‘Nội công, ngoại kích’ - thủ đoạn nguy hiểm chống phá công tác phòng, chống dịch Covid-19
(Baonghean.vn) - Trong khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang đồng lòng, chung sức chiến đấu chống dịch Covid-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc” thì một số tổ chức, cá nhân thù địch, phản động lại coi đây là cơ hội để chống phá Việt Nam. Núp bóng phòng, chống đại dịch Covid-19, chúng móc nối trong - ngoài bằng nhiều chiêu thức hòng xuyên tạc các chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch của Đảng và Chính phủ, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, làm suy giảm uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Cùng với việc sử dụng “truyền thông đen”, đăng tải những thông tin sai sự thật, xuyên tạc về công tác phòng, chống dịch của đất nước, chúng móc nối dùng thủ đoạn “nội công” kết hợp với “ngoại kích” để chống phá ta. Trong khi công tác phòng, chống dịch của Việt Nam vẫn đang được triển khai một cách rất nghiêm túc, khẩn trương và đạt kết quả quan trọng, thì một loạt các “chiến dịch truyền thông” lại được các tổ chức phản động trong và ngoài nước ráo riết tiến hành, như: “Bắn” vào nhau giữa "mặt trận Sinopharm", “Kiêu ngạo cộng sản và dịch Covid ở Việt Nam”, “Cuộc tháo chạy vĩ đại”… Trên mạng xã hội, các trang web, các blog đăng tải không ít những bài viết, bài phỏng vấn trắng trợn bóp méo, xuyên tạc công tác phòng, chống dịch của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Việt Nam đã làm tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh tư liệu |
Đó là những chiến dịch truyền thông rầm rộ bằng thủ đoạn “nội công, ngoại kích”. Một mặt chúng sử dụng các thành phần có tư tưởng cơ hội, bất mãn, chống đối trong nước làm cái loa phát ngôn, kích động gây bất ổn đời sống xã hội. Mặt khác, chúng sử dụng mạng lưới truyền thông hải ngoại, các phương tiện đài, báo nước ngoài phát tiếng Việt, thiếu thiện chí với Việt Nam, tận dụng các nền tảng mạng xã hội ở nước ngoài để tán phát các bài viết, video, clip có nội dung xuyên tạc, chống phá hòng gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch của ta.
Chẳng hạn mới đây, trên mạng xã hội lan truyền một đoạn video khoảng 4 phút về cuộc tranh luận giữa sinh viên và một nữ giảng viên Trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) liên quan đến công tác chống dịch Covid-19 tại Việt Nam. Theo clip, giảng viên này phát ngôn chủ quan khi phân biệt giữa văn hóa, con người giữa châu Á và châu Âu. Đặc biệt, trong phần tranh luận về vấn đề phòng, chống dịch tại Việt Nam, giảng viên này cho rằng “hệ thống an sinh xã hội Việt Nam quá kém...”. Sau khi clip này lan truyền trên mạng xã hội đã thu hút hàng nghìn lượt bình luận, chia sẻ. Đa số đều bức xúc với những quan điểm, cách nhìn và phát ngôn của nữ giảng viên. Ngay sau đó, Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) đã sa thải nữ giảng viên này do có phát ngôn chủ quan, phiến diện, sai lệch về biện pháp phòng, chống dịch tại Việt Nam trong clip lan truyền trên mạng xã hội.
Lợi dụng sự việc này, các trang Facebook của một số tổ chức, cá nhân phản động ở nước ngoài, trong đó có tổ chức khủng bố “Việt Tân” đăng tải bài viết “Giảng viên đại học nói sự thật bị đuổi việc”, bịa đặt rằng: “Dư luận đang rất bức xúc trước quyết định sa thải của trường Đại học đối với nữ giảng viên” vàcho rằng như vậy là “rất bất công”. Rồi tác giả bài viết này hồ đồ nêucâu hỏi “Khi một người thầy đứng trên bục giảng nói và chia sẻ về sự thật cho các học sinh, sinh viên nghe mà lại cấm, rồi bị đuổi dạy, thì không biết ngành Giáo dục sẽ đi về đâu?”.
