Nỗi niềm ly hương
(Baonghean) - Từ biệt người thân, gia đình, gác lại niềm vui sum vầy, đoàn tụ, mỗi người một nỗi niềm nhưng điểm chung của những người khởi đầu cuộc hành trình tha hương là niềm lưu luyến và ước vọng trở về.
Mưu sinh xa nhà
Xếp mấy bộ quần áo cũ vào chiếc túi du lịch, anh Vang Văn Xáy ở bản Can, xã Tam Thái (Tương Dương) vội vàng khoác túi bước nhanh để kịp ra Quốc lộ đón xe khách đi Quảng Ninh. Cậu bé 2 tuổi thấy bố sắp sửa ra đi liền chạy đến ôm chầm lấy đôi chân bố rồi òa khóc nức nở.
Anh Xáy cúi xuống bế lấy con trai rồi hôn vào má, nước mắt anh cũng chợt nhạt nhòa, hai bố con cùng khóc. Bế con nhỏ ra đến cổng, hôn tiếp mấy lần vào má rồi trao sang tay vợ, rồi bước nhanh về phía đường Quốc lộ 7A, bỏ lại phía sau ngôi nhà còn làm dở dang và người vợ bế con đứng trông theo trước cổng.
Những ngày này, ở bến xe và dọc các tuyến Quốc lộ rất đông người lên xe đi khắp nơi tìm việc mưu sinh. Ảnh: Đình Tuân |
“Năm trước, tôi ra đi khi con trai thứ hai mới 1 tuổi, còn nhỏ lắm. Vừa rồi, về đón Tết cháu không còn nhận ra bố, mấy ngày đầu không cho bố bế bồng. Khi bố con vừa quen hơi nhau thì bố đã phải lên đường mưu sinh, có khi một năm nữa mới về. Buồn và thương lắm! Nhưng không có cách nào khác, phải đi xa may chăng mới kiếm được tiền trang trải cuộc sống gia đình”.
Theo lời anh, bản thân sinh ra trong gia đình nghèo, không được học hành nhiều nên phải lao động chân tay, lấy vợ và ở riêng cuộc sống cũng chẳng khá hơn là mấy. Ruộng ít, không có vốn làm ăn, anh đành xa vợ con, ra Quảng Ninh làm thợ lò từ 2 năm nay.
Anh Vang Văn Xáy ở bản Can, xã Tam Thái (Tương Dương) từ biệt con trai nhỏ 2 tuổi để lên đường ra Quảng Ninh làm thợ mỏ. Ảnh: Đình Tuân |
Công việc tuy nặng nhọc, vất vả nhưng bù lại có nguồn thu nhập ổn định để nuôi vợ con và dựng được ngôi nhà còn dang dở. Năm nay sẽ cố gắng tăng ca và chắt chiu, dành dụm tiền để cuối năm về hoàn thiện ngôi nhà cho mùa Đông bớt lạnh.
Cũng ở bản Can, sau những ngày về quê đón Tết cùng gia đình, anh Nguyễn Văn Thành lại soạn sửa hành trang trở ra Bắc Giang tiếp tục công việc mưu sinh. “Các con ngày càng lớn, nhu cầu chi tiêu và học hành cũng tăng theo, trong khi hai vợ chồng không có việc làm ổn định, chỉ có vài sào ruộng, rẫy thì không được phát. May lắm cũng chỉ đủ cái ăn, không có tiền tích lũy nên mấy năm nay tôi ra Bắc Giang làm thợ lợp mái tôn, thu nhập khá ổn định, nhờ đó có tiền nuôi các con ăn học”, anh Thành bộc bạch.
Anh Vang Văn Xáy đi làm ăn xa mong sẽ tích lũy đủ tiền để hoàn thiện ngôi nhà con dang dở. Ảnh: Đình Tuân |
Đi làm ăn quanh năm, nếu gia đình không có việc gì hệ trọng thì anh Nguyễn Văn Thành chỉ về nhà vào dịp đón tết Nguyên đán. Ai chẳng muốn gần vợ con, nhưng vì hoàn cảnh nên anh Thành chấp nhận cảnh sống xa quê, tự chăm sóc bản thân mỗi khi đau ốm để đổi lấy sự no ấm cho các thành viên trong gia đình.
Không chỉ anh Vang Văn Xáy và Nguyễn Văn Thành, ở vùng rẻo cao Tương Dương còn có nhiều hoàn cảnh tương tự. Theo số liệu thống kê, thời điểm cuối năm 2020 toàn huyện có hơn 2.000 người rời quê hương đi làm ăn xa. Bởi ở quê nhà thiếu đất sản xuất, không có việc làm và nguồn thu nhập ổn định.
