Đẩy mạnh tiêm phòng vắc-xin cho gia súc, gia cầm

Hoàng Vĩnh 08/09/2021 09:52

(Baonghean.vn) - Tiêm phòng vắc-xin gia súc, gia cầm là giải pháp hàng đầu nhằm ngăn chặn và khống chế có hiệu quả các dịch bệnh nguy hiểm như: Lở mồm long móng; Cúm gia cầm; Tụ huyết trùng và một số bệnh truyền nhiễm khác, góp phần thúc đẩy chăn nuôi phát triển ổn định.

Tiêm phòng vắc-xin gia súc, gia cầm là giải pháp hàng đầu nhằm ngăn chặn và khống chế có hiệu quả các dịch bệnh nguy hiểm như: Lở mồm long móng; Cúm gia cầm; Tụ huyết trùng và một số bệnh truyền nhiễm khác, góp phần thúc đẩy chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững và cung cấp thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng, bảo vệ môi trường sinh thái…
Chăn nuôi ở Nghệ An chủ yếu là nông hộ, nhỏ lẻ (chiếm trên 85%), nên công tác tiêm phòng vắc-xin cho đàn vật nuôi gặp không ít khó khăn, tuy nhiên, thời gian qua với sự nỗ lực, quyết tâm của chính quyền các cấp, ngành liên quan lĩnh vực này đạt được kết quả tích cực.

Ông Nguyễn Viết Lương - Trưởng phòng Quản lý dịch bệnh, Chi cục Thú y và Chăn nuôi Nghệ An cho biết: “Vắc-xin là một loại chế phẩm sinh học có tính kháng nguyên, được đưa vào cơ thể để kích thích cơ thể chủ động tạo ra kháng thể đặc hiệu chống lại các tác nhân gây bệnh, đặc biệt là một số loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút chỉ có vắc-xin để phòng bệnh mà không có thuốc điều trị đặc hiệu. Sử dụng vắc-xin để tạo miễn dịch chủ động, an toàn, hiệu quả và rẻ tiền so với việc để dịch bệnh xảy ra điều trị mất nhiều thời gian và gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi”.

Cán bộ ngành Thú y kiểm tra dịch bệnh tại trang trại chăn nuôi. Ảnh tư liệu: Quảng An
Cán bộ ngành Thú y kiểm tra dịch bệnh tại trang trại chăn nuôi. Ảnh tư liệu: Quảng An
Việc chấp hành tiêm phòng cũng là quy định bắt buộc của Nhà nước đối với mỗi cá nhân, tổ chức có chăn nuôi gia súc, gia cầm. Các hành vi không chấp hành quy định tiêm phòng, làm phát sinh dịch bệnh nguy hiểm ở gia súc, gia cầm phải chịu trách nhiệm theo Luật Thú y. Tại điều 7, Nghị định 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 và Điều 2, Nghị định số 04/2020/NĐ-CP ngày 03/01/2020 của Chính phủ, quy định rõ: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi không thực hiện việc phòng bệnh bằng vắc-xin, hoặc các biện pháp phòng bệnh bắt buộc khác cho động vật. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng.

Vì vậy, cần nâng cao ý thức trách nhiệm chấp hành công tác tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; Chủ động theo dõi lịch tiêm phòng của các thôn, xóm để hỗ trợ bắt giữ gia súc, gia cầm phục vụ tiêm phòng bảo đảm cho đàn gia súc, gia cầm được tiêm đúng, tiêm đủ vắc-xin theo quy định”.
Từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra một số ổ dịch lở mồm long móng, cúm gia cầm, viêm da nổi cục... gây thiệt hại đến ngành chăn nuôi. Nguyên nhân chủ yếu do đàn vật nuôi chưa được tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc tập trung thực hiện công tác tiêm phòng vắc-xin cho gia súc, gia cầm năm 2021. Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Thú y và Chăn nuôi cùng các địa phương đang tập trung cho công tác tiêm phòng vụ thu năm 2021. Theo đó, thời gian tiêm theo kế hoạch chung của tỉnh từ ngày 15/9 - 15/10/2021. Ngoài đợt tiêm phòng chính, sẽ tổ chức tiêm bổ sung cho gia súc, gia cầm chưa được tiêm, nuôi mới hoặc hết thời gian miễn dịch.

Lấy mẫu xét nghiệm gia cầm. Ảnh: PV
Lấy mẫu xét nghiệm gia cầm. Ảnh: Kim Dung
Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp như hiện nay, công tác phòng, chống dịch là rất quan trọng và cấp bách, tuy nhiên dịch có thể tiếp tục kéo dài ở nhiều địa phương; để thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phòng chống dịch bệnh động vật, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành Công văn số 6432/UBND-NN ngày 01/9/2021 về việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trong bối cảnh dịch Covid-19, trong đó công tác tổ chức tiêm phòng vắc-xin cho đàn vật nuôi là rất quan trọng.
Hiện nay, Chi cục Thú y và Chăn nuôi đã chuẩn bị đầy đủ các loại vắc-xin phục vụ tiêm phòng; Chi cục cũng đã ban hành văn bản về việc tập trung chỉ đạo công tác tiêm phòng, trong đó yêu cầu các huyện, thành phố, thị xã đăng ký vắc-xin tiêm phòng về Chi cục trước ngày 20/8/2021, tuy nhiên đến nay số lượng đăng ký vắc-xin của các huyện, thành, thị rất thấp. Do đó, các địa phương cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa; chủ động các giải pháp để triển khai tiêm phòng đạt kết quả cao; đối với các địa phương được Nhà nước hỗ trợ vắc-xin, nếu số lượng các loại vắc-xin hỗ trợ không đủ, UBND huyện, thị, thành cần chủ động bố trí kinh phí hoặc chỉ đạo người chăn nuôi mua thêm vắc-xin để tiêm phòng đạt tỷ lệ bảo hộ.

 tiêm phòng và phát triển chăn nuôi. Ảnh Phú Hươn
Tiêm phòng vắc-xin cho gia cầm. Ảnh: TL Phú Hương

“Tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm đúng định kỳ, đạt yêu cầu kỹ thuật sẽ đạt hiệu quả phòng dịch bệnh, đây là biện pháp tốt nhất để bảo vệ đàn vật nuôi phát triển bền vững. Vì vậy, các tổ chức, cá nhân chăn nuôi gia súc, gia cầm cần thực hiện nghiêm công tác phòng dịch, chủ động bằng tiêm phòng vắc-xin, lựa chọn đúng chủng loại vắc-xin do Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã khuyến cáo. Những tổ chức, cá nhân không chấp hành tiêm phòng vắc-xin các bệnh bắt buộc theo quy định tại Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT, khi dịch xảy ra buộc tiêu hủy sẽ không được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước được quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐCP của Chính phủ và Quyết định số 48/2017/QĐ-UBND ngày 05/6/2017 của UBND tỉnh Quy định chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Nghệ An; đồng thời bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Thú y theo quy định hiện hành của Nhà nước”.

Ngô Đức Quỳnh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y và Chăn nuôi


Hoàng Vĩnh