Nhân lên hiệu quả nguồn vốn chính sách

Thu Huyền 28/12/2021 06:45

(Baonghean.vn) - Năm 2021, nguồn vốn tín dụng chính sách của NHCSXH đã giúp nhiều hộ thoát nghèo; một số thôn, xã vùng sâu vùng xa về đích nông thôn mới, đời sống của nhân dân có nhiều khởi sắc.

CHO CẦN CÂU HƠN CHO XÂU CÁ

Đến thăm trang trại chăn nuôi gà vịt của anh Nguyễn Văn Hùng ở xã Nam Giang, huyện Nam Đàn ít ai nghĩ trước đây gia đình anh rất nghèo. Hiểu rõ nguồn vốn chính sách quan trọng thế nào đối với người dân còn khó khăn; là chìa khóa mở ra cánh cửa tương lai cho hộ nghèo, cận nghèo, kinh doanh vùng khó khăn..., cách đây 3 năm anh Hùng vay 50 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo để đầu tư trang trại chăn nuôi.

Sau đó chăn nuôi phát triển, anh thoát nghèo và tiếp tục vay 100 triệu đồng của chương trình hộ mới thoát nghèo do Hội Nông dân quản lý, để mở rộng đầu tư chuồng trại, con giống.

Trang trại chăn nuôi gà vịt của anh Nguyễn Văn Hùng ở xã Nam Giang, huyện Nam Đàn. Ảnh Thu Huyền
Trang trại chăn nuôi gà vịt của anh Nguyễn Văn Hùng ở xã Nam Giang, huyện Nam Đàn. Ảnh: Thu Huyền

Cũng ở xã Nam Giang, huyện Nam Đàn, gia đình bà Trần Thị Trung (67 tuổi) ở xóm 5 vay 100 triệu đồng vốn thoát nghèo đầu tư trang trại diện tích 4 ha. Vườn cây ăn quả gồm bưởi hồng, vải, nhãn, đu đủ... quanh năm cho quả ngọt.

Cùng với chăn nuôi gà lợn, đào ao thả cá, trang trại theo mô hình VAC của vợ chồng bà Trung cung cấp thực phẩm sạch, an toàn phục vụ du lịch sinh thái khu vực Eo Gió.

gia đình bà Trần Thị Trung (67 tuổi) vay 100 triệu đồng vốn thoát nghèo đầu tư trang trại diện tích 4 ha ở xóm 5, xã Nam Giang, Nam Đàn. Ảnh Thu Huyền
Gia đình bà Trần Thị Trung (67 tuổi) vay 100 triệu đồng vốn thoát nghèo đầu tư trang trại diện tích 4 ha ở xóm 5, xã Nam Giang, Nam Đàn. Ảnh: Thu Huyền

Ở huyện miền núi Quỳ Hợp, năm 2015, chị Nguyễn Thị Thanh ở xóm Thọ Sơn, xã Thọ Hợp bắt đầu thực hiện mô hình chăn nuôi bò sinh sản, từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển kinh tế. Là hộ nghèo ở xã Thọ Hợp song với bản tính chịu thương, chịu khó, ham học hỏi nên khi xã mở các lớp tập huấn những kiến thức cơ bản về sản xuất, chăn nuôi, chị Thanh đều đăng ký tham gia để học tập. Nhờ đó, chỉ sau 5 năm, đàn bò của gia đình chị Thanh không ngừng phát triển; với số tiền lãi từ việc nuôi bò chị tiếp tục nuôi thêm lợn, gà và đầu tư chăn nuôi dê. Hiện nay, gia đình chị Thanh đã trả xong nợ, thoát được cảnh nghèo đói, vươn lên thành hộ khá của xóm.

Khó có thể kể hết những mô hình kinh doanh hiệu quả từ nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội đã, đang gieo quả ngọt trên khắp các địa phương. Điều đáng nói, trên quan điểm đổi mới để tăng tính bền vững, hiện nay, các chính sách cho vay đang được thiết kế theo hướng hỗ trợ có điều kiện chứ không cho không. Với quan điểm chính sách “cho cần câu hơn cho xâu cá”, chi nhánh NHCSXH tỉnh Nghệ An đã thực hiện nghiêm túc và kịp thời trong giải ngân nguồn vốn.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách hướng dẫn người dân làm thủ tục vay vốn.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Vinh - Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh, nguồn vốn chỉ là sự hỗ trợ một phần đối với người nghèo và các hộ chính sách trong việc thoát nghèo. Hiệu quả nguồn vốn phụ thuộc rất lớn vào sự hướng dẫn của các ngành chức năng như nông nghiệp, lâm nghiệp, công thương… để giúp bà con nắm bắt, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất chăn nuôi, làm ăn kinh tế và tiêu thụ sản phẩm một cách nhanh nhất. Chính người dân phải có ý thức vươn lên; thay đổi cách nghĩ, cách làm, biết tính toán trong chi tiêu, biết cách sử dụng nguồn vốn một cách hiệu quả nhất…

