Ngăn ngừa vi phạm kỷ cương, pháp luật trong cán bộ, đảng viên
(Baonghean.vn) - Vừa qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra những vụ việc cán bộ, đảng viên vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước . Đây là biểu hiện của sự tha hóa về đạo đức, bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân đang ngày càng gia tăng trong một bộ phận "công bộc của dân".
Những câu chuyện buồn
Thông tin ông Và Gà Sua, từng là Bí thư Chi bộ, nguyên Trưởng bản Huồi Cọ, xã Nhôn Mai (Tương Dương) là “mắt xích” quan trọng trong đường dây mua bán trái phép chất ma túy từ Lào về địa bàn huyện Quế Phong rồi đưa đi tiêu thụ ở các tỉnh phía Bắc gây bất ngờ với nhiều người dân.
Bởi Và Gà Sua vốn là người có uy tín, được dân bản tín nhiệm bầu làm Bí thư rồi Trưởng bản Huồi Cọ nhiều năm, là điển hình trồng cây chanh leo thành công ở bản Huồi Cọ. Không ai có thể ngờ đó là “vỏ bọc” để Sua tham gia vào hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy.
Nguyên Trưởng bản Huồi Cọ Và Gà Sua bị bắt vì buôn ma túy. Ảnh: Hồng Ngọc |
Trên thực tế, những trường hợp tha hóa, biến chất, vi phạm pháp luật, vi phạm những điều đảng viên không được làm như Và Gà Sua xảy ra khá nhiều trong thời gian gần đây. Điển hình như ngày 18/10/2021, Công an huyện Anh Sơn đã ra quyết định khởi tố vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; đồng thời khởi tố bị can đối với 3 đối tượng gồm: Nguyễn Thị Ngọc Ánh (SN 1981), nguyên Chủ tịch UBND xã Khai Sơn; Phan Thị Hoài (SN 1992), công chức địa chính - nông nghiệp; Nguyễn Thị Kim Liên (SN 1968), trú tại xã Khai Sơn.
Công an huyện Anh Sơn tống đạt các quyết định đối với với các bị can nguyên là cán bộ xã Khai Sơn. Ảnh tư liệu: Bình Minh |
Đến ngày 21/10/2021, có thêm bị can Nguyễn Thị Duyên (SN 1987), công chức tài chính - kế toán xã này bị khởi tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" quy định tại Khoản 1, Điều 356, Bộ luật Hình sự. Được biết, các cán bộ xã Khai Sơn bị khởi tố liên quan đến những dấu hiệu sai phạm trong việc chi trả, hỗ trợ thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn.
Cơ quan chức năng tống đạt quyết định khởi tố đối với các bị can: Nguyễn Bỉnh Khảng, Hoàng Văn Chắt (áo sọc trắng). Ảnh tư liệu: Bình Minh |
Trước đó, cũng trong tháng 10/2021, Công an huyện Quỳnh Lưu đã khởi tố nhiều cán bộ ở 2 xã Quỳnh Giang và Quỳnh Châu (Quỳnh Lưu) trong 2 vụ án “giả mạo trong công tác”, trong đó có cả những người đứng đầu như ông Nguyễn Bỉnh Khảng (SN 1963) - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Quỳnh Châu (nguyên Chủ tịch UBND xã Quỳnh Châu); ông Nguyễn Bá Thái (SN 1979) - nguyên Trưởng Công an xã Quỳnh Giang; ông Nguyễn Ngọc Đức (SN 1981) - Phó Chủ tịch Hội Nông dân, đại biểu HĐND xã Quỳnh Giang; bà Chu Thị Ngọc (SN 1982) - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Quỳnh Lưu, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Giang…
Cơ quan chức năng tống đạt quyết định khởi tố đối với bị can Chu Thị Ngọc. Ảnh tư liệu: Bình Minh |
Còn tại huyện Nghi Lộc, liên quan đến vụ án “Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất” và “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” xảy ra tại xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc, lực lượng chức năng đã khởi tố 3 bị can, trong đó có Nguyễn Đình Hải (SN 1965) - nguyên Chủ tịch UBND xã Nghi Phong và Nguyễn Hồng Đức (SN 1978, trú tại xóm 7, xã Nghi Phong, nguyên công chức địa chính xã Nghi Phong).
Lực lượng chức năng đọc lệnh bắt tạm giam đối với bị can Nguyễn Đình Hải nguyên Chủ tịch UBND xã Nghi Phong. Ảnh tư liệu: Minh Khôi |
Những trường hợp trên là những câu chuyện buồn về sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, vi phạm đạo đức công vụ, kỷ luật Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước của cán bộ, công chức, đảng viên gây tác động xấu tới dư luận xã hội.
