Nghệ An: Tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 sau dịp Tết

Thành Chung 07/02/2022 19:57

(Baonghean.vn) - Sau Tết Nguyên đán, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Số ca mắc gia tăng, nhiều ca bệnh không có triệu chứng, nguồn lây tiềm ẩn trong cộng đồng. Tỉnh Nghệ An yêu cầu các huyện, thành, thị và các sở, ban, ngành tăng cường các giải pháp phòng, chống dịch.

1 ngày 1.641 ca nhiễm mới

Trong ngày 07/02, toàn tỉnh ghi nhận 1.641 ca nhiễm Covid-19 mới, trong đó có 330 ca cộng đồng. Đây là số ca ghi nhận cao nhất trong vòng 24 giờ ở Nghệ An từ trước tới nay. Các địa phương có ca F0 tăng nhanh bao gồm: Thành phố Vinh, huyện Yên Thành, huyện Diễn Châu, huyện Quỳnh Lưu, huyện Hưng Nguyên, huyện Nghi Lộc, huyện Thanh Chương, thị xã Cửa Lò…

Thông tin từ Sở Y tế Nghệ An: Dịch bệnh trên địa bàn tỉnh có nhiều diễn biến phức tạp với tổng số ca ghi nhận là. Riêng từ ngày 29/01/2022 (29 Tết) đến 06/02/2022 (mùng 06 Tết) ghi nhận 3.162 ca mắc. Giai đoạn sau Tết, số ca mắc có chiều hướng tăng nhanh (riêng từ ngày 29/1-31/1 ghi nhận 934 ca chiếm 29,5%; từ ngày 04/2 - 06/2 ghi nhận 1.683 ca chiếm 53,2%)… Trên địa bàn tỉnh không có xã cấp 4; có 03 xã cấp 3 (xã Thanh Hòa, xã Thanh Tiên, huyện Thanh Chương; xã Châu Kim, huyện Quế Phong); có 24 xã cấp 2 và 433 xã cấp 1.

Test nhanh Covid-19. Ảnh: Thành Cường
Test nhanh Covid-19. Ảnh: Thành Cường

Theo Dược sĩ Trần Minh Tuệ - Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An: Các ca nhiễm có xu hướng gia tăng do số lượng người dân trở về từ các vùng dịch gia tăng, mật độ giao lưu, mua sắm tết tăng cao. Trong 03 ngày đầu năm (Âm lịch) lưu lượng người dân đi lại giảm, số lượng người dân có triệu chứng nhẹ đến khám tại các cơ sở khám chữa bệnh giảm. Tuy nhiên, trong 03 ngày cuối kỳ nghỉ lễ, người dân có nhu cầu xét nghiệm để trở lại làm việc gia tăng; một bộ phận ca bệnh bắt đầu xuất hiện triệu chứng được ghi nhận do có yếu tố tiếp xúc nguồn lây trong cộng đồng vào dịp trước và trong dịp Tết.

Ngoài ra, một bộ phận người dân, cán bộ, đơn vị kinh doanh dịch vụ, sản xuất vẫn còn chủ quan, không tuân thủ các quy định cách ly trong phòng chống dịch. Đặc biệt tại các địa điểm kinh doanh dịch vụ, vui chơi giải trí, khu vực văn hóa tâm linh và một số địa điểm tập trung đông người trong dịp Tết Nguyên đán.

Thực hiện phòng chống dịch Covid-19, toàn tỉnh Nghệ An đã đẩy mạnh công tác chăm sóc và điều trị bệnh nhân; tiêm phòng vắc-xin phòng Covid-19. Ở thời điểm này, tổng số bệnh nhân đang điều trị là 3.330 trường hợp. Trong đó điều trị tầng 1 gồm 905 ca tại cơ sở thu dung tuyến huyện; 2.141 ca điều trị tại nhà. Điều trị tầng 2 tại các bệnh viện dã chiến là 137 ca. Điều trị tầng 3 tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện HNĐK tỉnh là 75 ca (có 8 ca nguy kịch, 34 ca nặng, 33 ca ở mức độ trung bình). Trong dịp Tết vừa qua, có 7 bệnh nhân tử vong… Tính đến nay, Nghệ An đã có 13.319 bệnh nhân đã khỏi bệnh (chiếm 79,7%).

