Nghệ An: Thành lập công đoàn tại doanh nghiệp còn nhiều khó khăn

Kim Chi 12/03/2021 19:36

(Baonghean.vn) - Phía sau mỗi quyết định thành lập công đoàn cơ sở là rất nhiều khó khăn, hiểu nhầm được hóa giải bằng sự kiên trì và chân thành của cán bộ công đoàn. Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc thành lập tổ chức công đoàn cơ sở vẫn còn nhiều trở ngại.

NHỮNG RÀO CẢN

Công đoàn cơ sở (CĐCS) là tổ chức cơ sở của công đoàn, tập hợp đoàn viên công đoàn trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công đoàn cấp trên trực tiếp công nhận theo quy định của pháp luật Việt Nam và Điều lệ Công đoàn Việt Nam. Có thể thấy rằng, CĐCS là tổ chức gần gũi nhất, tham gia đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ chức năng, nhiệm vụ, lợi ích và cách thức hoạt động của tổ chức công đoàn. Điều này dẫn đến những khó khăn trong việc tuyên truyền, vận động thành lập CĐCS, đặc biệt ở các doanh nghiệp tư nhân.

Ảnh:
Công đoàn cơ sở là tổ chức cơ sở của công đoàn, tập hợp đoàn viên công đoàn trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công đoàn cấp trên trực tiếp công nhận. Ảnh: CTV

Là một người có nhiều năm tham gia vận động thành lập công đoàn cơ sở, chị Trần Thị Nguyệt - Phó Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam cho biết: “Có rất nhiều hiểu nhầm khiến các chủ doanh nghiệp tỏ ra ngần ngại khi được mời gia nhập tổ chức công đoàn. Một trong những hiểu nhầm phổ biến nhất chính là việc đóng kinh phí công đoàn. Họ cho rằng nếu gia nhập tổ chức công đoàn thì họ sẽ mất đi 2% lương mà không hiểu rằng, dù không thành lập công đoàn, hàng tháng, doanh nghiệp vẫn phải có nghĩa vụ đóng 2% quỹ tiền lương cho tổ chức công đoàn để làm căn cứ đóng BHXH cho người lao động”.

“Quy mô doanh nghiệp cũng là một trong những lý do dẫn đến khó khăn trong thành lập CĐCS trên địa bàn tỉnh. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp có quy mô nhỏ, sử dụng lao động ít, không ổn định (chiếm 83%). Những doanh nghiệp này không có tổ chức cơ sở Đảng, ý thức và nhận thức trong việc chấp hành pháp luật về lao động, công đoàn của chủ doanh nghiệp hạn chế. Họ chưa quan tâm đúng mức đến người lao động, chưa coi người lao động là nguồn lực quan trọng cho sự phát triển doanh nghiệp...”, chị Phan Thị Trang - Trưởng ban Tổ chức LĐLĐ tỉnh cho biết.

Ảnh: Diệp Thanh
Nếu không có tổ chức công đoàn, chủ doanh nghiệp và người lao động sẽ khó tìm được tiếng nói chung và dễ xảy ra mâu thuẫn. Ảnh: CTV

Bên cạnh những lý do khách quan và những hiểu nhầm, không ít chủ doanh nghiệp cố tình trì hoãn, từ chối thành lập CĐCS vì sợ người lao động sau khi gia nhập tổ chức công đoàn sẽ hiểu về luật hơn, đòi hỏi quyền lợi nhiều hơn. Họ không hiểu rằng, sự hiểu biết, tiến bộ về trình độ, nhận thức của người lao động và chủ doanh nghiệp mới chính là chìa khóa cho sự phát triển lâu dài và bền vững. Một công đoàn cơ sở hiệu quả có thể giúp cân đối lợi ích của người sử dụng lao động và người lao động, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo quy định của pháp luật, công đoàn được thành lập trên cơ sở tự nguyện, tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, không phải là nghĩa vụ hay trách nhiệm của doanh nghiệp. Vì vậy, để thuyết phục chủ sử dụng lao động đồng ý thành lập CĐCS, cán bộ công đoàn phải là những người chủ động và sáng tạo trong vận động.

KIÊN TRÌ VÀ CHÂN THÀNH

Mỗi cán bộ công đoàn là một tuyên truyền viên - câu nói này thật sự chính xác khi nói về công việc của những cán bộ công đoàn làm công việc vận động thành lập CĐCS. Với họ, để hoàn thành nhiệm vụ, không chỉ cần đến sự khéo léo, lý lẽ, hiểu biết mà còn phải có sự chân thành, kiên nhẫn.

Buổi lễ thành lập CĐCS tại 1 doanh nghiệp FDI. Ảnh: CTV

Kể về những lần đi vận động thành lập CĐCS tại doanh nghiệp, chị Phan Lệ Hòe - Chủ tịch LĐLĐ thị xã Hoàng Mai vẫn nhớ mãi lần vận động thành lập CĐCS tại một doanh nghiệp FDI có ông chủ là người Hàn Quốc. Trong những buổi làm việc giữa LĐLĐ huyện và lãnh đạo công ty, chị và những đồng nghiệp của mình phải trao đổi thật kỹ với phiên dịch viên bởi lẽ sự khác biệt ngôn ngữ có thể khiến việc chuyển tải nội dung không được đầy đủ và chính xác.

