Thêm nhiều doanh nghiệp cung ứng việc làm cho lao động ở Yên Thành
(Baonghean.vn) -Là địa phương có nguồn lao động dồi dào, chính vì vậy, cấp ủy, chính quyền huyện Yên Thành luôn xác định tạo việc làm cho người lao động là nhiệm vụ quan trọng, nhất là chú trọng đổi mới công tác đào tạo nghề gắn với thị trường lao động.
Cơ hội tìm kiếm việc làm tại địa phương
Chị Phan Thị Hiền ở khối I, thị trấn Yên Thành trước đây là nhân viên kế toán làm việc hơn 4 năm ở thành phố Đà Nẵng, nhưng từ tháng 8/2020, chị phải nghỉ việc để về quê để tránh dịch Covid-19.
Trong thời gian nhàn rỗi, chị tích cực tìm kiếm việc làm gần nhà để đảm bảo nhu cầu cuộc sống. Nắm bắt được thông tin tuyển lao động của Công ty máy tính Sáng Tạo ở xã Tăng Thành (Yên Thành), chị Hiền đã nộp hồ sơ đăng ký và vượt qua vòng phỏng vấn, được nhận vào làm việc đúng vị trí chuyên môn. Chị Hiền chia sẻ, trong quá trình làm việc thấy công việc phù hợp, lương ổn định, môi trường làm việc rất vui vẻ. Đặc biệt được gần gia đình nên muốn gắn bó làm việc lâu dài.
Công ty TNHH MLB TENNERGY được huyện Yên Thành thu hút đầu tư vào khu công nghiệp Thị trấn Yên Thành đi vào hoạt động đã hơn 6 năm nay, giải quyết việc làm ổn định cho trên 1.000 lao động địa phương. Ông Akihiko racusui - Phó Giám đốc công ty cho biết, công nhân ở đây làm việc rất chăm chỉ, cố gắng trong công việc, cùng công ty để phát triển, tăng năng suất, phát triển cho địa phương. Về phía huyện đã tạo điều kiện cho công ty rất nhiều, kịp thời hỗ trợ giải quyết các khó khăn để hoạt động ổn định.
Nhà máy may An Hưng đã đi vào hoạt động. Ảnh: Văn Trường |
Ngoài thu hút các dự án có vốn đầu tư của nước ngoài, những năm gần đây, hoạt động thu hút các nhà đầu tư trong nước, xúc tiến thương mại, phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn huyện cũng đạt được nhiều kết quả tích cực.
Năm 2020, huyện Yên Thành có Dự án Nhà máy may công nghiệp của Tập đoàn An Hưng được đầu tư xây dựng ở xã Công Thành đi vào hoạt động, bước đầu giải quyết việc làm cho 500 lao động, trong đó phần lớn công nhân nhiều năm về trước từng làm việc ở một số tỉnh phía Bắc, nhưng đời sống khá vất vả, nay vào làm việc tại nhà máy được sống gần nhà, có thu nhập ổn định, nên chất lượng cuộc sống gia đình đã được nâng lên rất nhiều. Dự kiến đến hết năm 2021, nhà máy sẽ giải quyết việc làm cho 5.000 lao động và đến quý I năm 2022, giải quyết việc làm cho 8.000 lao động tại địa phương.
Trên thực tế, lao động nông thôn chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu lao động, vì vậy, để chuyển dần lao động nông nghiệp sang lao động công nghiệp và dịch vụ, huyện Yên Thành đã tích cực quy hoạch, xây dựng các cụm công nghiệp, tạo cơ chế, chính sách thông thoáng để phát triển đa dạng các loại hình tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, mở ra nhiều cơ hội việc làm cho công nhân, lao động.
