Nghệ An: Nhiều giải pháp quản lý chất lượng nông lâm thủy sản

Phú Hương 08/12/2021 06:28

(Baonghean.vn) - Mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh nhưng công tác quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản của Nghệ An vẫn đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Quản lý chất lượng và tiêu thụ nông sản trong mùa dịch

Ông Nguyễn Văn Hà, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản tỉnh chia sẻ: “Dịch bệnh tiếp tục gây ảnh hưởng công tác thanh tra, kiểm tra quản lý chất lượng, ATTP; việc triển khai tập huấn kiến thức ATTP, thực hiện các mô hình sản xuất, chế biến nông nghiệp tốt VietGAP, HACCP, mô hình chế biến… Các hoạt động thương mại nông sản như hội nghị, diễn đàn kết nối, hội chợ không tổ chức được. Hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản cũng gặp nhiều khó khăn”,...

Trong khi nhân lực, phương tiện, dụng cụ, thiết bị, kinh phí phục vụ công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP còn hạn chế, thì Nghệ An là tỉnh có địa bàn rộng với nhiều huyện miền núi vùng cao, vùng xa; sản phẩm nông lâm thủy sản đa dạng, trong khi đó sản xuất chủ yếu manh mún, thủ công, nhỏ lẻ; các cơ sở sản xuất, chế biến chưa quan tâm đến mẫu mã, thương hiệu sản phẩm, phát triển thị trường tiêu thụ. Đặc biệt, một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng vẫn thói quen mua bán thực phẩm không đúng nơi quy định, ham rẻ mà chưa thực sự quan tâm chất lượng.

Chế biến lạc nhân tại huyện Diễn Châu. Ảnh Phú Hương
Chế biến lạc nhân tại huyện Diễn Châu. Ảnh: Phú Hương

Song song tổ chức các hoạt động truyền thông góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của người sản xuất, kinh doanh cũng như hiểu biết, niềm tin của người tiêu dùng, năm nay, công tác thanh tra, xử lý vi phạm tiếp tục được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản quan tâm. Đơn vị đã thực hiện 5 cuộc thanh tra tại 72 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản, xử phạt 14 cơ sở vi phạm. Đồng thời, thẩm định được 189 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ kiện ATTP cho 83 cơ sở...

Đặc biệt, xây dựng các mô hình sản xuất an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm là vấn đề được quan tâm đặc biệt. Nhiều mô hình sản xuất VietGAP được triển khai như mô hình trồng cà ngọt tại bản khe Ngậu, huyện Tương Dương; mô hình trồng cam tại HTX Cam Đồng Thành, Yên Thành; các mô hình chế biến theo tiêu chuẩn HACCP, như mô hình chế biến muối, chế biến dược liệu; tổ chức tập huấn, hướng dẫn, giám sát quá trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, HACCP và chuyển giao công nghệ chế biến; hỗ trợ các bảng biểu, tem nhãn, bao bì mẫu, chai,...

Người dân thu hoạch cam Vinh tại trang trại cam ở Yên Thành. Ảnh: Tiến Đông

Xác định cùng với khâu sản xuất, thì các hoạt động chế biến, thương mại cũng là vấn đề ”nóng”, đóng vai trò cực kỳ quan trọng để nâng cao giá trị sản phẩm. Từ đó, nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường đã được tổ chức và đem lại những hiệu ứng tích cực. Nổi bật trong số đó, phải kể đến Diễn đàn kết nối tiêu thụ cam Vinh, hỗ trợ sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Phối hợp với Postmart.vn của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam và voso.vn của Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel và các sàn giao dịch thương mại điện tử hợp pháp khác tổ chức tập huấn triển khai đưa nông sản lên sàn.

