Nghệ An mở đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại trong dịp Tết Nguyên đán

Văn Trường 15/12/2021 08:35

(Baonghean.vn) - Ông Nguyễn Văn Hường - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) Nghệ An cho biết, đơn vị sẽ triển khai mở đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.

Theo ông Nguyễn Văn Hường, nhu cầu tiêu dùng của người dân thường tăng cao vào dịp cuối năm, dự báo tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có chiều hướng diễn biến phức tạp trở lại trên tất cả các tuyến, lĩnh vực, địa bàn, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Lực lượng QLTT phối hợp Công an bắt vụ vận chuyển pháo trái phép tại địa bàn huyện Hưng Nguyên. Ảnh: Văn Trường.

Để chủ động kiểm soát tình hình, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Cục Quản lý thị trường thực hiện kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Thời gian triển khai: Từ ngày 1/12/2021 đến ngày 15/2/2022.

Mục tiêu là quán triệt và tập trung chỉ đạo triển khai có hiệu quả các Chỉ thị, Kế hoạch, Văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT, Ủy ban nhân dân tỉnh trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm và các lĩnh vực khác thuộc chức năng, nhiệm vụ của lực lượng QLTT.

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, chú trọng kiểm tra các mặt hàng thiết yếu tiêu dùng nhiều trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, các mặt hàng trang thiết bị y tế trong phòng, chống dịch Covid-19.

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền đến tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa và người tiêu dùng để nâng cao ý thức pháp luật trong hoạt động kinh doanh và văn hóa tiêu dùng.

Lực lượng QLTT kiểm tra hàng hóa không rõ nguồn gốc tại huyện Nam Đàn. Ảnh: Văn Trường

Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý vi phạm đối với hàng hóa là những mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như bánh kẹo, rượu, bia, nước giải khát, thuốc lá, các mặt hàng thực phẩm tươi sống…, các mặt hàng thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19; không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý; đảm bảo ổn định thị trường phục vụ nhu cầu Tết cho nhân dân.

Nội dung triển khai cụ thể trong đợt cao điểm này là: Tăng cường công tác phối hợp với các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương, tổ chức kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các khu vực, kho bãi, điểm tập kết hàng hóa, các chợ đầu mối, các tuyến đường bộ, đường sắt… tại các địa bàn trong tỉnh.

Ứng dụng công nghệ thông tin để xử lý hành vi kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ… qua mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử. Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, kết hợp công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, thực hiện ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng; kiểm tra đối với những cơ sở kinh doanh đã ký cam kết và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc triển khai hoạt động công vụ của công chức để kịp thời đôn đốc, chấn chỉnh công chức hoàn thành nhiệm vụ được phân công, đảm bảo chất lượng và thời gian quy định; kiên quyết xử lý nghiêm tập thể, cá nhân công chức tha hóa, bao che, tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật.

Đội Quản lý thị trường số 11 phối hợp với Công an tỉnh bắt được vụ buôn bán pháo tại TP. Vinh. Ảnh: Văn Trường.

Năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, tuy nhiên, Cục Quản lý thị trường Nghệ An tập trung quán triệt, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Công Thương, Ban Chỉ đạo 389 về công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.

Cục Quản lý thị trường đã thực hiện tốt việc chấn chỉnh hoạt động thương mại điện tử, giao cho Đội Quản lý thị trường số 11 chủ trì, cùng phối hợp với Phòng An ninh kinh tế - Công an tỉnh để triển khai thực hiện.

Đội QLTT số 10 kiểm tra hàng hóa không rõ nguồn gốc tại huyện Hưng Nguyên. Ảnh: Văn Trường.

Tuy nhiên, để chấn chỉnh hoạt động thương mại điện tử rất khó khăn. Một số cơ sở hoạt động thương mại điện tử không đăng ký hoạt động theo quy định; không khai báo hoặc khai báo không thành thật về hoạt động nhằm trốn các khoản thuế phải nộp; đặc biệt nhiều mặt hàng cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng được rao bán công khai…

Trước thực trạng trên, Cục Quản lý thị trường Nghệ An đã xây dựng Kế hoạch kiểm tra, kiểm soát hoạt động thương mại điện tử, phù hợp với tình hình thực tế về phát triển thương mại điện tử của địa phương; đảm bảo việc triển khai có hiệu quả, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử.

Cục xác minh, kiểm tra, xử lý đối với các doanh nghiệp, cá nhân hoạt động thương mại điện tử kinh doanh những mặt hàng thiết yếu, mặt hàng cấm. Phối hợp với các các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành, lực lượng chức năng chuyên trách để có biện pháp phòng, chống, kiểm tra, kiểm soát và ngăn chặn tình trạng vi phạm trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.

Lực lượng QLTT phối hợp Công an kiểm tra hàng không rõ nguồn gốc tại huyện Thanh Chương. Ảnh: Văn Trường.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các quy định của Nhà nước và pháp luật về hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử thông qua công tác xác minh, kiểm tra, xử lý vi phạm.

Với quyết tâm chỉ đạo từ Cục QLTT Nghệ An, từ đầu năm 2021 đến nay, Đội QLTT số 11 đã xử lý được 50 vụ vi phạm thương mại điện tử, với tổng giá trị thu phạt đạt 1 tỷ 130 triệu đồng. Các hành vi vi phạm phổ biến: Thiết lập website thương mại điện tử bán hàng mà không thông báo với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền. Kinh doanh các loại hàng giả mạo nhãn hiệu, hàng nhập lậu,hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ qua mạng xã hội Facebook, Zalo.

Trong năm 2021, Cục Quản lý thị trường Nghệ An đã phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính 3.073 vụ, tổng giá trị thu phạt 10 tỷ 300 triệu đồng, trong đó, xử phạt hành chính 4 tỷ 450 triệu đồng.

Nghệ An: Xử lý 44 vụ kinh doanh hàng giả, hàng lậu qua mạng

Nghệ An: Xử lý 44 vụ kinh doanh hàng giả, hàng lậu qua mạng

(Baonghean.vn) - Dịch Covid-19 đã khiến nhu cầu mua hàng online tăng cao, kéo theo số lượng người mua bán tham gia kênh này cũng tăng đột biến. Tuy nhiên, nhiều đối tượng đã lợi dụng hình thức này để buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng.

Văn Trường