Phát huy truyền thống 71 năm vẻ vang ngành Công Thương

Thu Huyền 14/05/2022 06:29

(Baonghean.vn) - 71 năm qua, hòa cùng dòng chảy lịch sử, ngành Công Thương Nghệ An tiếp tục phấn đấu, nhiều chỉ tiêu kinh tế thuộc ngành đạt mức tăng trưởng khá.

Ngày 13/10/1945, ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời được 1 tháng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết một bức thư gửi cho giới Công Thương Việt Nam. Sau đó, ngày 14/5/1951, trước yêu cầu của lịch sử, Người đã ký Sắc lệnh 21 đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công Thương. Từ đây, ngành Công Thương Việt Nam nói chung và ngành Công Thương Nghệ An nói riêng bắt đầu mở ra trang sử vẻ vang của mình.

Tăng trưởng công nghiệp thúc đẩy kinh tế toàn ngành

Năm 2021 và quý I năm 2022 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là thời gian đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp của các cấp, các ngành và các địa phương trong việc triển khai thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ chính trị, đặc biệt việc nắm bắt, đánh giá, đề xuất, thực hiện các giải pháp ứng phó, phòng chống dịch Covid-19; sự nỗ lực của các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất - kinh doanh trên địa bàn năm 2021 và quý I năm 2022, hoạt động công thương đạt được những kết quả tích cực.

Phat huy truyen thong 71 nam ve vang nganh Cong Thuong-hinh-anh-1
Công ty đồ hộp của Thái Lan Royal Foods đầu tư tại KCN Nam Cấm. Ảnh: Thu Huyền

Năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 16,01% so với năm 2020, trong đó: Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 21%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 15,69%; công nghiệp khai khoáng tăng 14,73%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 1,83%. Giá trị sản xuất công nghiệp 3 tháng đầu năm 2022 đạt khoảng 23.270 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2021, đạt 25,16%/ kế hoạch.

Các dự án công nghiệp trọng điểm của tỉnh được đầu tư, phát huy hiệu quả. Hệ thống kết cấu hạ tầng khung của Khu Kinh tế Đông Nam đã được đầu tư xây dựng. Trong Khu kinh tế hiện có 07 KCN, trong đó, KCN Nam Cấm đã cơ bản hoàn thành hạ tầng và lấp đầy dự án; KCN VSIP Nghệ An do Công ty TNHH VSIP Nghệ An làm chủ đầu tư đang hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và đã có 12 dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư (trong đó 4 dự án nước ngoài); KCN Hoàng Mai I đã cơ bản hoàn thành GPMB, san nền và xây dựng một số hạng mục hạ tầng, đã thu hút được 6 dự án đầu tư; KCN Hermajai: KCN WHA Hemaraj 1 Nghệ An đã hoàn thành GPMB và hoàn thành hệ thống hạ tầng 143,5ha; KCN Đông Hồi: Đã thu hút đầu tư một số dự án lớn như: Nhà máy Hoa Sen, Nhà máy Bánh kẹo Hải Châu,... Hoạt động công nghiệp tăng trưởng đã thúc đẩy kinh tế toàn ngành, trong đó có xuất khẩu, thương mại dịch vụ.

Kim ngạch xuất khẩu vượt đích ngoạn mục

Hơn 2 năm qua, dịch bệnh bùng phát mạnh làm cho lực lượng lao động biến động, gây gián đoạn cho sản xuất; Giá cả nguyên liệu đầu vào liên tục biến động và rất khó dự báo; Vận chuyển hàng xuất khẩu khó khăn, giá cước vận chuyển tăng đột biến đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xuất, nhập khẩu.

Phat huy truyen thong 71 nam ve vang nganh Cong Thuong-hinh-anh-2
Trong thời điểm dịch bệnh khó khăn nhưng Công ty TNHH KiDo Vinh (Cụm công nghiệp Đô Lương) có đơn hàng dồi dào, đảm bảo việc làm cho lao động. Ảnh: Thu Huyền

Vượt qua chặng đường gập ghềnh đó, nhiều doanh nghiệp nỗ lực đạt nhiều thành quả xuất sắc. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2021 ước đạt trên 3,36 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa đạt 2,11 tỷ USD, tăng 76,04%, vượt 132,2% kế hoạch năm - cao nhất từ trước đến nay và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIX đề ra. Quý 1/2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tiếp tục tăng trưởng khả quan, đạt 544,8 triệu USD, tăng 28,1% so với cùng kỳ năm trước.

Thị trường xuất khẩu đa dạng với hơn 125 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Một số thị trường xuất khẩu mới trong năm như: Đông Timor, Sierra Leone, Burundi, Marshall Islands, Luxembourg. Số lượng doanh nghiệp xuất khẩu tăng với 270 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, bao gồm 188 doanh nghiệp nội tỉnh và 82 doanh nghiệp ngoại tỉnh tham gia xuất khẩu hàng hóa của tỉnh Nghệ An.

Phat huy truyen thong 71 nam ve vang nganh Cong Thuong-hinh-anh-3
Đồ họa Hữu Quân.

Năm 2021 nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng khá, như: Tôn, thép các loại đạt 514 triệu USD, tăng 157% so với cùng kỳ năm trước; Xi măng đạt 195,8 triệu USD, tăng 17,8%; Hàng dệt may đạt 410,7 triệu USD, tăng 38,1%; Linh kiện điện tử đạt 335,8 triệu USD, tăng gấp hơn 17 lần so với năm 2020; Gỗ và sản phẩm gỗ đạt 184,8 triệu USD, tăng 30,3%; Hàng thủy sản đạt 75 triệu USD, tăng 66,7%; Sắn và sản phẩm sắn các loại đạt 46,2 triệu USD, tăng 42% so với năm 2020.

