trẻ em được phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần. Tuy nhiên, trước những yếu tố chủ quan và khách quan, một số trẻ em phải đối diện với những nguy hiểm, nhất là tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em trong môi trường gia đình, nhà trường và xã hội. Vì vậy, thông qua Diễn đàn các cấp, trẻ em được nói lên nguyện vọng, ước mơ, được giãi bày những vấn đề các em gặp phải trong cuộc sống của mình.

bna_giochoi4_hoangtuan364150_2312019.jpeg
Trẻ em miền núi Nghệ An. Ảnh tư liệu Hoàng Tuấn

Bởi vì người lớn có thể không hiểu hết, không nắm bắt hết những nguy cơ tiềm ẩn đang ngày đêm rình rập trẻ trong môi trường mà chúng ta tưởng như an toàn. Đó chính là nguy cơ bị xâm hại, bạo lực, bạo hành qua môi trường mạng; hay nguy cơ mất an toàn từ cuộc sống, rèn luyện, lao động, học tập tại gia đình, nhà trường, cộng đồng thôn, xóm…

bna _ Trẻ em .jpeg
Trẻ em nêu ý kiến tại Diễn đàn trẻ em cấp tỉnh. Ảnh: Minh Quân

Tại Diễn đàn trẻ em các cấp trên địa bàn tỉnh vừa qua, chúng tôi cũng đã ghi nhận được rất nhiều ý kiến của các em thiếu niên, nhi đồng về những vấn đề mà các em đã và đang trải qua, đang đối diện. Đó là nguy cơ bị bạo lực qua môi trường mạng, nguy cơ bị xâm hại từ những nhân tố mà chúng ta tưởng như vô hại, nguy cơ mất ATGT, mất ATVSTP ngay tại cổng trường, hay nguy cơ có thể gặp đuối nước tại các sông, suối, ao, hồ… Có những em thắc mắc về tình trạng có nhiều trẻ em phải theo cha mẹ làm những công việc nặng nhọc không dành cho lứa tuổi của trẻ và đó cũng là những trăn trở lớn của chúng ta, những người làm công tác trẻ em và ngày đêm nỗ lực để trẻ có được cuộc sống hạnh phúc hơn.

Việc trẻ em được tham gia vào quá trình xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em có ý nghĩa rất thiết thực. Ngoài việc trẻ em được tiếp nhận thông tin, bày tỏ ý kiến, nguyện vọng thì bây giờ các em có thể chủ động đề xuất với các bộ, ngành, tổ chức theo các góc nhìn của mình ở từng vấn đề, góc độ phù hợp với sự trưởng thành của các em.

bna _ Trẻ em tham gia diễn đàn cấp tỉnh.jpeg
Trẻ em tham gia Diễn đàn cấp tỉnh mang đến những ý kiến và nguyện vọng để tìm ra giải pháp xây dựng môi trường an toàn cho trẻ. Ảnh: Minh Quân

P.V: Vậy thưa ông, thông qua diễn đàn cấp huyện, cấp tỉnh, chúng ta đã có những giải đáp thắc mắc thỏa đáng chưa, đã giúp trẻ giải mã được những vấn đề mà mình đã gặp hoặc trăn trở chưa? Bên cạnh đó, những kiến nghị, đề xuất của trẻ được chúng ta tiếp nhận như thế nào?

Ông Bùi Văn Hưng: Diễn đàn thuộc các cấp diễn ra rất sôi nổi. Thông qua diễn đàn chúng tôi đã nắm bắt được những suy nghĩ, trăn trở mà các em gặp phải trong quá khứ cũng như hiện tại. Ngành đã tổng hợp các câu hỏi theo các nhóm vấn đề các em đề cập tới; câu hỏi thuộc lĩnh vực ngành nào, ngành đó có giải đáp thỏa đáng, bên cạnh đó, mở rộng phạm vi, gợi mở, hướng dẫn thêm nhiều vấn đề mà trẻ có thể phải bằng kiến thức, kỹ năng của mình để tự giải quyết. Đồng thời, ngành chức năng cũng chia sẻ, cung cấp thông tin cho các em về những biện pháp đã thực hiện để giải quyết các vấn đề các em đã nêu và sẵn sàng đồng hành, tiếp tục lắng nghe và giải quyết vấn đề đó trong thời gian tới.

