10 điểm mới trong thực hiện luật bảo hiểm xã hội bắt buộc
(Baonghean.vn) - Ngày 7/7, Bộ LĐTBXH ban hành Thông tư số 06/2021/TT-BLĐTBXH sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ LĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc.
Theo đó, kể từ ngày 01/9/2021, 10 điểm mới trong thực hiện Luật BHXH về BHXH bắt buộc có hiệu lực thi hành. Cụ thể như sau:
1. Về đối tượng tham gia BHXH bắt buộc
Tại khoản 1, Điều 1 Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH sửa đổi khoản 1, Điều 2 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH như sau: “Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn đồng thời là người giao kết hợp đồng lao động quy định tại điểm a và điểm b, khoản 1 Điều 2 Luật BHXH thì tham gia BHXH bắt buộc theo đối tượng quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 2 Luật BHXH.
Cụ thể, điểm a, b khoản 1 Điều 2 Luật BHXH quy định:
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. NLĐ là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, bao gồm:
a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;..."
Như vậy, trường hợp người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn mà đồng thời là người làm việc theo Hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng,… thì tham gia BHXH bắt buộc theo nhóm đối tượng người lao động làm việc theo hợp đồng.
Cán bộ công đoàn cơ sở là lực lượng gần gũi với người lao động nhất. Ảnh tư liệu D.T |
2. Các khoản tính đóng và không tính đóng BHXH bắt buộc:
Các khoản thu nhập tính đóng và không tính đóng BHXH bắt buộc từ 01/01/2021 được hướng dẫn theo Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH/TT-BLĐTBXH (khoản 26 Điều 1), cụ thể như sau:
Các khoản thu nhập tính đóng BHXH bắt buộc Từ ngày 01/01/2021 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác quy định tại điểm a, tiết b1 điểm b và tiết c1 điểm c khoản 5 Điều 3 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH. Cụ thể:
(1) Mức lương theo công việc hoặc chức danh:
Ghi mức lương tính theo thời gian của công việc hoặc chức danh theo thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng theo quy định tại Điều 93 Bộ luật Lao động;
Đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm hoặc lương khoán thì ghi mức lương tính theo thời gian để xác định đơn giá sản phẩm hoặc lương khoán;
(2) Phụ cấp lương theo thỏa thuận của hai bên:
Các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ.
Công ty may Minh Anh Kim Liên đảm bảo việc làm ổn định cho hơn 3.000 lao động trong thời điểm dịch bệnh phức tạp. Ảnh tư liệu TH |
(3) Các khoản bổ sung khác theo thỏa thuận của hai bên như sau:
Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.
Các khoản thu nhập không tính đóng BHXH bắt buộc:
Tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc không bao gồm các chế độ và phúc lợi khác như: Thưởng theo quy định tại Điều 104 Bộ luật Lao động; Tiền thưởng sáng kiến; Tiền ăn giữa ca;
- Các khoản hỗ trợ như: Xăng xe; Điện thoại; Đi lại; Tiền nhà ở; Tiền giữ trẻ; Nuôi con nhỏ.
- Hỗ trợ khi người lao động (NLĐ): Có thân nhân bị chết; Có người thân kết hôn; Sinh nhật của NLĐ.
- Trợ cấp cho NLĐ có hoàn cảnh khó khăn khi gặp TNLĐ, BNN;
- Các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong HĐLĐ theo quy định tại tiết c2 điểm c khoản 5 Điều 3 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH.
C2) Các khoản bổ sung không xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trả thường xuyên hoặc không thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương gắn với quá trình làm việc, kết quả thực hiện công việc của người lao động.
3. Mức hưởng chế độ ốm đau khi nghỉ không trọn tháng:
Tại khoản 2 Điều 1 Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH sửa đổi điểm b khoản 2 Điều 6 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH như sau: “Tháng nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau được tính từ ngày bắt đầu nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau của tháng đó đến ngày trước liền kề của tháng sau liền kề. Trường hợp có ngày lẻ không trọn tháng thì mức hưởng chế độ ốm đau của những ngày lẻ không trọn tháng được tính theo công thức dưới đây nhưng tối đa bằng mức trợ cấp ốm đau một tháng:
Mức hưởng chế độ ốm đau đối với bệnh cần chữa trị dài ngày của những ngày lẻ không trọn tháng = Tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc/ 24 ngày x Tỷ lệ hưởng chế độ ốm đau (%) x Số ngày nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau.
