Người dân ý kiến về tách lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông ra khỏi Luật Giao thông đường bộ

(Baonghean.vn) - Mới đây, Bộ Công an đã xây dựng Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Ngay sau khi được công bố, Dự luật đã thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận, bởi đây là lần đầu tiên có một dự thảo luật tách bạch riêng lĩnh vực đảm bảo trật tự, an toàn giao thông ra khỏi vấn đề hạ tầng.

Nhiều điểm mới

Với 8 chương 93 điều, Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ có nhiều quy định mới. Ngay sau khi được công bố, Dự luật đã thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận. Bởi đây là lần đầu tiên có một dự thảo luật tách bạch riêng lĩnh vực đảm bảo TTATGT ra khỏi vấn đề hạ tầng. Trước đó, lĩnh vực này được quy định chung tại Luật Giao thông đường bộ.

Dự thảo Luật đã kế thừa, sửa đổi một số khái niệm, định nghĩa trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và các nghị định, thông tư có liên quan, đồng thời bổ sung một số khái niệm, định nghĩa mới như trật tự, an toàn giao thông đường bộ, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, quản lý Nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông đường bộ…

Ảnh: Đ.C
Xe dừng, đỗ sai quy định bị lực lượng chức năng khóa bánh xe và xử phạt. Ảnh tư liệu Tr. Dương

So với luật hiện hành, dự thảo Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ có nhiều điểm mới. Cụ thể, từ Điều 13 đến Điều 45, sửa đổi, bổ sung đầy đủ và rõ ràng hơn một số quy tắc giao thông như: Quy tắc về phía đi, phần đường, nhường đường, tránh, vượt, chuyển hướng, lùi xe, vượt xe, dừng xe, đỗ xe, tốc độ, khoảng cách…; bổ sung quy định tốc độ tối đa của một số loại phương tiện có trọng tải lớn trên đường cao tốc; khoảng cách an toàn giữa các xe tương ứng với tốc độ và điều kiện mặt đường thời tiết, địa hình để đảm bảo an toàn giao thông...

Đặc biệt, tại dự thảo luật quy định cụ thể về phương tiện tham gia giao thông gồm 10 điều, với các nội dung cơ bản như: Điều kiện tham gia giao thông của xe cơ giới; điều kiện tham gia giao thông của xe thô sơ; trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền về cấp, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe; trách nhiệm của chủ xe cơ giới; cấp, thu hồi đăng ký và biển số xe cơ giới; bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ…

Ảnh: Đ.C
Việc mở cửa xe ô tô cũng được đề cập đến tại Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Ảnh: Hải Đăng

Đáng chú ý, có một số thay đổi về đầu mối quản lý đối với công tác quản lý sát hạch lái xe, quy định về cơ quan chịu trách nhiệm sau cùng đối với hành vi của người tham gia giao thông, gắn trách nhiệm của Bộ Công an trong khâu nghiệm thu đánh giá về an toàn giao thông đối với các công trình giao thông đường bộ trước khi đưa vào khai thác; trách nhiệm trong điều chỉnh, thay đổi hệ thống báo hiệu đường bộ và trong tổ chức giao thông.

Ý kiến đồng tình cao

Về cơ sở thực tiễn, Bộ Công an cho rằng: Sau hơn 10 năm thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã mang lại nhiều kết quả cho sự phát triển giao thông vận tải và bảo đảm TTATGT, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, từ thực tiễn thực hiện Luật cũng như yêu cầu đặt ra trong tình mới, Luật đã bộc lộ những bất cập, hạn chế.

Trong đó, rõ nhất là Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đồng thời điều chỉnh 2 lĩnh vực khác nhau là: Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, vận tải đường bộ. Đây là 2 lĩnh vực rất lớn và khác nhau nhưng lại được điều chỉnh trong cùng một đạo luật dẫn đến không thể quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng nhiều nội dung quan trọng thuộc cả hai lĩnh vực, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Lý giải về tính cấp thiết của Dự thảo Luật Bảo đảm TTATGT, tại Dự thảo Tờ trình Luật này, Bộ Công an đánh giá: TNGT ở Việt Nam từ năm 2009 đến nay tuy giảm nhưng vẫn ở mức cao so với thế giới, và có đến 90% nguyên nhân từ vi phạm của người tham gia giao thông. Ngoài ra, vấn đề quản lý hành vi giao thông, quản lý phương tiện, bằng lái… vẫn còn nhiều bất cập, vướng mắc, ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả của quản lý Nhà nước đối với công tác đảm bảo TTATGT. Với các lý do đó, Bộ Công an cho rằng, sự ra đời của Luật Bảo đảm TTATGT là cần thiết để hoàn thiện quy định pháp luật, giải quyết những vấn đề cấp thiết vừa nêu.

