Giám đốc Sở Y tế Nghệ An: Tuyệt đối không từ chối khám, chữa bệnh cho người dân Hà Tĩnh

Thành Chung - Thành Cường 08/06/2021 18:49

(Baonghean.vn) - Các cơ sở khám, chữa bệnh ở Nghệ An cần ý thức rõ việc khám, chữa bệnh là nhiệm vụ chính trị; tuyệt đối không được tiêu cực “ngăn sông, cấm chợ”, từ chối khám chữa bệnh cho người dân đến từ Hà Tĩnh, cũng như bệnh nhân nghi ngờ mắc Covid-19.

Không “ngăn sông, cấm chợ”
Những ngày qua, theo ghi nhận từ các bệnh viện ở Nghệ An, mỗi ngày, số lượng bệnh nhân và người nhà từ Hà Tĩnh đến địa bàn tỉnh khám và điều trị là rất lớn. Trong đó, có nhiều trường hợp đến từ các địa phương đang thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội ở tỉnh bạn... Tình hình dịch Covid-19 ở Hà Tĩnh đang diễn biến phức tạp, nguy cơ dịch bệnh từ tỉnh bạn xâm nhập vào các bệnh viện ở Nghệ An là rất lớn.

Mỗi ngày, Bệnh viện HNĐK Nghệ An tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân từ tỉnh Hà Tĩnh sang khám, điều trị. Ảnh: Thành Cường
Mỗi ngày, các bệnh viện trên địa bàn thành phố Vinh tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân từ tỉnh Hà Tĩnh sang khám, điều trị. Ảnh: Thành Cường

Ngày 4/6, tỉnh Hà Tĩnh xuất hiện 2 ca nhiễm Covid-19 mới tại cộng đồng và đến sáng 8/6 thì số ca nhiễm tại cộng đồng đã là 10. Ứng phó với dịch bệnh, tỉnh Hà Tĩnh đã quyết định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 ở thành phố Hà Tĩnh để khoanh vùng, truy vết F1, F2 và lên phương án chống dịch khi có ca thứ 10. Ca thứ 10 là một cán bộ đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, mắc bệnh nhưng không rõ nguồn lây nên hiện bệnh viện cũng đã được phong tỏa, ngừng tiếp nhận bệnh nhân...

Vừa thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe người dân vừa phòng dịch, các bệnh viện trên địa bàn thành phố Vinh đã sớm kích hoạt hệ thống phòng, chống dịch Covid-19 một cách hữu hiệu.

Tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh, mỗi ngày, số lượng bệnh nhân trong và ngoài tỉnh đến khám, điều trị rất đông, nhưng bệnh viện đã bố trí phân luồng một cách khoa học, kiểm soát tốt việc vào ra, không để dồn ứ lộn xộn nơi tiếp nhận, khai báo y tế.

Người dân đến khai báo y tế tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh bắt buộc phải thực hiện quyét dấu vân tay. Ảnh: Thành Cường
Người dân đến khai báo y tế tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh bắt buộc phải thực hiện quét dấu vân tay. Ảnh: Thành Cường
Để công tác khai báo y tếmột cách nhanh gọn, hiệu quả, bệnh viện bố trí hệ thống khai báo phần mềm. Nhân viên y tế thực hiện nhập thông tin, dữ liệu, số điện thoại của bệnh nhân vào máy tính, rất thuận tiện nếu cần tra cứu, rà soát.

Trên hệ thống phần mềm này, mỗi ngày 2-3 lần, bệnh viện tiến hành cập nhật các địa điểm vùng dịch theo thông báo của Bộ Y tế và Sở Y tế. Khi có người từ vùng dịch đến khám, chữa bệnh thì phần mềm sẽ hiện cảnh báo. Người đến khám, chữa bệnh sẽ được mời sang phòng sàng lọc để được tư vấn, cách ly, lấy mẫu và bố trí điều trị một cách phù hợp.

Còn đối với người không ở vùng dịch, các nhân viên y tế ở đây sẽ thực hiện khử khuẩn, đo thân nhiệt, yêu cầu thực hiện tốt khuyến cáo 5K, được hướng dẫn cụ thể để tránh lây lan hay lây nhiễm Covid-19.

