Nữ Thủ tướng trẻ nhất thế giới: Thế hệ lãnh đạo định hình tương lai
(Baonghean.vn) - Nữ Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin vừa có tên trong danh sách “100 Next” của tạp chí Time, một chỉ số được công bố hàng năm về “những nhà lãnh đạo mới nổi giúp định hình tương lai”. Nữ Thủ tướng trẻ nhất thế giới này là minh chứng rõ nhất cho luận điểm “khả năng lãnh đạo không phụ thuộc vào tuổi tác”.
Xuất thân khiêm tốn
Sanna Marin chào đời tại Thủ đô Helsinki của Phần Lan vào năm 1985 và sống ở nhiều thành phố, rồi sau đó gia đình mới định cư ở thành phố phía Nam Tampere. Ở Tamprere, Marin được nuôi dạy trong một gia đình đồng giới, với mẹ và bạn đời của mẹ là phụ nữ. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên trang web Menaiset của Phần Lan hồi năm 2015, Marin cho biết, luôn cảm thấy mình là người vô hình vì không thể trò chuyện cởi mở với mọi người về “gia đình cầu vồng” - vốn không được công nhận là một gia đình thực sự.
Chân dung nữ Thủ tướng trẻ nhất thế giới. Ảnh: Getty |
Sau đó, mẹ và bạn đời chia tay nên Sanna Marin được mẹ nuôi dạy. Bà luôn được mẹ ủng hộ và luôn có niềm tin rằng “có thể làm mọi việc nếu bản thân muốn”. Sự giáo dục của người mẹ đã ảnh hưởng sâu sắc tới những hoạt động chính trị sau này của Marin. “Với tôi, mọi người luôn bình đẳng. Đó không phải là vấn đề quan điểm. Đó là nền tảng của mọi thứ”, Marin nói, tuy nhiên lúc nhỏ bà chưa bao giờ mơ ước trở thành Thủ tướng. “Tôi không bao giờ có thể tưởng tượng được điều đó. Chính trị gia và chính trị dường như rất xa vời với tôi” bà chia sẻ về cuộc sống ở tầng lớp lao động của gia đình. Marin là người đầu tiên trong gia đình theo học đại học và “bén duyên” với chính trị ngay sau đó. “Không phải vì tôi đến từ một gia đình cầu vồng mà tôi tham gia chính trị. Tôi tham gia bởi vì tôi nghĩ rằng thế hệ cũ chưa giải quyết đầy đủ các vấn đề lớn của tương lai. Tôi cần phải hành động”.
Sự nghiệp của bà bắt đầu năm 2012, khi bà được bầu vào Hội đồng thành phố Tampere, thành phố lớn thứ ba của Phần Lan. Khi các thành viên băn khoăn về việc có nên xây dựng một tàu điện cao tốc trong thành phố hay không, Marin đã đề nghị hội đồng quyết định - thành công chính trị lớn đầu tiên của bà. Việc điều hành Tampere đã dạy Marin về tầm quan trọng của sự đồng thuận. “Bạn chỉ có thể hoàn thành mọi việc với sự hợp tác của những người khác. Đây là điều quý giá nhất mà tôi học được trong nhiều năm”, nữ Thủ tướng nói.
Không lâu sau đó, Marin được bầu vào Quốc hội và khi đảng Dân chủ Xã hội trung tả do Antti Rinne lãnh đạo, giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 4 năm 2019, Marin được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Giao thông vận tải. Tháng 12 năm đó, sau một cuộc đình công của ngành Bưu chính kéo dài 2 tuần, rồi lan sang các ngành công nghiệp khác, Thủ tướng Rinne mất đi sự ủng hộ của một trong những đối tác liên minh và phải từ chức. Đảng Dân chủ Xã hội quyết định bầu Marin là người thay thế. Sanna Marin khi đó 34 tuổi trở thành Thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử Phần Lan và cũng là nữ lãnh đạo nhà nước trẻ nhất thế giới. Địa vị đó khiến bà và chính phủ liên minh của bà với đa phần là phụ nữ trẻ trở thành tâm điểm chú ý trên sân khấu chính trị thế giới. Nhưng đối với Marin, các thách thức của đất nước buộc bà tập trung hơn là cảm giác chiến thắng. “Sanna không có tuần trăng mật chính trị sau nhậm chức, nhưng cô ấy đã thích nghi nhanh chóng. Bằng cách thực hiện lệnh phong tỏa ngay từ tháng 3/2020, Sanna kiểm soát tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 ở Phần Lan thấp hơn tất cả các nước châu Âu. Cô ấy đã chứng minh rằng khả năng lãnh đạo tốt không phụ thuộc vào tuổi tác”, Thủ tướng Na Uy Erna Solberg nhận xét.
