Khu công nghiệp đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An thu hút 30 dự án với tổng vốn đầu tư 11.612 tỷ đồng

Trân Châu 23/09/2021 10:35

(Baonghean.vn) - Từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát đã làm ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế toàn cầu, nhất là lĩnh vực thu hút đầu tư. Tuy nhiên, tại Nghệ An, khu đô thị VSIP vẫn nỗ lực thu hút đầu tư đạt kết quả khả quan.

Triển vọng lấp đầy

Tính đến 10/09/2021, Khu công nghiệp đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An đã thu hút 30 dự án đầu tư (trong đó có 14 dự án FDI) với với diện tích đất cho thuê 131,14 ha (trên tổng diện tích đất xây dựng nhà máy 263,23ha), đạt tỷ lệ lấp đầy 49,82% (dự kiến thu hút khoảng hơn 40.000 lao động địa phương).

Tỷ suất đầu tư bình quân của dự án thứ cấp trong khu công nghiệp VSIP NA đạt khoảng 107,67 tỷ đồng/ha (tổng vốn đầu tư 11.612 tỷ đồng/tổng diện tích đất cho thuê 107,85ha đối với 28 dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư).

Hiện Khu công nghiệp đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An đã có 20 dự án đầu tư đã đi vào hoạt động, tạo việc làm bước đầu cho hơn 11.800 lao động địa phương, có 3 nhà đầu tư khác đang xây dựng nhà máy và 7 nhà đầu tư còn lại đã hoàn thành thủ tục đầu tư và đang thực hiện thủ tục quy hoạch để triển khai xây dựng.

Lãnh đạo Công ty TNHH VSIP Nghệ An cho biết: Hiện tại VSIP Nghệ An đang đi đến giai đoạn đàm phán với một số nhà đầu tư trên diện tích khoảng 16,44ha đất Khu Công nghiệp Giai đoạn 1 và khoảng 40ha đất KCN giai đoạn 2, dự kiến ký kết thỏa thuận thuê đất vào quý 4/2021 năm nay, từ đó nâng tỉ lệ lấp đầy lên tới khoảng 71% vào cuối năm 2021.

Khu công nghiệp đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An hiện nay. Ảnh: Trân Châu

Tin mừng là trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động sâu sắc tới toàn cầu, nhưng với tư duy đầu tư chuyên nghiệp, uy tín, VSIP Nghệ An là điểm đến triển vọng của nhiều nhà đầu tư hiện nay đang muốn dịch chuyển môi trường đầu tư.

Tìm hiểu được biết, hiện có một số nhà đầu tư nước ngoài đến từ Hong Kong, Singapore, Đài Loan có nhu cầu thuê đất diện tích lớn tại VSIP Nghệ An (từ 30ha - 60ha).

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho Khu công nghiệp đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An

Chủ động "3 tại chỗ" trong sản xuất kinh doanh ở Khu công nghiệp đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An khi thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ. Ảnh: Trân Châu

Hiện nay, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và 16+ tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, gây ra nhiều khó khăn cho chủ các nhà đầu tư đang hoạt động và các nhà đầu tư tiềm năng đang tiếp cận thị trường VSIP Nghệ An.

Vừa qua, trong tổng số 20 nhà đầu tư đã đi vào hoạt động tại Khu công nghiệp đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An, vào thời điểm đỉnh điểm dịch có 7 doanh nghiệp phải tạm ngưng sản xuất do không đủ điều kiện cơ sở vật chất bố trí 3 tại chỗ (khoảng 5.252 lao động phải tạm nghỉ việc) và 13 doanh nghiệp bố trí 3 tại chỗ cho khoảng 6.637 lao động. Phần lớn các doanh nghiệp đang duy trì hoạt động trong KCN trong bối cảnh địa phương áp dụng giãn cách xã hội buộc phải cắt giảm công suất sản xuất do không đủ điều kiện bố trí 3 tại chỗ, hạn chế trong việc bố trí phương tiện đưa đón tập trung, đặc biệt đối với các nhà máy sử dụng nhiều lao động như ICT Luxshare, Sangwoo, Emtech. Người lao động đi lại khó khăn. Hiện nay các doanh nghiệp đã hoạt động trở lại nhưng vẫn còn khó khăn.

Đối với các doanh nghiệp đang hoạt động và làm thủ tục đầu tư xây dựng việc hạn chế đi lại trong bối cảnh dịch bệnh khiến các chuyên gia khó di chuyển hơn do chuyến bay bị hạn chế, thủ tục đi lại khó khăn, thời gian cách ly dài do đó việc di chuyển đối với các nhà đầu tư từ các địa phương khác như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các chuyên gia từ nước ngoài tới Nghệ An để thực hiện dự án bị chậm trễ, đình trệ.

Các doanh nghiệp sản xuất ở Khu công nghiệp đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An. Ảnh: Mỹ Hà

Bên cạnh đó, việc thực hiện giãn cách và chi phí phát sinh trong công tác phòng chống dịch cũng ảnh hướng rất lớn đối với các nhà đầu tư đang triển khai xây dựng nhà máy trong khu CN, ảnh hưởng không nhỏ đến việc hoàn thành xây dựng.

Nghệ An đang thực hiện phòng dịch cao điểm nên các hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhất là việc đi lại tìm hiểu đầu tư của các nhà đầu tư.

Do khó khăn chung trong tình hình đại dịch, Khu công nghiệp mong muốn hỗ trợ các nhà đầu tư đang tiến hành các thủ tục đầu tư xây dựng phát triển đúng với tiến độ, cũng như các nhà đầu tư tiềm năng có thể tiếp cận được với Nghệ An để đầu tư phát triển, đồng thời có chính sách cung cấp nguồn vắc xin cho 100% công nhân khu công nghiệp nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động, với mục tiêu kép an toàn đi đôi với sản xuất.

Ông Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết: Một số nhà đầu tư đã hoàn thành khảo sát, ký kết hợp đồng thuê đất với các nhà đầu tư hạ tầng VSIP, WHA, Hoàng Mai I nhưng chưa triển khai thủ tục cấp phép đầu tư do chưa thể có mặt tại Việt Nam. Từ năm 2020 đến nay, Khu công nghiệp đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An cấp phép 08 dự án, KCN WHA cấp phép 07 dự án, KCN Hoàng Mai I đang làm thủ tục đầu tư 01 dự án.

Trân Châu