Hối hận muộn màng của kẻ truy sát gia đình vợ cũ
Lê Minh Hải khai từ Nghệ An vào Hà Tĩnh lập nghiệp, nhiều lần phải nghe lời dị nghị "ở rể" và "ăn bám nhà vợ", đôi lúc cũng buồn song không quá bận tâm.
Suốt phiên xử tại TAND Hà Tĩnh, Lê Minh Hải, 38 tuổi, trú phường Hà Huy Tập liên tục khóc, bày tỏ ân hận trong phút thiếu kiếm chế đã để lại nỗi đau cho nhiều gia đình. Ở phía dưới hội trường, người nhà nạn nhân bảo "không còn gì để nói" với Hải, đề nghị HĐXX xử nghiêm.
Theo bản án, Hải quê ở huyện Hưng Nguyên (Nghệ An), kết hôn với chị Bùi Thị Dung, trú phường Hà Huy Tập, thành phố Hà Tĩnh năm 2007, có một con chung. Vợ chồng Hải xây nhà trên mảnh đất mượn của bà Nguyễn Thị Vân (72 tuổi, mẹ chị Dung) ở tổ dân phố 4. Năm 2018, vợ chồng mâu thuẫn, ly thân, gửi đơn ly hôn lên tòa án. Khi dự án mở đường Lê Duẩn kéo dài triển khai, ngôi nhà vợ chồng ở Hải trước kia ở thuộc diện giải tỏa mặt bằng, được đền bù hơn 216 triệu đồng. Ngày 7/9/2020, bà Vân và con trai Bùi Văn Quý (28 tuổi) nhận số tiền trên.
Hải sau đó gặp gia đình bà Vân thỏa thuận chia tiền đền bù. Hai bên thống nhất khi nào Hải và chị Dung có quyết định ly hôn sẽ chia đôi. Sáng 28/9/2020, nhận được quyết định thuận tình ly hôn từ TAND thành phố Hà Tĩnh, Hải gọi điện thoại cho chị Dung và anh Quý hẹn trưa cùng ngày gặp chia tiền.
Bị cáo Hải tại phiên xử cuối tháng 1 ở TAND Hà Tĩnh. Ảnh: Đức Hùng |
Phía gia đình bà Vân sau đó trả lời phải chờ chị Dung ở Hà Nội về rồi mới chốt giao dịch. 13h cùng ngày, Hải bỏ con dao bầu trong cốp xe máy, đi đến nhà mẹ vợ cũ. Trong quá trình thỏa thuận, hai bên to tiếng. Nhà chức trách cáo buộc, Hải mở cốp xe máy lấy dao bầu vào tấn công ba phụ nữ. Hậu quả, hai chị của vợ cũ là Bùi Thị Nhung, 48 tuổi và Bùi Thị Huỳnh, 42 tuổi, tử vong. Bà Vân bị thương, tổn hại sức khỏe 8%.
Tại phiên tòa mở tháng 1, Hải nói trước lúc gây án không có mâu thuẫn và cũng chẳng đặt nặng vấn đề tiền nong, muốn được nói chuyện đàng hoàng, nhẹ nhàng với các thành viên trong gia đình vợ cũ. "Bị cáo thấy chị Nhung và Huỳnh nói nặng lời, có ý xúc phạm nên vung dao chém. Quá trình giằng co, xô xát, bị cáo lỡ tay tước đoạt tính mạng của họ. Lúc đó, bị cáo không hiểu sao lại hành động mù quáng như vậy, sau khi bình tĩnh lại thì đã quá muộn", Hải nói.
Bị cáo khai từ Nghệ An vào Hà Tĩnh lập nghiệp, nhiều lần phải nghe lời dị nghị "ở rể" và "ăn bám nhà vợ", đôi lúc cũng buồn song không quá bận tâm. Thời gian đầu kết hôn, cuộc sống hạnh phúc. Năm 2017, vợ chồng xảy ra mâu thuẫn do nợ nần nên ly thân. Lúc vợ ra Hà Nội làm việc, Hải cũng đưa con trai đi thuê phòng ở, làm nghề sửa xe mưu sinh, ít liên lạc với gia đình vợ.
Mọi việc thay đổi vào tháng 9/2019, khi một số người bạn cho biết miếng đất trước kia vợ chồng Hải bỏ tiền xây nhà được chính quyền đền bù. Hải sau đó gọi điện cho Quý chất vấn và được trả lời khi nào làm xong thủ tục ly hôn thì gặp nhau để chia tiền.
"Hôm chốt giao dịch, gia đình mẹ vợ cũ bảo chờ chị Dung về mới đưa tiền. Tôi nghĩ quẩn rằng họ lừa mình nên cố tình trì hoãn, không giao hàng trăm triệu đồng như thỏa thuận nên xuống tay", Hải nói lý do gây án.
Đại diện gia đình các nạn nhân dự tòa đều bày tỏ mất mát là quá lớn, không muốn bình luận hay kể gì thêm để khơi lại nỗi đau. Gặp lại chồng cũ trong hoàn cảnh trớ trêu, chị Dung không lên phía vành móng ngựa khi được chủ tọa thẩm vấn. "Tôi đau nhói lòng. Nạn nhân là mẹ và hai chị gái, còn bị cáo là bố con trai mình", chị Dung ấp úng chia sẻ không biết ứng xử ra sao cho phù hợp. "Đến nay tôi vẫn đang sốc. Mong kiếp sau anh ấy sẽ là người tốt", chị bày tỏ.
Hải và mẹ (áo đen) khóc khi gặp nhau trong giờ tòa nghị án. Ảnh: Đức Hùng |
Đại diện VKSND Hà Tĩnh nhiều lần lau nước mắt khi nghe bị cáo và gia đình bị hại trình bày. Công tố viên lập luận, vụ án để lại hậu quả rất đau lòng, mong mọi người coi đây là bài học; khi tranh chấp về tiền bạc cần giải quyết thấu đáo, đúng pháp luật để không gây thiệt hại cho các bên.
Tại phần trình bày nguyện vọng sau cùng, Hải nói "không lời nào có thể diễn tả cho hết, cảm thấy rất có lỗi". "Rất có thể hôm nay là lần cuối được nhìn mọi người đông đủ như thế này. Nếu như phải trả giá bằng tính mạng, bị cáo xin tình nguyện hiến xác cho nền y học nước nhà. Bị cáo hy vọng việc này sẽ giúp ích cho một người nào đó trên đất nước này. Đây là lời nói từ đáy lòng, mong được xem xét", Hải trình bày.
HĐXX trả lời, sau khi phiên xét xử kết thúc, Hải có thể làm đơn đề cập nguyện vọng hiến xác gửi các cơ quan y tế xem xét.
Tòa nhận định bị cáo không thể cải tạo, cần cách ly vĩnh viễn khỏi đời sống xã hội, tuyên tử hình về tội Giết người, theo điều 123 Bộ luật Hình sự. Hải phải bồi thường cho gia đình chị Nhung và Huỳnh hơn 400 triệu đồng, cấp dưỡng mỗi tháng 700.000 đồng cho ba người con của hai nạn nhân đến khi hết 18 tuổi. Hiện, bị cáo đã ủy quyền cho mẹ bồi thường cho hai bị hại hơn 90 triệu đồng.
Nhận bản án, Hải im lặng, giơ hai tay lên ngang mặt lau nước mắt.