Nghệ An tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án công nghiệp quan trọng

Thu Huyền 30/03/2022 06:52

(Baonghean.vn) - Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 3 của Nghệ An tăng gần 11% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu nhiều tháng tăng liên tiếp. Hiện tỉnh đang tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án công nghiệp quan trọng, hỗ trợ các nhà máy duy trì và khôi phục sản xuất.

CHỈ SỐ SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP TIẾP TỤC ĐÀ TĂNG KHÁ

Kể từ khi Nghị quyết 128 của Chính phủ về Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, chỉ số sản xuất công nghiệp của Nghệ An liên tiếp tăng, cho thấy các nhà máy và người lao động đã yên tâm trở lại sản xuất, đặc biệt là một số lĩnh vực trọng điểm như chế biến, chế tạo, sản xuất phân phối điện, khí đốt...

Dây chuyền chế biến cá ngừ tại Nhà máy chế biến cá ngừ Fescol Tuna. Ảnh Thu Huyền
Dây chuyền chế biến cá ngừ tại Nhà máy chế biến cá ngừ Fescol Tuna. Ảnh: Thu Huyền

Quý I/2022, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh dự kiến đạt 23.270 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2021, đạt 25,16%/ kế hoạch. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10,26% so với quý I/2021. Trong đó: Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 24,97%; công nghiệp khai khoáng tăng 14,26%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,86%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,37% so với cùng kỳ.

Các sản phẩm ước đạt tăng so với cùng kỳ năm 2021: Tôn Hoa Sen các loại 339 nghìn tấn, tăng 30,87%; bia các loại 30.3 triệu lít, tăng 31,38%; xi măng 2.504 nghìn tấn, tăng 19,13%; điện sản xuất 626 triệu Kwh, tăng 14,31%,…

Thời gian qua, ngành Công thương đã bám sát mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch UBND tỉnh giao năm 2022, phối hợp triển khai đến các địa phương, doanh nghiệp. Tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chỉ đạo, thúc đẩy tăng trưởng ngành công nghiệp năm 2022 của Tổ công tác chỉ đạo lĩnh vực công nghiệp theo Quyết định số 212 của UBND tỉnh.

Quý I/2022, giá trị sản xuất công nghiệp của Nghệ An dự kiến đạt 23.270 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2021. Đồ họa: Hữu Quân
Quý I/2022, giá trị sản xuất công nghiệp của Nghệ An dự kiến đạt 23.270 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2021. Đồ họa: Hữu Quân

Ông Phạm Văn Hóa - Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Chúng tôi đã tiến hành kiểm tra, hướng dẫn một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp (May MLB Tenergy, May An Hưng, May Hanosimex Nghi Lộc, May Quang Vinh, Sản xuất giày da,…) cập nhật các quy định mới về công tác phòng, chống dịch và thực hiện các biện pháp điều chỉnh phù hợp, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19 đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất ổn định. Chúng tôi cũng hỗ trợ, hướng dẫn chủ đầu tư điều chỉnh hồ sơ điện gió ASIA Quỳnh Lưu và dự án điện sinh khối tại huyện Đô Lương để có cơ sở tham mưu; tổ chức cuộc họp và tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo về công tác di dời đường điện giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc Nam.

Đồng thời, phối hợp với UBND thị xã Hoàng Mai đẩy nhanh thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng khu đất 1,2 ha để triển khai xây dựng một số hạng mục công trình của Nhà máy Hoa Sen Đông Hồi; tiếp tục phối hợp với Ban Quản lý Đầu tư xây dựng dân dụng và công nghiệp đôn đốc nhà đầu tư hoàn thiện tuyến đường từ KCN Hoàng Mai II vào Nhà máy xi măng Tân Thắng. Cùng với đó, chúng tôi cũng đang tổng hợp các khó khăn, vướng mắc từ một số dự án triển khai và tham mưu chủ trương đầu tư các dự án mới.

Sản phẩm bia các loại tiếp tục tăng khá trong quý 1/2022. Ảnh Thu Huyền
Sản phẩm bia các loại tiếp tục tăng khá trong quý 1/2022. Ảnh: Thu Huyền

Hiện nay, Sở Công thương cũng đã phối hợp với UBND huyện Thanh Chương, UBND huyện Nghi Lộc và doanh nghiệp hoàn thiện quy trình bổ sung quy hoạch cụm công nghiệp Thanh Tiên, cụm công nghiệp Đô Lăng 2. Cùng với đó, phối hợp với UBND huyện Tân Kỳ và Công ty CP Đầu tư Cụm công nghiệp APG bổ sung, hoàn thiện hồ sơ và báo cáo đầu tư mở rộng CCN Nghĩa Dũng lấy ý kiến của các ngành, đơn vị liên quan. Thực hiện phối hợp các địa phương cập nhật, bổ sung quy hoạch một số cụm công nghiệp vào trong phương án phát triển cụm công nghiệp để tích hợp vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, đảm bảo điều kiện thu hút doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng.

THÁO GỠ KHÓ KHĂN CHO DOANH NGHIỆP

Mặc dù chỉ số sản xuất công nghiệp quý I/2022 tăng trưởng cao so với cùng kỳ 2021, nhưng một số sản phẩm công nghiệp chủ lực như phân bón, dăm gỗ, đường kính,... giảm do gặp khó khăn về vùng nguyên liệu và thị trường tiêu thụ. Một số dự án công nghiệp còn chậm tiến độ so với kế hoạch.

