Tìm hướng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp dệt may ở Nghệ An

Thu Huyền - Quang An 26/04/2021 18:26

(Baonghean.vn) - Tổ công tác chỉ đạo lĩnh vực công nghiệp theo Quyết định 191 của UBND tỉnh đã trực tiếp nắm bắt tiến độ đầu tư và những vướng mắc của doanh nghiệp, để có giải pháp tháo gỡ kịp thời, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng và hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2021.

Tiếp tục thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh Nghệ An, chiều 26/4, đoàn công tác của tỉnh đã đi kiểm tra tại CCN Nghĩa Long (Nghĩa Đàn) và các nhà máy may tại huyện Thanh Chương.

Đoàn công tác do đồng chí Phạm Văn Hóa - Giám đốc Sở Công Thương làm trưởng đoàn.

Cùng đi có lãnh đạo các sở, ngành liên quan, lãnh đạo các huyện Nghĩa Đàn, Thanh Chương.

Đoàn công tác làm việc với lãnh đạo huyện Nghĩa Đàn để nghe, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất tại CCN Nghĩa Long. Ảnh: Quang An

CCN Nghĩa Long (Nghĩa Đàn) có diện tích 37ha, hiện có 6 nhà máy đã hoạt động, giải quyết việc làm cho 500 lao động, hàng năm đóng góp ngân sách 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp ở đây đang gặp khó khăn do nước phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt không đủ, chủ yếu là nước khoan. UBND tỉnh đã cho phép UBND huyện Nghĩa Đàn xây dựng đập nước với tổng mức đầu tư 10 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh bố trí 06 tỷ đồng, số kinh phí còn lại huy động từ nguồn khác nhưng ngân sách huyện không đủ để cân đối do nguồn thu từ các doanh nghiệp hoạt động trong CCN Nghĩa Long đều phải nộp về ngân sách tỉnh.

Đoàn công tác kiểm tra công trình xây dựng đập nước với tổng mức đầu tư 10 tỷ đồng phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho CCN Nghĩa Long (Nghĩa Đàn). Ảnh: Quang An

Vì vậy, để sớm đưa dự án vào hoạt động, UBND huyện Nghĩa Đàn đề nghị UBND tỉnh cân đối đủ nguồn kinh phí 04 tỷ đồng còn lại từ ngân sách tỉnh năm 2021 hoặc cho phép huy động các doanh nghiệp trong CCN Nghĩa Long đóng góp trước và khấu trừ vào nguồn thu thuế của năm 2021.


Ngoài ra, hiện tại còn 600m đường giao thông nội bộ trong CCN vẫn chưa có kinh phí đầu tư hoàn thiện gây khó khăn trong vận chuyển hàng hóa. Nguồn hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng CCN theo Quyết định số 45 đã bố trí hết định mức, đề nghị UBND tỉnh cho cơ chế bố trí vốn ngoài định mức từ nguồn hỗ trợ xây dựng hạ tầng CCN năm 2021 đối với các CCN hoạt động hiệu quả như CCN Nghĩa Long để UNBD huyện hoàn thành tuyến đường.
Tại huyện Nghĩa Đàn, doanh nghiệp hoạt động tại CCN cũng phản ánh lâu nay nguồn điện chưa ổn định, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.


Thăm dây chuyền may xuất khẩu của Nhà máy may Venture, Công ty CP ABC Nghệ An. Ảnh: Thu Huyền
Tại Công ty CP ABC Nghệ An, lãnh đạo doanh nghiệp cho biết: Nhu cầu lao động của Nhà máy may Venture là 1.500 người, tuy nhiên đến nay nhà máy mới tuyển được 600, nên 01 xưởng nhà máy hiện dừng hoạt động do không tuyển được lao động. Hiện nay, lương của Công ty trả theo tài khoản ngân hàng ATM, nhu cầu rút tiền cao nhưng trên địa bàn chưa có cây ATM. Vì thế, đề nghị đầu tư lắp đặt cây ATM để phục vụ nhu cầu của người lao động cũng như người dân trên địa bàn.
Ngoài ra, đường từ Cầu Gạo đến nhà máy hiện hư hỏng nặng, gây khó khăn đi lại và vận chuyển hàng hóa.

Lãnh đạo huyện Thanh Chương trao đổi một số khó khăn của doanh nghiệp may đứng chân trên địa bàn. Ảnh: Thu Huyền
Cũng trong chiều nay, tổ công tác kiểm tra tại Nhà máy may TAAD Nghệ A ở xã Thanh Khê, huyện Thanh Chương. Hiện doanh nghiệp này đang gặp khó khăn trong công tác vận chuyển do vướng đường điện dân sinh.
Sau khi kiểm tra, lắng nghe chia sẻ của doanh nghiệp, chính quyền địa phương, đồng chí Phạm Văn Hóa - Giám đốc sở Công Thương, trưởng đoàn công tác lưu ý các doanh nghiệp tiếp tục quan tâm công tác phòng, chống dịch Covid-19; phấn đấu hoàn thành vượt mức chỉ tiêu sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng ngành công nghiệp năm 2021.

Đoàn công tác làm việc với Nhà máy may TAAD Nghệ An ở xã Thanh Khê, Thanh Chương. Ảnh: Quang An
Đối với các kiến nghị của huyện Nghĩa Đàn, đồng chí trưởng đoàn giao Sở KH&ĐT và Sở Tài chính xem xét tham mưu, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Về đường dây trung thế cấp điện cho CCN Nghĩa Long, tổ công tác sẽ đề xuất Sở Công Thương chủ trì phối hợp với ngành Điện xem xét giải quyết.
Đối với các kiến nghị của các nhà máy may ở huyện Thanh Chương liên quan đến đường điện, đường giao thông,.. đồng chí Phạm Văn Hóa cho biết, những nội dung thuộc thẩm quyền của huyện thì đề nghị huyện Thanh Chương chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu xử lý; một số nội dung khác sẽ tổng hợp để tham mưu lãnh đạo tỉnh chỉ đạo, xử lý kịp thời, giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh.


Thu Huyền - Quang An