Nghệ An chủ động kết nối, khơi thông tiêu thụ nông sản

Phú Hương 23/10/2021 07:11

(Baonghean.vn) - Với hơn 228.000 ha đất trồng lúa, hơn 22.800 ha cam và các cây loại ăn quả khác, mỗi năm, tổng sản lượng thực phẩm nông, lâm, thủy sản sản xuất hàng năm của Nghệ An đạt khoảng 2,9 triệu tấn. Việc tìm hướng đi tiêu thụ nông sản ổn định và hiệu quả là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Mở kênh thương mại điện tử

Do ảnh hưởng dịch bệnh, thời gian qua, việc tiêu thụ sản phẩm nông sản của Nghệ An chịu tác động mạnh. Các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh xuất khẩu chủ yếu vào các thị trường như Trung Quốc; Trung Đông, một số thị trường ở châu Âu và Lào đều gặp khó khăn, một số thị trường đóng cửa. Trong khi đó, sức tiêu thụ ở thị trường trong tỉnh cũng giảm mạnh, sản phẩm tiêu thụ chậm, giá xuống thấp, trong đó 4 sản phẩm bị tác động nhiều nhất là thịt lợn, lạc, chè và rau, củ, quả.

Do không xuất bán được nên lạc, vừng đang phải chất đống trong kho. Ảnh: Tiến Đông
Do không xuất bán được nên lạc, vừng đang phải chất đống trong kho. Ảnh: Tiến Đông

“Dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, thị trường tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Sức mua giảm, giá bán giảm, trong khi đó chi phí logistics tăng, một số nước nhập khẩu dựng thêm hàng rào kỹ thuật, chi phí kiểm tra, giám sát chất lượng hàng hóa xuất khẩu tăng; một số sản phẩm rau, củ, quả lại sẽ vào vụ thu hoạch tập trung. Do đó, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến trong nước và quốc tế, tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất, chế biến nông sản Nghệ An được tham gia các hoạt động tiêu thụ là yêu cầu bức thiết”.

Ông Nguyễn Văn Hà - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản

Ngày 24/9 vừa qua, Sở Nông nghiệp và PTNT đã ký kết thỏa thuận tiêu thụ sản phẩm nông sản trên Sàn thương mại điện tử (TMĐT) VOSO.VN của Tập đoàn Viettel. Cùng với Sàn thương mại điện tử postmart.vn của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, VOSO.VN là 1 trong 2 sàn được Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ định hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn, với mục tiêu đưa các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, HTX đăng ký các sàn TMĐT để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm; đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên các sàn TMĐT; thúc đẩy tiêu thụ nhanh, góp phần tránh ùn ứ nông sản khi cao điểm thu hoạch, giúp người dân giữ giá nông sản, tránh phụ thuộc vào thương lái, trung gian.

Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Tổng Công ty CP Bưu chính Vietel tổ chức ký kết hợp tác thúc đẩy tiêu thụ nông sản Nghệ An trên sàn thương mại điện tử VOSO.VN. Ảnh Phú Hương
Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Tổng Công ty CP Bưu chính Viettel tổ chức ký kết hợp tác thúc đẩy tiêu thụ nông sản Nghệ An trên sàn thương mại điện tử VOSO.VN tháng 9/2021. Ảnh tư liệu Phú Hương

Ông Nguyễn Cảnh Hòa - Giám đốc Sàn TMĐT VOSO.VN, Phó Giám đốc Viettel Nghệ An chia sẻ: “Việc kinh doanh nông sản trên sàn TMĐT đang trở thành xu thế tất yếu hiện nay, giúp cho các doanh nghiệp giải quyết bài toán thị trường đầu ra, mở rộng kênh tiêu thụ sản phẩm ra các thị trường lớn, phù hợp trong điều kiện dịch Covid-19. Với lợi thế là Công ty chuyển phát số 1 tại Việt Nam có mạng lưới rộng khắp và hệ thống logistics phát triển, Sàn TMĐT VOSO (Viettelpost) có thể tiếp cận, kết nối dễ dàng giữa các nhà sản xuất và người tiêu dùng trên khắp mọi nơi trên cả nước; tạo điều kiện cho việc lưu thông hàng hóa, minh bạch hóa về giá cả, chất lượng hàng hóa tiêu dùng với nhiều hình thức bán hàng có nhiều ưu điểm vượt trội”.