Khi phát hiện người đến khám, điều trị về từ vùng dịch, hệ thống sẽ hiện cảnh báo. Ảnh: Thành Cường
Khi phát hiện người đến khám, điều trị về từ vùng dịch, hệ thống sẽ hiện cảnh báo. Ảnh: Thành Cường

Đối với bệnh nhân đến từ tỉnh Hà Tĩnh, Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh vẫn thực hiện tiếp đón như bình thường, không có sự phân biệt, “ngăn sông, cấm chợ”. Tuy nhiên, bệnh viện cũng có thêm một số yêu cầu và dành sự quan tâm đặc biệt hơn.

Bác sĩ Phạm Văn Sơn - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh cho biết: Bệnh nhân người Hà Tĩnh vào điều trị nội trú cũng giống như bệnh nhân ở địa phương khác, chúng tôi sẽ yêu cầu người nhà hạn chế việc thăm nuôi; đồng thời lập danh sách chi tiết các thông tin phòng tình huống dịch. Để phòng chống dịch tốt hơn, bệnh viện đang nghiên cứu bố trí mỗi khoa bệnh một phòng điều trị dành riêng cho bệnh nhân là người dân đến từ vùng dịch của tỉnh Hà Tĩnh. Các bệnh nhân này sẽ được sàng lọc, lấy mẫu xét nghiệm và thường xuyên kiểm tra sức khỏe.


Khi đến khám, điều trị tại Bệnh viện HNĐK Nghệ An, người dân phải thực hiện khai báo y tế qua 4 vòng. Ảnh: Thành Cường
Khi đến khám, điều trị tại Bệnh viện HNĐK Nghệ An, người dân phải thực hiện khai báo y tế qua 4 vòng. Ảnh: Thành Cường
Tương tự, tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, công tác phòng chống dịch Covid-19 được chú trọng đặc biệt. Bệnh viện đã thiết lập 4 vòng khai báo y tế tại cổng, khoa khám bệnh, khoa điều trị, khoa cấp cứu để thực hiện kiểm soát tốt yếu tố dịch tễ, đảm bảo không ai bị bỏ sót. Hiện nay, trong tình hình dịch bệnh, số lượng bệnh nhân đến bệnh viện khám, điều trị có giảm song vẫn có khoảng gần 10.000 người ra vào mỗi ngày.

Sau khi khai báo ở cổng, người bệnh người nhà còn cần phải khai báo tại các khoa bệnh. Ảnh: Thành Cường
Sau khi khai báo ở cổng, người bệnh người nhà còn cần phải khai báo tại các khoa bệnh. Ảnh: Thành Cường
Bác sĩ Trịnh Xuân Nam - Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An cho hay: Các bệnh nhân từ Hà Tĩnh sang cũng như bệnh nhân từ vùng dịch về có yếu tố dịch tễ, dấu hiệu lâm sàng (sốt, ho, khó thở, tổn thương phổi) đều được bệnh viện yêu cầu, hướng dẫn thực hiện khám sàng lọc tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới. Thời điểm này, bệnh viện đã tăng cường nhân lực và trang thiết bị cho Trung tâm. Trung tâm Bệnh Nhiệt đới giống như một bệnh viện thu nhỏ có nhà mổ, hệ thống xét nghiệm, có máy X-Quang, siêu âm, phòng đẻ... đảm bảo hầu hết các kỹ thuật khám chữa bệnh.

Với trường hợp cần sự can thiệp của kỹ thuật cao, bệnh nhân có yếu tố dịch tễ sẽ được bệnh viện thực hiện xét nghiệm Covid-19, trang bị đầy đủ đồ phòng hộ rồi chuyển từ Trung tâm Bệnh Nhiệt đới sang các khoa phòng. Ở khoa phòng, cán bộ y tế được trang bị phòng hộ đầy đủ; trước và sau khi triển khai kỹ thuật cao đều sẽ thực hiện khử khuẩn toàn bộ phòng, máy móc.

Các trường hợp sốt, có yếu tố dịch tễ khi đến khám chữa bệnh được bố trí tại phòng khám riêng tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới. Ảnh: Thành Cường
Bác sĩ Trịnh Xuân Nam cũng chia sẻ sự lo lắng: Bệnh viện đã lên đầy đủ kế hoạch, phương án và thực hiện tất cả các biện pháp sàng lọc, phòng chống dịch, sẵn sàng đáp ứng tất cả tình huống dịch. Song vẫn lo nhất là những bệnh nhân Covid-19 không có triệu chứng lâm sàng, không có yếu tố dịch tễ (giống như trường hợp nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh). Để khắc phục điều này, bệnh viện sẽ tăng cường thực hiện xét nghiệm sàng lọc, xét nghiệm Covid-19 cho các bệnh nhân, người nhà và nhân viên y tế.