Thông qua Diễn đàn các cấp cũng đã khuyến cáo đến tất cả chúng ta cần chú ý hơn, tập trung hơn và sát sao hơn trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Tôi rất trăn trở khi có bạn nhỏ nêu ý kiến: “Hiện nay, tình trạng bạo lực học đường đang xảy ra phức tạp, không chỉ là bạo lực về thể xác, mà còn là bạo lực về tinh thần; các hình thức bạo lực bây giờ cũng khác ngày xưa, không chỉ là đánh đập mà là cả bạo lực về tinh thần, lập nhóm anti nhau, chia rẽ, nói xấu trên Zalo, Facebook. Đối diện với tình trạng đó, cháu thấy rằng, nhà trường và gia đình nạn nhân đã đưa ra những giải pháp để chấm dứt mâu thuẫn như: gặp mặt thủ phạm để nói chuyện, răn đe,… nhưng cháu thấy biện pháp đó vẫn chưa đủ. Bởi những bạn là kẻ gây ra bạo lực học đường, ngoài có hội, nhóm thì còn có cả bố mẹ bênh vực cho hành động mà con mình gây ra, từ đó, làm cho những kẻ đó ngày càng dửng dưng, lấn lướt. Chính vì vậy, chúng cháu mong muốn có những hình phạt đối với những kẻ gây ra bạo lực ngôn từ, bạo lực học đường, không chỉ với người trẻ tuổi nông nổi mà còn cả những phụ huynh đứng sau đó. Và cháu xin được hỏi là ngoài việc tự trang bị kiến thức cho bản thân thì chúng cháu cần phải làm thêm những việc gì để có thể tự phòng tránh và giúp đỡ bạn bè khi bị “bạo lực học đường”?

Thú thực, đây không chỉ là ý kiến khiến ngành Giáo dục phải có những trăn trở và giải đáp thỏa đáng, mà mỗi chúng ta - những người giám hộ trẻ, những người làm cha mẹ cũng phải có những suy nghĩ và trăn trở để tìm ra giải pháp cho vấn đề này.

trẻ em miền núi.jpeg
Trẻ em miền núi còn thiếu thốn các điều kiện được chăm sóc cần thiết. Ảnh: tư liệu của Nguyễn Đạo

Hay như ý kiến: “Làm thế nào để trẻ em chúng cháu khi không may bị xâm hại biết cách bảo vệ bản thân mình? Cần làm gì để có thể thoát khỏi sự sợ hãi, mạnh dạn lên tiếng, tố cáo, chia sẻ cùng mọi người, người thân khi mình bị xâm hại ạ? Nếu chúng cháu bị bạo lực, xâm hại và muốn tố cáo kẻ xâm hại đó chúng cháu cần báo với ai và làm như thế nào ạ?”.

Và vấn đề này ngành Công an cũng đã có hướng dẫn tư vấn kỹ, đồng thời, cung cấp cho trẻ em các điều luật và quyền hạn dành cho trẻ trong từng trường hợp. Ngành cũng đã cho trẻ những nhận thức đầy đủ về đối tượng phạm tội xâm hại sẽ chịu những hình phạt gì, người tố cáo sẽ được bảo vệ ra sao; và cách nhanh nhất, hiệu quả nhất để tự cứu mình ra khỏi sự xâm hại.

Nhìn chung, thông qua cách trả lời và những giải pháp mà các ngành đưa ra chúng ta thấy được các ngành chức năng và những người làm công tác trẻ em sẵn sàng sát cánh và luôn luôn đồng hành với trẻ mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh, và chúng ta luôn luôn lắng nghe trẻ để hỗ trợ một cách tốt nhất.

