Tổng thống Nga nắm trong tay 'vũ khí bí mật' vô cùng lợi hại trong chiến lược đối phó Ukraine

Hồng Anh 18/04/2021 09:58

Moscow không cần phát động một cuộc tấn công bởi trên thực tế, Tổng thống Putin đang nắm trong tay vũ khí vô cùng lợi hại đó là tấm hộ chiếu dành cho công dân Ukraine.

Việc Nga tăng cường sự hiện diện quân sự tại khu vực biên giới giữa nước này với Ukraine đã khiến cộng đồng quốc tế lo ngại. Mối lo ngại cuộc chiến tranh “lạnh” giữa 2 nước từng thuộc Liên Xô trở thành chiến tranh “nóng” ngày càng gia tăng sau khi Nga cáo buộc Ukraine chuẩn bị tiến hành một cuộc tấn công lớn ở vùng Donbass, đồng thời cảnh báo hậu quả nghiêm trọng đối với quốc gia này.

Nga bắt đầu công bố kế hoạch cấp hộ chiếu cho người dân miền Đông Ukraine vào năm 2019. Ảnh: Reuters.

Những hình ảnh cho thấy quân đội Nga tập trung sát biên giới Ukraine đang khiến các nhà lãnh đạo phương Tây “đứng ngồi không yên”. Phương Tây vẫn đang phỏng đoán ý định thực sự của Nga và thấp thỏm về khả năng nổ ra chiến tranh giữa Nga và Ukraine. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng, Nga nhiều khả năng không muốn làm leo thang vấn đề đối với Ukraine bởi họ cũng lo ngại về việc sa lầy vào một cuộc xung đột tốn kém mà không có chiến lược rút lui rõ ràng. Hơn nữa, Tổng thống Putin đang nắm trong tay vũ khí vô cùng lợi hại có thể gây sức ép lớn đối với Ukraine.

Tấm hộ chiếu - “vũ khí bí mật” của Nga

Trong hai năm qua, Nga đã phát hộ chiếu cho những người dân sống ở khu vực ly khai miền Đông Ukraine. Ước tính có hơn 650.000 hộ chiếu Nga đã được cấp trong khoảng thời gian này. Trước đó vào năm 2019, Tổng thống Putin đã ký một sắc lệnh đơn giản hóa thủ tục cấp hộ chiếu Nga cho người dân ở các khu vực này. Điện Kremlin giải thích đây là một cử chỉ “nhân đạo” và thể hiện trách nhiệm đối với dân cư nói tiếng Nga trong vùng.

Một số trợ lý cấp cao của Điện Kremlin đã nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của chính sách cung cấp hộ chiếu Nga cho người dân vùng Donbass. Phát biểu tại Moscow ngày 8/4, ông Dmitry Kozak, Phó Chánh văn phòng Điện Kremlin tuyên bố, Nga “sẽ buộc phải ra tay bảo vệ” các công dân Nga ở miền Đông Ukraine nếu chiến sự leo thang.

Ông Dmitry Kozak – cũng là đại diện của Nga trong các cuộc đàm phán hòa bình với Ukraine cảnh báo, nếu Ukraine bắt đầu các hành động quân sự thì đây sẽ là "khởi đầu cho sự kết thúc" của quốc gia này. Một ngày sau đó, Dmitry Peskov, thư ký báo chí của Tổng thống Putin đã nhắc lại cam kết của Kozak trong việc bảo vệ các công dân Nga ở miền Đông Ukraine.

Việc cấp hộ chiếu Nga tại miền Đông Ukraine không chỉ cho thấy các mục tiêu dài hạn của Moscow, mà còn cung cấp ít nhiều manh mối về điều gì sẽ diễn ra tiếp theo sau các động thái quân sự của Moscow tại khu vực biên giới.

Theo cây bút Peter Dickinson, có hai kịch bản có thể xảy ra. Thứ nhất, những tuyên bố gần đây của Moscow về việc cần thiết phải bảo vệ công dân Nga ở miền Đông Ukraine có thể báo trước kế hoạch sáp nhập vùng Donbass vào lãnh thổ Nga tương tự như như việc Moscow sáp nhập Bán đảo Crimea năm 2014. Tuy nhiên, để thực hiện điều này Nga sẽ phải trả cái giá vô cùng đắt đỏ. Hơn nữa, động thái đó có thể không nhận được sự ủng hộ của người dân Nga giống như sự kiện Crimea.

Một kịch bản khác mang tính khả thi hơn là quân đội Nga sẽ tiến vào miền Đông Ukraine với danh nghĩa là lực lượng gìn giữ hòa bình để bảo vệ một số lượng lớn công dân Nga trong khu vực. Một khi đã được triển khai, lực lượng gìn giữ hòa bình này gần như không thể bị đánh bật.