Nhiều hoạt động hội chợ đã được tổ chức, bất chấp những khó khăn do dịch bệnh, như Tuần lễ giới thiệu sản phẩm nông nghiệp Nghệ An tại Hà Nội, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức Diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản các tỉnh khu vực miền Trung tại Nghệ An. Nghệ An cũng tích cực tham gia các Hội nghị trực tuyến về thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông lâm thủy sản; Hội nghị trực tuyến phát triển Công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp do trung ương tổ chức.

Dưa lưới sản xuất trong nhà màng tại huyện Hưng Nguyên. Ảnh Phú Hương
Dưa lưới sản xuất trong nhà màng tại huyện Hưng Nguyên. Ảnh: Phú Hương

Trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16, để tiêu thụ nông sản cho người dân, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản kịp thời các hoạt động hỗ trợ, kết nối tiêu thụ. Như thành lập nhóm zalo nhằm hỗ trợ, kết nối, tiêu thụ nông sản Nghệ An với các doanh nghiệp trên địa bàn cả nước; giới thiệu các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản trong tỉnh cho các cửa hàng thực phẩm trên địa bàn thành phố Vinh để kết nối thu mua. Đồng thời, phối hợp với các địa phương thống kê các sản phẩm nông sản đến vụ thu hoạch cần hỗ trợ tiêu thụ để phối hợp ngành Công thương tìm đầu ra giúp nông dân.

Tìm đầu ra ổn định cho nông sản

Thời gian tới, công tác quản lý chất lượng ATTP vẫn còn tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn. Công tác thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính ở tuyến xã chưa thực sự đủ răn đe, trong khi đó cơ sở sản xuất ban đầu chủ yếu phân cấp cho xã quản lý. Sản xuất, kinh doanh theo chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn chưa được quan tâm; liên kết sản xuất còn hạn chế; người sản xuất chưa quan tâm đến sản xuất theo tiêu chuẩn sản xuất tốt, chế biến tốt; các mô hình sản xuất nông nghiệp tốt chủ yếu dựa vào hỗ trợ của nhà nước, khi hết hỗ trợ thì khó được duy trì. Bên cạnh đó, chế biến, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch còn hạn chế, thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định, do đó kiểm soát ATTP khó khăn. Nhiều cơ sở chưa chú trọng đến việc phát triển thương hiệu, mẫu mã, bao bì, nhãn mác.

Chương trình livestream quảng bá cam Vinh được tổ chức thành công. Ảnh tư liệu Tiến Đông

Thời gian tới, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền chính sách, pháp luật, đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức cho người quản lý, sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thì hoạt động chế biến và xúc tiến thương mại sẽ tiếp tục được đẩy mạnh. Nghệ An sẽ phối hợp triển khai các chương trình, các diễn đàn kết nối, tiêu thụ nông sản.

Dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Chúng tôi sẽ thường xuyên nắm bắt tình hình sản xuất, tiêu thụ tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong điều kiện ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, từ đó tham mưu UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT các giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ; đồng thời xây dựng kịch bản sản xuất nông nghiệp của tỉnh trong điều kiện dịch bệnh Covid-19. Tiếp tục phối hợp đưa nông sản Nghệ An lên các sàn giao dịch thương mại điện tử. Tìm hiểu thị trường, tham gia các hội chợ khi điều kiện dịch bệnh cho phép, để phát triển mạng lưới thị trường, tiếp cận các thị trường tiêu thụ lớn, ổn định để tạo điều kiện cho sản phẩm NLTS tiêu thụ có giá trị và ổn định đầu ra, người sản xuất yên tâm phát triển

Ông Nguyễn Văn Hà, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản

Đồng thời, hỗ trợ xây dựng bao bì, nhãn mác, thương hiệu sản phẩm, tem truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm; tư vấn người sản xuất, kinh doanh quan tâm đến mẫu mã, bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc. Hỗ trợ hồ sơ pháp lý theo quy định, đồng thời quản lý tốt chất lượng sản phẩm. Phối hợp với các ban ngành trong tỉnh, ngoài tỉnh để thực hiện lưu thông hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm giữa các tỉnh trong cả nước.

Phú Hương