Những dấu ấn đầu tiên của năm 2021
Tháng đầu tiên của năm 2021, vượt lên nỗi âu lo về đại dịch Covid-19 là rất nhiều dấu ấn tốt đẹp; đặc biệt là việc tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng mở ra một mốc son mới để thực hiện khát vọng xây dựng đất nước hùng cường.
Đại hội lần thứ XIII của Đảng thành công tốt đẹp
Đại hội lần thứ XIII của Đảng thành công tốt đẹp. Ảnh: VGP |
Với phương châm “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”, sau hơn 7 ngày làm việc khẩn trương, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thành công tốt đẹp. Đại hội đã thảo luận và nhất trí cao thông qua các văn kiện quan trọng: Báo cáo chính trị; Báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030; Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025; Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng khóa XII; Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII gồm 180 Ủy viên chính thức và 20 Ủy viên dự khuyết, là những đồng chí tiêu biểu, có đủ tiêu chuẩn về phẩm chất, đạo đức, năng lực, trình độ để gánh vác trọng trách mà Đảng và nhân dân giao phó. Đại hội đã thống nhất, thông qua Nghị quyết với mục tiêu cụ thể đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triến, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Đây là nhiệm vụ rất nặng nề, vì vậy, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong diễn văn bế mạc Đại hội đã yêu cầu: Tất cả các cấp ủy, tổ chức đảng cần tập trung làm tốt việc phổ biến, tuyên truyền sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về kết quả Đại hội; nghiên cứu, quán triệt sâu sắc Nghị quyết và các văn kiện Đại hội; khẩn trương xây dựng, triển khai chương trình, kế hoạch hành động, phát động phong trào thi đua yêu nước sâu rộng, tinh thần đổi mới sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để sớm đưa Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống, biến những quyết định của Đại hội thành hiện thực sinh động trong thực tế.
Nền kinh tế phục hồi tích cực
Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 1/2021 vào sáng ngày 2/2 ngay sau khi Đại hội Đảng lần thứ XIII kết thúc. Ảnh: VGP |
Ngay sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 1/2021 diễn ra chỉ trong buổi sáng ngày 2/2, với tinh thần rất khẩn trương.
Báo cáo tại phiên họp Chính phủ đầu năm, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 1/2021 tăng 22,2% so cùng kỳ năm trước; sản xuất nông nghiệp cơ bản ổn định, đáp ứng tốt các nhu cầu của người dân trong tháng 1 và cả dịp Tết Nguyên đán. Do điều chỉnh giá xăng, dầu và giá một số mặt hàng tăng do nhu cầu mua sắm Tết, song chỉ số giá tiêu dùng cũng chỉ tăng có 0,06% so với tháng trước. Đặc biệt, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng đạt trên 10 nghìn doanh nghiệp, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2020. Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa duy trì mức tăng trưởng ấn tượng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trong tháng ước tính đạt 54,1 tỷ USD, tăng 45,7% so với cùng kỳ năm 2020, xuất siêu ước đạt 1,3 tỷ USD. Tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 1 tiếp tục có những chuyển biến tích cực.
Trong tháng 1/2021, cả nước có gần 10.100 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 155,1 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 115.900 lao động, tăng 21,9% về số doanh nghiệp, tăng 25,9% về vốn đăng ký và tăng 37,2% về số lao động so với cùng kỳ năm 2020. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 15,4 tỷ đồng, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2020. Nếu tính cả 240 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 4.015 doanh nghiệp đăng ký tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong tháng 01/2021 là 395,1 nghìn tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2020. Bên cạnh đó, còn có 6.503 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 23,2% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng 01/2021 lên 16.594 doanh nghiệp, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tại phiên họp, Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao các kết quả tích cực đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội ngay trong tháng đầu tiên của năm 2021; song Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp điều hành vĩ mô tốt, ổn định, tạo niềm tin cả về kinh tế và y tế; tận dụng thời cơ, tạo môi trường thuận lợi thu hút dòng vốn đầu tư trong nước và nước ngoài, nhất là thu hút các tập đoàn công nghệ lớn vào đầu tư và kinh doanh tại nước ta; thúc đẩy phát triển thị trường trong nước; kinh tế quốc tế với nhiều hiệp định thương mại tự do đã được ký kết và kinh tế số.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu sau Tết, phải bắt tay vào công việc ngay, “không để tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Không tổ chức đi thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp; nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo dưới mọi hình thức; không dùng ngân sách Nhà nước, tài sản công trái quy định vào các hoạt động lễ hội, vui chơi. Các địa phương, doanh nghiệp phải có kế hoạch cụ thể để đưa người lao động trở lại làm việc kịp thời sau Tết, không để ảnh hưởng tới sản xuất, hoạt động kinh doanh.Tập trung cao độ phòng chống đại dịch Covid-19
Sáng 28/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc triệu tập cuộc họp khẩn về công tác phòng chống Covid-19 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, nơi Đại hội XIII đang diễn ra. Ảnh: VGP |
Năm 2020, Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao trong việc phòng chống Đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, bước vào tháng đầu tiên của năm 2021, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Các chuyên gia y tế đã phát hiện biến thể mới của virus có tốc độ lây lan nhanh ở trên 70 quốc gia.