Giám đốc Nhà máy xi măng Tân Thắng (Quỳnh Lưu) cho biết: Tuyến giao thông từ KCN Hoàng Mai 2 vào Nhà máy vẫn còn 200m chưa được rải thảm, xảy ra sụt lún ảnh hưởng đến công tác vận chuyển của Nhà máy. Đề nghị Ban Quản lý Công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp tỉnh đôn đốc nhà thầu hoàn thiện tuyến đường.

Đường giao thông chưa hoàn thiện đang ảnh hưởng đến sản xuất tại nhà máy xi măng Tân Thắng. Ảnh Thu Huyền
Đường giao thông chưa hoàn thiện đang ảnh hưởng đến sản xuất tại nhà máy xi măng Tân Thắng. Ảnh: Thu Huyền

Còn tại CCN Nghĩa Long, Nghĩa Đàn, đại diện Công ty CP VIET HOME STONE phản ánh hệ thống cấp điện tại CCN thiếu ổn định, hay bị chập chờn và thường xuyên mất không báo trước. Hệ thống nước sạch, nước sản xuất chưa có dẫn đến doanh nghiệp trong tình trạng thiếu nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Đường giao thông trong cụm công nghiệp chưa hoàn thiện, vẫn còn đường đất trơn trượt, dễ xảy ra tai nạn.

"Đề nghị cân đối bổ sung nguồn kinh phí từ ngân sách tỉnh cho UBND huyện Nghĩa Đàn hoàn thiện đập cấp nước phục vụ nhu cầu sản xuất của các doanh nghiệp trong CCN. Chỉ đạo Công ty Điện lực Nghệ An nâng cấp các tuyến đường dây, đảm bảo ổn định nguồn điện phục vụ sản xuất cho các doanh nghiệp trong CCN Nghĩa Long" - lãnh đạo phòng kinh tế hạ tầng, UBND huyện Nghĩa Đàn chia sẻ.

CCN đô Lăng, Nghi Lâm nghi lộc chằng chịt đường dây điện, hạ tầng chưa được đầu tư hoàn thiện. Ảnh Thu Huyền
CCN Đô Lăng, Nghi Lâm, Nghi Lộc chằng chịt đường dây điện, hạ tầng chưa được đầu tư hoàn thiện. Ảnh: Thu Huyền

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo đà cho hoạt động sản xuất những tháng tới đây, thúc đẩy công nghiệp phát triển, ngành công thương sẽ tổ chức đối thoại, gặp gỡ doanh nghiệp, nhà đầu tư để nắm bắt khó khăn, vướng mắc kịp thời tham mưu UBND tỉnh giải quyết. Triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.

Ông Phạm Văn Hóa – Giám đốc Sở Công thương cho biết: Chúng tôi tập trung tham mưu các giải pháp tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án sớm đi vào hoạt động trong năm 2022: Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử và thiết bị chính xác Goertek; Tổ hợp sản xuất vật liệu xây dựng công nghệ cao Trung Đô Nghi Văn (Nghi Lộc); Nhà máy may Minh Anh-Tân Kỳ 10 triệu SP/năm; Nhà máy May Quang Vinh 2 triệu sản phẩm/năm; Nhà máy may Matsuoka 2 triệu SP/năm; Giai đoạn 2 Nhà máy sản xuất và gia công dày dép Viet Glory; Dự án sản xuất mỹ nghệ công nghiệp Gift Story; Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử Plastic Gia Nhật Việt Nam… để bổ sung vào giá trị sản xuất mới tăng thêm, đảm bảo hoàn thành mục tiêu kế hoạch.

Tôn Hoa Sen - một trong những sản phẩm công nghiệp tăng trưởng tốt trong nhiều năm qua. Ảnh Thu Huyền
Tôn Hoa Sen - một trong những sản phẩm công nghiệp tăng trưởng tốt trong nhiều năm qua. Ảnh: Thu Huyền

Ngoài ra, Sở Công thương sẽ thực hiện có hiệu quả và nâng cao công tác quản lý các quy hoạch, kế hoạch, đề án công nghiệp đã phê duyệt; đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, tập trung hỗ trợ khởi nghiệp, ưu tiên nguồn vốn tín dụng, nguồn kinh phí khuyến công,… để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư máy móc thiết bị, mở rộng sản xuất. Thúc đẩy đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất để nâng cao năng suất lao động.

"Ngành công thương tiếp tục phối hợp với các sở, ngành hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng thị trường thông qua hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu; phát triển thương mại điện tử. Giúp doanh nghiệp đổi mới công nghệ, mua sắm thiết bị từ chính sách phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh theo Nghị quyết số 22 của HĐND tỉnh để mở rộng sản xuất. Thường xuyên cung cấp thông tin về thị trường, ngành hàng, các quy định, rào cản của các thị trường xuất khẩu mục tiêu kịp thời cho doanh nghiệp. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính về thuế và hải quan, tạo điều kiện thuận lợi trong giải quyết các vấn đề vận chuyển, thu mua nguyên liệu, chỉ đạo phát triển các vùng nguyên liệu (mía, gỗ trồng, chè, cao su, dứa, thực phẩm chăn nuôi bò sữa, thủy sản,...), quan tâm đến đầu tư xây dựng hệ thống kho bãi và hỗ trợ tín dụng đáp ứng nhu cầu đầu vào cho các doanh nghiệp chế biến, qua đó, duy trì và khôi phục sản xuất để giữ đơn hàng, chuỗi cung ứng.” - Giám đốc Sở Công thương chia sẻ.

Thu Huyền