Phát triển kinh tế rừng: Hướng thoát nghèo bền vững ở Con Cuông

Thành Chung - Bá Hậu 01/12/2021 10:54

(Baonghean.vn) - Nhờ làm tốt công tác trồng, chăm sóc quản lý bảo vệ rừng nên đến nay độ che phủ rừng Con Cuông đạt gần 85%, cao nhất tỉnh.

Bảo vệ và phát triển rừng bền vững

Gia đình anh Hà Văn Quyết ở thôn Thanh Đào, xã Bồng Khê là một trong những hộ điển hình làm giàu từ kinh tế đồi rừng của huyện Con Cuông. Trước đây, kinh tế gia đình anh Quyết thuần túy dựa vào phát triển nông nghiệp, vậy nên cuộc sống có nhiều khó khăn. Nhờ sự tuyên truyền, vận động của các cấp, ngành địa phương, gia đình anh Quyết đã nhận thấy trồng rừng là hướng phát triển kinh tế bền vững, lâu dài.

Nhờ phát triển kinh tế rừng nên nhiều hộ dân người đồng bào ở Con Cuông đã thoát nghèo
Nhiều gia đình tích cực, hăng hái tham gia nhận đất trồng rừng. Ảnh: Bá Hậu

Vậy nên, mấy năm qua gia đình anh đã đầu tư vào trồng hơn trên 1ha cây mét. Trên diện tích đất trồng cây lâu năm kém hiệu quả, gia đình đã cải tạo, đầu tư vào trồng hơn 18 ha keo lai, tại 5 quả đồi, thu hoạch xoay vòng. Đến thời điểm này, mỗi 1 ha mét và keo lai của gia đình cho thu nhập ổn định trên 100 triệu đồng/mỗi năm. Bên cạnh đó, anh Quyết còn trồng xen canh thêm cây sắn, mỗi năm sắn cũng cho thu hoạch trên 70 triệu đồng. Từ nguồn thu ổn định, anh xây dựng được nhà cửa khang trang và đầu tư cho con cái đi học…

Tại một số thôn, bản vùng tả ngạn sông Lam như Thanh Đào, Thanh Nam, Khe Rạn của xã Bồng Khê, nghề trồng rừng đã trở thành “đòn bẩy” giúp cho người dân thoát nghèo, thúc đẩy nhanh sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Số hộ khá giả như gia đình anh Hà Văn Quyết không phải là quá hiếm.

Ông Nguyễn Mạnh Thắng - Chủ tịch UBND xã Bồng Khê cho biết: Thời gian qua, xã đã định hướng cho người dân trồng rừng đi đôi với công tác chăm sóc, bảo vệ, đẩy mạnh việc ứng dụng KHKT, nhất là phương pháp thâm canh trong sản xuất rừng. Mỗi năm địa phương phấn đấu trồng mới từ 50 - 60ha rừng trồng.

Nhờ phát triển kinh tế rừng nên nhiều hộ dân người đồng bào ở Con Cuông đã thoát nghèo
Nhờ phát triển kinh tế rừng nên nhiều hộ dân người đồng bào ở Con Cuông đã thoát nghèo. Ảnh: Bá Hậu

Nằm ở phía Tây Nam Nghệ An, diện tích rừng và đất lâm nghiệp của huyện Con Cuông có gần 164.600ha, chiếm 89,91% so với tổng diện tích đất tự nhiên, trong đó: Rừng phòng hộ 17.961,16 ha; rừng đặc dụng 73.882,07 ha; rừng sản xuất 57.761,02 ha (có 7.023,5 ha là rừng sản xuất ngoài quy hoạch 3 loại rừng). Độ che phủ rừng đạt cao nhất tỉnh với 84,35%. Những năm qua Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách phát triển lâm nghiệp. Những chính sách đó đã khuyến khích và huy động nhiều tập thể, hộ gia đình cá nhân tích cực, hăng hái tham gia nhận đất trồng rừng. Bình quân, mỗi năm toàn huyện Con Cuông trồng từ 1.500-1.800 ha rừng tập trung.

Những năm gần đây, xem phát triển kinh tế rừng là hướng đi bền vững, huyện miền núi Con Cuông đã chú trọng bảo vệ và phát triển ba loại rừng (đặc dụng, phòng hộ và sản xuất) đạt hiệu quả, nhất là rừng sản xuất và rừng trồng cây gỗ lớn bản địa đang được tập thể và nhiều hộ gia đình đầu tư mở rộng diện tích. Tại các xã Đôn Phục, Mậu Đức, Bồng Khê… rừng nguyên liệu, rừng lấy gỗ được phát triển mạnh; những khu rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ cũng được bảo vệ chặt chẽ. Nhiều hộ tham gia trồng rừng từ dự án phục hồi và quản lý rừng bền vững. Hầu hết khoảnh rừng của người dân trồng đều được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ranh giới và cơ chế hưởng lợi của người dân rõ ràng cho nên hạn chế được tình trạng khiếu nại xảy ra.

