Cảnh báo tình trạng chống đối cảnh sát giao thông
(Baonghean.vn) - Những năm gần đây, tình trạng không chấp hành yêu cầu kiểm tra, chống người thi hành công vụ, đặc biệt với lực lượng Cảnh sát giao thông diễn biến phức tạp. Tính chất các vụ việc ngày càng nghiêm trọng, manh động và liều lĩnh...
Nhiều vụ việc manh động, liều lĩnh
Mới đây, vào khoảng 20h 50 phút ngày 19/4, Tổ công tác thuộc Đội CSGT đường bộ số 5 (Phòng CSGT Công an tỉnh) gồm Thượng úy Cao Đức Đại (Tổ trưởng), Nguyễn Việt Anh, Nguyễn Tuấn Anh, Chu Văn Hải, Nguyễn Đắc Nam (Tổ viên), đang làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát đảm bảo trật tự ATGT tại Km 08+850 Quốc lộ 46A thuộc xã Nghi Ân, TP. Vinh thì phát hiện xe ô tô biển số 37A-502.46 di chuyển theo hướng TP. Vinh đi TX. Cửa Lò vi phạm tốc độ 56/50 km/h.
Lúc này, Trung úy Nguyễn Tuấn Anh ra hiệu lệnh dừng phương tiện để kiểm soát và xử lý vi phạm, tuy nhiên, tài xế không chấp hành hiệu lệnh, không giảm tốc độ mà lao thẳng về phía trước. Các chiến sĩ CSGT tránh sát vào lề đường nhưng chiếc xe vẫn lao đến tông thẳng khiến Trung úy Nguyễn Tuấn Anh bị thương rất nặng. Sau khi gây tai nạn, tài xế này tiếp tục điều khiển xe rời khỏi hiện trường.
Chiếc xe thời điểm vi phạm tốc độ và sau khi đâm Trung úy Nguyễn Tuấn Anh được bỏ lại tại một khách sạn ở TX Cửa Lò. Ảnh: CACC |
Sau khi sự việc xảy ra, Tổ công tác đã nhanh chóng đưa đồng chí Nguyễn Tuấn Anh đi cấp cứu tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh, nhưng do vết thương quá nặng, anh được chuyển ra Bệnh viện Việt -Đức (Hà Nội) điều trị. Sự việc được tổ công tác báo cáo lãnh đạo đơn vị, đồng thời phối hợp Công an TP. Vinh và cơ quan chức năng khác lập hồ sơ ban đầu để xử lý đối tượng theo quy định. Đối tượng điều khiển xe 37A-502.46 được xác định là Võ Thế Nghĩa (SN 1990), trú tại khối Bắc Hải, phường Nghi Thu, TX. Cửa Lò. Sau khi sự việc xảy ra, Nghĩa bỏ lại xe tại một khách sạn ở thị xã Cửa Lò rồi bỏ trốn, lực lượng chức năng đang vận động đầu thú.
Trước đó, khoảng 20h30 ngày 8/7/2020, Tổ tuần tra, kiểm soát giao thông Công an huyện Nam Đàn trong khi đang làm nhiệm vụ tại Km 335+200 QL15A, thuộc địa phận xã Thượng Tân Lộc, huyện Nam Đàn phát hiện nam thanh niên điều khiển xe máy BKS 37M1-694.42 không đội mũ bảo hiểm, chạy tốc độ cao nên đã ra tín hiệu dừng xe để kiểm tra.
Tuy nhiên, nam thanh niên này không chấp hành hiệu lệnh mà điều khiển xe đâm thẳng vào tổ công tác. Đại úy Trần Xuân Sơn, cán bộ Đội CSGT Công an huyện Nam Đàn không né kịp bị xe húc văng và bị thương nặng. Sau đó, đồng đội đã đưa Đại úy Sơn đi cấp cứu. Tại bệnh viện, Đại úy Sơn được xác định bị mẻ xương đầu gối và rạn xương vai. Danh tính nam thanh niên điều khiển xe máy tông thẳng vào Đại úy Sơn sau đó được xác định là Lê Văn Hoàng (SN 1999), trú tại xã Xuân Hòa (Nam Đàn).
Phó Giám Đốc Công an tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Hải thăm Đại úy Sơn tại thời điểm điều trị ở bệnh viện. Ảnh tư liệu Minh Tâm |
Trên đây chỉ là 2 trong số hàng chục vụ việc liên quan đến tình trạng không chấp hành yêu cầu kiểm tra, chống người thi hành công vụ trong những năm gần đây trên địa bàn.
Trong vòng 3 năm trở lại đây, thông qua tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự ATGT đã phát hiện 39 vụ/39 đối tượng có hành vi không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát về giấy tờ, người và phương tiện hoặc cản trở, không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn, kiểm tra về chất ma túy của người thi hành công vụ; xử lý hành chính 39 vụ, 39 đối tượng, thu phạt trên 235 triệu đồng, tước GPLX có thời hạn 32 trường hợp. Cũng trong khoảng thời gian trên, xảy ra 2 vụ, 2 đối tượng chống lại lực lượng trong khi thi hành công vụ.
