Nghệ An nhân rộng mô hình cấp nước bằng năng lượng mặt trời
(Baonghean.vn) - Các mô hình cấp nước tưới tự động bằng năng lượng mặt trời được đánh giá rất khả quan cả về mặt khoa học cũng như hiệu quả kinh tế cho các vùng sản xuất nông nghiệp chưa có điều kiện sử dụng điện lưới.
Sáng 5/11, Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Hội thảo "Đánh giá hiệu quả mô hình cấp nước tưới tự động bằng năng lượng mặt trời cho một số vùng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An".
Đoàn công tác kiểm tra mô hình tại xóm 1-5, xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu. Ảnh: Quang An |
Nghệ An được đánh giá là một trong những vùng có điều kiện tự nhiên rất thích hợp để phát triển điện mặt trời với số giờ nắng trung bình từ 1.800-2.100 giờ nắng trong năm, cường độ bức xạ mặt trời trung bình hàng năm từ 4,6 – 5,2 kWh/m2/ngày. Tuy nhiên, hiện nay, các kết quả khai thác nguồn năng lượng mặt trời so với tiềm năng thực sự vẫn còn rất khiêm tốn.
Đánh giá được tầm quan trọng trong việc sử dụng điện năng lượng mặt trời trong sản xuất và đời sống, tại Thông báo số 436/TB-UBND ngày 31/7/2020 về việc Thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung tại phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 7/2020 đã chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu cho UBND tỉnh về chính sách sử dụng năng lượng mặt trời vào một số ứng dụng trong cuộc sống.
Dứa được cung cấp nước tưới đầy đủ khi sử dụng năng lượng mặt trời. Ảnh: Quang An |
Từ năm 2020, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ đã được giao thực hiện xây dựng 5 mô hình cấp nước tưới tự động bằng năng lượng mặt trời cho một số vùng sản xuất nông nghiệp chủ lực trên địa bàn tỉnh, với 2 loại hệ thống thực hiện trong 2 giai đoạn, áp dụng cho các đối tượng cây trồng: Cây ăn quả, chè, dứa, trên địa bàn các huyện: Anh Sơn, Thanh Chương, Thái Hòa, Nghĩa Đàn và Quỳnh Lưu.
Cho đến nay đơn vị đã hoàn thiện động bộ các quy trình kỹ thuật sản xuất lắp đặt các hệ thống để phù hợp với các địa hình sản xuất nông nghiệp khác nhau.
Sau khi kiểm tra thực địa tại các mô hình ở huyện Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn và TX. Thái Hòa, các đại biểu đều ghi nhận sự hiệu quả của việc áp dụng cấp nước tưới tự động bằng năng lượng mặt trời khi giúp cho cây trồng sinh trưởng tốt, tăng sản lượng, chất lượng cây trồng, đảm bảo nguồn nước tưới đầy đủ, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho HTX và người dân.Việc sử dụng hệ thống tưới tự động bằng năng lượng mặt trời, ngoài việc nâng cao chất lượng cho cây trồng còn tiết kiệm chi phí đầu tư, vận hành so với sử dụng các nguồn năng lượng khác để cấp nước tưới.
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Quang An |
Theo tính toán, nếu áp dụng mô hình từ 2 - 3 ha trong năm đầu tiên chỉ mất kinh phí khoảng 92 triệu đồng, thấp hơn so với sử dụng hệ thống máy phát điện (115 triệu đồng) và sử dụng điện lưới quốc gia (100 triệu đồng).Từ năm thứ 2 trở đi, chi phí sử dụng bằng năng lượng mặt trời chỉ khoảng 8,2 triệu đồng/năm.
Với những thành quả như trên, mô hình cấp nước tưới tự động bằng năng lượng mặt trời sẽ được Sở Khoa học và Công nghệ trình UBND tỉnhnhân rộng hơn trong thời gian tới với nhiều địa phương, nhiều loại cây trồng khác nhau.