Chủ tịch UBND tỉnh: Làm tốt được '3 yên', huyện Yên Thành sẽ ngày càng phát triển

Phạm Bằng 11/03/2021 14:55

(Baonghean.vn) - Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cho rằng, huyện Yên Thành cần giữ được 3 yên: Yên nội bộ, yên dân và yên an ninh. Nếu làm tốt được 3 yên này thì huyện sẽ thành công trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị vững mạnh, đảm bảo quốc phòng - an ninh vững chắc.

Ngày 11/3, trong chương trình công tác tại huyện Yên Thành, đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với lãnh đạo huyện, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, nhiệm vụ trọng tâm năm 2021.

Cùng dự buổi làm việc có đồng chí Bùi Thanh An - Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh, Sở NN&PTNT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Công thương, Nội vụ, Du lịch, Văn hóa và Thể thao, Y tế, Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: Phạm Bằng
Cùng dự buổi làm việc có đồng chí Bùi Thanh An - Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh, Sở NN&PTNT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Công Thương, Nội vụ, Du lịch, Văn hóa và Thể thao, Y tế, Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: Phạm Bằng

TỐC ĐỘ PHÁT TRIỂN KINH TẾ NĂM 2020 ĐẠT 8,31%

Năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhất là bị ảnh hưởng rất nặng nề bởi dịch Covid -19, diễn biến thời tiết cực đoan, song huyện Yên Thành đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội. Huyện đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 22/26 chỉ tiêu chủ yếu của Kế hoạch.

Tổng giá trị sản xuất năm 2020 ước đạt 11.360 tỷ đồng. Tốc độ phát triển kinh tế ước đạt 8,31%, cao hơn so với mức tăng trưởng bình quân của tỉnh. Thu ngân sách nhà nước năm 2020 đạt 501,8 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 47,5 triệu đồng/người/năm. Giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp theo giá so sánh ước đạt 3.813 tỷ đồng, tăng 2,32% so với năm 2019.

Huyện đã xây dựng được nhiều mô hình kinh tế áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, theo hướng VietGAP, cho hiệu quả tốt gắn với liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Huyện cũng đã thu hút được nhiều dự án may mặc và chế biến gạo, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động.

Đồng chí Phan Văn Tuyên – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Yên Thành báo cáo. Ảnh: Phạm Bằng
Đồng chí Phan Văn Tuyên - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Yên Thành báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, nhiệm vụ trọng tâm năm 2021. Ảnh: Phạm Bằng

Yên Thành đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện huyện đang tiếp tục triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao, tích cực chỉ đạo 3 xã: Sơn Thành, Tân Thành và Long Thành về đích nông thôn mới nâng cao. Bên cạnh đó, các lĩnh vực văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh đạt được nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên, tỷ lệ học sinh đạt khá giỏi tăng 1,2%.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được coi trọng và đạt nhiều kết quả tích cực. Yên Thành đã tập trung chỉ đạo chuẩn bị tốt và tổ chức thành công đại hội Đảng các cấp, trong đó Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXVII, là đại hội điểm đầu tiên trong toàn Đảng bộ tỉnh. Cải cách hành chính được đẩy mạnh; Hoạt động của Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội được phát huy rõ nét với những việc làm cụ thể hướng về cơ sở.

Đồng chí Nguyễn Quý Linh - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Yên Thành phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Phạm Bằng

Huyện Yên Thành cũng thẳng thắn đánh giá, có4 chỉ tiêu không đạt kế hoạch. Tiềm năng về phát triển nông nghiệp, du lịch tâm linh sinh thái chưa được phát huy hiệu quả. Sản xuất nông nghiệp quy mô còn nhỏ; chất lượng hàng hóa chưa mang tính cạnh tranh cao. Tính kết nối, liên kết vùng trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Thu hút đầu tư còn hạn chế, chưa có dự án lớn mang tính đột phá...