Chống chủ nghĩa cá nhân
Sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, dẫn tới hành vi tham nhũng, tiêu cực, vi phạm kỷ luật Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước của một bộ phận cán bộ, đảng viên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, nguyên nhân chủ quan bắt nguồn từ việc bản thân cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện; sa vào chủ nghĩa cá nhân, quên mất trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước dân.
Nguyên tắc tập trung dân chủ bị buông lỏng, nguyên tắc tự phê bình và phê bình thực hiện không nghiêm. Công tác quản lý cán bộ, đảng viên còn lỏng lẻo; công tác kiểm tra, giám sát, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật ở nhiều nơi chưa thường xuyên, không nghiêm túc...
Công an huyện Anh Sơn điều tra vụ án ở xã Khai Sơn. Ảnh: CACC |
Ở Nghệ An, những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ nhằm thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. BTV Tỉnh ủy ban hành nhiều văn bản như: Chỉ thị số 12-CT/TU về “Tăng cường vai trò nêu gương, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong cán bộ, đảng viên”; Chương trình hành động số 26-CTr/TU về việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
UBND tỉnh cũng triển khai nhiều kế hoạch, chương trình, đề án góp phần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tạo cơ sở pháp lý trong việc ngặn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
Khám xét nơi làm việc của bị cán Nguyễn Hồng Đức - Nguyên cán bộ địa chính xã Nghi Phong, Nghi Lộc. Ảnh tư liệu: Minh Khôi |
Việc thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TU về tăng cường kỷ luật công vụ, kỷ cương hành chính trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh cũng được siết chặt.
Chỉ tính trong 5 năm (2016-2021), UBND tỉnh đã tiến hành 69 cuộc kiểm tra liên ngành việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính tại 219 đơn vị. Qua kiểm tra đã xử lý kiểm điểm 22 công chức vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính. Bên cạnh đó, công tác thanh tra dưới nhiều hình thức gắn với trách nhiệm người đứng đầu cũng được quan tâm đẩy mạnh.
Qua công tác thanh tra đã phát hiện và chuyển 12 vụ việc sai phạm qua cơ quan cảnh sát điều tra; trong đó, có 3 vụ việc đã được khởi tố điều tra, truy tố và xét xử về tội danh tham nhũng với tổng số tiền thiệt hại do tham nhũng là 23,3 tỷ đồng. Qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã chuyển cơ quan điều tra 7 vụ việc; trong đó, có 1 vụ việc đã được cơ quan điều tra khởi tố, truy tố và xét xử tội danh tham nhũng.
Qua công tác điều tra, đã khởi tố 51 cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan hành chính Nhà nước về tội danh tham nhũng. Trong giai đoạn 2016-2021, toàn tỉnh đã xử lý trách nhiệm 9 người đứng đầu tại 3 cơ quan, đơn vị để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, đơn vị mình phụ trách; xử lý trách nhiệm 14 người đứng đầu tại 8 cơ quan, đơn vị khi để xảy ra các sai phạm trong quản lý tài chính, đất đai.
Đại hội XIII của Đảng đã đề ra yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng với 10 giải pháp cơ bản, đồng bộ, trong đó, nhấn mạnh phải tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) với trọng tâm là ngăn chặn, đẩy lùi, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những hành vi tham nhũng, tiêu cực và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh: “Cái mới của lần này là Trung ương đã mở rộng phạm vi, không chỉ trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà còn bao gồm cả trong xây dựng hệ thống chính trị đúng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; cùng với ngăn chặn, đẩy lùi thì phải chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực”.
Chủ nghĩa cá nhân - “thứ vi trùng rất độc”. Nguồn ảnh internet |
Về phần giải pháp, bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ phải “đấu tranh mạnh mẽ chống chủ nghĩa cá nhân, thói ích kỷ vụ lợi, "lợi ích nhóm". Rà soát, hoàn thiện, thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền. Xử lý nghiêm những hành vi vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước; kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng; công tác cán bộ, công tác kiểm tra; công tác giáo dục, rèn luyện, quản lý đảng viên. Phát huy vai trò giám sát của nhân dân, của báo chí, của công luận…”.
Thực tế chỉ ra rằng, trong cơ chế thị trường, cán bộ, đảng viên dễ bị tha hóa, sa vào chủ nghĩa cá nhân dẫn đến lợi dụng chức quyền, vị trí công tác của mình để đặc quyền, đặc lợi. Vì vậy, thực hiện tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, đảng viên để hình thành lớp cán bộ, đảng viên gương mẫu tuân thủ, chấp hành pháp luật cũng là một trong những biện pháp nhằm góp phần chống chủ nghĩa cá nhân, xây dựng Đảng về đạo đức./.