Cái khó nơi tâm dịch huyện biên giới Nghệ An
(Baonghean.vn) - Đại dịch Covid-19 bùng phát, chỉ sau 4 ngày, huyện biên giới Kỳ Sơn đã phát hiện 9 ca nhiễm với hàng trăm F1, F2 liên quan. Bản nghèo La Ngan và Lưu Tiến (xã Chiêu Lưu) cùng chính quyền huyện Kỳ Sơn đang hết sức nỗ lực để khống chế dịch bệnh.
Bản nghèo lao đao
Bên giàn bầu cuối mùa, bà Moong Thị Phân ở bản La Ngan, xã Chiêu Lưu đang tìm vặt những ngọn non cuối cùng, những lá già cũng được bà hái cho vào túi. Đây là tất cả nguyên liệu cho bữa tối của gần 10 con người trong gia đình bà. Nhà bà Moong Thị Phân có 2 người con trai, một người con dâu đang ở cữ và 5 đứa cháu. Chồng bà là ông Moong Văn Liên bị tâm thần gần 20 năm. Hai người con trai của bà cũng chẳng được bình thường như bao người khác.
Bà Moong Thị Phân chuẩn bị bữa trưa cho gia đình. Ảnh: Thành Cường |
Đại dịch Covid-19 bùng phát, bản nghèo La Ngan bị phong tỏa, người dân hạn chế đi lại để phòng, chống dịch. Bó chân ngồi một chỗ, không đi rẫy được, nhà bà Phân thiếu ăn nghiêm trọng. “Mấy bữa nay không đi rừng được nên chỉ tìm thức ăn quanh nhà như cà dại, lá bầu,… Gạo hôm qua được phát chắc còn đủ cho 2 ngày nữa” - không thạo tiếng phổ thông bà Phân nhờ chị Vi Thị Loan, Bí thư Chi bộ bản La Ngan phiên dịch hộ.
Cách nhà bà Mong Thị Phân mấy nếp nhà, ông Ven Văn Xân cùng vợ và 4 đứa cháu đang ngồi trước cửa chờ được đi lấy mẫu xét nghiệm. Vợ chồng ông cùng các cháu vừa từ rẫy trở về. Ông Xân cũng có hai người con trai. Cả hai đều đi làm thuê trong Nam, để lại 4 đứa cháu cho ông bà chăm. Khi các cháu nghỉ hè, ông dắt đi ở luôn trên rẫy. Ngày trở về, ông bà bàng hoàng khi chứng kiến chốt phong tỏa đầu bản. Những người lạ mặc kín bộ đồ màu xanh đi thành từng nhóm. Công an, dân quân xuất hiện nhiều hơn. Ông càng lo lắng hơn khi nhận được thông báo, phải ở nhà không được đi đâu để phòng, chống dịch. “Không được lên rẫy, mọi thực phẩm, đồ dùng không mang về được, mấy ngày tới con cháu không biết ăn cái gì đây” - ông Xân nói.
Ảnh: Thành Cường |
Theo chị Vi Thị Loan - Bí thư Chi bộ bản cho biết: La Ngan có 148 hộ, 756 nhân khẩu,100% là người Khơ Mú. Bản có đến 80% hộ nghèo và cận nghèo. Người dân ở đây sống chủ yếu vào rừng và làm rẫy. Tuy nhiên 3 năm gần đây, rẫy liên tục mất mùa nên người dân gặp nhiều khó khăn. Dịch Covid bùng phát, bản phải thực hiện cách ly y tế, cuộc sống người dân hoàn toàn dựa vào sự hỗ trợ của chính quyền và các đoàn từ thiện.
Sau bản La Ngan, ngày 20/7, bản Lưu Tiến xã Chiêu Lưu cũng buộc phải thiết lập vùng cách ly y tế khi xuất hiện ca nhiễm Covid-19 trên địa bàn. Bản Lưu Tiến nằm tách biệt bên sông Nậm Mộ, có 162, với 870 khẩu, gần 100% là người dân tộc Khơ Mú, có đến 60% là hộ nghèo và cận nghèo.