Anh Phạm Văn Thăng - công nhân Công ty CPTM và Xây dựng Phương Thành chia sẻ: Hiện tại một số công ty xây dựng ở địa phương đã mang lại nhiều việc làm cho lao động. Chúng tôi rất vui mừng khi có có việc làm tại địa phương và hy vọng công ty sẽ phát triển mạnh hơn nữa để nhiều lao động có thêm việc làm.
Gắn đào tạo với giải quyết việc làm tại chỗ
Xác định công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới, tại Trường Trung cấp nghề kỹ thuật Yên Thành hàng năm đã tiến hành khảo sát nhu cầu học nghề của các địa phương để từ đó xây dựng chương trình, kế hoạch tuyển sinh theo nhu cầu thực tiễn.
Ngoài chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề theo nhu cầu của xã hội, nhà trường còn gắn với giải quyết việc làm bằng việc tăng cường hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp, tạo cơ hội cho sinh viên, học sinh sau khi ra trường có việc làm ngay và ổn định tại các doanh nghiệp lớn trong và ngoài tỉnh.
Lớp học nghề sửa chữa ô tô tại Trường Trung cấp nghề kỹ thuật Yên Thành. Ảnh: Văn Trường |
Ông Nguyễn Thọ Ngà - Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề kỹ thuật Yên Thành cho biết: Chỉ tính riêng trong năm vừa qua, trường có trên 300 học viên hệ trung cấp kỹ thuật thuộc các ngành công nghệ ô tô, điện, hàn, nguội lắp ráp cơ khí, may thời trang đã được doanh nghiệp về nhận ngay sau khi tốt nghiệp. Cùng với nâng cao chất lượng đào tạo, nhà trường tiếp tục liên kết với 12 công ty để giới thiệu việc làm cho học sinh sau đào tạo.
Mặc dù hơn 1 năm qua chịu ảnh hưởng không nhỏ của đại dịch Covid-19, nhưng xác định xuất khẩu lao động vẫn là một trong những hướng đi mũi nhọn trong khâu giải quyết việc làm cho lao động địa phương, vì thế, các ngành chức năng ở huyện Yên Thành vẫn tích cực khai thác thông tin cung cầu lao động; lựa chọn các công ty, doanh nghiệp, đơn vị hợp pháp trong tư vấn xuất khẩu lao động, giới thiệu tuyển dụng lao động trong nước để tạo ra nhiều kênh thông tin cho người lao động tìm hiểu, lựa chọn.
Hiện nay, huyện Yên Thành đang có khoảng 17.000 lao động làm việc tại nước ngoài, tỷ lệ lao động đi xuất khẩu có tay nghề đạt 65 %, đưa về nguồn ngoại tệ bình quân mỗi năm trên 200 triệu USD, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bên cạnh đó, trong thời gian qua, các làng nghề, hợp tác xã dịch vụ, cũng đã nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, xúc tiến thương mại, kết nối thị trường nhằm tiêu thụ sản phẩm, ổn định việc làm cho trên 5.000 lao động địa phương. Điển hình ở HTX Thắng Lợi, xã Thọ Thành, chuyên sản xuất các mặt hàng mây, tre đan xuất khẩu, mặc dù trong điều kiện dịch Covid-19 liên tiếp xảy ra, nhưng cơ sở này vẫn đảm bảo việc làm cho 20 lao động thường xuyên tại xưởng và 500 lao động thời vụ ở các làng nghề trong và ngoài huyện.
HTX Thắng Lợi xã Thọ Thành đảm bảo việc làm thường xuyên cho 20 lao động tại địa phương. Ảnh: Văn Trường |
Ông Hoàng Danh Truyền - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết: Là huyện giàu tiềm năng với gần 17,5 vạn lao động trong độ tuổi, năm 2021, huyện Yên Thành đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp tích cực để duy trì ổn định tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, nâng cao chất lượng nguồn lao động, trong đó, trên 51% lao động qua đào tạo có việc làm, đưa nhu nhập bình quân đầu người lên 52 triệu đồng/năm, góp phần hạ tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 1,06%.