HƠN 66,2 NGHÌN LƯỢT ĐỐI TƯỢNG CHÍNH SÁCH ĐƯỢC CẤP VỐN

Năm 2021 đại dịch Covid-19 khiến nền kinh tế, đời sống người dân gặp vô vàn khó khăn, áp lực đè nặng lên Ngân hàng Chính sách xã hội. Nhưng nhiều giải pháp được đưa ra và với tinh thần tận tâm và tận lực, đặt mình ở chế độ làm việc cao nhất nên nhiều chỉ số của NHCSXH tỉnh Nghệ An đạt mức tăng trưởng khá, nguồn vốn phát huy tối đa hiệu quả.

Đến nay, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Nghệ An đang quản lý 21 chương trình tín dụng chính sách, với tổng dư nợ đạt 9.646 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng 7,08%, hoàn thành 100% kế hoạch cấp trên giao. Năm 2021, nguồn vốn tín dụng chính sách chủ yếu vẫn tập trung vào vùng nghèo và các đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo nhằm thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 và xây dựng nông thôn mới.

đối tượng chính sách được NHCSXH Nghệ An cấp vốn trong năm 2021
Đối tượng chính sách được NHCSXH Nghệ An cấp vốn trong năm 2021. Đồ họa: Hữu Quân

Riêng doanh số cho vay dành cho 3 đối tượng (hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo) đạt 1.692 tỷ đồng, chiếm 60,27% tổng doanh số; cho vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn góp phần xây dựng nông thôn mới đạt 429 tỷ đồng; cho vay nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp/đối tượng chính sách là 59,4 tỷ đồng. Đặc biệt, đơn vị đã giải ngân cho vay hỗ trợ doanh nghiệp để trả lương cho người lao động bị ngừng việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19 là 8.144 triệu đồng/32 doanh nghiệp/1.496 lao động được trả lương.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã kịp thời cấp vốn cho 66,2 ngàn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có vốn sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã thực sự mang lại hiệu quả cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách, theo thống kê năm 2021 có 31,7 ngàn hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát được nghèo nhờ hỗ trợ của tín dụng chính sách, góp phần quan trọng thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo.

Cán bộ nhcsxh huyện Con Cuông kiểm tra vùng nguyên liệu của doanh nghiệp để hỗ trợ ảnh hưởng do dịch Covid - 19. Ảnh Thu Huyền
Cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Con Cuông kiểm tra vùng nguyên liệu để hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Ảnh: Thu Huyền

Chất lượng tín dụng chính sách không ngừng nâng cao, nợ xấu được kiểm soát chặt chẽ và tiếp tục giảm. Ban điều hành chi nhánh thường xuyên bám sát cơ sở để chỉ đạo rà soát, đánh giá, phân loại nợ để có giải pháp xử lý phù hợp; một mặt tăng cường các giải pháp để thu hồi nợ, mặt khác làm tốt công tác xử lý các khoản nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan (thiên tai, dịch bệnh, chết, mất tích). Nợ xấu hiện chỉ chiếm 0,22%/tổng dư nợ, giảm 0,05% so với cuối năm 2020.

Nhiều năm qua, chính sách tín dụng do NHCSXH thực hiện đã chứng minh là công cụ quan trọng trong giảm nghèo của Chính phủ và các địa phương. Giá trị của nguồn vốn không dừng lại ở việc hỗ trợ, tạo động lực cho hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách vươn lên thoát nghèo; bảo đảm an sinh xã hội mà còn được nhân lên gấp nhiều lần bởi chính những người đã từng được thụ hưởng và sử dụng đồng vốn hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Vinh – Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các hoạt động giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Nghệ An luôn tăng cường thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, vừa đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh Thu Huyền
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các hoạt động giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Nghệ An luôn tăng cường thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, vừa đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Thu Huyền

Phát huy kết quả đó, năm 2022, Chi nhánh tập trung chỉ đạo thực hiện tốt mục tiêu kép vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa đẩy mạnh thực hiện hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch. Trong đó trọng tâm là tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tiếp tục thực hiện tốt, hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 và Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Khai thác tối đa nguồn vốn nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Đồng thời, bám sát nhu cầu vốn của các chương trình tín dụng để tranh thủ tối đa nguồn vốn Trung ương; tích cực huy động nguồn vốn ngân sách tỉnh, huyện, xã và các tổ chức khác; tiếp tục huy động tiền gửi dân cư, thực hiện tốt phương thức nhận tiền gửi của hộ nghèo và các đối tượng chính sách tại điểm giao dịch và thông qua Tổ TK&VV nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách có nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế, cải thiện nhu cầu thiết yếu. Qua đó, từng bước ổn định cuộc sống và vươn lên làm giàu chính đáng./.

Thu Huyền