Trong đó:
- Tỷ lệ hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại điểm a khoản này.
- Số ngày nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hàng tuần.
So với hiện hành, Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH bổ sung quy định mức hưởng chế độ ốm đau của những ngày lẻ không trọn tháng tối đa bằng mức trợ cấp ốm đau một tháng.
Nhiều lao động trong ngành may vẫn có được thu nhập tốt trong thời điểm dịch. Ảnh tư liệu: Xuân Hoàng |
Ngoài ra, NLĐ thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc vào quỹ ốm đau và thai sản bị ốm đau, tai nạn mà không phải tai nạn lao động hoặc phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 7 tuổi bị ốm đau mà thời gian nghỉ việc từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng (bao gồm cả trường hợp nghỉ việc không hưởng tiền lương) thì mức hưởng chế độ ốm đau được tính trên mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
(Theo Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH thì được tính trên tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH của chính tháng đó).
Trường hợp các tháng liền kề tiếp theo NLĐ vẫn tiếp tục bị ốm và phải nghỉ việc thì mức hưởng chế độ ốm đau được tính trên tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc. (Nội dung mới).
4. Làm rõ trường hợp hưởng trợ cấp một lần khi sinh con với lao động nam:
Khoản 5 Điều 1 Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH, bổ sung điểm c khoản 2 Điều 9 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH như sau:
Trường hợp người mẹ tham gia BHXH nhưng không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con mà người cha đủ điều kiện quy định tại điểm a khoản 2 Điều 9 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH thì người cha được hưởng trợ cấp một lần khi sinh con theo Điều 38 Luật BHXH.
Việc bổ sung quy định này nhằm làm rõ quy định về trợ cấp một lần khi sinh con tại Điều 38 Luật BHXH.
Như vậy, trường hợp cả hai vợ chồng cùng tham gia BHXH mà người vợ không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản thì người chồng đóng BHXH đủ 06 tháng trong 12 tháng trước khi sinh con sẽ được hưởng trợ cấp một lần khi sinh con bằng 02 tháng lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con.
Ngoài ra, việc xác định thời gian 12 tháng trước khi sinh con đối với NLĐ nam, người chồng của người mẹ nhờ mang thai hộ hưởng trợ cấp một lần khi vợ sinh con thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH.
Lao động Nghệ An tại các tỉnh đến Bộ phận một cửa gửi hồ sơ giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp do Covid - 19. Ảnh tư liệu Nguyễn Hải |
5. Nghỉ phép năm trùng với thời gian nghỉ thai sản:
Khoản 7 Điều 1 Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH bổ sung hướng dẫn trường hợp thời gian hưởng chế độ thai sản trùng với phép năm.
Cụ thể, khi tính thời gian hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 32, Điều 33, khoản 2 Điều 34 và Điều 37 Luật BHXH đối với trường hợp NLĐ đang nghỉ phép hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương theo quy định của pháp luật lao động thì:
- Thời gian trùng với thời gian nghỉ phép hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương không được tính hưởng chế độ;
- Thời gian nghỉ việc ngoài thời gian nghỉ phép hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương được tính hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 32, Điều 33, khoản 2 Điều 34 và Điều 37 Luật BHXH.
6.Về nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản:
Khoản 8 Điều 1 Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH bổ sung quy định: “Khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc theo quy định tại khoản 1 Điều 41 Luật BHXH là khoảng thời gian 30 ngày làm việc kể từ ngày hết thời hạn được hưởng chế độ thai sản mà sức khỏe của NLĐ chưa phục hồi.
Việc bổ sung nội dung này nhằm hướng quy định tại khoản 1 Điều 41 Luật BHXH:
Lao động nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 05 ngày đến 10 ngày.
Đồng thời, bổ sung quy định: Lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con theo quy định tại Điều 40 Luật BHXH thì không giải quyết chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thời gian hưởng chế độ khi sinh con.
Với những doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử và chủ yếu bằng máy móc thì việc sắp xếp máy móc một cách khoa học là nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh lao động. Ảnh tư liệu ĐA-MH |
7. Điều kiện hưởng lương hưu với người bị tước quân tịch hoặc danh hiệu CAND:
Khoản 13 Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH bổ sung khoản 5 vào Điều 15 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH như sau:
NLĐ quy định tại điểm đ, e khoản 1 Điều 2 Luật BHXH bị tước quân tịch hoặc tước danh hiệu công an nhân dân thì:Điều kiện hưởng lương hưu thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 54 và khoản 1 Điều 55 Luật BHXH được sửa đổi tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động 2019 và hướng dẫn tại Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH (được sửa đổi tại Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH).
Như vậy, trường bị tước quân tịch hoặc danh hiệu công an nhân dân nếu đáp ứng đủ các điều kiện như với NLĐ bình thường thì được hưởng lương hưu.
(Trong khi đó, nếu không bị tước quân tịch, danh hiệu công an nhân dân thì những người này có thể về hưu trước tuổi tới 5 năm theo khoản 2 Điều 54 Luật BHXH).
8. Bổ sung quy định về tiền lương tháng đóng BHXH để tính hưởng lương hưu:
Khoản 19 Điều 1 Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH bổ sung khoản 3a sau Khoản 3 Điều 20 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH như sau:
Khi tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần mà có thời gian đóng BHXH trước ngày 01/10/2004 theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng BHXH của thời gian này được chuyển đổi theo chế độ tiền lương tại thời điểm hưởng chế độ hưu trí, tử tuất.
Riêng đối với NLĐ có thời gian làm việc trong các doanh nghiệp đóng BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định mà hưởng BHXH từ ngày 01/01/2016 trở đi thì tiền lương tháng đóng BHXH trước ngày 01/10/2004 nêu trên được chuyển đổi theo tiền lương quy định tại Nghị định 205/2004/NĐ-CP.
9. Sửa một số quy định để phù hợp với Bộ luật Lao động 2019 và văn bản hướng dẫn:
- Từ ngày 01/01/2021, điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động của NLĐ được thực hiện theo quy định tại Điều 55 Luật BHXH được sửa đổi, bổ sung tại điểm b khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động. (khoản 1 Điều 16 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH)
- Từ ngày 01/01/2021 trở đi, mốc tuổi để tính số năm nghỉ hưu trước tuổi làm cơ sở tính giảm tỷ lệ hưởng lương hưu thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định 135/2020/NĐ-CP. (khoản 1 Điều 17 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH).
Nhà máy dệt may đã được đầu tư ở nhiều địa phương, thu hút nguồn lao động tại chỗ. Ảnh: Thu Huyền |
10. Bổ sung quy định về trường hợp hưởng trợ cấp tuất hằng tháng:
Khoản 23 Điều 1 Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH bổ sung cuối Khoản 1 Điều 25 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH như sau:
Thời điểm xem xét tuổi đối với thân nhân của NLĐ theo quy định tại khoản 2 Điều 67 Luật BHXH là kết thúc ngày cuối cùng của tháng NLĐ chết.
Khi giải quyết chế độ tử tuất nếu hồ sơ của thân nhân NLĐ không xác định được ngày, tháng sinh thì lấy ngày 01/01 của năm sinh để tính tuổi làm cơ sở giải quyết chế độ tử tuất.
Việc xác định mức thu nhập của thân nhân NLĐ để làm căn cứ giải quyết trợ cấp tuất hằng tháng theo quy định tại khoản 3 Điều 67 Luật BHXH được xác định tại tháng NLĐ chết.
Thân nhân đã được giải quyết hưởng trợ cấp tuất hằng tháng theo đúng quy định mà sau đó có thu nhập cao hơn mức lương cơ sở thì vẫn hưởng trợ cấp tuất hằng tháng.