Điều trị cho bệnh nhân tại cơ sở thu dung tuyến huyện. Ảnh: Thành Cường
Điều trị cho bệnh nhân tại cơ sở thu dung tuyến huyện. Ảnh: Thành Cường

Nếu như công tác điều trị trong dịp Tết đạt được nhiều kết quả khá tốt thì công tác tiêm vắc-xin lại gặp nhiều khó khăn. Tỉnh đã triển khai rộng rãi chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân tại tất cả các địa phương trên toàn tỉnh bắt đầu từ ngày 29/01/2022. Tỉnh đã thực hiện phân bổ 378.150 liều vắc-xin trong dịp này và tính đến ngày 6/2/2022 đã tiêm được 221.857 mũi tiêm. Trong đó mũi 1 là 4.556 mũi, mũi 2 là 10.404 mũi, mũi bổ sung là 195.356 mũi, mũi nhắc lại là 11.541.

Trong chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân này, các địa phương và ngành Y tế đã phối hợp và tổ chức thường xuyên các điểm tiêm chủng trước trong và sau Tết; tuy nhiên vẫn còn một số chính quyền địa phương chưa thực sự vào cuộc một cách quyết liệt, cùng với đó nhiều đối tượng tiêm đủ tiêu chuẩn nhưng không đến các điểm tiêm trong dịp Tết.

Tính đến thời điểm này, lũy tích số người từ 18 tuổi trở lên tiêm đủ mũi cơ bản: 1.998.146 người (đạt tỷ lệ 101,9% người từ đủ 18 tuổi trở lên và đạt 60,0% dân số tỉnh Nghệ An). Số người tiêm ít nhất 1 mũi là 2.005.346 người (đạt tỷ lệ 102,3% người từ đủ 18 tuổi trở lên và đạt 60,2% dân số tỉnh Nghệ An). Số người tiêm mũi bổ sung/mũi nhắc lại là 1.023.302 người (đạt tỷ lệ 52,2% người từ đủ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ mũi cơ bản)... Đối với tiêm trẻ 12-17 tuổi, số trẻ tiêm đủ mũi (2 mũi Pfizer) là 266.660 người (đạt tỷ lệ 97,2% số trẻ trong độ tuổi); số trẻ tiêm ít nhất 1 mũi là 276.529 người (đạt tỷ lệ 100,8% số trẻ trong độ tuổi).

Đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng để chống dịch

Ngành Y tế Nghệ An nhận định: Tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp. Số ca mắc cộng đồng gia tăng, nhiều ca bệnh không có triệu chứng, nguồn lây tiềm ẩn trong cộng đồng cao; tần suất di chuyển, mức độ giao lưu của người dân trong dịp Tết lớn. Vì vậy, sau kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán nguy cơ các ca nhiễm mới tăng nhanh, bùng phát dịch trên diện rộng tại nhiều địa phương… Tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch ở các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, trường học trong nhưng ngày đầu bắt đầu trở lại làm việc và học tập.

Khám sàng lọc, tiêm vắc xin Covid-19 cho người dân ở thành phố Vinh. Ảnh: Thành Cường
Khám sàng lọc, tiêm vắc-xin Covid-19 cho người dân ở thành phố Vinh. Ảnh: Thành Cường

Trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, công tác phòng, chống dịch Covid-19 hiện gặp nhiều khó khăn. Đó là: Công tác quản lý, giám sát người đi và trở về từ vùng dịch, nhập cảnh nhiều hạn chế trong giai đoạn thích ứng, linh hoạt trong phòng chống dịch. Dịch bệnh kéo dài, các nguồn lực dần cạn kiệt, cùng với đó áp lực đến yêu cầu giải quyết việc làm và đảm bảo an sinh xã hội đối với người trở về từ các vùng dịch trên cả nước… Nghệ An với đặc điểm địa bàn rộng, đời sống của người dân còn khó khăn nên việc triển khai việc cách ly y tế tại nhà gặp nhiều bất cập như không đủ điều kiện về cơ sở vật chất trong thực hiện cách ly; nhân lực cho công tác quản lý, lấy mẫu; phát sinh các chi phí liên quan đến công tác xét nghiệm, xử lý rác thải lây nhiễm…

