Dịch tả lợn châu Phi tái phát trên địa bàn 3 xã, thị trấn của huyện vùng cao Nghệ An
(Baonghean.vn) - Bệnh dịch tả lợn châu Phi tái phát mạnh trên địa bàn huyện Quế Phong trong tháng 9 này, hiện đã có 3 xã, thị trấn có lợn bị nhiễm dịch, số lợn tiêu hủy 340 con.
Một con lợn bị nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn xã Châu Kim (Quế Phong). Ảnh: Xuân Hoàng |
UBND huyện Quế Phong vừa ban hành quyết định công bố dịch tả lợn châu Phi tại thị trấn Kim Sơn. Ông Hoàng Trung Cường - Chủ tịch UBND thị trấn Kim Sơn cho biết, ngày 22/9, trên địa bàn khối Thái Phong có một số con lợn ốm, cơ quan chuyên môn đã lấy mẫu xét nghiệm cho thấy dương tính với dịch tả lợn châu Phi, ngay sau đó UBND huyện Quế Phong đã công bố dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn thị trấn Kim Sơn.
Theo đó, UBND thị trấn đã triển khai các giải pháp phòng, chống dịch theo quy định và nhận hơn 1 tấn vôi bột, hàng chục lít hóa chất để tiêu độc, khử trùng tại ổ dịch, mọi hoạt động giết mổ, buôn bán lợn trên địa bàn thị trấn tạm ngừng để tránh dịch lây lan ra diện rộng.
"Trên địa bàn thị trấn có 3 điểm giết mổ lợn nhỏ lẻ, theo quy định khi địa phương công bố dịch thì các điểm giết mổ lợn này tạm ngừng hoạt động cho đến khi hết dịch", ông Hoàng Trung Cường cho hay.
Rắc vôi bột khử trùng tại các điểm tái phát dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Xuân Hoàng |
Thông tin từ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quế Phong cho biết, bệnh dịch tả lợn châu Phi tái phát nhiều nơi trên địa bàn huyện trong tháng 9 này. Hiện bệnh dịch này đang tái phát tại 3 địa phương: 2 xã Châu Kim, Quang Phong và thị trấn Kim Sơn. Từ đầu tháng 8 đến nay, số lợn nhiễm dịch đã tiêu hủy là 340 con lợn của 128 hộ, trên địa bàn 10 thôn, bản.
Để chủ động phòng, chống dịch, UBND huyện Quế Phong đã ra quyết định công bố dịch tại xã Châu Kim và thị trấn Kim Sơn. Huyện cũng đã cấp vôi bột và hóa chất cho các địa phương tiêu độc, khử trùng tại các điểm dịch; đồng thời cấm giết mổ lợn trên địa bàn có dịch, chính quyền các địa phương triển khai các quy định phòng, chống dịch theo quy định.
"Đặc thù ở Quế Phong là người dân chăn nuôi nhỏ lẻ, thả rông, ý thức phòng dịch của người dân chưa cao, nên khi xảy ra dịch là khó kiểm soát", ông Nguyễn Bá Hiền - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quế Phong chia sẻ./.