Nữ Thủ tướng Phần Lan - Sanna Marin (thứ 6 từ trái sang) chụp ảnh cùng các nhà lãnh đạo châu Âu. Ảnh: CNN |
Biểu tượng của tương lai và hy vọng
Bà Marin hiện đang đứng đầu một chính phủ, trong đó 12 trong tổng số 19 vị trí Nội các đều do phụ nữ đảm nhiệm. Nhưng ở Phần Lan, quốc gia từng có hai nữ Thủ tướng trước đó và luôn đứng top đầu về bình đẳng giới, điều đó không có gì quá bất ngờ. “Chúng tôi từ lâu đã là những người tiên phong trong bình đẳng giới”, Thủ tướng nói về đất nước của bà, cũng là quốc gia châu Âu đầu tiên trao quyền bầu cử cho tất cả phụ nữ.
Nhưng điều đó không có nghĩa là không còn gì để làm đối với vấn đề bình đẳng giới. Chính phủ của bà Marin vẫn đang tìm cách thu hẹp khoảng cách lương giữa nam giới và nữ giới (hiện chênh lệch này ở Phần Lan gần 20%) và thuyết phục nam giới coi việc nghỉ phép là một ưu tiên. Trước khi nhậm chức, bà cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với ý tưởng một tuần làm việc 4 ngày, nhằm tạo điều kiện cho các bậc cha mẹ có nhiều thời gian hơn dành cho gia đình.
Biến đổi khí hậu cũng là một trụ cột chính trong chương trình nghị sự của nữ Thủ tướng trẻ tuổi. Chính phủ của bà cam kết đạt mục tiêu cân bằng lượng carbon vào năm 2035. Nếu thành công, Phần Lan sẽ là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới đạt được mức phát thải ròng bằng 0 – mục tiêu đầy tham vọng nhằm cứu trái đất đang ấm dần lên. Bà nói, lượng khí thải giao thông sẽ được cắt giảm 50% vào năm 2030, thông qua sự kết hợp của các sáng kiến giao thông công cộng, trợ cấp cho nhiên liệu tái tạo và phát triển các công nghệ mới. Tất cả những điều này nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng xã hội Phần Lan không chỉ bền vững về mặt kinh tế và xã hội mà còn bền vững về môi trường.
Thủ tướng Sanna Marin (giữa) cùng một số thành viên trong nội các. Ảnh: EPA |
Phần Lan nổi tiếng là đất nước sạch đẹp, được Liên hợp quốc đưa vào danh sách những nơi hạnh phúc nhất thế giới. Nghe có vẻ kỳ diệu nhưng Marin nói: “Phần Lan không phải là một thế giới trong mơ. “Chúng tôi cũng có vấn đề”. Có một thực tế rõ ràng rằng, giống như nhiều quốc gia trên khắp châu Âu, Phần Lan đã chứng kiến sự trỗi dậy của chính trị dân túy. Đảng Phần Lan cực hữu hiện là đảng lớn thứ hai trong quốc hội và tỷ lệ ủng hộ đảng này cũng đã gia tăng trong cuộc bầu cử năm 2019. Đó là một thách thức không nhỏ với bà Marin trong việc giữ gìn xã hội tự do lâu đời của Phần Lan. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, uy tín và sự ủng hộ dành cho nữ Thủ tướng trẻ tuổi vẫn được duy trì.
Phóng viên Phần Lan Jasmin Ojalainen nhận định, những người ủng hộ bà và thế hệ trẻ đều đặt hy vọng rất lớn vào nhà lãnh đạo này. “Có vẻ như hầu hết mọi người đều có cảm nhận tích cực về bà ấy, một người dễ gần, có định hướng và có nguyên tắc”, Ojalainen nói. Thành công của Sanna Marin cũng chứng minh một điều: Khuôn mẫu lâu đời của nền chính trị đang dần thay đổi, mở ra sự tiến bộ và trao quyền lãnh đạo cho phụ nữ.