Cần tăng nguồn vốn chính sách giải quyết việc làm cho người lao động
(Baonghean.vn) - Qua khảo sát thực tế nhu cầu vay vốn để tạo việc làm, mở rộng việc làm của người lao động trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2022-2023 (theo Nghị quyết 11 của Chính phủ) là rất lớn, nhưng nguồn vốn cấp từ Trung ương rất hạn chế, cần tăng cường nguồn vốn.
Chiều 14/4, Ban Đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (HĐQT NHCSXH) chi nhánh Nghệ An tổ chức phiên họp thường kỳ lần thứ 71. Tham dự có các đồng chí thành viên Ban Đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh, lãnh đạo các cơ quan, tổ chức chính trị, xã hội nhận ủy thác.
Bám sát Nghị quyết phiên họp quý IV năm 2021 của Ban Đại diện HĐQT tỉnh, chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã tham mưu cho Ban Đại diện HĐQT và phối hợp với các đơn vị, tổ chức liên quan triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm trong quý I. Đến 31/3/2022, tổng nguồn vốn đạt 9.937 tỷ đồng, tăng 255 tỷ đồng so với năm 2021, đạt tốc độ tăng trưởng 2,6%.
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Thu - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An chủ trì phiên họp thường kỳ Ban Đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH. Ảnh T.H |
Doanh số cho vay quý I đạt 791,1 tỷ đồng, tăng 12,97% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý có 12/20 chương trình thực hiện giải ngân, 8 chương trình không thực hiện giải ngân được do hết thời hạn thực hiện chương trình. Doanh số thu nợ đạt 549,2 tỷ đồng, giảm 2,4% so cùng kỳ năm trước. Phần lớn khách hàng chấp hành tốt quy định về trả nợ và trả lãi khi đến hạn cuối cùng theo thỏa thuận, trong đó, có một số chương trình có doanh số thu nợ cao như: chương trình cho vay hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ nghèo, cho vay nước sạch,…
Đến 31/3/2022, tổng dư nợ đạt gần 9.913 tỷ đồng/20 chương trình tín dụng chính sách. Có 6/20 chương trình tín dụng tăng trưởng dư nợ so với đầu năm, trong đó, một số chương trình có mức tăng trưởng lớn như: cho vay hộ nghèo tăng 9,3%, cho vay hỗ trợ doanh nghiệp để trả lương tăng 60,2%, cho vay đối với hộ cận nghèo tăng 4,9%.
Bên cạnh đó, 14 chương trình giảm dư nợ, trong đó, có 7 chương trình hết thời hạn thực hiện nên chỉ thực hiện thu nợ, và một số lý do khách quan khác.
Đồng chí Trần Khắc Hùng - Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh báo cáo kết quả hoạt động quý I/2022. Ảnh T.H |
Đặc biệt, đơn vị đã rất tích cực giải ngân vốn cho các doanh nghiệp có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn trả lương cho người lao động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đảm bảo kịp thời trước khi chương trình kết thúc ngày 31/3/2022. Trong quý I/2022, thực hiện giải ngân cho vay 20 doanh nghiệp với số tiền hơn 8.097,33 triệu đồng/ hỗ trợ cho 2.380 lượt lao động. Kết thúc chương trình, trên địa bàn toàn tỉnh có 56 doanh nghiệp với số tiền 21.984 triệu đồng cho 3.128 lao động được hỗ trợ.
Phát biểu tại cuộc họp, các thành viên Ban Đại diện phát biểu cho rằng, thực tế nhu cầu vay vốn để tạo việc làm, mở rộng việc làm của người lao động trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2022-2023 (theo Nghị quyết 11 của Chính phủ) là rất lớn (1.465 tỷ đồng), trong khi đó, nguồn vốn cấp từ Trung ương rất hạn chế (NHCSXH chỉ mới bố trí 25 tỷ đồng - đối ứng bằng nguồn vốn địa phương ủy thác). Vì vậy, hiện nay nguồn vốn này chỉ mới đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu vốn giải quyết việc làm của người lao động.
Công ty TNHH may mặc Trọng Phúc ở huyện Diễn Châu được vay gần 800 triệu đồng với 173 lao động được hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh T.H |
Hiện nay chương trình cho vay xuất khẩu lao động từ nguồn vốn Trung ương chỉ dành cho đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách và đồng bào dân tộc thiểu số; trong khi người lao động thuộc gia đình ngoài các đối tượng trên có nhu cầu vay vốn đi làm việc tại nước ngoài không thể tiếp cận vốn tín dụng chính sách, làm cho người dân gặp khó khăn trong việc tạo sinh kế thoát nghèo. Ngoài ra, qua kiểm tra nội bộ của NHCSXH và Kiểm toán Nhà nước cho thấy, tại một số nơi tổ chức hội cấp xã và Tổ TK&VV giám sát thiếu chặt chẽ trong khâu bình xét cho vay, còn để xảy ra tình trạng bình xét cho vay chồng chéo (hộ gia đình có nhiều người đứng tên vay vốn) và bình xét cho vay đối với người lao động đã có việc làm ổn định.
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Thị Thu Thu - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An đánh giá cao về các kết quả đạt được trong quý I/2022 của Ban Đại diện HĐQT. Về triển khai nhiệm vụ quý II, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước đề nghị Ban Đại diện HĐQT cấp tỉnh, cấp huyện chỉ đạo, tham mưu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã chưa hoàn thành việc chuyển nguồn vốn ủy thác địa phương tiếp tục hoàn thành chỉ tiêu được giao trong quý II (đến nay còn 4 đơn vị chưa hoàn thành: Đô Lương, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Cửa Lò).
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Thu - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An phát biểu chỉ đạo nhiệm vụ thời gian tới. Ảnh T.H |
Tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan phối hợp với NHCSXH triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết 11 của Chính phủ về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi trên địa bàn, giải ngân nguồn vốn kịp thời; hoàn thành việc đối chiếu, phân loại nợ; giám sát chặt chẽ nguồn vốn đảm bảo cho vay đúng đối tượng, sử dụng vốn đúng mục đích, phát huy hiệu quả.
Ngoài ra, các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác tập trung chỉ đạo các đơn vị cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các thành viên vay vốn và người dân tích cực tham gia gửi tiền tiết kiệm hàng tháng và tiết kiệm theo lãi suất thị trường tại điểm giao dịch xã đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch được giao. Thực hiện nghiêm túc công tác bình xét vay vốn đảm bảo công khai, dân chủ, đúng đối tượng, tránh tình trạng cho vay chồng chéo các chương trình hoặc hộ gia đình có nhiều người đứng tên vay vốn và cho vay giửi quyết việc làm đối với người đã có việc làm…