Năm 2022, Con Cuông đặt mục tiêu trồng 1.500 ha rừng tập trung. Ảnh: Bá Hậu

Cùng với đó, các xã trong huyện cũng đã thực hiện tốt công tác quản lý, chăm sóc bảo vệ rừng, kiểm tra, tuần tra rừng tận gốc, công tác kiểm soát lâm sản được tăng cường thường xuyên. Công tác tuyên truyền, ký cam kết phòng chống cháy rừng được quan tâm, các chủ rừng đã thực hiện tốt công tác phòng cháy chữa cháy rừng. Các cấp, ngành chức năng tích cực ngăn chặn và xử lý nghiêm các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, xử phạt, phát hiện và xử lý kịp thời nghiêm minh các đối tượng vi phạm quy định.

Ông Thái Minh Hiệp - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Con Cuông cho hay: Từ tháng 1-11/2021, toàn huyện đã phát hiện và xử lý 83 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp (xử lý hình sự 04 vụ; xử phạt hành chính 79 vụ) làm giảm 37,411 ha rừng; khối lượng lâm sản tịch thu 50,717 m3 gỗ. Số tiền thu, nộp ngân sách trên 751 triệu đồng.

Nâng cao giá trị tài nguyên

Lợi ích từ rừng đã thấy rõ. Song thực tế hiện nay, phát triển kinh tế rừng ở Con Cuông vẫn gặp không ít khó khăn. Người dân chưa biết thâm canh, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt. Một bộ phận vẫn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Việc liên kết sản xuất giữa người dân với doanh nghiệp còn thiếu chặt chẽ nên khâu tiêu thụ chưa ổn định. Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng và nhân rộng các mô hình phát triển lâm nghiệp tuy có chuyển biến, nhưng còn chậm so với yêu cầu... Công tác giao rừng, gắn với giao đất lâm nghiệp còn chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu nhận đất, nhận rừng của người dân trên địa bàn để rừng thực sự có chủ từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả bảo vệ rừng.

Môt khu vực diện tích trồng cây keo lấy gỗ ở xã Mậu Đức, Con Cuông.
Một khu vực trồng cây keo lấy gỗ ở xã Mậu Đức, Con Cuông.
Khắc phục những khó khăn, hiện nay, Con Cuông đang tập trung tái cấu trúc toàn diện ngành Lâm nghiệp. Trong đó, huyện tiến hành trồng thử nghiệm những loại cây có giá trị kinh tế cao, có thể kết hợp canh tác dưới tán rừng hoặc những loại cây ngắn ngày trồng xen trong giai đoạn vườn rừng chưa khép tán như các loại cây dược liệu; nhân rộng mô hình nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng; đầu tư, quy hoạch và xây dựng hệ thống đường giao thông để thuận lợi cho việc vận chuyển lâm sản sau khai thác từ rừng trồng, giảm chi phí cho vận chuyển.

Ông Lô Văn Lý - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Con Cuông cho biết: "Hiện nay, huyện đầu tư trồng thử nghiệm 21 ha cây mắc ca và đang phát triển tốt, có khả năng nhân rộng ra nhiều xã ở vùng cao. Huyện cũng khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư kinh doanh phát triển rừng; ưu tiên hỗ trợ nghiên cứu phát triển về giống cây trồng; quy hoạch khu vực chế biến gỗ, lâm sản ngoài gỗ và nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm góp phần tăng thu nhập cho đồng bào vùng cao, có vậy mới giảm nghèo bền vững...".

Nhiệm vụ trước mắt mà Con Cuông đặt ra trên hành trình phát triển kinh tế rừng, trở thành đô thị sinh thái xanh, đó là: Quản lý bảo vệ tốt 149.604,3 ha diện tích rừng hiện có; Trồng rừng tập trung 1.550 ha… Rà soát, quy hoạch các đối tượng rừng nghèo kiệt là rừng sản xuất để khoanh vùng chuyển đổi giao cho nhân dân phát triển trồng rừng, đảm bảo đúng quy định; xây dựng kế hoạch chuyển dần từ diện tích rừng nguyên liệu (những nơi có điều kiện) sang phát triển rừng gỗ lớn.

nhờ làm tốt công tác trồng, chăm sóc quản lý bảo vệ rừng nên đến nay độ che phủ rừng Con Cuông đạt gần 85%, cao nhất tỉnh.
Nhờ làm tốt công tác trồng, chăm sóc quản lý bảo vệ rừng nên đến nay độ che phủ rừng Con Cuông đạt gần 85%, cao nhất tỉnh. Ảnh: Bá Hậu

Ông Hoàng Sỹ Kiện - Chủ tịch UBND huyện Con Cuông nêu rõ: Là huyện miền núi, diện tích đất sản xuất nông nghiệp ít, vì thế phát huy hiệu quả từ đất rừng đã và đang là hướng đi đúng được huyện quan tâm đầu tư chú trọng; góp phần làm giàu thêm tài nguyên rừng cũng như trong việc xóa đói giảm nghèo của người dân huyện Con Cuông. Thời gian tới, Con Cuông sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa nghề rừng, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; tăng cường công tác khoán, khoanh nuôi, bảo vệ và trồng rừng; tập trung phát triển các mô hình trồng rừng gỗ lớn, xây dựng một số mô hình phát triển lâm nghiệp bền vững theo tiêu chuẩn FSC-CoC (Hội đồng Quản lý rừng) gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm mang bản sắc văn hóa bản địa.

Thành Chung - Bá Hậu