Thí sinh vòng chung kết 'Đường lên đỉnh Olympia': Tự hào là học trò xứ Nghệ

Mỹ Hà (thực hiện) 13/11/2021 08:00

(Baonghean.vn) - Ngày 14/11, trận chung kết mùa thứ 22 cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” sẽ chính thức được diễn ra với 4 gương mặt xuất sắc nhất năm 2021. Trước trận đấu quan trọng này, Báo Nghệ An đã có cuộc trò chuyện với em Nguyễn Đình Duy Anh, người thứ 2 đem cầu truyền hình trực tiếp về với Trường THPT chuyên Phan Bội Châu.

P.V: Chào Duy Anh, ngày 14/11 trận chung kết cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” sẽ chính thức được khởi tranh. Có lẽ, những ngày qua cũng là những ngày rất đặc biệt với Duy Anh?

Nguyễn Đình Duy Anh: Thực ra cuộc sống của em không quá nhiều thay đổi trong gần 2 tháng trở lại đây. Bởi ngay sau khi kết thúc trận thi đấu vòng loại quý 4, em đã khóa toàn bộ trang facebook cá nhân của mình vì em muốn dành trọn thời gian để chuẩn bị cho trận chung kết. Hơn nữa, em cũng thấy rằng, so với những bạn chiến thắng ở quý 1, quý 2, quý 3 thì thời gian của mình eo hẹp hơn và em cần phải chuẩn bị kỹ hơn.

Tất nhiên, việc khóa trang facebook cá nhân thời điểm này không dễ dàng bởi thời điểm này chúng em đang học trực tuyến và rất nhiều thông tin chúng em phải trao đổi với thầy cô, bạn bè qua mạng. Ngày nay mạng xã hội không thể thiếu đối với học sinh bởi gần như mọi thông tin chúng em đều sử dụng mạng xã hội, kể cả đọc báo, cập nhật các thông tin về cuộc sống. Nhưng với em, việc dừng mạng xã hội thời điểm này và không nhận những lời chúc mừng, động viên sẽ giúp em bình tĩnh hơn khi bước vào trận đấu cuối cùng.

P.V: Chúng tôi đã xem trận đấu cuối cùng của quý 4 và thực sự vui mừng khi Duy Anh là người chiến thắng. Cá nhân em có bất ngờ với kết quả này?

Nguyễn Đình Duy Anh: Một tuần đầu khi mới trở về từ cuộc thi em khá vui và bất ngờ vì em đánh giá mình là “cửa dưới” so với 3 bạn còn lại. Chắc chị không biết, lúc bước vào cuộc thi, em không dám nhìn vào điểm số ở cả hai phần vượt chướng ngại vật và tăng tốc và em cũng không dám nhìn điểm các bạn. Lúc đó, em chỉ cố gắng gặp câu hỏi nào thì làm tốt câu hỏi đó và phải đến phần thi cuối cùng em mới sực nhớ là mình cần phải tính điểm để chọn gói câu hỏi. Khi nhìn thấy số điểm của mình lúc bấy giờ em rất bất ngờ.

Các cổ động viên của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu cổ vũ cho Duy Anh. Ảnh: PV

P.V: Cảm giác của em thế nào khi được gọi tên là người chiến thắng?

Nguyễn Đình Duy Anh: Thực ra đây là một “bí mật” của phần ghi hình trận chung kết quý và khi chúng ta xem trên truyền hình thời gian của trận đấu chỉ kéo dài gần 1 tiếng. Nhưng thực tế không phải vậy. Trước khi công bố tên người chiến thắng, trận đấu có sự khiếu nại của một thí sinh cùng chơi và ban tổ chức phải giải quyết vấn đề này gần 1 tiếng.