Lãnh đạo Sở NN&PTNT phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Phạm Bằng

Năm 2021, huyện Yên Thành xác định 9 nhiệm vụ trọng tâm cần quyết liệt thực hiện. Trong đó, tập trung chủ động phòng, chống và ứng phó với dịch Covid-19; triển khai thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025; thực hiện tốt cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Trong phát triển kinh tế, Yên Thành sẽ tập trung xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao và thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh. Tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Tập trung thu hút đầu tư các dự án ở các lĩnh vực du lịch tâm linh, sinh thái; nông nghiệp; may mặc dày da xuất khẩu...

Lãnh đạo Sở Công Thương phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Phạm Bằng

Tại buổi làm việc, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các ban, ngành đã góp ý, chỉ rõ thêm các tồn tại, hạn chế; đặc biệt là góp ý, gợi mở các giải pháp để huyện Yên Thành tiếp tục phát triển. Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn về ngân sách, đất đai…

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Bùi Thanh An - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy cho rằng, chưa bao giờ huyện Yên Thành có vị thế, tiềm lực như hiện nay. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đoàn kết, thống nhất cao trong lãnh đạo, chỉ đạo, biết chọn mũi trọng tâm, đột phá, phát huy nội lực để giải quyết các nút thắt phát triển.

Đồng chí Bùi Thanh An - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Phạm Bằng

Cho rằng trong giai đoạn tới, huyện Yên Thành vẫn là huyện nông nghiệp, thu hút đầu tư khó khăn, nguy cơ tụt hậu, tình hình an ninh trật tự tiềm ẩn phức tạp, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đánh giá, việc huyện xây dựng đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xác đáng.

Bởi ngoài huyện Nghĩa Đàn, Yên Thành là huyện thứ 2 có đủ tiềm lực, quyết tâm. Tuy nhiên, cách xây dựng của huyện Yên Thành phải khác, phải giữ đất cho người nông dân, phải trên cơ sở liên kết với doanh nghiệp. Trong xây dựng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thì người nông dân phải được đào tạo, tiếp thu công nghệ mới.

NẾU GIỮ ĐƯỢC "3 YÊN", YÊN THÀNH SẼ PHÁT TRIỂN

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh ấn tượng với những kết quả đạt được của huyện Yên Thành trong năm 2020. Với một huyện thuần nông nghiệp, gặp nhiều khó khăn nhưng Yên Thành có tốc độ tăng trưởng kinh tế rất tốt, chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý, quy mô kinh tế đứng thứ 5/21 huyện, thành, thị; thu nhập bình quân của người dân đạt khá.

Bên cạnh đó, kết quả xây dựng nông thôn mới của huyện hết sức nổi bật, xuất phát từ nỗ lực, quyết tâm chính trị của Đảng bộ, chính quyền, người dân và nội lực của huyện. Hiện có 3 xã đang thẩm định đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện Yên Thành đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ với nhiều mô hình sản xuất công nghệ cao, nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, OCOP…

Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh kết luận buổi làm việc. Ảnh: Phạm Bằng

Huyện cũng đã huy động và sử dụng được nguồn lực hiệu quả, đặc biệt là nguồn lực trong Nhân dân; đã thu hút được một số nhà đầu tư, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tình hình an ninh trật tự, an ninh tôn giáo được đảm bảo; nội bộ đoàn kết, thống nhất.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đánh giá, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn chưa có quy mô tập trung, chưa có tính hàng hóa cao, chưa có tính kết nối từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm… Huyện có nguồn lực trong dân tốt bởi mỗi năm, nguồn ngoại hối con em Yên Thành đi xuất khẩu lao động gửi về xấp xỉ 5.000 tỷ đồng nhưng huyện vẫn chưa phát huy hiệu quả được nguồn lực này. Thu ngân sách có tăng trưởng nhưng thiếu bền vững, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh vẫn còn hạn chế.