Ảnh: Đ.C
Camera giao thông phạt nguội giúp lực lượng CSGT giám sát phương tiện lưu thông trên đường. Ảnh: Đ.C

Theo ghi nhận, bên cạnh những ý kiến cho rằng phải làm thế nào để người dân hiểu 2 luật (Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ) để không nhầm lẫn, theo đó đảm bảo tính thống nhất, không chồng chéo nhau, không dẫn đến tình trạng “quyền anh, quyền tôi”. Nhiều ý kiến đồng tình với việc cần thiết phải ban hành Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ để đảm bảo tốt hơn an ninh, trật tự trên đường, an toàn hơn cho người dân khi tham gia giao thông.

Bà Trần Thị Hiền ở phường Lê Lợi (TP. Vinh) cho rằng, luật này ra đời thì chắc chắn nó sẽ tác động tốt đến người tham gia giao thông, đến các cơ quan quản lý giao thông. Bởi vì luật có rất nhiều chương, điều cụ thể hóa hơn, quy định rõ trách nhiệm của người tham gia giao thông, cũng như trách nhiệm của người thực thi việc bảo đảm TTATGT, đặc biệt là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về giao thông vận tải.

Còn với ông Nguyễn Quang Dũng, một cán bộ về hưu, trú tại huyện Nghi Lộc bày tỏ: Tôi quan tâm nhất đến quy định sẽ chuyển giao nhiệm vụ sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an. Bởi thực tế, giấy phép lái xe không phải đơn thuần như các loại giấy phép khác mà nó gần như là để khẳng định anh đủ kiến thức và kỹ năng tham gia giao thông an toàn và đã an toàn thì phải có cơ quan chịu trách nhiệm về an toàn. Trong khi Luật Giao thông 2008 không chỉ rõ chịu trách nhiệm về an toàn là cơ quan nào.

Bởi vậy, Dự thảo Luật Bảo đảm TTATGT giao nhiệm vụ sát hạch, cấp giấy phép lái xe sang Bộ Công an là hợp lý, không những là cấp giấy phép lái xe còn quản lý cả quá trình. Nếu thực hiện được như vậy sẽ giúp việc quản lý người lái xe từ lúc được cấp giấy phép lái xe đến khi sử dụng.

Ảnh: Đ.C
CSGT Công an TP. Vinh điều tiết giao thông vào giờ cao điểm. Ảnh: Lê Thắng

Đồng quan điểm, anh Ngô Quốc Cường, trú ở huyện Quỳ Hợp cho rằng: Theo dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, người được cấp giấy phép lái xe (GPLX) sẽ có 12 điểm trong 12 tháng. Mỗi khi vi phạm, người lái xe sẽ bị trừ điểm. Nếu GPLX bị trừ hết điểm, sau thời hạn 6 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm mà người lái xe có nhu cầu cấp GPLX mới, phải tham gia sát hạch lại. Nếu GPLX còn điểm thì tiếp tục được phục hồi 12 điểm cho trong 12 tháng kế tiếp.

Hình thức này sẽ giúp nâng cao ý thức của người tham gia giao thông hơn, vì nếu không làm tốt sẽ bị trừ điểm, thậm chí sẽ phải thi sát hạch lại. Theo đó, người lái xe sẽ có ý thức hơn, cân nhắc hơn trong quá trình tham gia giao thông và sẽ hạn chế được tai nạn giao thông.

Việc xây dựng, sớm ban hành Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ là hết sức cần thiết để giải quyết những vấn đề cấp bách thực tiễn đang đặt ra trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo, khắc phục được những bất cập, tồn tại của Luật Giao thông đường bộ năm 2008.

