Xây công viên nghĩa trang sinh thái và nhà hỏa táng: Việc bức thiết của Nghệ An

Anh Đặng 01/10/2021 11:21

(Baonghean.vn) - Dù muốn hay không, con người ai cũng có một chuyến đi cuối cùng, “một chuyến đi đặc biệt”: rời “cõi tạm”, về với “thế giới bên kia”.

Đó là chuyện bình thường theo quy luật sinh, lão, bệnh tử. Khi mà “sống mỗi người một nết, chết mỗi người một tật”, thì quan niệm về hậu sự cũng không giống nhau.

Trên thế giới có nhiều tập tục mai táng: thủy táng (thả xuống sông, xuống biển), địa táng (chôn xuống đất), hỏa táng (đốt bằng củi, bằng điện), phong táng (treo trên không), điểu táng (thả cho chim ăn),... Từ xa xưa, cách phổ biến của người Việt là địa táng. Cũng có nơi “chôn sâu lấp bằng” một lần, có nơi hung táng, sau ít năm cất bốc xương cốt rồi cát táng.

Thực trạng người chết át phần người sống, nhiều “lâu đài âm phủ”

Trên khắp làng quê trong cả nước, những năm 80 về trước, ở đâu cũng “Làng tôi xưa toàn nhà tranh vách đất/ bãi tha ma không một cái mả xây” (Nguyễn Duy). Lâu ngày, phong hóa, nhiều ngôi mộ sao nhãng việc chăm sóc, “sè sè nấm đất” rồi “hòa cùng thiên nhiên”.

Ngày nay, kinh tế phát triển, có người đang sống đã lo chuyện chết: Mua đất, xây bao bờ tường. Có người lợi dụng đất vườn, đất rừng, tự ý biến thành nghĩa trang, nghĩa địa, không kể gì quy hoạch. Nhiều phần mộ - có cả những người còn sống đã được xây dựng. Có nhà xây xong, sau một thời gian lại phá đi để làm lại “cho bằng người”, điện sáng lung linh, nguy nga, “hoành tráng” trị giá hàng trăm triệu, có khi cả hàng tỷ đồng. Vật liệu xây dựng rẻ, gạch tốt, xi măng nhiều,... nó trở thành những công trình vĩnh cửu.

Đã mấy lần quy hoạch nông thôn, đô thị, nhưng cứ như đà hiện nay, càng ngày “người chết càng tranh phần người sống”. Sẽ đến lúc nan giải cho các thế hệ hậu sinh?

Nhu cầu hỏa táng tăng cao

Hỏa táng là một hình thức vừa đảm bảo vệ sinh, vừa có thể tiết kiệm đất. Lâu nay, nhiều người có nhu cầu hỏa táng sau khi mất. Thay đổi nhận thức về tâm linh, tín ngưỡng là điều không đơn giản. Đây là một tín hiệu tốt, là tiến bộ của xã hội.

Đáng tiếc, do ở ta chưa có cơ sở hỏa táng, khi có người thân mất đi, nhiều người đã phải cậy nhờ người quen đưa thi hài ra Thanh Hóa hoặc vô Hà Tĩnh. Đường xa, khác lạ với địa bàn hành chính gặp nhiều khó khăn, vất vả, tốn kém cho thân nhân người quá cố. Nhiều người có nhu cầu hỏa táng nhưng vẫn lúng túng nên đành chịu.

Nghệ An cần sớm có công trình dịch vụ hỏa táng

Nghệ An cần sớm có công trình dịch vụ hỏa táng

(Baonghean.vn) - Do Nghệ An chưa có lò hỏa táng, nên lâu nay bà con nhân dân trong tỉnh vẫn phải vào Hà Tĩnh hoặc ngược ra Thanh Hóa... Điều đó dẫn đến nhiều phiền phức do đường sá đi lại xa xôi, thủ tục có lúc cũng rườm rà.

Nhìn ra thế giới

Khi dân số toàn cầu đang liên tục gia tăng, không gian để chôn cất người chết về nơi an nghỉ cuối cùng trở thành thứ vô cùng xa xỉ. Ở một số thành phố lớn tại Mỹ cũng như một số quốc gia khác trên thế giới, đất nghĩa trang đang thiếu trầm trọng.

Nhiều quốc gia đang chuyển đổi các nghi lễ mai táng, thay đổi cách thức hoạt động của các nghĩa trang và thậm chí phá hủy các nghĩa trang lịch sử để lấy lại đất cho người sống. Bắt đầu từ năm 1990, ở Nhật Bản, một tổ chức xã hội tình nguyện, đã công khai ủng hộ việc thiêu và rải tro người đã khuất. Kể từ năm 1999, một ngôi đền ở miền Bắc Nhật Bản đã đưa ra một giải pháp sáng tạo hơn, nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng thiếu đất nghĩa trang bằng hình thức “mộc thụ táng”. Trong lễ chôn cất này, các gia đình đặt tro cốt người đã khuất xuống đất và trồng cây trên đống tro tàn để đánh dấu khu mộ.

Năm 2015, chúng tôi có may mắn được tham gia một khóa học trong chương trình 67 của Ban Tổ chức Trung ương tổ chức tại Đại học Nayang - Singapore. Cuối khóa, trường cho đi tham quan nhiều cơ quan, công trình, danh lam, thắng cảnh của đất nước họ, sau đó có cuộc trao đổi, thảo luận thoải mái. Các học viên thắc mắc điều gì thì giảng viên trả lời ngay tại lớp.

Đất nước giàu có, đời sống rất cao nhưng không thấy có những khu vực nghĩa địa “nguy nga” như ở ta. Chúng tôi có hỏi về phong tục, việc quy định mai táng, quản lý đất đai,... như thế nào? Được biết, “Quốc đảo sư tử” hẹp, diện tích chỉ hơn 700 km vuông, nhưng dân số có tới hơn 5,5 triệu người. Vậy mà họ vẫn có những vùng đất chưa sử dụng khá rộng. Có khoảng hơn 95% người dân Singapore hỏa táng sau khi chết. Chính phủ đã cưỡng chế phá bỏ các khu mộ gia đình và thay vào đó là các nhà để tro hỏa táng. Đất dành cho phần mộ ở các thành phố cũng chỉ có thời hạn 15 năm, sau đó hài cốt được hỏa táng và không gian đó được để lại cho người tiếp theo.

Xây công viên nghĩa trang sinh thái và nhà hỏa táng: Việc cần thiết và bức xúc của Nghệ An

Không phải với tư duy người ta có gì mình cũng phải có nấy! Nghệ An là tỉnh có địa bàn rộng, có dân số trên 3,4 triệu người. Được biết, tỉnh đang tập trung tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án xây dựng Công viên nghĩa trang sinh thái và nhà hỏa táng. Đó là một việc rất thiết thực và cấp bách, có ý nghĩa cho cả hiện tại và tương lai, vừa xử lý khó khăn cho thành phố Vinh, các huyện đông dân lân cận và cả tỉnh nói chung, nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, cần được tập trung chỉ đạo, đồng thuận thực hiện để trở thành hiện thực.

Anh Đặng