Chương trình 1 triệu sáng kiến để phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch

Hoài Phương 14/03/2022 14:55

(Baonghean.vn) - Đó là thông điệp tích cực được chuyển tải qua chương trình “1 triệu sáng kiến nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam phát động.

ĐÒN BẨY THÚC ĐẨY LAO ĐỘNG SÁNG TẠO

Năm 2021, đối mặt với những ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phát động chương trình “75 nghìn sáng kiến, vượt khó, phát triển” trong công nhân, viên chức, lao động. Trong gần 3 tháng thi đua trên nền tảng công nghệ số, chương trình đã nhận được 250.177 sáng kiến tham gia, vượt 300% so với mục tiêu ban đầu, với tổng giá trị làm lợi lên tới 148.967 tỷ đồng. Bên cạnh đó, có không ít sáng kiến có ý nghĩa chính trị - xã hội, đổi mới công tác quản lý - điều hành, thúc đẩy nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng. Đây được xem là điểm nhấn lạc quan giữa nhiều thông tin tiêu cực do dịch bệnh.

Ảnh: D.T
LĐLĐ tỉnh tôn vinh những tập thể có thành tích cao trong cuộc thi 75 nghìn sáng kiến vượt khó phát triển năm 2021. Ảnh: D.T

Trong chương trình ý nghĩa này, Công đoàn Nghệ An đã tích cực triển khai và phổ biến chương trình này đến với từng đoàn viên. Với hơn 23 nghìn sáng kiến được cập nhật từ tất cả các huyện, thành, thị, ngành trên địa bàn tỉnh, Nghệ An đã xếp thứ nhất toàn quốc về số lượng. Thông qua phong trào đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình lao động sáng tạo, như chị Nguyễn Thị Hạnh - cán bộ kỹ thuật Phòng Kỹ thuật Nông nghiệp Trung tâm Giống cây trồng Nghệ An, anh Hoàng Trọng Sử - Giám sát cơ khí tại bộ phận gara thuộc Công ty CP thực phẩm sữa TH, anh Hoa Văn Tân – công nhân bộ phận kỹ thuật Công ty May Minh Anh – Kim Liên…

Từ thành công của chương trình “75 nghìn sáng kiến, vượt khó, phát triển”, nhằm triển khai có hiệu quả phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19” do Thủ tướng Chính phủ phát động, năm 2022, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã triển khai chương trình “1 triệu sáng kiến nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”.

Phong trào "Lao động sáng tạo" có thể giúp vực dậy nền kinh tế sau tổn thất do đại dịch. Ảnh: PV

Thông qua chương trình, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tập trung vào mục tiêu phòng, chống dịch Covid-19 và chăm lo đời sống, ổn định việc làm cho đoàn viên, người lao động, góp phần phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời gắn với chủ đề học tập và làm theo Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị từng đối tượng cán bộ, đoàn viên, người lao động phải nỗ lực vượt khó, không ngừng sáng tạo, đóng góp cho sự phát triển của cơ quan, doanh nghiệp nói riêng, tổ chức Công đoàn và đất nước nói chung.

Từ chương trình này, tổ chức công đoàn mong muốn mỗi cán bộ công đoàn, cần đổi mới mạnh mẽ tư duy và hành động đáp ứng yêu cầu của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới, chủ động nâng cao năng lực, trình độ, phẩm chất, bản lĩnh, rèn luyện sự linh hoạt, sáng tạo. Từ đó tích cực tham gia phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo, hiệu quả trong hoạt động của tổ chức Công đoàn”, phát huy trí tuệ trong quá trình tổ chức hoạt động và triển khai nhiệm vụ công tác với mục tiêu “Tất cả vì đoàn viên, người lao động”. Chương trình cũng là cơ hội để đoàn viên là công nhân lao động, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các đơn vị sự nghiệp thi đua, đổi mới, sáng tạo và được ghi nhận.

KHÍ THẾ CHO MỤC TIÊU PHỤC HỒI, PHÁT TRIỂN

Hiểu rõ ý nghĩa cũng như tầm quan trọng của chương trình, Liên đoàn Lao động tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 13/KH-LĐLĐ ngày 24/2/2022 về triển khai Chương trình “01 triệu sáng kiến – nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”. Theo đó, Công đoàn Nghệ An đặt mục tiêu có được 15.000 sáng kiến tham gia chương trình này.

