Phòng ngừa sai phạm trong lĩnh vực đất đai

Khánh Ly 18/01/2022 09:33

(Baonghean.vn) - Đất đai là lĩnh vực nhạy cảm hay xảy ra sai phạm, phát sinh đơn thư khiếu nại, tố cáo. Vì vậy, những năm qua, tỉnh Nghệ An đã có nhiều giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai, bồi thường GPMB.

Nhiều sai phạm

Thực tế, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một số vụ việc sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) các dự án liên quan đến cán bộ, công chức, người đứng đầu các ngành, địa phương. Trong đó, liên quan đến vụ án về sai phạm trong cấp đất tái định cư tại xã Nghi Phong (Nghi Lộc), trong tháng 12/2021, Công an huyện Nghi Lộc đã ra quyết định khởi tố bổ sung thêm 3 bị can.

Cơ quan chức năng kiểm tra hồ sơ. Ảnh: Hồng Ngọc
Cơ quan chức năng kiểm tra hồ sơ. Ảnh: Hồng Ngọc

Đó là: Phạm Dương Khánh - nguyên thành viên Tổ Tư vấn Hội đồng Bồi thường giải phóng mặt bằng UBND huyện Nghi Lộc về tội danh “Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất”; Phạm Dũng Sỹ - nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Nghi Phong về tội danh “Giả mạo trong công tác”; Hồ Xuân Linh – nguyên cán bộ Hội Chữ thập đỏ xã Nghi Phong về tội “Giả mạo trong công tác”. Trước đó, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Nghi Lộc đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Đình Hải (SN 1965) - nguyên Chủ tịch UBND xã Nghi Phong và Nguyễn Hồng Đức (SN 1978) - công chức địa chính xã Nghi Phong về tội "Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất".

Lực lượng chức năng đọc lệnh bắt tạm giam đối với bị can Nguyễn Đình Hải nguyên Chủ tịch UBND xã Nghi Phong về tội danh “Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Ảnh tư liệu MK
Lực lượng chức năng đọc lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Đình Hải - nguyên Chủ tịch UBND xã Nghi Phong về tội danh “Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Ảnh tư liệu: Minh Khôi

Ở vụ án mua bán 10.850 m2 đất nông nghiệp trái thẩm quyền ở xã Hưng Yên Nam (Hưng Nguyên). Tháng 3/2021, Công an huyện Hưng Nguyên đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can ông Đinh Hữu Hạnh - nguyên Xóm trưởng xóm 9 về tội "Lạm quyền trong khi thi hành công vụ" quy định tại Điều 357, BLHS. Đến tháng 7 năm 2021, cơ quan điều tra Công an huyện Hưng Nguyên tiếp tục khởi tố ông Nguyễn Văn Hiếu - nguyên Chủ tịch UBND xã Hưng Yên Nam về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", quy định tại Khoản 1, Điều 360, BLHS 2015. Sai phạm xảy ra trong quá trình thực hiện Chỉ thị 08-CT/TU về việc vận động nông thôn "dồn điền, đổi thửa" và khuyến khích tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất quy mô lớn trong nông nghiệp ở xã Hưng Yên Nam năm 2016.

Đó chỉ là 2 trong số rất nhiều vụ án liên quan đến đất đai trong thời gian gần đây. Bên cạnh nguyên nhân xuất phát sự thiếu nhất quán trong chính sách quản lý đất đai; giữa Luật Đất đai và các luật liên quan; công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai chưa thường xuyên; chế tài xử lý vi phạm pháp luật về đất đai chưa đủ mạnh; công tác quản lý đất đai của các cấp chính quyền còn sơ hở, lỏng lẻo, việc sử dụng đất đai có nơi còn lãng phí... tạo kẽ hở cho các hành vi tham nhũng, trục lợi, còn có nguyên nhân từ sự thiếu tu dưỡng, sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một số cán bộ, công chức, trong đó có cả người đứng đầu.

Trong năm 2021, qua công tác thanh tra, toàn tỉnh đã phát hiện sai phạm 2.305 m2 đất, kiến nghị thu hồi 347 m2 đất; qua thực hiện các quyết định khiếu nại đã kiến nghị thu hồi 349 m2 đất; tiến hành trả lại cho cá nhân 120 m2 đất. Bên cạnh đó, qua công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn cho thấy những sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai là “ngọn nguồn” của nhiều vụ khiếu nại, tranh chấp kéo dài.

Đơn thư tập trung nhiều ở lĩnh vực đất đai

Trong năm 2021, riêng Sở TN&MT đã tiếp nhận 338 đơn thư, trong đó có 102 đơn thư khiếu nại nội dung về đất đai (chiếm 25%) tổng số đơn thư; 30 đơn tố cáo về nội dung đất đai (chiếm 3% tổng số đơn thư); 234 đơn kiến nghị về đất đai và môi trường (chiếm 63% tổng số đơn thư); 13 đơn tranh chấp đất đai (chiếm 3% tổng số đơn thư).

Đơn thư chủ yếu phát sinh trên các địa bàn thành phố Vinh, Diễn Châu, Nghi Lộc, Đô Lương, Quỳnh Lưu, Thanh Chương, Yên Thành, Hưng Nguyên, Quỳ Hợp. Nội dung khiếu nại của công dân vẫn tập trung vào vấn đề bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tranh chấp đất đai.

Cơ quan chức năng tống đạt quyết định khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Đình Khang-Trưởng ban quản lý dự án Khu đô thị Minh Khang. Ảnh Minh Khôi
Cơ quan chức năng tống đạt quyết định khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Đình Khang-Trưởng ban quản lý dự án Khu đô thị Minh Khang. Ảnh tư liệu: Minh Khôi

Nguyên nhân là do công tác quản lý Nhà nước về một số lĩnh vực, nhất là đất đai (đặc biệt là ở cấp xã) còn nhiều sai sót; chậm được xử lý. Việc công khai, minh bạch trong quy hoạch, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, trong thực hiện quản lý, điều hành một số lĩnh vực còn chưa đầy đủ, có lúc chưa đảm bảo công bằng (nhất là trong thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng…) dẫn đến có nhiều khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Bên cạnh đó, theo lãnh đạo huyện Nghi Lộc có nhiều nội dung đơn thư liên quan đến đất đai do lịch sử để lại khó giải quyết, nhiều chính sách về đất đai, đặc biệt là quy định về điều kiện công nhận lại hạn mức đất ở, bồi thường giải phóng mặt bằng có nhiều thay đổi chưa phù hợp với thực tiễn và lòng dân nên phát sinh nhiều phản ánh.

Lực lượng chức năng khám xét nơi làm việc của Nguyễn Hồng Đức nguyên công chức địa chính xã Nghi Phong bị khởi tối về tội danh “Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất”. Ảnh tư liệu
Lực lượng chức năng khám xét nơi làm việc của Nguyễn Hồng Đức nguyên công chức địa chính xã Nghi Phong (Nghi Lộc) bị khởi tố về tội danh “Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất”. Ảnh tư liệu

Hiện nay, trên địa bàn huyện Nghi Lộc xuất hiện nhiều trường hợp khi lập hồ sơ công nhận hạn mức đất ở, xã lấy ý kiến khu dân cư thì người được lấy ý kiến xác nhận ở trước năm 1980 nhưng sau khi có mâu thuẫn, phát sinh đơn thì người được xác minh lại cho rằng, thửa đất đó sử dụng sau năm 1980. Để xác định tính chính xác của nguồn gốc thửa đất trước hay sau năm 1980 là rất khó vì hồ sơ đất đai trước khi thực hiện Nghị định 61/CP tại nhiều xã lưu không đầy đủ, không chính xác. Trong năm 2021, huyện Nghi Lộc đã thu hồi 4 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do kê khai, cấp sai quy định.

Tháo gỡ vướng mắc

Dự báo trong thời gian tới, tình hình khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực đất đai tiếp tục diễn biến phức tạp, tập trung ở những địa bàn thu hồi đất của dân để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Khiếu nại đông người, phức tạp sẽ phát sinh ở những nơi không làm tốt công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, không quan tâm đúng mức đến công tác vận động, thuyết phục và giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân.

Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung xây dựng phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai cấp tỉnh trong Quy hoạch tỉnh Nghệ An. Ảnh tư liệu Mai Hoa.jpegBỏ file này
Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung xây dựng phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai cấp tỉnh trong Quy hoạch tỉnh Nghệ An. Ảnh tư liệu: Mai Hoa

Vì vậy, cùng với việc tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ, nhân dân (nhất là khu vực xã, phường, thị trấn). Các cấp chính quyền, ngành chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý Nhà nước về đất đai. Môi trường, khoáng sản nhằm hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo, nhất là ở cấp cơ sở; đẩy mạnh thanh, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Bên cạnh đó, kiên quyết thu hồi đất đã giao, đã cho thuê, nhưng không đúng đối tượng, không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả, sai mục đích.

Ngoài ra, để tăng cường công tác quản lý, phòng ngừa sai phạm trên lĩnh vực này, tỉnh Nghệ An cũng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế trong quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn. Trong đó, có việc ban hành các quy định mới mang tính đột phá nhằm giải quyết những vướng mắc trong công tác quản lý đất đai.

Chẳng hạn như trước thực tế còn gần 12.000 trường hợp được giao đất không đúng thẩm quyền chưa thể cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do thiếu thủ tục, hồ sơ liên quan đến quyết định giao đất của chính quyền hay chứng minh việc đã thực hiện nghĩa vụ tài chính của người dân. Ngày 17/9/2021, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 28/2021/QĐ-UBND về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất trên địa bàn tỉnh.

Quyết định trên nhằm tháo gỡ vướng mắc liên quan đến công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong đó, thay vì thẩm quyền của lãnh đạo Sở TN&MT, nay cho phép ủy quyền cho Văn phòng Đăng ký đất đai một cấp thuộc sở và các chi nhánh cấp huyện trong việc duyệt và ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc ủy quyền này sẽ cải cách một bước về quy trình, rút ngắn thời gian và đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân trên phạm vi toàn tỉnh. Hay xử lý tình trạng một số cá nhân mua đất của các hộ dân có diện tích lớn để sau đó phân lô bán, giống như các dự án bất động sản tại một số địa phương, gây quá tải về hạ tầng điện, giao thông, môi trường…

Cán bộ Phòng Quản lý đất đai Sở Tài nguyên và Môi trường trao đổi công tác quản lý đất đai. Ảnh tư liệu Thanh Lê
Cán bộ Phòng Quản lý đất đai Sở Tài nguyên và Môi trường trao đổi công tác quản lý đất đai. Ảnh tư liệu: Thanh Lê

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã ban hành Quyết định số 28/2021/QĐ-UBND nhằm giải quyết những vướng mắc về tách thửa đất. Theo đó, việc tách thửa đất, hợp thửa đất phải đảm bảo quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề theo quy định tại Điều 171, Luật Đất đai năm 2013 và Điều 254, Bộ luật Dân sự năm 2015.

Trong đó, đối với trường hợp thửa đất được tách thành nhiều thửa đất cho các chủ sử dụng khác nhau thì khi chia phải dành lối đi cần thiết cho người phía trong mà không có đền bù; lối đi do các bên thỏa thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên. Đối với trường hợp khi tách thửa đất ở thành 2 hoặc nhiều thửa đất có mở đường giao thông (người sử dụng đất tự nguyện trả đất để Nhà nước thu hồi đất theo quy định hoặc tặng, cho đất để mở đường giao thông) thì người sử dụng đất phải có sơ đồ dự kiến mở đường và được UBND cấp huyện chấp thuận bằng văn bản...

Từ kinh nghiệm trong thực tiễn, thanh tra Sở TN&MT cũng chỉ ra rằng: Đối với khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, cơ quan Nhà nước cấp trên không làm thay nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo đang thuộc thẩm quyền của cấp dưới, chỉ nên lập đoàn rà soát để kiểm tra làm rõ nguyên nhân tiếp khiếu, tiếp tố. Từ đó chỉ đạo cấp dưới tiếp tục giải quyết dứt điểm, vừa tạo uy tín cho cấp dưới vừa khắc phục được những tồn tại, thiếu sót của những lần giải quyết trước đó.

Khánh Ly