Đẩy mạnh kết nối cung cầu hàng hóa

Một điểm nhấn quan trọng khác phải kể đến hoạt động thương mại. Linh hoạt ứng dụng thương mại điện tử cùng với kênh bán hàng truyền thống, Sở Công Thương Nghệ An đã đồng hành cùng các doanh nghiệp khai thác tốt các cơ hội thị trường trong nước, đẩy nhanh quá trình khôi phục sản xuất sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch. Thời điểm thực hiện các giải pháp chống dịch, cách ly xã hội đã gây đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng hàng hóa. Nhiều nông sản thu hoạch rộ mùa với sản lượng lớn, nhưng sức mua chỉ tập trung vào một số nhóm hàng cần thiết cho sinh hoạt, tiêu dùng hàng ngày, còn lại các nhóm hàng khác tiêu thụ chậm hoặc khó tiêu thụ.

Trước thực tế đó, Sở Công Thương đã thực hiện nhiều giải pháp để phát triển thị trường trong tỉnh, đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, nâng cao tính kết nối giữa sản xuất với thị trường theo chuỗi cung ứng tới một số địa phương. Các nhà cung ứng hàng hóa, siêu thị, chuỗi bán sản phẩm nông sản trên địa bàn đã được kết nối. Một số địa phương gặp khó khăn trong tiêu thụ nông sản đã được tháo gỡ.

Phat huy truyen thong 71 nam ve vang nganh Cong Thuong-hinh-anh-4
Đoàn công tác của Vụ Thị trường trong nước và Sở Công Thương làm việc kết nối tiêu thụ sản phẩm Tại siêu thị MM Mega Market. Ảnh: Thu Huyền

Để hàng hóa của tỉnh tiếp cận với thị trường rộng lớn tại TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh phía Nam, phía Bắc, Sở kịp thời cung cấp thông tin đầu mối cung ứng hàng hóa, nhất là hàng hóa nông sản của tỉnh đến Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành phố, hiệp hội, doanh nghiệp để kết nối tiêu thụ. Qua đó, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã cung cấp sản phẩm giá bình ổn đến nhiều tỉnh, thành phố trong nước như cam Nghĩa Đàn của HTX Nông nghiệp cây ăn quả 1/5; cam Vinh của Công ty Trang trại nông sản Phủ Quỳ; nước mắm của Công ty CP Thủy sản Vạn Phần Diễn Châu; chè Thanh Chương của HTX Nông nghiệp và Chế biến chè Thanh Đức; các sản phẩm trà của Công ty CP Dược liệu Pù Mát…

Theo lãnh đạo Sở Công Thương, phát huy những kết quả khả quan trong việc kết nối cung - cầu, các chương trình này sẽ được Sở Công Thương duy trì, cải tiến và không ngừng sáng tạo trong phương thức tổ chức để việc hỗ trợ ngày càng hiệu quả hơn. Đặc biệt, sẽ chuyển trọng tâm từ xúc tiến truyền thống sang xúc tiến thương mại hiện đại thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; chuyển từ xúc tiến thương mại trực tiếp sang trực tuyến. Đẩy mạnh ứng dụng và tiêu thụ sản phẩm qua các nền tảng như sàn thương mại điện tử bán sỉ Alibaba.com, tham gia xúc tiến và bán hàng qua các trang TMĐT lớn của Việt Nam như Shopee, Sendo, Tiki, Lazada, Voso, Postmart.

Phat huy truyen thong 71 nam ve vang nganh Cong Thuong-hinh-anh-5
Bốc dỡ hàng tại cảng Cửa Lò. Ảnh: Thu Huyền

Năm 2022, ngành Công Thương đặt mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp đạt 92.500 tỷ đồng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa 74.000 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp trong tỉnh đạt 2.350 triệu USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 2.000 triệu USD; tổng kim ngạch nhập khẩu 1.000 triệu USD. Để đạt mục tiêu đề ra, ngành sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, thúc đẩy đầu tư lĩnh vực công thương. Tập trung chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025.

“Phát huy truyền thống vẻ vang của ngành Công Thương, thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với mục tiêu phát triển công nghiệp - thương mại với tốc độ cao; phát triển lĩnh vực công nghiệp theo hướng bền vững gắn với bảo vệ môi trường. Chuyển đổi hoạt động xuất nhập khẩu theo hướng chính ngạch phù hợp với thông lệ quốc tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế…” - ông Phạm Văn Hóa - Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An nhấn mạnh.

Ghi nhận những thành tích đã đạt được, trong 71 năm xây dựng và trưởng thành, ngành đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Lao động hạng Ba ngành Thương mại Nghệ An (năm 1983); Huân chương Lao động hạng Nhì ngành Thương mại Nghệ An (năm 1996); Huân chương Lao động hạng Nhất cho Sở Công nghiệp tỉnh Nghệ An (năm 2000); Huân chương Độc lập hạng Ba cho Sở Công Thương tỉnh Nghệ An (năm 2011); Cờ thi đua của Chính phủ; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều Bằng khen của Bộ Công Thương và Chủ tịch UBND tỉnh.

Riêng năm 2021, có 1 tập thể được nhận Cờ thi đua của Chính phủ; 3 tập thể nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công Thương và Chủ tịch UBND tỉnh; 06 cá nhân được Bộ trưởng Bộ Công Thương và Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen.

Thu Huyền