Để thực hiện hiệu quả kênh tiêu thụ nông sản Nghệ An trên sàn TMĐT, hai bên đã thống nhất phối hợp xây dựng tài liệu, quy trình, hướng dẫn các cơ sở SXKD nông sản đăng ký tài khoản và đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn với nhiều hình thức khác nhau; đào tạo, hướng dẫn các hộ sản xuất, kinh doanh về cách thức sử dụng các thiết bị di động thông minh trong quá trình giao dịch trên sàn; xây dựng quy trình đóng gói, kết nối, giao nhận để hỗ trợ kỹ thuật cho các hộ trong quá trình kết nối, mua bán; đồng thời triển khai giải pháp về truy xuất nguồn gốc hàng hóa uy tín trên sàn TMĐT.

Nông sản an toàn được bày bán tại siêu thị trên địa bàn TP. Vinh. Ảnh: Quang An
Nông sản an toàn được bày bán tại siêu thị trên địa bàn TP. Vinh. Ảnh: Quang An

Khơi thông nguồn hàng nông sản

Tháng 6/2021, Nghệ An xuất hiện ca nhiễm bệnh Covid-19 đầu tiên trong năm nay. Thực hiện phòng chống dịch, thời gian qua, nhiều địa phương trong cả tỉnh đã buộc phải thực hiện biện pháp giãn cách xã hội. Nhiều thời điểm, trong khi người dân nhiều nơi, đặc biệt là tại thành phố Vinh rất khó khăn trong việc đảm bảo nhu cầu lương thực, thực phẩm thì tại các vùng sản xuất như Quỳnh Lưu, Thanh Chương, Diễn Châu… nông sản rau, củ, quả, hải sản, trái cây… bị ứ đọng.

Để vừa đảm bảo ổn định tiêu thụ, không để tồn đọng sản phẩm, duy trì ổn định nguồn cung cấp thực phẩm cho các địa phương phải thực hiện phong tỏa để phòng chống dịch; kiểm soát chất lượng sản phẩm nông, lâm, thủy sản cung cấp ra thị trường, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản đã xây dựng Phương án số 2307, đưa ra các giải pháp, kịch bản tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Mục tiêu trên 90% sản lượng sản phẩm nông, lâm, thủy sản được tiêu thụ; 100% siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch khai thác tối đa công suất để đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu thiết yếu cho người dân… Đặc biệt là 100% siêu thị, điểm bán hàng thực phẩm ở Vinh và những địa phương có nguy cơ mất ATTP cao được kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm.

Giá bí xanh xuống thấp, thị trường tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, người dân xã Lưu Sơn (Đô Lương) căng bạt che bí chất đống ngoài đồng. Ảnh: Ngọc Phương
Đơn vị đã tổ chức thực hiện kết nối nguồn cung nông sản tại các địa phương, hỗ trợ 10 cửa hàng tiện lợi trên địa bàn thành phố Vinh để tăng cường năng lực cung cấp nguồn thực phẩm cho người dân thành phố. Đồng thời, phối hợp các địa phương xây dựng và triển khai phương án tiêu thụ nông sản trong điều kiện giãn cách xã hội; rà soát và thống kê lượng nông sản đang cần hỗ trợ tiêu thụ, từ đó tổ chức cùng các ngành liên quan kết nối tiêu thụ cho nông dân. Đặc biệt, Chi cục đã phối hợp, cung cấp thông tin về sản phẩm nông nghiệp của Nghệ An cho Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công Thương Hà Nội để kết nối tiêu thụ nông sản Nghệ An tại thị trường Hà Nội…

Hiện tại, nhiều sản phẩm nông sản của Nghệ An đang chuẩn bị bước vào giai đoạn thu hoạch tập trung như rau xanh, cây ăn quả; đặc biệt các vùng trồng cam sẽ vào vụ từ cuối tháng 10, với sản lượng khoảng trên 60.000 tấn.

“Sở Nông nghiệp và PTNT đã có công văn gửi các huyện, thị xã và thành phố Vinh chuẩn bị kế hoạch tiêu thụ sản phẩm cam, quýt. Hiện chúng tôi đang tiến hành tổng hợp nhu cầu tiêu thụ của các địa phương, các doanh nghiệp, HTX và hộ sản xuất để trên cơ sở đó, phối hợp với các sàn TMĐT, đưa sản phẩm đủ điều kiện lên sàn. Đồng thời, trình UBND tỉnh kế hoạch triển khai các hoạt động trong điều kiện quản lý dịch bệnh Covid-19 cho phép, như tổ chức Tuần lễ giới thiệu sản phẩm nông nghiệp Nghệ An tại Hà Nội, tổ chức Diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản miền Trung tại Nghệ An...” - ông Nguyễn Văn Hà cho hay./.

Phú Hương