Trong sáng 8/6, chị Phan Thị Hoa đưa mẹ là Lê Thị Tình (71 tuổi), ở xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, bị đột quỵ sang cấp cứu tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An. Lo lắng cho bệnh tình của mẹ nhưng chị Hoa cũng an tâm khi được các cán bộ y tế ở Khoa cấp cứu chăm sóc chu đáo, đầy đủ và cứu trị tận tình. Chị Hoa cho biết: “Lúc đưa mẹ sang, tôi vẫn lo sẽ không được tiếp nhận điều trị nhưng mà khi sang đây thì vẫn được chăm lo rất chu đáo”.

Hỗ trợ tối đa cho Hà Tĩnh chống dịch

Lường trước tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Hà Tĩnh sẽ diễn biến phức tạp, ngày 6/6, Sở Y tế Nghệ An đã có Văn bản số 2102/SYT-NVY về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tại cơ sở khám, chữa bệnh gửi Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố thị xã và các cơ sở khám chữa bệnh trong và ngoài công lập.

Khu vực phòng chờ khám bệnh của Bệnh viện HNĐK Nghệ An được bố trí chỗ ngồi giãn cách. Ảnh: Thành Cường
Khu vực phòng chờ khám bệnh của Bệnh viện HNĐK Nghệ An được bố trí chỗ ngồi giãn cách. Ảnh: Thành Cường

Theo đó, Sở Y tế yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh rà soát toàn bộ bệnh nhân đang điều trị tại đơn vị, phát hiện có bệnh nhân đến từ các địa phương đang thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội tại các địa phương trên cả nước (đặc biệt từ tỉnh Hà Tĩnh sau ngày 30/5/2021); các trường hợp có yếu tố dịch tễ liên quan bệnh nhân Covid-19 thì lập danh sách, điều tra dịch tễ, tiến hành cách ly, lấy mẫu xét nghiệm theo quy định; đồng thời thông báo với Trung tâm Y tế trên địa bàn, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để phối hợp triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 đúng quy định.

Thực hiện hạn chế người nhà hỗ trợ chăm sóc người bệnh. Ảnh: Thành Cường
Thực hiện hạn chế người nhà hỗ trợ chăm sóc người bệnh. Ảnh: Thành Cường
Sở Y tế yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh kiểm soát chặt người vào -ra, dừng việc thăm hỏi người bệnh nội trú của người nhà người bệnh; tăng cường lực lượng chăm sóc người bệnh, hạn chế người nhà hỗ trợ chăm sóc người bệnh (tối đa một bệnh nhân 01 người nhà); yêu cầu và hướng dẫn người bệnh, người hỗ trợ chăm sóc, người cung cấp dịch vụ phải đeo khẩu trang, vệ sinh tay, thực hiện giãn cách...

Các cơ sở khám chữa bệnh cần tăng cường công tác sàng lọc bằng thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên Covid-19 đối với các trường hợp bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, đặc biệt là các trường hợp đến từ các địa phương ngoại tỉnh đang có ca dương tính.

Thực hiện nghiêm khâu sàng lọc, phân luồng, cách ly và chỉ định xét nghiệm đối với các trường hợp nghi ngờ; yêu cầu khai báo y tế bắt buộc đối với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, lưu tờ khai, tuyệt đối không để các trường hợp không khai báo y tế vào trong cơ sở khám chữa bệnh.

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Thành phố Vinh tư vấn cho bệnh nhân đến từ vùng dịch của tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Thành Cường
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh tư vấn cho bệnh nhân đến từ vùng dịch của tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Thành Cường
Các cơ sở khám, chữa bệnh cần bố trí sẵn sàng phòng cách ly cho đối tượng nghi ngờ tại các khoa lâm sàng trong đơn vị, khu vực cách ly cho nhân viên y tế, khu vực cách ly cho người bệnh chuyển đến từ vùng dịch; bố trí tổ cấp cứu lưu động đảm bảo đầy đủ nhân lực, thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện vận chuyển sẵn sàng triển khai công tác cấp cứu y tế, vận chuyển bệnh nhân khi có yêu cầu...

Khi tiếp nhận bệnh nhân chuyển tuyến từ các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, đề nghị đơn vị chuyển đến cung cấp theo giấy chuyển tuyến tờ khai y tế sàng lọc Covid-19, đồng thời liên hệ trước đối với các trường hợp nguy cơ cao.

