Dịch Covid-19 bùng phát Trung Quốc kéo dài lệnh phong tỏa thành phố 13 triệu dân
Thành phố Tây An gồm 13 triệu dân của Trung Quốc vừa bước sang ngày phong tỏa thứ 16, sau khi ổ dịch tồi tệ nhất kể từ năm 2020 bùng phát ở đất nước tỷ dân.
Tính đến cuối tuần qua, các nhà chức trách Trung Quốc đã tiến hành cách ly 1.800 ca nhiễm Covid-19 có triệu chứng cùng 42.000 người tiếp xúc gần. Dù chưa có ca nhiễm Omicron nào được ghi nhận, nhưng giới chuyên gia nhận định, với tốc độ bùng phát vừa qua, sự hiện diện của biến thể này là điều có thể.
Phong tỏa Tây An - phép thử chiến lược Không Covid-19 của Trung Quốc thời Omicron. |
Tạp chí Foreign Policy chỉ ra một số lý do khiến các đợt phong tỏa chống dịch tỏ ra đặc biệt hiệu quả ở Trung Quốc. Hầu hết người dân thành thị ở nước này sống trong các cụm dân cư và khu chung cư lớn có tường bao quanh, với các lối ra vào có thể kiểm soát được. Các làng quê thường chỉ có một con đường duy nhất dẫn ra ngoài. Và, từ trước năm 2020, nhà nước đã triển khai hạ tầng giám sát, sử dụng công nghệ từ đơn giản đến nhận diện khuôn mặt.
Các thành phố của Trung Quốc dựa vào sức người để thực hiện phong tỏa, bao gồm cảnh sát, nhân viên an ninh và các ủy ban dân cư. Trung Quốc cũng áp dụng các biện pháp kiểm dịch tập trung, trong đó bệnh nhân Covid-19 và những người phơi nhiễm virus SARS-CoV-2 phải đến ở trong các cơ sở cách ly. Thủ tục này đóng góp phần lớn vào thành công của nỗ lực chống dịch năm 2020.
Tuy vậy, quy mô phong tỏa ở Tây An đã gây ra những vấn đề không nhỏ. Nhiều câu chuyện ở thành phố này khiến người ta nhớ đến những tuần đầu phong tỏa hồi tháng 1 và tháng 2/2020 khi dịch bệnh mới bắt đầu.
Thực phẩm là một vấn đề then chốt. Cứ 2 ngày một lần, một thành viên trong gia đình được phép đi mua hàng hóa thiết yếu. Tuy nhiên, hầu hết các cửa hàng đều đóng cửa, còn nơi nào mở cửa thì không có đủ hàng hóa. Chính quyền cung cấp rau củ tới các khu dân cư, và các ủy ban địa phương tiến hành phân phát cho người dân, đặc biệt là người cao tuổi. Nhiều gia đình đã tích trữ lương thực ngay từ khi nhà chức trách cảnh báo về khả năng sẽ phong tỏa.
Tình trạng thiếu lương thực tồi tệ nhất dường như là ở quận Yanta thuộc trung tâm Tây An. Khu giàu có và đông dân này bị phong tỏa cục bộ vào ngày 17/12 và được mở cửa trở lại trong thời gian ngắn trước khi chịu chung lệnh phong tỏa toàn thành phố.
Hai quan chức ở Yanta đã bị sa thải vì nhiều sai phạm trong phòng chống dịch. Nhiều khả năng sẽ có thêm các trường hợp tương tự nữa bị cách chức và truy tố.
Hệ thống y tế ở Tây An đang bị kéo căng, không phải vì số ca nhiễm Covid-19 mà vì áp lực từ chiến dịch xét nghiệm đại trà. Hệ thống bệnh viện ở Tây An hoạt động phân tầng: các y, bác sĩ trình độ cao làm việc ở các bệnh viện Trung ương, còn những người tay nghề yếu hơn làm việc ở các bệnh viện và trung tâm cộng đồng nghèo, xa trung tâm. Hầu hết các nhân viên cấp cao nhất ở Tây An được điều động giám sát chiến dịch xét nghiệm, nên những người trình độ thấp hơn phải vật lộn để lấp đầy những khoảng trống.
Đó là chưa kể, các bệnh viện trong thành phố yêu cầu người đến khám bệnh phải có kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính, dẫn đến nhiều trường hợp không may xảy ra với tính mạng người bệnh hoặc kéo dài thời gian chờ đợi khám, chữa bệnh và nhập viện.
Số ca nhiễm mới ở Tây An đang giảm mạnh, nhưng điều này cũng dẫn đến không ít sự hoài nghi. Một số ý kiến thậm chí cho rằng chính quyền thành phố đang đưa người bệnh đi nơi khác cách ly để không đưa họ vào danh sách thống kê chính thức.
Tây An là một trung tâm sản xuất chip lớn và một số công ty cảnh báo phong tỏa có thể gây tình trạng thiếu hụt sản phẩm này. Hiện chưa rõ thành phố sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng như thế nào. Trong năm 2020, các khoản cho vay, thanh toán phúc lợi cao hơn và viện trợ của Trung ương đã giúp nhiều thành phố của Trung Quốc vượt qua cơn bão kinh tế.
Các đợt phong tỏa lớn khác có thể sẽ được Trung Quốc áp dụng sau Tây An. Vũ Châu - thành phố 1,1 triệu dân cách Bắc Kinh vài trăm cây số - vừa trở thành nơi thứ 2 chịu phong tỏa hoàn toàn.