Anh Nguyễn Văn Thành ở bản Can, xã Tam Thái (Tương Dương) soạn sửa hành trang ra Bắc Giang làm công nhân. Ảnh: Đình Tuân |
Chung niềm mong ước
Rời Tương Dương, chúng tôi xuôi về xã Ngọc Lâm (Thanh Chương), ở đó vợ chồng anh Lương Tuấn Oanh, trú tại bản Mà cũng đang sửa soạn hành lý ra Nam Định làm nghề thợ may. Vừa soạn các loại vật dụng cần thiết vào túi đồ, anh Oanh vừa trò chuyện: “Cũng vì đất đai ít, lại không có nghề phụ, nguồn thu nhập bấp bênh nên từ năm trước hai vợ chồng ra Nam Định làm may mặc, hai con nhờ ông bà nội ở nhà trông giữ. Nhưng gặp phải dịch Covid-19 bùng phát nên công việc cũng phập phù, thu nhập chỉ khoảng 5 triệu đồng/người/tháng”.
Anh Oanh cho biết thêm, với số tiền khoảng 10 triệu đồng, hàng tháng vợ chồng cố gắng chi tiêu tằn tiện trong vòng 5 triệu đồng, còn lại gửi về cho các con. Đi xa, nhớ con vô kể, có những đêm thức trắng, chỉ muốn bỏ việc về nhà...
Vợ chồng anh Oanh sửa soạn đồ để chuẩn bị đi làm ăn xa. Ảnh: Công Kiên |
Theo ông Lương Xuân Thuyết (bố anh Oanh), số tiền thu nhập 5 triệu đồng/tháng không cao nhưng vẫn ổn định hơn so với ở nhà. Bởi ở nhà chỉ có đi rừng hoặc bóc vỏ keo thuê, những công việc này hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết.
“Vợ chồng tôi đều đã trên 70 tuổi, trông giữ các cháu khá vất vả. Chỉ mong các con tìm được công việc trong tỉnh, nguồn thu nhập ổn định, có điều kiện về thăm nhà hàng tuần để đỡ đần công việc...”
Ở Văn phòng giao dịch “một cửa” xã Ngọc Lâm, chúng tôi gặp nhiều người đến làm hồ sơ, thủ tục, giấy tờ để đi làm ăn xa, cán bộ và người dân nơi đây thường gọi là “đi công ty”.
Cầm trên tay 4 bộ hồ sơ, chị Cụt Thị Mùi, trú tại bản Tân Sáng cho hay, ít ngày nữa vợ chồng chị ra Bắc Ninh làm công nhân, mỗi người chuẩn bị sẵn hai bộ hồ sơ để tiện liên hệ công việc. Vợ chồng chị hiện có một con trai 2 tuổi, sắp tới phải gửi ông bà nội trông nom để cùng đi làm ăn, vì ở nhà không có nguồn thu nhập ổn định.
Chị Cụt Thị Mùi (trái) và vợ chồng anh Vi Văn Mận ở xã Ngọc Lâm (Thanh Chương) chờ làm hồ sơ, thủ tục để đi làm ăn xa. Ảnh: Công Kiên |
Ngồi cạnh chị Mùi là đôi vợ chồng trẻ Vi Văn Mận (26 tuổi) và Lô Thanh Thìn (26 tuổi), trú tại bản Tân Lâm. Theo lời Mận, vợ chồng có con nhỏ gần 3 tuổi, ruộng đất ít, nguồn thu nhập không đủ trang trải cho nhu cầu của gia đình. Năm trước, hai vợ chồng vào Kon Tum làm công nhân cao su với mức lương trên dưới 6 triệu đồng/người/tháng.
Dè sẻn chi tiêu một nửa, nửa còn lại gửi về cho ông bà nội chăm con và trang trải phần nào nhu cầu hàng ngày. Công việc khá nặng nhọc, lại ở quá xa, nhớ con không thể về thăm nên năm nay vợ chồng Mận làm hồ sơ ra Bắc Ninh xin việc, gần hơn nên thi thoảng có thể về thăm nhà, thăm con.
Mận chia sẻ thêm: “Những lúc như thế này, em luôn mong ở trong tỉnh có thêm nhiều công ty, có nhiều việc làm phù hợp, thu nhập ổn định, hàng tuần có thể về nhà thăm con”.
Không có nguồn thu nhập ổn định, nhiều người dân ở xã Ngọc Lâm (Thanh Chương) phải ly hương để mưu sinh. Ảnh: Công Kiên |
“Do thiếu tư liệu sản xuất, nguồn thu nhập không ổn định nên công dân trên địa bàn đi xa làm ăn rất nhiều. Khoảng 10 ngày sau tết Nguyên đán Tân Sửu có hơn 600 người đến chứng nhận hồ sơ để đi làm ăn xa, dự kiến con số này sẽ tiếp tục tăng cao. Hy vọng thời gian tới sẽ có nhiều nhà máy, xí nghiệp tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh sẽ đi vào hoạt động và tuyển dụng để người dân có cơ hội được đi làm gần hơn, có điều kiện chăm sóc gia đình, con cái nhiều hơn...”.
Hiện chưa có số liệu thống kê đầy đủ, chính xác về số lượng người dân Nghệ An tìm đến các tỉnh khác làm công nhân, chấp nhận tha hương để kiếm nguồn thu nhập và chăm lo, trang trải cuộc sống gia đình. Những người dân ly hương đều có chung niềm mong ước trong tỉnh sẽ có thêm nhiều khu công nghiệp, nhiều nhà máy để có cơ hội được trở về gần gũi với gia đình./.