P.V: Ông có thể thông tin về Diễn đàn trẻ em cấp quốc gia vừa diễn ra tại Hà Nội?

diễn đàn trẻ em cấp quốc gia.jpeg
Trẻ em trên địa bàn cả nước hào hứng tham gia Diễn đàn trẻ em cấp quốc gia diễn ra từ ngày 5 -8/8 vừa qua. Ảnh: tư liệu

Ông Bùi Văn Hưng: Thông qua các văn bản chỉ đạo của Trung ương, kết quả tổ chức diễn đàn và các phương tiện thông tin chúng tôi thấy rằng, đây là Diễn đàn trẻ em cấp quốc gia được tổ chức trở lại sau thời gian đại dịch COVID-19, và là Diễn đàn trẻ em cấp quốc gia lần thứ 7. Diễn đàn lần này có sự tham gia của 188 trẻ em đến từ 43 tỉnh, thành phố, đại diện cho trên 25 triệu trẻ em trên cả nước. Các em chủ động nêu vấn đề, ý kiến, nguyện vọng, đóng góp các giải pháp, sáng kiến về những vấn đề liên quan đến trẻ em với tinh thần trẻ em cùng tham gia xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em.

Trẻ em tham gia diễn đàn được bình chọn từ diễn đàn trẻ em địa phương. Đặc biệt, Diễn đàn lần này có sự tham gia của nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đến từ một số đơn vị chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật hay trẻ em khiếm thị được bình chọn thông qua Diễn đàn trẻ em khiếm thị Việt Nam. Nét đổi mới của diễn đàn lần này so với các Diễn đàn trẻ em quốc gia trước là trẻ em được lãnh đạo của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn trực tiếp gặp gỡ tại cơ quan, đơn vị mình để các em chủ động đóng góp những vấn đề theo chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan nói trên từ góc độ của các em.

Diễn đàn đề cập đến 5 nhóm vấn đề, gồm: phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; phòng, chống, giảm thiểu tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông; bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; phòng, chống biến đổi khí hậu, dịch bệnh, thiên tai; phòng, chống trẻ em lao động trái quy định của pháp luật và các vấn đề khác mà các em quan tâm. Qua đó, các em cùng nhau chia sẻ các sáng kiến, giải pháp trẻ em cả nước đã tham gia thực hiện để cùng với nhà trường, gia đình, cộng đồng, chính quyền các cấp tạo lập môi trường sống an toàn, lành mạnh cho chính các em; đưa ra các thông điệp, kiến nghị về các chủ đề để người lớn có thể hỗ trợ trẻ em.

Đoàn đại biểu trẻ em tỉnh Nghệ An có 5 em đến từ các huyện, thành, thị: Quế Phong, Diễn Châu, thị xã Hoàng Mai, thành phố Vinh và Làng trẻ em SOS. Các em đã đại diện cho gần 900.000 trẻ em tỉnh Nghệ An chuyển đến Diễn đàn trẻ em quốc gia các ý kiến, câu hỏi, khuyến nghị và thông điệp của Diễn đàn trẻ em tỉnh Nghệ An năm 2023. Đặc biệt có em Hoàng Trà My được bình chọn làm MC chính của diễn đàn, và là đại biểu tiêu biểu đại diện cho trẻ em cả nước đọc bài báo công trong Lễ báo công với Bác. Các em đã tham gia tích cực, trách nhiệm cao và hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc ở các vai trò: người đặt câu hỏi, người trao thông điệp, người hùng biện.

Chúng ta tin rằng, với ý nghĩa, sự thành công của diễn đàn sẽ là nhân tố quan trọng để quyền tham gia của trẻ em ngày càng đi vào thực chất. Qua đó, trang bị được cho thế hệ măng non của chúng ta bản lĩnh vững vàng, sự tự tin trong giải quyết các vấn đề của bản thân và tham gia giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền trẻ em.

P.V: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Mới nhất

x
Để trẻ em được tham gia xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO