Nghệ An không có cửa hàng, cây xăng đóng cửa vì thiếu nguồn cung
(Baonghean.vn) - Đến thời điểm này, tuy áp lực vì sự khan hàng hóa và nhu cầu tăng đột biến nhưng hệ thống phân phối xăng dầu trên địa bàn tỉnh đã cố gắng đáp ứng đủ lượng tiêu thụ, không có cửa hàng hay đại lý nào phản ánh thiếu hàng.
Chiều 9/2, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị trực tuyến về đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước. Đồng chí Nguyễn Hồng Diên - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì hội nghị. Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Phạm Văn Hóa - Giám đốc Sở Công Thương và các ngành liên quan cùng đại diện các đại lý phân phối xăng dầu trên địa bàn tỉnh cùng tham gia.
TÌNH TRẠNG KHAN HÀNG XĂNG DẦU CHỈ XẢY RA CỤC BỘ
Điểm cầu Nghệ An tham gia hội nghị trực tuyến. Ảnh: Thanh Phúc |
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Hồng Diên - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, trước kỳ điều chỉnh giá xăng, dầu sau tết Nguyên đán Nhâm Dần (vào ngày 11/2 tới), đã xảy ra hiện tượng nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu khu vực phía Nam đóng cửa, tạm ngưng hoạt động do nguồn cung xăng, dầu thiếu hụt.
Điều này làm dấy lên lo ngại về một sự khan hiếm nguồn cung xăng, dầu; từ đó sẽ gây ra biến động mạnh về giá của các mặt hàng thiết yếu này trong thời gian tới... Do đó, Bộ Công Thương tổ chức cuộc họp nhằm làm rõ vấn đề này và bàn các giải pháp tháo gỡ.
Tại hội nghị, theo báo cáo của Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, hiện tại, lượng xăng, dầu tồn kho tại các doanh nghiệp đầu mối còn khoảng 1,3 triệu m3 các loại; dự kiến lượng mua vào để cung ứng cho thị trường đến hết tháng 2/2022 khoảng 1,55 triệu m3. Với nhu cầu khoảng 1,8-2 triệu m3 xăng dầu các loại/tháng, nguồn cung như trên cơ bản đáp ứng nhu cầu thị trường trong tháng 2/2022.
Xăng dầu là mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, lưu thông, phân phối hàng hóa và đời sống nhân dân, do đó, tuyệt đối không để thiếu xăng, dầu trong mọi hoàn cảnh. Ảnh: Thanh Phúc |
Từ tháng 3, nguồn cung có thể giảm, lượng tồn kho thấp so với các tháng thông thường. Tuy nhiên, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã có kế hoạch sẽ chạy đủ 100% công suất từ 13/3/2022. Hiện, các thương nhân đầu mối cũng đã có kế hoạch nhập khẩu xăng, dầu để bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ sản xuất trong nước (nếu Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn không bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất như kế hoạch).
Thời gian qua, việc các cửa hàng đóng cửa với lý do thiếu nguồn cung, Bộ Công Thương đã chỉ đạo sở công thương phối hợp với lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, theo đó, hầu hết các cửa hàng xăng dầu ngừng bán hàng do lấy nguồn hàng từ các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu nhỏ. Ngoài ra, một số doanh nghiệp có hiện tượng hạn chế bán hàng ra để chờ tăng giá.
NGHỆ AN KHÔNG CÓ CỬA HÀNG, CÂY XĂNG ĐÓNG CỬA VÌ THIẾU NGUỒN CUNG
Lực lượng chức năng kiểm tra cột đo bơm xăng tại một cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại huyện Con Cuông. Ảnh: Thanh Phúc |
Tại Nghệ An, mặt hàng xăng, dầu trong thời gian trước, trong và sau tết Nguyên đán bình quân tăng khoảng 20 – 30%, dự kiến khoảng 23.000m3/tháng. Tổng sản lượng cung ứng xăng, dầu bình quân trong 3 tháng trước, trong và sau Tết của hệ thống phân phối xăng, dầu trên địa bàn khoảng 87.500m3/tháng, lượng hàng đều được hệ thống phân phối dự trữ và đảm bảo đủ cung ứng cho nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trên địa bàn.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa có cửa hàng nào đóng cửa vì thiếu nguồn hàng. Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh đã được các ngành, các cấp phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả, không để xảy ra tình trạng găm hàng chờ giá và hạn chế gian lận thương mại, góp phần đảm bảo cung ứng nhiên liệu phục vụ sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Các thương nhân đầu mối, phân phối xăng, dầu trên địa bàn chủ động khai thác nguồn hàng và có phương án bảo đảm nguồn cung xăng, dầu cho thị trường… Ảnh: Thanh Phúc |
Để đảm bảo cung ứng xăng, dầu cho sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới, cần tập trung đẩy mạnh các giải pháp: Tăng cường giám sát việc bán xăng, dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng, dầu trên địa bàn, bảo đảm việc bán hàng không bị gián đoạn; Kịp thời phối hợp với cơ quan chức năng có liên quan tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý; Các thương nhân đầu mối, phân phối xăng, dầu trên địa bàn chủ động khai thác nguồn hàng và có phương án bảo đảm nguồn cung xăng, dầu cho thị trường…
Xăng, dầu là mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, lưu thông, phân phối hàng hóa và đời sống nhân dân, do đó, tuyệt đối không để thiếu xăng, dầu trong mọi hoàn cảnh. Theo đó, yêu cầu lực lượng chức năng các tỉnh, thành trong cả nước phải thực hiện nghiêm nhiệm vụ quản lý mặt hàng xăng, dầu; Tăng cường kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm hiện tượng găm hàng trục lợi. Với những cửa hàng, cây xăng phải đóng cửa vì lý do chính đáng như hết xăng, Bộ Công Thương sẽ phối hợp điều phối, cung ứng.