Trang web "Việt Tân" thường xuyên có bài viết chống phá Việt Nam. |
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang kề vai, sát cánh nỗ lực để đại dịch Covid-19 sớm được kiểm soát, thì với tâm địa đen tối các đối tượng của tổ chức khủng bố “Việt Tân” dành thời gian săm soi những hạn chế, khó khăn, những biểu hiện tiêu cực, những hình ảnh chưa đẹp trong đời sống xã hội thời dịch bệnh đã được báo chí trong nước phê phán để làm đề tài thổi phồng, bóp méo, xuyên tạc sai lệch bản chất vấn đề nhằm nói xấu Đảng, Nhà nước và chế độ, kích động người dân.
Đáng chú ý, trong nội dung của bài đăng này, không chỉ có những ý kiến phiến diện, chưa được kiểm chứng về vụ việc, còn dẫn đường link truy cập tới một bài báo trên BBC có tiêu đề: “Covid-19: Thượng viện Mỹ thông qua kế hoạch cứu trợ 1,9 ngàn tỷ đôla”.Với sự cấu kết, phối hợp một cách nhịp nhàng, từ nước ngoài, các thế lực thù địch, phản động được đà ca ngợi mô hình các nước phương Tây để đả phá Việt Nam. Đồng thời qua đó chúng tìm cách móc nối, lôi kéo những phần tử chống đối ở trong nước, mưu đồ thực hiện chiến thuật "nội công, ngoại kích" nhằm chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam, gây cản trở công tác phòng, chống đại dịch trong nước. Dưới bài đăng này, không ít phần tử cơ hội, bất mãn chính trị trong nước cũng vào hùa, “té nước theo mưa”. Đây là một trường hợp điển hình thể hiện rất rõ ràng chiêu bài “nội công, ngoại kích” của các thế lực thù địch, phản động.
Hơn lúc nào hết mỗi cán bộ, đảng viên cần hết sức tỉnh táo, nhận diện rõ ràng, đồng thời chủ động đấu tranh phản bác, làm thất bại thủ đoạn hết sức nguy hiểm này. Mặt khác cần đẩy mạnh tuyên truyền, cung cấp thông tin chính thống kịp thời đến nhân dân. Làm chủ được thông tin là tiền đề và điều kiện tốt nhất để chúng ta định hướng dư luận, nâng cao nhận thức, ý thức giúp người dân nâng cao cảnh giác, không mắc mưu, tiếp tay cho kẻ xấu, đồng thời tích cực tham gia đấu tranh góp phần đẩy lùi thông tin xấu độc nhằm mục đích chống phá Đảng và Nhà nước, mà trực tiếp là trong cuộc chiến phòng, chống đại dịch Covid-19.
Người dân cần nâng cao cảnh giác trước các thông tin xấu độc. Ảnh minh họa: SCMP |
Mặt khác các cơ quan chức năng cần phải sớm điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm minh những đối tượng nằm trong chiêu bài “nội công, ngoại kích” của các thế lực thù địch, phản động. Tại Phiên họp thứ 30 của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng ban chỉ đạo đã chỉ rõ rằng nguồn gốc của tham nhũng, tiêu cực là suy thoái phẩm chất chính trị, đạo đức. Trường hợp của nữ giảng viên Trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) lên mạng giao giảng xuyên tạc diễn biến tình hình và công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 ở Việt Nam rõ ràng là biểu hiện của sự suy thoái rất nghiêm trọng về phẩm chất, đạo đức của một người thầy. Dư luận mong rằng, không chỉ bị xử lý hành chính, trường hợp này các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc điều tra, làm rõ và có thể phải xử lý hình sự theo Luật An ninh mạng 2015 và Bộ luật Hình sự 2017./.