Ký ức về con đường huyền thoại trên biển của những cựu binh xứ Nghệ

Công Khang 23/10/2021 08:23

(Baonghean) - Ông Hồ Đình Thuần và Ngô Trí Bản cùng nhiều CCB Đoàn tàu không số ở Nghệ An thực sự bồi hồi, xao xuyến khi nhớ về những năm tháng tuổi trẻ. Ký ức người lính năm xưa lại dội về khi cả nước hướng về ngày kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển.

Cuộc chiến không cân sức của Tàu C-69B

Dù cách nhau 7 tuổi nhưng ông Hồ Đình Thuần (SN 1943) ở thị trấn Cầu Giát (Quỳnh Lưu) và ông Ngô Trí Bản (SN 1950), người con của xã Diễn Ngọc (Diễn Châu) từng là đồng đội trên tàu Nhật Lệ (số hiệu C-69B) thuộc Đoàn tàu không số. Cả hai người đều sinh ra ở vùng biển Nghệ An, tuổi thơ gắn với những chiếc thuyền nhỏ đánh cá; lớn thêm một chút phải chứng kiến những trận pháo kích của tàu Hải quân Mỹ dội vào tàn phá xóm làng, gây nên cảnh tiêu điều và tang thương.

Ảnh: Thanh Toàn
CCB Hồ Đình Thuần kể lại kỷ niệm về Đoàn tàu không số. Ảnh: Thanh Toàn

Chiến tranh ngày càng leo thang, như bao thanh niên thời bấy giờ, hai chàng trai làng biển lên đường nhập ngũ mang theo khát vọng lập chiến công, góp phần đánh đuổi kẻ thù để đất nước sớm được hòa bình, thống nhất. Hai ông Hồ Đình Thuần và Ngô Trí Bản đều được biên chế vào tàu Nhật Lệ (số hiệu C-69B), Lữ đoàn 125, Quân chủng Hải quân, còn có tên gọi khác là Đoàn tàu không số.

Hai người lính năm xưa vẫn nhớ như in thời điểm đầu năm 1971, tàu C-69B được lệnh lên đường làm nhiệm vụ chở vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam. Tàu C-69B xuất phát, theo hải phận quốc tế hướng vào phía Nam và bị tàu khu trục của Mỹ bám đuổi, trên đầu máy bay theo sát từng bước. Thuyền trưởng Phan Xạ buộc ra lệnh chuyển hướng sang vùng biển Philippines, vòng xuống Indonesia, rồi Malaysia để đánh lạc hướng. Địch vẫn đeo bám, tàu không thể cập bờ, buộc phải trở về cảng xuất phát.

Ảnh: NVCC
Cán bộ, chiến sỹ tàu C-69B năm xưa. Ảnh: NVCC

Nửa tháng sau, tàu C-69B lại tiếp tục lên đường theo hải trình cũ, vẫn bị tàu chiến và máy bay địch đeo bám. Đến ngày 11/4/1971, đang ở vùng biển Malaysia, Ban chỉ huy nhận được lệnh nhanh chóng cập biển Cà Mau để chuyển vũ khí cho lực lượng quân giải phóng ở rừng U Minh Hạ.

Trên đường vào bờ, tàu C-69B bị địch phát hiện và phát tín hiệu đỏ nhưng không trả lời mà vẫn tăng tốc thẳng tiến. Khi còn cách bờ chừng 10 hải lý, tàu địch nổ súng tấn công, Chỉ huy tàu điện đàm xin cấp trên thực hiện phương án 2 là nổ súng chống trả. Toàn bộ 23 cán bộ, chiến sỹ lập tức vào vị trí chiến đấu. Lúc này có 7-8 tàu khu trục bao vây, liên tục nã đạn cối vào tàu C-69B, rồi hàng chục máy bay lao đến bắn rốc-két ào ạt.