Chuyên gia Peter Dickinson của Hội đồng Atlantic nhận định, chính sách hộ chiếu là một bước đi đã được tính toán kỹ lưỡng của Tổng thống Putin, nhằm đảm bảo Moscow sẽ có lý do chính đáng để can thiệp quân sự vào miền Đông Ukraine trong trường hợp cần thiết. Cho đến nay, Nga vẫn duy trì trạng thái là bên đứng ngoài trước cuộc xung đột tại Donbass.

Maxim Samorukov, chuyên gia của Trung tâm Carnegie Moscow, nhận định, Nga chắc chắn không muốn khơi mào một cuộc xung đột quân sự với Ukraine, nhưng nước này "đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng" nếu Tổng thống Ukraine Zelensky dùng đến "quân bài chống Nga".

Chiến lược hộ chiếu đã trở thành một trong những yếu tố quan trọng trong chính sách đối ngoại của Moscow kể từ cuối những năm 1990. Trong 2 thập kỷ qua, chiến lược này đã giúp Nga củng cố vị thế trên khắp thế giới hậu Liên Xô và đóng vai trò nổi bật trong việc gây dựng các mạng lưới ủng hộ mạnh mẽ đối với Nga tại một số nước từng thuộc Liên Xô cũ như Moldova hay Gruzia.

Nga bắt đầu công bố kế hoạch cấp hộ chiếu cho người dân miền Đông Ukraine vào năm 2019, chỉ vài ngày sau khi ông Volodymyr Zelensky được bầu làm Tổng thống Ukraine. Chính phủ Ukraine đã bày tỏ sự tức giận, cho đó là một hành vi “đâm sau lưng”, gây tổn hại tiến trình hòa bình.

Mục đích chính của Tổng thống Putin

Với những diễn biến gây leo thang căng thẳng đang gia tăng đều đặn thời gian gần đây và lời tuyên bố “sẵn sàng chiến đấu” từ cả hai phía, nhiều người lo ngại về khả năng xảy ra “một cuộc chiến tranh toàn diện” giữa Nga và Ukraine, có thể đe dọa an ninh tại khu vực Biển Đen và toàn bộ châu Âu. Song Peter Dickinson cho rằng, không có gì đảm bảo Điện Kremlin đang lên kế hoạch cho một cuộc chiến tranh như vậy. Ông nhấn mạnh, mục tiêu trước mắt của Moscow có thể là nhằm gia tăng sức ép buộc Ukraine phải thực hiện theo đúng thỏa thuận Minsk được ký kết năm 2015 và kiểm tra phản ứng của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Theo thỏa thuận Minsk, quân đội Chính phủ Ukraine và phe đối lập phải rút vũ khí hạng nặng ra khỏi khu vực chiến tuyến, Kiev sẽ phải trao quy chế tự trị đặc biệt cho miền Đông Ukraine và để các cuộc bầu cử địa phương diễn ra ở đó. Thế nhưng kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Zelensky vẫn chưa muốn trao quy chế tự trị cho khu vực Donbass bởi ông cho rằng quyết định này không khác gì hành động đầu hàng phe đối lập.

Chính quyền Zelensky sau đó tuyên bố các cuộc bầu cử sẽ chỉ được tổ chức sau khi Ukraine giành toàn quyền kiểm soát khu vực miền Đông. Ukraine được cho là đang xem xét khả năng khởi động một cuộc chiến mới nhằm đẩy lùi lực lượng ly khai và vì thế việc Nga tăng cường sự hiện diện gần biên giới giữa hai nước chính là động thái cảnh báo Kiev.

Ở một khía cạnh khác, hành động của Nga còn được coi là phép thử phản ứng của chính quyền Biden. Điện Kremlin muốn gửi tín hiệu tới Mỹ rằng, Nga vẫn coi các vấn đề của Ukraine là liên quan đến nước này và đặc biệt phản đối kế hoạch gia nhập NATO của Kiev.

Với việc chính quyền mới của Mỹ đang định hình chính sách đối ngoại trong 3 tháng đầu tiên lên nắm quyền, Tổng thống Putin có thể coi đây là thời điểm thích hợp để thiết lập những ranh giới về mặt chính trị và quân sự giữa hai nước trong 4 năm tới. Mỹ là đồng minh mạnh mẽ nhất của Ukraine kể từ khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014.

Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Nga, Tổng thống Ukraine Zelensky đã kêu gọi Tổng thống Biden hỗ trợ nước này có thể nhanh chóng gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Đối với Nga, mối quan hệ ngày càng thân thiết hơn giữa của Ukraine với Mỹ và phương Tây sẽ thách thức vị thế của Moscow trong khu vực. Bên cạnh đó, nguyện vọng gia nhập NATO của Ukraine cũng được Nga coi là một mối đe dọa tiềm tàng./.

Hồng Anh