Trong sáng ngày 8/6, giúp bạn là giúp mình, Sở Y tế Nghệ An đã quyết định hỗ trợ tăng viện cho Hà Tĩnh. Theo đó, ngành Y tế Nghệ An cử 52 cán bộ sang giúp tỉnh bạn lấy mẫu và xét nghiệm cho người dân, trường hợp nghi ngờ. Ngoài ra, ngành Y tế Nghệ An còn hỗ trợ cho Hà Tĩnh nhiều cơ sở vật chất chống dịch thiết yếu khác.

Ứng phó tình hình dịch ở tỉnh Hà Tĩnh, chiều 8/6, Sở Y tế Nghệ An đã tổ chức họp với các đơn vị y tế, cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn; quán triệt các giải pháp ngăn ngừa dịch xâm nhập vào cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn.

Các trường hợp bệnh nhân đến từ tỉnh Hà Tĩnh sẽ nhận được sự chăm lo sức khỏe, theo dõi sát sao hơn. Ảnh: Thành Cường
Các trường hợp bệnh nhân đến từ tỉnh Hà Tĩnh sẽ nhận được sự chăm lo sức khỏe, theo dõi sát sao hơn. Ảnh: Thành Cường
Tại cuộc họp này, PGS.TS Dương Đình Chỉnh - Phó Trưởng ban Phòng chống dịch Covid-19 tỉnh, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An nêu rõ: Qua thống kê, từ trước đến nay có khoảng 40% bệnh nhân Hà Tĩnh sang khám chữa bệnh tại Nghệ An. Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh tạm phong tỏa để phòng chống dịch Covid-19 nên dự kiến thời gian tới số lượng bệnh nhân Hà Tĩnh sang Nghệ An còn tăng thêm nữa. Vì thế, các cơ sở khám chữa bệnh ở Nghệ An cần ý thức rõ việc tiếp nhận khám và điều trị cho bệnh nhân là nhiệm vụ chính trị, có ý nghĩa nhân văn cao cả. Tuyệt đối không được tiêu cực “ngăn sông, cấm chợ”, từ chối khám, chữa bệnh cho bệnh nhân đến từ Hà Tĩnh, cũng như bệnh nhân nghi ngờ mắc Covid-19. Sở Y tế Nghệ An sẽ thực hiện “đóng cửa” nếu có cơ sở vi phạm. Bên cạnh đó, các cơ sở khám, chữa bệnh cần ý thức rõ thời điểm này là cơ hội để khẳng định thương hiệu.

PGS.TS Dương Đình Chỉnh quán triệt tinh thần phòng chống dịch COVID-19 đối với các cơ sở khám chữa bệnh. Ảnh: Thành Chung
PGS.TS Dương Đình Chỉnh quán triệt tinh thần phòng chống dịch Covid-19 đối với các cơ sở khám chữa bệnh. Ảnh: Thành Chung
Giám đốc Sở Y tế yêu cầu: Các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện tốt Bộ tiêu chí bệnh viện an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 theo Quyết định 3088 ngày 16/7/2020 của Bộ Y tế; thực hiện tốt việc khám sàng lọc ngay ở cổng bệnh viện, không được làm hình thức; tại khu vực phòng khám phải có phòng khám cách ly, khoa cấp cứu và điều trị cũng phải có phòng cách ly dành cho các trường hợp nghi ngờ.

Khi tiếp nhận người bệnh từ vùng dịch trở về (địa phương thực hiện Chỉ thị 15, 16) cần yêu cầu khai báo y tế kỹ, đưa người bệnh vào khu cách ly và thực hiện xét nghiệm. Các cơ sở khám chữa bệnh cần thường xuyên khám sàng lọc đối với bệnh nhân điều trị nội trú; thực hiện xét nghiệm rộng cho nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà trong đợt này (hoàn thành trước ngày 20/6); thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K tại bệnh viện, hạn chế các dịch vụ không cần thiết; đảm bảo phòng chống dịch theo phương châm “4 tại chỗ”, đầy đủ trang thiết bị cần thiết; lưu ý các giải pháp phòng chống dịch cho nhân viên y tế và nhân viên phục vụ liên quan; tăng cường công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ... chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch một cách hợp lý, không tiêu cực cũng không chủ quan.

PGS.TS Dương Đình Chỉnh cho biết: Từ nay cho đến khi làn sóng dịch thứ 4 lắng xuống, Sở Y tế sẽ thành lập 3 đoàn kiểm tra đột xuất các cơ sở khám chữa bệnh, xử lý nghiêm các đơn vị vi phạm quy định chống dịch, lơ là với công tác phòng chống dịch./.

Thành Chung - Thành Cường