Ảnh: Công Khang
CCB Ngô Trí Bản (phải) cùng đồng đội ôn lại kỷ niệm năm xưa. Ảnh: Công Khang

CCB Hồ Đình Thuần nhớ lại: “Lúc ấy, tất cả các vị trí trên tàu đều quyết tâm chiến đấu và sẵn sàng hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ. Một quả rốc- két trúng vào thân tàu, thuyền phó Nguyễn Văn Tú và pháo thủ Lâm Thanh Hồng hy sinh. Rồi anh Trần Văn Nhân, đồng hương Quỳnh Lưu cũng bị trúng đạn, rồi đến hai đồng đội nữa… Thuyền trưởng Phan Xạ xin cấp trên thực hiện phương án 3, tức là phá hủy tàu, không để hàng và người rơi vào tay địch”.

Bức ảnh Tàu không số của Hải quân nhân dân Việt Nam làm nhiệm vụ tiếp tế vũ khí cho chiến trường miền Nam. Ảnh tư liệu
Bức ảnh Tàu không số của Hải quân nhân dân Việt Nam làm nhiệm vụ tiếp tế vũ khí cho chiến trường miền Nam. Ảnh tư liệu

Còn chiến sỹ Ngô Trí Bản được giao nhiệm vụ tiếp đạn cho khẩu pháo trên boong, pháo thủ trúng đạn hy sinh, tình thế vô cùng nguy cấp buộc người lính quê Nghệ vừa nạp đạn vừa bắn pháo. Nhận được lệnh của Thuyền trưởng cho thi hài 5 đồng đội vào túi tử thi để đưa vào bờ, ông Bản và cán bộ, chiến sỹ còn lại mang khẩu AK báng gấp, áo phao và lương khô chuẩn bị bơi vào bờ.

“18 người chia thành 3 tốp hướng vào bờ, trước khi rời tàu chúng tôi đã điểm hỏa 4,8 tấn thuốc nổ, hẹn nổ sau 45 phút. Bơi được khoảng 500 m, một tiếng nổ kinh hoàng phát ra, tôi cảm nhận thân mình bị hất lên khỏi mặt biển rồi rơi trở lại, phía sau là đám lửa khổng lồ, khói trùm nghi ngút. Hơn lúc nào hết, tôi thấy ranh giới giữa sự sống và cái chết thật mong manh”.

Ông Ngô Trí Bản - CCB Đoàn tàu không số

Lặng lẽ viết nên huyền thoại

Biết chiến sỹ tàu C-69B sẽ bơi vào bờ, địch bố trí sẵn 2 tiểu đoàn để đón lõng. Chừng 4 giờ sáng tốp của ông Hồ Đình Thuần bơi được vào bờ và nhanh chóng lẫn vào giữa rừng đước, lội theo hướng Tây với ý nghĩ càng xa bờ biển càng có cơ hội thoát khỏi tay địch. May nhờ một đồng đội ném lựu đạn và nổ súng đánh lạc hướng địch, ông Thuần và các chiến sỹ cùng tốp thoát được vòng vây.

Hết lương khô, ai nấy đều đói và khát, toàn thân mệt lả, cầm hơi bằng bất cứ thứ gì có thể ăn được dọc đường để lấy sức đi tiếp. Cuối cùng, hơn 1 tuần sau gặp được căn cứ quân giải phóng, ông Thuần gia nhập một đơn vị thuộc Quân khu 9 cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng mới về an dưỡng ở Quân khu 4.

Ảnh: Mai Sao
Đại diện Ban Chỉ huy Quân sự huyện Diễn Châu trao tặng quà cho CCB Ngô Trí Bản nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961 - 23/10/2021). Ảnh: Mai Sao

Sau khi tàu phát nổ, ông Ngô Trí Bản tiếp tục bơi và bị sóng đẩy dạt vào một vũng lầy ven bờ vào lúc gần sáng. Sắp kiệt sức nhưng ông vẫn cố bám một gốc cây để không bị sóng cuốn trở ra, rồi bì bõm lội giữa bùn đặc quánh. Biết địch đang lùng sục, người chiến sỹ tàu C-69B cởi quân phục và trát bùn khắp người và nấp dưới gốc cây đước để che mắt kẻ thù.