Cần xử lý nghiêm
Có thể thấy, hành vi không chấp hành yêu cầu kiểm tra, chống người thi hành công vụ nói chung, CSGT nói riêng ngày càng diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng về mức độ, gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình thực thi công vụ của lực lượng CSGT. Không chỉ dừng lại ở những lời lẽ xúc phạm, lăng mạ mà mức độ hành vi ngày càng nguy hiểm, liều lĩnh hơn như lao ô tô, xe máy vào lực lượng CSGT.
Ngoài việc để lại những hậu quả lớn, gây bức xúc trong dư luận xã hội, các hành vi này còn tạo ra những tiền lệ xấu khiến người tham gia giao thông coi thường pháp luật...
Kiểm soát giao thông tại Trạm CSGT Diễn Châu. Ảnh: Đ.C |
Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Lê Hồng Sơn - Phó trưởng Phòng CSGT tỉnh cho rằng, nguyên nhân xảy ra việc không chấp hành yêu cầu kiểm tra, chống người thi hành công vụ là do ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông còn hạn chế, khi vi phạm tìm mọi cách trốn tránh, không hợp tác, cản trở, thậm chí chống đối lực lượng CSGT. Chưa kể một bộ phận thanh niên có tính côn đồ hoặc do đã sử dụng rượu, bia trước đó nên không kiểm soát được hành vi. Ngoài ra, chế tài xử lý hành vi này chưa đủ sức răn đe cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng mức độ các hành vi chống người thi hành công vụ.
Đồng quan điểm, một luật sư cho hay, với khung hình phạt khởi điểm là cải tạo không giam giữ, so với thực trạng của hành vi chống người thi hành công vụ hiện nay là không tương xứng. Bởi đơn cử như việc lao xe vào lực lượng cảnh sát là hành vi nguy hiểm mà đối tượng biết trước được khả năng có thể dẫn đến chết người nhưng vẫn cố tình thực hiện. Chính vì vậy, đối với trường hợp này phải được xử lý nghiêm và cần tiến hành xét xử lưu động công khai để làm gương cho các đối tượng khác.
Về giải pháp xử lý các tình huống phức tạp, tình huống chống người thi hành công vụ, theo Thượng tá Lê Hồng Sơn, ngoài chỉ đạo chung của Công an tỉnh, trong các kế hoạch, chuyên đề, các đợt cao điểm đảm bảo trật tự ATGT, tấn công trấn áp các loại tội phạm, phòng đều chỉ đạo các đội, trạm nhận thức đầy đủ, sâu rộng hơn về đặc điểm tình hình liên quan đối tượng chống người thi hành công vụ để có biện pháp xử lý, phòng ngừa.
Ban An toàn giao thông tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng CSGT Công an tỉnh tổ chức Chương trình tuyên truyền pháp luật về trật tự, an toàn giao thông ở Trường THPT Nghi Lộc 5. Ảnh tư liệu |
Phòng CSGT tỉnh cũng chủ trì, phối hợp với các phòng nghiệp vụ tham mưu lãnh đạo Công an tỉnh xây dựng bộ tài liệu phương án xử lý các tình huống phức tạp xảy ra trong công tác đảm bảo trật tự ATGT. Trên cơ sở đó, tổ chức tập huấn cho CBCS thực hiện nhiệm vụ đảm bảo trật tự ATGT trong Công an Nghệ An nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; kỹ năng ứng xử, phương pháp vận động, thuyết phục, đối thoại với nhân dân cho cán bộ, chiến sỹ công an các cấp nhằm đáp ứng yêu cầu công tác, góp phần hạn chế nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tội phạm chống người thi hành công vụ...
Theo ông Võ Minh Đức - Phó Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh, để hạn chế tình trạng không chấp hành yêu cầu kiểm tra, chống người thi hành công vụ, trước tiên cần phát huy vai trò của truyền thông đại chúng trong tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về giao thông đường bộ. Qua đó, giúp người tham gia giao thông hiểu được quyền hạn của lực lượng chức năng, cùng những việc bản thân được làm và không được làm khi bị kiểm tra...
Đối với những trường hợp cố tình không chấp hành yêu cầu kiểm tra, cố tình chống người thi hành công vụ, những trường hợp tái phạm thì phải xử lý nghiêm, bởi đây là hành vi coi thường, thậm chí thách thức pháp luật cần nghiên cứu, sửa đổi quy định pháp luật để có mức xử phạt tương xứng.
Tội chống người thi hành công vụ được quy định tại Điều 330, Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định: Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 2 đến 7 năm: Có tổ chức; phạm tội 2 lần trở lên; xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội; gây thiệt hại về tài sản 50.000.000 đồng trở lên; tái phạm nguy hiểm.