Chị Hòe thổ lộ: “Dù việc trao đổi nội dung đã thông suốt nhưng vị giám đốc người Hàn Quốc vẫn chưa đi đến quyết định cuối cùng. Biết được đây là lần đầu tiên vị giám đốc này sang Việt Nam, chúng tôi đã chủ động mời ông ấy ăn sáng và tìm hiểu thêm về ẩm thực Việt Nam một cách chân tình. Trong không khí thân thiện, vui vẻ của những cuộc trò chuyện chắp nối bởi nhiều ngôn ngữ ấy đã giúp chúng tôi trở thành những người bạn, dễ dàng chia sẻ và trao đổi. Điều này khiến cho việc thành thành lập CĐCS tại công ty diễn ra nhanh hơn, hoạt động công đoàn tại công ty thuận lợi hơn”.

Ảnh: Diệp Thanh
Lãnh đạo Công ty TNHH MTV VietGlory cảm ơn LĐLĐ huyện Diễn Châu vì đã hỗ trợ trong giải quyết đình công và bày tỏ nguyện vọng sớm được thành lập CĐCS. Ảnh: D.T

Ở nhiều doanh nghiệp, cán bộ công đoàn không chỉ giải thích bằng luật, thuyết phục bằng lý lẽ mà còn phải vô cùng kiên trì, mưa dầm thấm lâu với doanh nghiệp và người lao động. Đây cũng là cách làm mà những cán bộ công đoàn LĐLĐ huyện Diễn Châu đã áp dụng.

Để thuyết phục các doanh nghiệp trên địa bàn thành lập tổ chức công đoàn, LĐLĐ huyện Diễn Châu đã nhiều lần tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho người lao động và doanh nghiệp, mời doanh nghiệp tham gia các chương trình giao lưu, tập huấn do công đoàn tổ chức, dành cho họ sự quan tâm như một CĐCS... Đáp lại những thiện chí này, rất nhiều doanh nghiệp vẫn tỏ ra thờ ơ, lạnh nhạt, thậm chí từ chối nhận quà. Điều này không khiến những cán bộ công đoàn nản lòng. Việc LĐLĐ huyện trăn trở, đồng hành cùng lãnh đạo công ty trong giải quyết đình công tại Công ty TNHH VietGlory là một minh chứng rõ nhất cho điều này. Ngay sau khi người lao động quay trở lại làm việc bình thường, ban lãnh đạo công ty đã đề nghị LĐLĐ huyện hỗ trợ triển khai thành lập CĐCS tại công ty càng sớm càng tốt. Họ hiểu rằng, không phải lúc nào cũng có thể lấy được ý kiến của toàn bộ người lao động, đặc biệt là các doanh nghiệp sử dụng nhiều nhân công. Việc có một tổ chức đại diện cho tập thể lao động thực sự là cần thiết, nhằm bảo đảm quan hệ lao động hài hòa, cân bằng lợi ích các bên, từ đó duy trì sự ổn định, phát triển của doanh nghiệp.

Ảnh: Diệp Thanh
CĐCS giúp người lao động yên tâm sản xuất và duy trì quan hệ lao động hài hòa cho doanh nghiệp. Ảnh: D.T

Kiên trì và chân thành cũng là cách làm mà Công đoàn KKT Đông Nam đã và đang áp dụng. Chị Trần Thị Nguyệt - Phó Chủ tịch Công đoàn KKT Đông Nam chia sẻ: “Bên cạnh những đơn vị dễ dàng thuyết phục sau vài buổi làm việc, thậm chí có những doanh nghiệp chủ động tìm đến để xin thành lập CĐCS, thì cũng có những đơn vị trì hoãn hàng năm trời. Theo quy định, nếu người lao động có nhu cầu, doanh nghiệp phải tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức công đoàn được thành lập và cán bộ công đoàn hoàn toàn có thể chuyển sang vận động người lao động thay vì thuyết phục doanh nghiệp. Tuy nhiên, vì không muốn tạo sự đối kháng ngay từ ban đầu giữa doanh nghiệp và người lao động nên chúng tôi luôn ưu tiên cách làm của sự kiên trì và chân thành, dù nó sẽ rất mất thời gian và vất vả hơn nhiều”.

Tính đến 31/1/2021, toàn tỉnh có 4.441 doanh nghiệp ngoài nhà nước có trụ sở làm việc và đang hoạt động với số lượng 59.881 lao động, trong đó có 485 doanh nghiệp đã thành lập tổ chức công đoàn với số lượng 55.215 đoàn viên. Trong số 4.388 doanh nghiệp: Có 323 doanh nghiệp có từ 25 lao động trở lên, đã có 283 doanh nghiệp thành lập tổ chức công đoàn; có 402 doanh nghiệp có từ 10 đến 25 lao động, đã có 227 doanh nghiệp thành lập tổ chức công đoàn. Đến nay vẫn còn 40 doanh nghiệp có trên 25 lao động và 175 doanh nghiệp có từ 10 đến 25 lao động chưa thành lập tổ chức công đoàn.

Kim Chi