Dứa 'nữ hoàng' Quỳnh Lưu đã có nhà máy ký kết thu mua

Xuân Hoàng 10/04/2022 09:11

(Baonghean.vn) - Người trồng dứa "nữ hoàng" trên địa bàn xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đã có nhà máy ký kết thu mua dứa quả với số lượng không hạn chế.

Nông dâ xã Tân Thắng, huyện quỳnh Lưu thu hoạch dứa. Ảnh: X.H

Xã Tân Thắng là địa phương có diện tích dứa nhiều nhất tỉnh, với 650 ha, chủ yếu là dứa Queen, Cayen, còn gọi là dứa "nữ hoàng" chất lượng tốt, năng suất cao, được thị trường ưa chuộng trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, điều mà người trồng mía lâu nay luôn trong tình trạng lo lắng là thị trường tiêu thụ không ổn định. Như năm nay, từ đầu vụ đến nay dứa rơi vào tình trạng rớt giá tận đáy, người trồng dứa thua lỗ.

Trước thực trạng đó, mới rồi chính quyền xã Tân Thắng đã chủ động liên hệ với nhà máy chế biến dứa Đồng Giao (Ninh Bình) để tiêu thụ dứa cho bà con.

Ông Nguyễn Quốc Khánh - Chủ tịch UBND xã Tân Thắng cho biết: Sau thời gian kêu gọi, đến ngày 9/4, Nhà máy dứa Đồng Giao đã chính thức thu mua dứa cho bà con trên địa bàn xã, thông qua ký kết giữa nhà máy và các hộ dân. Theo đó, nhà máy thu mua dứa cho bà con tại vườn với giá 3.500 đồng/kg đối với quả dứa có trọng lượng từ 4.000g/quả trở lên, số lượng không hạn chế. Có 2 hình thức thu mua cho bà con: Thứ nhất, một nhóm tư thương thu mua gom, vận chuyển ra nhà máy. Thứ hai, các hộ dân đăng ký bán, sau đó phía nhà máy trực tiếp vào thu mua vận chuyển.

Dứa ở huyện Quỳnh Lưu đạt năng suất trên 25 tấn/ha. Ảnh: Trần Thanh Yên

"Nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân và nhà máy, tới đây xã sẽ kiến nghị với phía nhà máy về việc điều chỉnh giá thu mua dứa theo chu kỳ 15 ngày/lần cho phù hợp với thị trường".

Ông Nguyễn Quốc Khánh - Chủ tịch UBND xã Tân Thắng


Cũng theo ông Khánh, dứa là một trong những cây trồng chủ lực của địa phương, năng suất dứa ở đây đạt trên 25 tấn ha, sản lượng dứa hàng năm đạt hàng vạn tấn. Do vậy, việc nhà máy ký kết tiêu thụ dứa cho bà con thực sự rất cần thiết, nhằm phát triển vùng nguyên liệu dứa ổn định, hơn hết là người trồng dứa không còn lo lắng đầu ra. Vấn đề quan trọng nữa là, trong quá trình thu hoạch và thu mua dứa, giữa người dân, tư thương và nhà máy cần phối hợp chặt chẽ để có kế hoạch phù hợp; còn phía chính quyền địa phương sẽ làm tốt vai trò là trung gian, cầu nối.

Khi có nhà máy ký kết tiêu thụ sản phẩm dứa, người trồng dứa sẽ không còn lo lắng mỗi khi vào vụ thu hoạch. Ảnh: X.H

Ông Nguyễn Xuân Dinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho rằng, diện tích dứa của Quỳnh Lưu hiện có khoảng 1.000 ha, trong đó, khoảng hơn 400 ha cho thu hoạch, chủ yếu trên địa bàn xã Tân Thắng, ngoài ra còn một số xã như Quỳnh Thắng, Quỳnh Châu.

Lâu nay, mỗi khi vào vụ thu hoạch dứa, các nhà máy chế biến dứa vẫn thu mua dứa của huyện Quỳnh Lưu, tuy nhiên, không có ký kết cụ thể, nên người trồng dứa chưa yên tâm. Với sản lượng dứa hàng năm hàng vạn tấn, thì sự kêu gọi, làm trung gian để nhà máy vào ký kết thu mua dứa cho bà con của chính quyền xã Tân Thắng vừa qua là cần thiết. Đây là giải pháp để tiêu thụ dứa kịp thời cho bà con, các địa phương khác cần thực hiện để phát triển vùng dứa ổn định.

Xuân Hoàng