Để Yên Thành phát triển trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cho rằng, huyện Yên Thành cần thực hiện 3 yên: Yên nội bộ, yên dân và yên an ninh. “Nếu làm tốt được 3 yên này thì huyện sẽ thành công trong phát triển kinh tế - xã hội, thành công trong xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, quốc phòng - an ninh”, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung tham quan Nhà máy may An Hưng tại xã Công Thành. Ảnh: Phạm Bằng

Người đứng đầu UBND tỉnh nhấn mạnh, nhiệm vụ trọng tâm đầu tiên trong thời gian tới mà huyện Yên Thành cần quan tâm thực hiện là phải phát huy được bài học kinh nghiệm huy động sức dân trong xây dựng nông thôn mới. Và bây giờ, phải phát huy được sức dân trong phát triển kinh tế - xã hội, phải lấy người dân là chủ thể, người dân là động lực, là mục tiêu phát triển. Yên Thành muốn phát triển kinh tế phải chú trọng 3 yếu tố: hạ tầng, đầu tư và dân cư. Và đến nay, huyện đã có yếu tố dân cư rồi, phải phát huy được 2 yếu tố còn lại.

Bên cạnh đó, tiếp tục quan tâm hoàn thiện quy hoạch, đặc biệt là gắn với quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Về tâm tư của lãnh đạo huyện, Yên Thành đặt ở đâu trong 3 vùng trọng điểm của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, Yên Thành có 1 vị trí rất đặc biệt, đắc địa, là trung tâm tiếp giáp với 5 huyện: Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Đô Lương, Nghi Lộc, Tân Kỳ.

Vì thế, huyện phải phát triển bằng các trục kết nối vào các vùng trọng điểm thông qua hạ tầng giao thông. Đây là cơ hội của Yên Thành. Vì thế, huyện phải quan tâm công tác quy hoạch, quan tâm đến phát triển liên kết, đặc biệt là liên kết giao thông để Yên Thành trở thành trung tâm phát triển.

Nhắc lại 3 mũi đột phá được huyện Yên Thành xác định tại Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVII, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, huyện phải tạo được chuyển biến rõ nét trong cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách tính năng động của chính quyền, qua đó giúp nhà đầu tư yên tâm đầu tư vào địa bàn. Quan tâm phát triển, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, tạo cơ sở cho phát triển kinh tế.

Chủ tịch UBND tỉnh thăm trang trại cam Đại Việt tại xã Đồng Thành. Ảnh: Phạm Bằng

Đối với mũi đột phá phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến gắn với nông nghiệp sản xuất hàng hóa, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, việc đưa công nghệ vào nông nghiệp thì phải gắn với hiệu quả cao, thể hiện rõ nhất là đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp.

Bên cạnh đó, Yên Thành phải tiếp tục thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Nhấn mạnh, Yên Thành có 18.000 lao động, đồng chí Nguyễn Đức Trung cũng đề nghị huyện quan tâm đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ. Trong đó, phải đào tạo được nguồn lao động nông nghiệp chuyên nghiệp, năng động. Cùng đó, tiếp tục chăm lo điều kiện văn hóa - xã hội, giáo dục - y tế, đảm bảo quốc phòng - an ninh cho hơn 30 vạn dân trên địa bàn.

Huyện Yên Thành cũng phải chuẩn bị thực hiện tốt cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND tỉnh các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đặc biệt, phải chủ động, quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, qua đó giữ ổn định địa bàn để phát triển kinh tế - xã hội.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cũng đồng ý chủ trương cho huyện Yên Thành nghiên cứu, phát triển đề án “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện Yên Thành, gắn với chế biến và tiêu thụ” và đề án ““Xây dựng huyện Yên Thành đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao”; đồng thời đề nghị các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh giải quyết các kiến nghị, đề xuất của huyện, qua đó giúp cho Yên Thành phát triển hơn trong thời gian tới./.

Phạm Bằng