Độc đáo ngôi đình cổ thờ Vua Mai
(Baonghean.vn) - Tồn tại qua hàng trăm năm, đình Phúc Xá ở xã Ngọc Sơn là ngôi đình cổ duy nhất ở huyện Thanh Chương và hiếm có ở Nghệ An thờ Thành hoàng làng là Mai Hắc Đế.
Theo hồ sơ di tích, đình Phúc Xá ở xóm Lam Hồng xã Ngọc Sơn được xây từ thời Nguyễn gồm có các công trình chính: cổng đình, đại đình, tắc môn. Cổng đình là 2 trụ biểu lớn (cao hơn 5 m, chân trụ có cạnh 1, 4m) đắp nổi hình "tứ linh" bằng chất liệu vôi vữa và những mảnh gốm sứ. Ảnh: Huy Thư |
Mặt trước và sau các trụ biểu ghi nhiều câu đối bằng chữ Hán. Đặc sắc của các trụ biểu là nghệ thuật đắp phù điêu hình rồng và tượng nghê chầu sống động trên đỉnh trụ. Ảnh: Huy Thư |
Đại đình Phúc Xá là ngôi nhà 5 gian nằm dọc trên gò Rú Đấng. Theo các cụ cao niên, ngày trước, 3 gian ngoài của đình đặt 3 bộ phản cho quan, dân ngồi khi có việc. 2 gian trong là nơi thờ tự, được ngăn cách bởi một bức vách bằng gỗ, có 2 cửa ở hai bên, khi cúng tế mới mở ra. Ảnh: Huy Thư |
.Ngôi đình có bộ khung gỗ đồ sộ, sử dụng vật liệu xây dựng cùng với kỹ thuật lắp ghép truyền thống, được trang trí bằng các mảng chạm khắc nhẹ nhàng, thanh thoát. Vì kèo kết cấu theo kiểu "thượng giá chiêng, hạ kẻ chuyền". Ảnh: Huy Thư |
So với nhiều ngôi đình cổ trong tỉnh, vật liệu xây dựng thường là gạch và đá xanh, thì đình Phúc Xá có điểm khác hơn, tường gốc được xây bằng đá ong, hòn táng kê chân cột là đá nhám...Ảnh: Huy Thư |
Đình làng Phúc Xá thờ Thành hoàng là Mai Hắc Đế - Anh hùng giải phóng dân tộc, từng lãnh đạo cuộc khởi nghĩa ở Hoan Châu lật đổ ách thống trị của nhà Đường ở thế kỷ thứ 8, duy trì nền độc lập của nước ta gần 10 năm (713 - 722). Ngoài thờ các vua Mai (Mai Thánh Đại Đế, Mai Thánh Thiếu Đế), đình còn thờ thần Cao Sơn, Cao Các, Nam Sơn, Kim Sơn, Phúc Sơn, Bạch Sơn, Lâm Sơn, những vị thần có công giúp nước, trợ dân, được nhân dân trong vùng tôn kính. Ảnh: Huy Thư |
Trước cách mạng Tháng Tám, làng Phúc Xá có ruộng đình ở gò Lầy Hương cho người cày cấy, hàng năm lấy hoa lợi để làm lễ giỗ Vua Mai. Những năm thuộc Pháp, đình là nơi giam giữ, tra khảo những người hoạt động cách mạng. Ngày "cướp chính quyền", Ủy ban cách mạng địa phương từng làm việc tại đình. Trong kháng chiến, đình là nơi tổ chức các lớp bình dân học vụ; là trụ sở của trường Chính trị tỉnh. Máy bay Mỹ từng rải bom xuống làng Phúc Xá, làm sập một góc đình. Cạnh đình còn có cây đa cổ thụ tồn tại song hành cùng ngôi đình cổ. Ảnh: Huy Thư |
Sau hàng chục năm trở thành phế tích, với nguyện vọng khôi phục lại những giá trị truyền thống của quê hương, năm 2014, người dân làng Phúc Xá đã chung tay, đóng góp công sức, trùng tu, tôn tạo lại ngôi đình cổ. Trong lần trùng tu này, một số kết cấu gỗ hư hỏng đã được thay thế. Cổng đình được gia cố thêm... Hàng năm vào ngày lễ, Tết, tại ngôi đình cổ dân làng lại tổ chức yến lão, mừng thọ đầu Xuân, hội họp, giao lưu, gặp mặt… Ảnh: Huy Thư |
Đặc biệt vào ngày 16/9 âm lịch hàng năm, người dân xóm Lam Hồng lại long trọng tổ chức lễ giỗ, tưởng nhớ Vua Mai tại đình Phúc Xá. Năm nay trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, lễ giỗ Vua Mai được tổ chức gọn nhẹ nhưng không kém phần trang nghiêm. Đình Phúc Xá đã được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp tỉnh. Quá trình tồn tại lâu dài, ngôi đình cổ không chỉ là chứng tích lịch sử sinh động, nơi hội tụ và phản ánh những giá trị truyền thống cao đẹp của địa phương, mà còn là nơi giáo dục, tự hào “tiếp lửa” cho bao thế hệ. Ảnh: Huy Thư |