Trong luật chơi của cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia”, điều này là bình thường, bởi sau mỗi phần thi mỗi thí sinh đều có quyền khiếu nại nếu kết quả chưa thuyết phục. Vì vậy, để có một chương trình phát sóng trọn vẹn thì phần ghi hình rất lâu và cuộc thi quý của chúng em đã kéo dài hơn 3 tiếng, từ khoảng 17h đến hơn 20h. Trong thời gian gần 1 tiếng để đợi kết quả cuối cùng, dù biết rằng lợi thế đã thuộc về mình nhưng em trải qua nhiều cảm giác khác nhau từ hồi hộp, lo lắng đến bồn chồn. Có lẽ vì thế, khi nhận được vòng nguyệt quế em đã bình tĩnh hơn và tất nhiên em rất vui với kết quả này.

P.V: Dường như tất cả các thí sinh tham dự cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” đều đã có sự chuẩn bị từ rất sớm. Vậy Duy Anh có phải là người ngoại lệ?

Nguyễn Đình Duy Anh: Từ khi còn rất bé, khi chưa biết chữ em đã biết đến chương trình này. Nói như vậy không phải là em “hiểu biết” rất sớm mà bởi em ảnh hưởng từ mẹ em. Mẹ em chính là một fan cứng của chương trình. Từ mùa đầu tiên vào năm 1999 đến nay, hơn 20 năm qua mẹ em chưa bỏ bất cứ một trận chung kết nào. Các trận vòng loại mẹ em cũng xem đến khoảng 90%. Chính từ niềm yêu thích này nên mẹ luôn có một ước muốn là con trai mình sẽ một lần được đứng trên trường quay của cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia”.

Nguyễn Đình Duy Anh tại Cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia. Ảnh PV

Đó là ước mơ lớn nhất của mẹ nhưng ngày còn nhỏ em chưa nhận ra điều ấy. Phải đến năm lớp 4 em bắt đầu giải được một số câu hỏi tăng tốc vì có những câu hỏi Toán liên quan đến Toán IQ mà em vẫn thường hay giải ở nhà (chủ yếu là những câu hỏi về quy luật). Bắt đầu từ những năm THCS, em đã nghĩ mình sẽ tham dự cuộc thi này nhưng đến năm lớp 8, lớp 9 em phải bỏ mất gần 2 năm không theo dõi, bởi lúc bấy giờ em phải dành toàn bộ thời gian để ôn tập cho kỳ thi vào lớp chuyên Trường THPT chuyên Phan Bội Châu và không thể theo dõi vào khung giờ là 13h chiều Chủ nhật.

Ngọn lửa Olympia âm ỉ trong em đã bùng lại khi em vào lớp 10 - Trường THPT chuyên Phan Bội Châu và cũng năm đó anh Trần Thế Trung đã giành chiến thắng ở cuộc thi năm thứ 19. Em bắt đầu ôn luyện cho cuộc thi từ năm đó.

P.V: Trước khi chính thức đến với vòng thi tuần thì cuộc thi vòng loại ở cấp trường hình như cũng rất khó khăn. Duy Anh có thể chia sẻ thêm về điều này?

Nguyễn Đình Duy Anh: Chị hãy nhìn vào chồng sách này, trước khi trở lại với cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” em phải ôn luyện rất kỹ càng. Trước hết là em phải đọc toàn bộ kiến thức trong sách giáo khoa vì rất nhiều nội dung của cuộc thi là những kiến thức ở nhà trường (đặc biệt là ở các trận tuần, trận tháng). Cùng với đó, em phải tập giải rất nhiều những bài toán thông minh, toán xác suất lớp 4, lớp 5. Ngoài ra, em đọc rất nhiều thông tin trên mạng và nếu có một khái niệm lạ em sẽ vào Google để tìm kiếm những trang thông tin liên quan. Khi tham dự cuộc thi này, chúng em cũng phải thường xuyên xem thời sự để cập nhật tất cả các thông tin ở Việt Nam và thế giới, diễn biến theo từng ngày. Anh Trần Thế Trung cũng là người đã song hành với em ngay từ những ngày đầu em tham gia cuộc thi và hiện em vẫn đang còn gần 10 cuốn sách được anh Trung cho mượn và tham khảo. Anh Trần Thế Trung cũng là người ảnh hưởng rất lớn đối với em khi đến với cuộc thi này, anh đã chia sẻ cho em rất nhiều về kinh nghiệm, bản lĩnh thi đấu và truyền động lực cho em để em có thể đến với cuộc thi với tâm thế tốt nhất.