Tại Việt Nam, trong hai ngày gần cuối tháng (27-28/01/2021), đã ghi nhận nhiều ca dương tính trong cộng đồng do biến thể mới của virus (72 ca tại nhà máy POYUN, Khu Công nghiệp Cộng hòa thành phố Chí Linh (tỉnh Hải Dương) và 11 ca liên quan đến nhân viên an ninh của sân bay Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh). Đây là trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng lớn nhất từ trước đến nay và có nguy cơ lây lan nhanh trên diện rộng.
Ngay trong ngày 28/01, khi Đại hội Đảng lần thứ XIII vẫn đang diễn ra, Thủ tướng Chính phủ đã triệu tập các cơ quan chức năng họp gấp và ra ngay Chỉ thị 05/CT-TTg về một số biện pháp cấp bách như: Thực hiện giãn cách toàn bộ thành phố, trong thời gian 21 ngày kể từ 12g ngày 28/01/2021; yêu cầu người dân chỉ ra khỏi nhà khi cần thiết; tạm dừng tất cả các hoạt động công cộng, trường học, cơ sở vui chơi, giải trí; vận chuyển hành khách công cộng ra bên ngoài. Tạm dừng hoạt động của sân bay Vân Đồn… Thủ tướng cũng yêu cầu chính quyền các địa phương rà soát, siết chặt việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn; kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Các bộ Quốc phòng, Công an, Y tế, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường quản lý chặt chẽ các hoạt động nhập cảnh.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, tính từ ngày 25/1 đến nay (5/2), trong cả nước đã lên tới 389 ca nhiễm Covid-19; chỉ riêng trong ngày05/2, Việt Nam ghi nhận thêm 19 ca bệnh Covid-19 mới, là các ca cộng đồng tại Hải Dương (12), Quảng Ninh (2), Điện Biên (3) và Hà Giang (1), Hà Nội (1).
Đối phó với tình hình phức tạp của Đại dịch Covid-19, các địa phương như Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Hòa Bình, Điện Biên, Gia Lai, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh… nỗ lực thực hiện phong tỏa nhiều lớp, truy vết tất cả các trường hợp tiếp xúc gần để thực hiện cách ly, xét nghiệm kịp thời, làm sao không chế dịch trong thời gian sớm nhất để bà con bớt đi nỗi lo, chuẩn bị tốt việc đón xuân Tân Sửu vui tươi đầm ấm.
Trong ngày 5/2, nhằm tháo gỡ khó khăn cho người sản xuất, kinh doanh, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với mức nguy cơ của từng khu vực trên địa bàn, bảo đảm khoanh vùng, cách ly, phong tỏa ở phạm vi gọn nhất, hạn chế tối đa các hoạt động bất lợi đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân và sản xuất kinh doanh, nhất là hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất trong dịp Tết Nguyên đán; có biện pháp cụ thể tạo thuận lợi cho nhân dân tiêu thụ hàng hóa, nông sản, nhất là tại vùng dịch, vùng bị phong tỏa để cho người dân có một cái Tết Nguyên đán, một mùa xuân mới vui tươi, an lành.