Dược sĩ Trần Minh Tuệ - Phó Giám đốc Sở Y tế cho hay: Trước tình hình dịch Covid-19 hiện nay, Ban chỉ đạo, Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh yêu cầu các huyện, thành, thị tiếp tục quán triệt, thực hiện quyết liệt, toàn diện công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo các quan điểm, chủ trương mới của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế; Ban chỉ đạo tỉnh và Sở Y tế; Chủ động xây dựng kịch bản, phương án đáp ứng phòng chống dịch phù hợp với từng diễn biến cụ thể trên địa bàn, đặc biệt trước khả năng gia tăng đột biến các ca bệnh sau dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.

Các huyện, thành, thị tăng cường kiểm soát công dân từ các địa phương khác trở về tỉnh, yêu cầu bắt buộc thực hiện khai báo y tế, tuân thủ 5K, áp dụng các biện pháp theo dõi sức khỏe, phòng chống dịch theo đúng quy định của Bộ Y tế, UBND tỉnh; khuyến khích người dân tự xét nghiệm; nếu có biểu hiện nghi ngờ mắc Covid-19 như sốt, ho, khó thở... thì hạn chế tiếp xúc và hạn chế đi lại, thông báo ngay cho y tế địa phương để được hướng dẫn, xét nghiệm và xử trí theo quy định; tăng cường kiểm soát dịch, thực hiện giãn cách, phân luồng tại các khu vực tập trung đông người như chợ truyền thống, chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm mua sắm, bến tàu, bến xe, sân bay; tiếp tục thực hiện nghiêm quy định tạm dừng hoạt động đối với các dịch vụ không thiết yếu như karaoke, quán bar, internet, trò chơi điện tử…

Để phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, tiến độ tiêm vắc xin cần được đẩy nhanh hơn nữa. Ảnh: Đức Anh
Để phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, tiến độ tiêm vắc-xin cần được đẩy nhanh hơn nữa. Ảnh: Đức Anh

Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân trong độ tuổi chỉ định, kể cả đối tượng ở các địa phương khác về sinh sống trên địa bàn; khẩn trương hoàn thành việc tiêm mũi bổ sung theo kế hoạch, đảm bảo tiêm chủng an toàn theo các quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế, đặc biệt lưu ý và ưu tiên tiêm chủng cho đối tượng là người từ 50 tuổi trở lên, người mắc bệnh nền; tăng cường công tác truyền thông, liên tục dưới nhiều hình thức, đa phương tiện nhằm nâng cao ý thức của người dân không chủ quan, không hoang mang cũng như hiểu đúng, đồng thuận với các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn… Chủ động triển khai các Trạm Y tế lưu động tại các xã/phường/thị trấn để hướng tới triển khai chăm sóc, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú.

Các sở, ban, ngành tiếp tục triển khai công tác phòng chống dịch trên địa bàn theo chức năng và nhiệm vụ được giao. Riêng với ngành Y tế thì tiếp tục rà soát bổ sung đầy đủ vật tư, hóa chất, trang thiết bị đảm bảo đáp ứng nhu cầu chống dịch khi xảy ra dịch bệnh trên địa bàn; đảm bảo đủ lượng ôxy y tế; có phương án dự trữ cơ số thuốc, máu, dịch truyền, vật tư, hóa chất, thiết bị, bố trí cơ số giường bệnh, phương tiện cấp cứu, sẵn sàng đáp ứng, phục vụ công tác điều trị, cấp cứu; xây dựng phương án mở rộng năng lực thu dung, điều trị của các cơ sở y tế trên địa bàn; phối hợp Ban Chỉ đạo tiêm chủng các địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, đặc biệt kêu gọi, huy động sự vào cuộc tối đa của lực lượng y tế tư nhân trên địa bàn tỉnh./.

Thành Chung