Để đến với cuộc thi này, em cũng đã trải qua nhiều cảm xúc khác nhau. Như ở vòng thi trường, mặc dù đã có sự chuẩn bị kỹ càng nhưng để trải qua cuộc thi vòng loại ở trường Phan không dễ dàng, đó là cuộc thi “Beyond the Knowledge - Bay cao cùng tri thức”. Cuộc thi này hoàn toàn theo format như cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” và chỉ khác là chúng em phải làm trên giấy. Từ 28 thí sinh đăng ký, chúng em trải qua nhiều vòng thi để chọn 4 thí sinh cuối cùng vào thi vòng chung kết. Ở vòng thi này, khoảng cách của em với người về Nhì chỉ có 5 điểm và chiến thắng chỉ được xác nhận sau khi câu hỏi cuối cùng kết thúc chứ không có chiến thắng cách biệt nào.

P.V: Duy Anh đã trải qua rất nhiều vòng thi và đâu là vòng thi khó khăn nhất để em đến với trận thi đấu chung kết cuối cùng vào ngày mai?

Nguyễn Đình Duy Anh: Ngoài vòng loại ở trường thì phần thi tháng cũng là phần thi đáng nhớ và khá căng thẳng, đặc biệt là phần thi về đích bởi trước đó bạn Trần Công Minh đã có sự bứt phá ở phần thi cuối cùng. Tuy nhiên, vòng thi khó khăn nhất có lẽ là phần thi quý, bởi ngay từ vòng thi khởi động em đã không có nhiều lợi thế khi chỉ đạt 50 điểm, thấp nhất trong tất cả các thí sinh. Chính vì thế, em phải nỗ lực rất nhiều cho các phần thi sau.

Có một khó khăn khác với em khi đến với trận chung kết đó là quãng thời gian chờ đợi gần 2 tháng để chọn thí sinh có điểm thi tháng cao nhất tham dự vòng thi quý. Quả thực, thời gian đó em đã rất hồi hộp, căng thẳng nhưng cuối cùng may mắn đã mỉm cười với em.

P.V: Trước trận đấu ngày 14/11, Duy Anh đánh giá các đối thủ của mình như thế nào?

Nguyễn Đình Duy Anh: Tất cả những thí sinh có mặt ở trận chung kết đều là những người rất xuất sắc và mỗi người có một thế mạnh riêng. Như với Việt Thái, bạn ấy có một phong thái thi đấu rất bản lĩnh, Hoàng Khánh là người có tốc độ trả lời câu hỏi rất nhanh và Hải An là một người có lượng kiến thức rất lớn, cả bề rộng lẫn chiều sâu. Vì thế, em cố gắng tạo cho mình một tâm thế thật thoải mái để đến với cuộc thi cuối cùng này. Em cũng nghĩ rằng, mình đến từ Nghệ An, vùng đất học, vùng đất “địa linh nhân kiệt” nên em sẽ nỗ lực để không phụ lòng mong mỏi của thầy cô, gia đình, bạn bè và cả khán giả quê nhà.

P.V: Chúng ta đã đi đến trận đấu cuối rồi. Hành trình gần 3 năm theo đuổi cuộc thi này đã thay đổi em như thế nào?

Nguyễn Đình Duy Anh: Cuộc thi Olympia có ý nghĩa rất lớn đối với em. Nó là sân chơi để em thỏa mãn đam mê của mình, thỏa mãn tình yêu với tri thức và để em thể hiện được bản thân. Đây cũng là một cuộc thi và là một cơ hội để em tìm kiếm những con đường mới, sau khi hoàn thành chương trình phổ thông. Cuộc thi này đặc biệt hơn nữa bởi em đã hoàn thành được ước mơ của cả em và của mẹ mình, em sẽ cố gắng để thực hiện ước mơ đó một cách tốt nhất.

P.V: Cảm ơn Duy Anh và chúc em có một kỳ thi thật thành công!

Mỹ Hà (thực hiện)