Đồng thời, việc xây dựng dự thảo luật độc lập về lĩnh vực TTATGT đường bộ là phù hợp với xu hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng chuyên sâu hóa của Việt Nam và thế giới hiện nay. Theo đó, bảo đảm sự phân công rõ ràng, đầy đủ chức năng nhiệm vụ và nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật, tạo thuận lợi cho người dân, cơ quan, tổ chức.

TS. LS Nguyễn Trọng Hải - Trưởng Văn phòng Luật sư Trọng Hải và Cộng sự

Như vậy, có thể thấy, việc tách luật sẽ giúp quy định rõ hơn trách nhiệm của các đơn vị thực thi nhiệm vụ. Hy vọng, cùng với quá trình lấy ý kiến, chỉnh sửa, bổ sung để hoàn thiện sửa đổi, khi dự luật này được Quốc hội thông qua, ban hành sẽ đủ mạnh để kiểm soát tình hình, tác động đến công tác quản lý nhà nước tốt hơn, bảo đảm hành lang pháp lý cho lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ hiệu lực, hiệu quả hơn. Đồng thời, sẽ góp phần nâng cao ý thức của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, hình thành văn hóa giao thông văn minh, tiệm cận với nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới.
Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV lần này sẽ cho ý kiến lần đầu về dự Luật trên, đến phiên đầu tiên Quốc hội khóa mới 2021 mới tiến hành biểu quyết, dự kiến tháng 1/2022 dự luật sẽ có hiệu lực.

tin mới

Để Nam sông Vinh thành vùng sáng...

Để Nam sông Vinh thành vùng sáng...

(Baonghean.vn) - Thực hiện rà soát khu đất xây dựng Dự án Khu đô thị Dầu khí Nghệ An sau khi quy hoạch của dự án treo này bị hủy bỏ, vào ngày 1/3/2024, UBND phường Vinh Tân đã có Văn bản số 114/UBND-ĐC báo cáo các vấn đề liên quan lên UBND thành phố Vinh.

Tại phiên tòa sơ thẩm, Lê Văn Lưu bị xử phạt 17 năm tù. Ảnh: Như Bình.

Trả nghĩa ân tình bằng… nhát dao

(Baonghean.vn) - Là người lao động tự do ở Lào, Lê Văn Lưu (Diễn Châu) được ông Nguyễn Văn O. (Yên Thành) cưu mang, giúp đỡ xem như con cháu trong nhà. Thế nhưng, chỉ vì hiểu lầm không đáng có, trong một lần say rượu, Lưu đã cầm dao đâm chết ân nhân của mình.

Đi tìm nguyên nhân UBND tỉnh hủy bỏ Dự án chợ Cầu Thông

Đi tìm nguyên nhân UBND tỉnh hủy bỏ Dự án chợ Cầu Thông

(Baonghean.vn) - Đầu năm 2024, một thông tin rất được dư luận quan tâm là UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định 64/QĐ-UBND bãi bỏ các văn bản pháp lý đối với Dự án đầu tư xây dựng chợ Cầu Thông (Dự án chợ Cầu Thông), nằm trên đường Nguyễn Thiếp tại phường Trung Đô, thành phố Vinh.

‘Khai tử’ dự án treo bên bờ Nam sông Vinh

‘Khai tử’ dự án treo bên bờ Nam sông Vinh

(Baonghean.vn) - Quy hoạch chi tiết xây dựng Dự án Khu đô thị Dầu khí Nghệ An tại phường Vinh Tân, thành phố Vinh (do Công ty CP Đầu tư và Thương mại Dầu khí Nghệ An làm chủ đầu tư) sau hơn 13 năm tồn tại trên giấy đã bị hủy bỏ.

Dấu lặng buồn dưới chân núi Thiên Nhẫn

Dấu lặng buồn dưới chân núi Thiên Nhẫn

(Baonghean.vn) - Dẫu có giá trị lịch sử, văn hóa và cả không gian cảnh quan. Thế nhưng, thành cổ Lục Niên cùng không gian cảnh quan trên dãy Thiên Nhẫn và khu mộ của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp chưa được bảo tồn và khai thác đúng mức là điều hết sức đáng tiếc.