Toàn cảnh bản La Ngan, xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Thành Cường |
“Để giúp dân phát triển kinh tế, chính quyền địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp như hỗ trợ vốn, cho giống cây, triển khai các mô hình chăn nuôi vịt, bò lai nhưng vẫn không hiệu quả. Cuộc sống người dân không có thay đổi nhiều. Phần lớn do người dân địa phương vẫn còn lạc hậu, nhiều hủ tục, chưa thay đổi được thói quen, tập quán sản xuất cũ nên sản lượng, hiệu quả thấp. Đặc biệt, ở đây có đến trên 50% người dân ở lứa tuổi trung niên trở đi bị mù chữ. Có nhiều người còn không biết nói tiếng phổ thông nên người dân ít giao lưu bên ngoài cũng như khó tiếp cận khoa học công nghệ trong sản xuất.
Sau khi xảy ra dịch bệnh, hai bản thực hiện cách ly y tế để chống dịch, người dân gặp nhiều khó khăn. Lương thực, thực phẩm dự trữ gần như không có, người dân chủ yếu sống dựa vào nguồn hỗ trợ của huyện, và tổ chức, cá nhân quyên góp ủng hộ. Riêng xã cũng đã hỗ trợ nhu yếu phẩm, mì tôm, gạo,… cho bà con trong khu cách ly y tế. Tuy nhiên, là xã nghèo, với gần 7000 dân, đông gấp 3 lần trung bình dân cư của các xã ở Kỳ Sơn, Chiêu Lưu không đủ sức để chăm lo được toàn phần cho người dân La Ngan và Lưu Tiến” - ông La Đức Thoại - Chủ tịch UBND xã Chiêu Lưu nói.
Chung sức chống dịch
Đến thời điểm này, huyện Kỳ Sơn đã và đang thực hiện tốt các giải pháp phòng chống dịch Covid-19, như: siết chặt quản lý khu cách ly y tế bản La Ngan và Lưu Tiến; vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch theo phương châm “4 tại chỗ”; đồng thời thực hiện việc cung cấp lương thực, nhu yếu phẩm đảm bảo cuộc sống cho người dân trong khu phong tỏa và khu cách ly.
Kỳ Sơn thực hiện thiết lập khu cách ly y tế ở hai bản La Ngan và Lưu Tiến để phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Thành Cường |
“Huyện Kỳ Sơn đã đã huy động các lực lượng y tế, Công an, Quân sự, Dân quân tự vệ của huyện và xã Chiêu Lưu triển khai các lực lượng phòng, chống dịch. Kịp thời điều tra truy vết, chuyển F1 đi cách ly tập trung, phun khử khuẩn các khu vực nguy cơ. Huyện cũng đã tổ chức, tuyên truyền vận động bà con nhân dân huyện nhà hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho các hộ dân trong khu phong tỏa” - ông Nguyễn Hữu Minh, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết.
Với phương châm “cương quyết không để cho nhân dân đói”, đáp ứng tốt hơn nhu yếu phẩm cho người dân, huyện Kỳ Sơn đã phân công Ủy ban MTTQ huyện làm đầu mối tiếp nhận, phân phối và bảo đảm phân phát phù hợp lương thực, thực phẩm, hàng cứu trợ. Ủy ban MTTQ huyện đã kêu gọi các xã, thị trấn của huyện, các đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn, chung tay hỗ trợ người dân đang gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Người dân đi nhận lương thực, thực phẩm hỗ trợ từ chính quyền địa phương. Ảnh: Thành Cường |
Dẫu có nhiều cố gắng nhưng rõ ràng, nguồn lực chống dịch của huyện Kỳ Sơn rất hạn hẹp. Hơn bao giờ hết, người dân La Ngan và Lưu Tiến nói riêng, huyện Kỳ Sơn nói chung vẫn đang cần sự chung tay, góp sức chống dịch Covid-19 từ các cấp, ngành, tổ chức, nhà hảo tâm.
Những tấm lòng hướng về La Ngan, Lưu Tiến, xin liên hệ ông Hồ Đình Quế - Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Kỳ Sơn. SĐT 0916.457.418; hoặc ông Lô Minh Nhàn - Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Kỳ Sơn, SĐT 0945.546.569.