Chờ mãi, đến chiều muộn địch mới rút quân, ông Bản mới bắt đầu mon men đi vào rừng đước. Đi mãi tận 3 ngày, 3 đêm, ông gặp được một đội cơ yếu của Quân khu 9 cứu sống và ở lại chiến đấu đến ngày giải phóng miền Nam, năm 1976 xuất ngũ trở về làng biển Diễn Ngọc. Về sau, ông Bản mới biết Thuyền trưởng Phan Xạ đã hy sinh khi bơi giữa biển do bị máy bay địch phát hiện và bắn xuống một loạt đạn.

Trở về với quê hương, với cuộc sống đời thường, ông Hồ Đình Thuần chuyển công tác về Huyện ủy Nghĩa Đàn, gắn bó với cuộc sống người dân vùng đất đỏ hơn 10 năm và nghỉ hưu năm 1988. Ông được bà con nhân dân yêu mến vì luôn sống gần gũi, chan hòa và sẵn sàng giúp đỡ mọi người.

Ảnh: Công Khang
Ông Nguyễn Đình Sin - Chủ tịch Hội CCB Tàu không số khu vực Nghệ An - Hà Tĩnh ôn lại truyền thống vẻ vang của Đoàn tàu không số. Ảnh: Công Khang

Còn ông Ngô Trí Bản trở về với làng biển Diễn Ngọc, mưu sinh trên mảnh đất quê hương. Không còn đủ sức lên tàu vươn khơi đánh bắt, người cựu binh Tàu không số làm nghề vá lưới, có khi tham gia chế biến các mặt hàng hải sản để làm kế sinh nhai, nuôi con khôn lớn, trưởng thành. Những lúc rảnh rỗi, ông Thuần và ông Bản thường gặp nhau và cùng đi thăm hỏi đồng đội để ôn lại những kỷ niệm của thời hoa lửa.

Dịp này, chúng tôi được gặp ông Nguyễn Đình Sin - Chủ tịch Hội CCB Tàu không số khu vực Nghệ An - Hà Tĩnh và được ông kể những câu chuyện cảm động về tinh thần chiến đấu và hy sinh của đồng đội. Với người lính Đoàn tàu không số, mỗi khi lên đường làm nhiệm vụ là xác định gian khổ và hy sinh nên được đơn vị tổ chức làm lễ tuyên thệ và “truy điệu sống”.

Ảnh: Công Khang
CCB Tàu không số khu vực Nghệ An - Hà Tĩnh gặp mặt nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961 - 23/10/2021). Ảnh: Công Khang

Điều ấy chứng tỏ tinh thần gan dạ, dũng cảm và quyết tâm của những người lính, trong đó có rất nhiều người con quê hương Nghệ An. 15 năm hoạt động, Đoàn tàu không số đã vận chuyển số lượng lớn hàng hóa, vũ khí chi viện cho lực lượng vũ trang ở miền Nam, góp phần làm nên chiến thắng. Nhiều con tàu và chiến sỹ hải quân đã vĩnh viễn nằm lại giữa biển khơi, trong đó có không ít người con đất Nghệ.

“Trong 15 năm chiến đấu trên đường Hồ Chí Minh trên biển, mảnh đất Nghệ An có quyền tự hào vì đã có nhiều người con làm tròn sứ mệnh mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Có những người tham gia nhiều chuyến như đồng chí Dương Văn Lương ở TX Cửa Lò; có những người sống sót trong trận chiến cam go, ác liệt như đồng chí Hồ Đình Thuần ở Quỳnh Lưu, Ngô Trí Bản ở Diễn Châu. Đó thực sự là những nhân chứng sống của Đoàn tàu không số, góp phần viết nên huyền thoại của một con đường lịch sử”.

Ông Nguyễn Đình Sin - Chủ tịch Hội CCB Tàu không số khu vực Nghệ An - Hà Tĩnh

Công Khang