Bảo hiểm xã hội Nghệ An và LĐLĐ tỉnh chung tay vì người lao động

Hoài Phương 27/05/2021 11:28

(Baonghean.vn) - Để thực hiện tốt các chế độ, chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho người lao động, LĐLĐ và BHXH cần có sự chung tay, phối hợp một cách chặt chẽ và linh hoạt. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật BHXH, BHYT.

ĐƯA LUẬT ĐẾN TẬN TAY NGƯỜI LAO ĐỘNG

Chưa nhận thức đầy đủ về mục đích, ý nghĩa, quyền lợi và các chính sách pháp luật về BHXH là lý do phổ biến dẫn đến thực trạng nhiều công nhân, người lao động lúng túng khi giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền lợi của mình. Để khắc phục điều này, cơ quan BHXH cùng tổ chức công đoàn đã xây dựng chương trình phối hợp để tuyên truyền chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đến người lao động, nhất là người lao động ở các doanh nghiệp tư nhân. Sự phối hợp này không chỉ ở quy mô cấp tỉnh mà còn được triển khai sâu rộng, mạnh mẽ xuống các đơn vị huyện, ngành.

bữa ăn trưa giãn cách tại Cty TNHN Masan MB
Bữa ăn trưa giãn cách tại Công ty TNHH Masan MB. Ảnh: P.V

Hướng tới Tháng Công nhân năm 2021, đầu tháng 4 vừa qua, LĐLĐ huyện Tân Kỳ phối hợp cùng BHXH huyện đã tổ chức hội nghị đối thoại, tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho 300 công nhân, người lao động trên địa bàn. Tại hội nghị, nhiều câu hỏi liên quan đến các chế độ chính sách đã được đại diện hai ngành trực tiếp trả lời, tháo gỡ.

Tham dự hội nghị, chị Hoàng Thị Vân (công nhân) đã có câu hỏi về điều kiện để hưởng chế độ thai sản. Sau khi có được sự tư vấn cụ thể, hỗ trợ tận tình từ ban tổ chức, chị Vân thổ lộ: “Bây giờ thì tôi đã nắm đầy đủ các điều kiện hưởng chế độ thai sản. Với đặc thù doanh nghiệp đông lao động nữ, đây là nội dung được rất nhiều chị em quan tâm, song từ trước đến nay chúng tôi không có điều kiện để nắm bắt chính sách một cách đầy đủ”. Cũng theo chị Vân, trước đây một số công nhân lao động cũng đã thử hình thức tra cứu trên internet nhưng không tự tin lắm vì không biết nội dung đó đã cập nhật mới và đầy đủ hay chưa.

lấy máu xét nghiệm tầm soát ung thư gan cho cho đoàn viên công đoàn trong chương trình phúc lợi đoàn viên do công đoàn viên chức
Lấy máu xét nghiệm tầm soát ung thư gan cho đoàn viên công đoàn trong chương trình phúc lợi đoàn viên do Công đoàn Viên chức tổ chức. Ảnh: PV

Không chỉ thắc mắc những vấn đề của bản thân, tại hội nghị, chị Lê Thị Ngọc Mai (giáo viên) đã có câu hỏi liên quan đến vấn đề đóng BHXH tự nguyện cho người thân của mình. Đây cũng là nội dung nhận được sự quan tâm của nhiều đoàn viên, người lao động. Tham dự hội nghị, anh Trần Văn Thắng (công nhân) cũng đã đưa ra những thắc mắc liên quan đến vấn đề chốt sổ BHXH, gộp sổ BHXH và cẩn thận ghi chép lại những thủ tục cần thiết để về hướng dẫn cho các đồng nghiệp. Bên cạnh việc đối thoại, tư vấn, người lao động còn được cập nhật những điểm mới về chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.

Trước đó, trong chương trình phối hợp hoạt động giữa 2 đơn vị, LĐLĐ và BHXH huyện Đô Lương đã tập huấn triển khai ứng dụng VssID - BHXH số cho người lao động trên địa bàn. Với ứng dụng VssID, người lao động có thể theo dõi quá trình đóng, hưởng các chế độ BHXH, sổ khám chữa bệnh trên điện thoại di động và sẽ dần thay thế thẻ BHYT, sổ BHXH giấy như hiện nay.

Là một trong những đơn vị được đánh giá cao trong công tác tuyên tuyền, phổ biến pháp luật, chính sách BHXH đến với người lao động, LĐLĐ huyện Diễn Châu thường lựa chọn một trong 2 hình thức: tuyên truyền tập trung hoặc đến tận doanh nghiệp để đưa kiến thức đến cho người lao động.

Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Kha Văn Tám trao quà cho công nhân lao động tại khu nhà trọ
Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Kha Văn Tám trao quà cho công nhân lao động tại khu nhà trọ. Ảnh: Diệp Thanh

Chia sẻ về hiệu quả của 2 hình thức này, Chủ tịch LĐLĐ huyện Phạm Đức Cường cho biết: “Khó khăn lớn nhất khi tổ chức các chương trình này là tìm cách bố trí thời gian. Vì đặc thù làm việc theo ca, kíp, yêu cầu cao về tiến độ sản xuất nên mỗi lần tổ chức chương trình, chúng tôi phải thương lượng rất lâu với chủ doanh nghiệp để họ tạo điều kiện cho người lao động tham gia. Các hội nghị đối thoại về chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp không chỉ là cơ hội để công nhân lao động được tư vấn trực tiếp, mà còn là cơ hội để họ cập nhật các thông tin chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, luật việc làm,... nắm thêm kiến thức về các chế độ như ngày công, tăng ca, làm thêm giờ, ngừng việc, giờ làm việc, giờ nghỉ ngơi, chế độ thai sản...”.

TĂNG CƯỜNG PHỐI HỢP

Chia sẻ về chương trình phối hợp liên ngành, ông Nguyễn Chí Công - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh đánh giá cao sự trách nhiệm và kịp thời của cơ quan BHXH trong việc giải quyết chế độ cho người lao động. Đồng thời cho rằng, hai đơn vị cần phát huy hơn nữa hiệu quả của hình thức tuyên truyền đối thoại tại doanh nghiệp. Góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết của người lao động về chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, nâng cao tỷ lệ tham gia BHXH bắt buộc và giảm tình trạng hưởng BHXH một lần.

Từ chương trình phối hợp hoạt động giữa LĐLĐ và BHXH ở quy mô cấp tỉnh, từ năm 2017-2020 đã diễn ra 19 hội nghị tuyên truyền, đối thoại về Luật BHXH cho người lao động tại các đơn vị. Những buổi tuyên truyền này thường được tổ chức tại các doanh nghiệp có từ 1.000 lao động trở lên, mỗi buổi đối thoại thu hút khoảng 200 người lao động tham gia.

Trao sổ BHXH cho người dân tham gia BHXH tự nguyện tại Yên Thành. Ảnh tư liệu

Ở cấp huyện, hàng năm, các cơ quan đã phối hợp tổ chức hàng chục hội nghị tuyên truyền điểm mới của Bộ luật Lao động, Luật BHXH cho cán bộ làm công tác BHXH tại các đơn vị trường học, phường, xã, thị trấn và các hội nghị đối thoại với người lao động tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp trên địa bàn huyện, thành, thị.

Cụ thể, năm 2018, LĐLĐ tỉnh đã tổ chức tuyên truyền pháp luật lưu động về Bộ luật Lao động năm 2012, Luật BHXH năm 2014 cho 1.180 lao động tại 8 đơn vị, doanh nghiệp; Năm 2019, các cấp Công đoàn đã tổ chức tư vấn, tuyên truyền pháp luật lưu động về Bộ luật Lao động năm 2012, Luật BHXH năm 2014 cho 1.750 lượt công nhân lao động của 25 doanh nghiệp tại 14 đơn vị.

Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hình thức tuyên truyền, tư vấn pháp luật tại doanh nghiệp, khu nhà trọ... bị hạn chế. Đây cũng là thời điểm để hình thức tuyên truyền trực tuyến, tư vấn qua phương tiện truyền thông và điện thoại phát huy thế mạnh.

Tuyên truyền cho người dân về chính sách BHXH, BHYT. Ảnh tư liệu: P.V

Từ khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, đường dây tư vấn pháp luật của LĐLĐ tỉnh nhận được nhiều cuộc điện thoại của người lao động hơn. Ở chuyên mục “Tư vấn pháp luật” trên cổng thông tin điện tử, Báo Nghệ An, trang truyền hình công đoàn cũng nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến BHXH, BHTN và các chế độ, chính sách cho người lao động.

Bà Hoàng Thị Thu Hương - Ban Chính sách Pháp luật – Quan hệ Lao động, LĐLĐ tỉnh

Tương tự, đường dây tư vấn pháp luật của LĐLĐ huyện Yên Thành cũng trở nên “nóng” hơn những ngày bùng phát dịch. “Một số doanh nghiệp trên địa bàn phải cắt giảm nhân sự do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên không ít người lao động cần tư vấn về các chính sách liên quan đến quyền lợi của mình cũng như nội dung liên quan đến việc đóng BHXH tự nguyện, hưởng BH thất nghiệp...” - ông Nguyễn Mạnh Tuấn - Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Yên Thành cho biết.

Công tác phối hợp của hai ngành không chỉ nâng cao vai trò của tổ chức công đoàn mà còn tạo niềm tin cho NLĐ, từ đó phát triển và mở rộng thêm đối tượng tham gia BHXH, BHYT.

Sự phối hợp chặt chẽ giữa hai ngành giúp chúng tôi giải quyết được nhiều vấn đề quan trọng, đặc biệt là trong việc đảm bảo quyền lợi cho NLĐ và giảm thiểu tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT ở các doanh nghiệp. Thời gian tới, BHXH tỉnh sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với LĐLĐ tỉnh trong việc thực hiện các mục tiêu giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, chương trình phối hợp này sẽ được triển khai sâu rộng xuống các đơn vị huyện, ngành để đạt được kết quả tốt nhất.

Ông Hoàng Văn Minh - Giám đốc BHXH tỉnh

Hoài Phương