Ảnh: D.T
Ảnh: D.T

Trong hội nghị triển khai chương trình, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Chí Công nhấn mạnh: “Các cấp công đoàn phải coi chương trình là nhiệm vụ trọng tâm và nỗ lực để đạt được mục tiêu đề ra. Các ban cần phân công cán bộ công đoàn theo dõi huyện, ngành, các cán bộ công đoàn huyện ngành phân công hỗ trợ đoàn viên ở công đoàn cơ sở. Liên đoàn Lao động huyện, ngành cần xây dựng kế hoạch chi tiết, bài bản, triển khai chương trình đến từng đoàn viên, xác định số lượng sáng kiến tối thiểu ở từng giai đoạn, từng đơn vị, tập trung vào công tác tuyên truyền, cập nhật kết quả tham gia, kịp thời ghi nhận, động viên để tạo sự thi đua, đặc biệt ở nhóm sáng kiến tại các doanh nghiệp. Ngoài ra, cần có sự phối hợp, vào cuộc của các cơ quan, đoàn thể, lãnh đạo huyện, ngành...”.

Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh cũng kỳ vọng Công đoàn Nghệ An sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh về số lượng sáng kiến tham gia và cải thiện chất lượng sáng kiến trong chương trình này, tập trung nhiều hơn những cải tiến trong khối doanh nghiệp, sản xuất. Chia sẻ về chương trình, bà Trần Thị Nguyệt – Phó Chủ tịch Công đoàn KKT Đông Nam chia sẻ: “Trong thời điểm doanh nghiệp ảnh hưởng nặng về bởi dịch bệnh, tình hình kinh doanh sản xuất thua lỗ, gặp nhiều khó khăn, phong trào này thật sự rất cần thiết. Chúng tôi sẽ tiếp tục đốc thúc tinh thần lao động sáng tạo, cải tiến trong công nhân, lao động. Giai đoạn này, Công đoàn KKT Đông Nam đang tập trung vào công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, làm sao để chương trình đến được với từng đoàn viên, người lao động, đạt mục tiêu mỗi công đoàn cơ sở trực thuộc có ít nhất 10% đoàn viên, người lao động có sáng kiến tham gia chương trình”.

Ở Công ty CP May Minh Anh Kim Liên, công ty tôn vinh mọi sáng kiến của người lao động, kể cả những sáng kiến, cải tiến giá trị làm lợi chỉ vài trăm ngàn đồng. Ảnh: D.T

Là doanh nghiệp chú trọng, đầu tư và thường xuyên áp dụng những sáng tạo, cải tiến trong quá trình sản xuất, Công ty CP May Minh Anh Kim Liên được biết đến là cái nôi của nhiều lao động sáng tạo. Chia sẻ về tầm quan trọng của sáng tạo trong lao động, sản xuất, ông Nguyễn Đình Sinh – Tổng Giám đốc công ty cho biết: “Công nghệ cao và máy móc hiện đại là yếu tố vô cùng quan trọng đối với sản xuất của doanh nghiệp. Tuy nhiên, công ty không thể liên tục đầu tư những khoản tiền khổng lồ để thay mới máy móc được. Thay vào đó, chúng tôi đầu tư vào người lao động, khuyến khích người lao động cập nhật công nghệ, sáng tạo, cải tiến nhằm nâng cao năng suất, tiết kiệm chi phí. Thực tế tại doanh nghiệp chúng tôi đã chứng minh sự đầu tư này là chính xác”. Với tinh thần khuyến khích của người đứng đầu, Công ty CP May Minh Anh nhận được rất nhiều sáng kiến từ người lao động và tôn vinh từng sáng kiến nhỏ nhất.

Trong chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển”, anh Hoàng Văn Trường – Giám sát bảo trì Công ty TNHH MNS Feed Nghệ An là một trong những cá nhân tiêu biểu và được tuyên dương vì nhiều sáng kiến có giá trị. Tại công ty, anh cũng là người được giao nhiệm vụ đôn đốc, hỗ trợ những người khác hiện thực hóa ý tưởng của mình. “Là lao động kỹ thuật, bản thân chúng tôi cũng mong muốn mình có cơ hội và môi trường để phát huy thế mạnh nghiên cứu, sáng tạo, tạo ra nhiều giá trị. Hy vọng thời gian tới, cùng với sự quan tâm của doanh nghiệp và công đoàn, chúng tôi sẽ có nhiều cơ hội để thể hiện và được ghi nhận xứng đáng” – anh Trường nói.

Bản thân nhiều lao động cũng mong muốn có cơ hội, môi trường để sáng tạo và phát huy thế mạnh. Ảnh: PV

Để động viên, khích lệ đoàn viên, người lao động tham gia chương trình, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An và các cấp công đoàn sẽ tổ chức biểu dương, khen thưởng những sáng kiến, tập thể, cá nhân xuất sắc theo quý, theo đợt.

Chương trình “1 triệu sáng kiến nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (từ nay đến hết tháng 5/2022 với mục tiêu 300.000 sáng kiến (sáng kiến được tính từ 1/9/2021). Giai đoạn 2 (từ tháng 6/2022 đến tháng 9/2023 với mục tiêu 700.000 sáng kiến.

Hoài Phương