Nghệ An: Tôm nuôi chết hàng loạt, dân thất thu tiền tỷ

Thanh Phúc 07/06/2022 06:14

(Baonghean.vn) - Tôm bị chết do nhiễm bệnh hồng thân, đốm trắng, gan tuỵ cấp tính tăng mạnh và có xu hướng lây lan ra diện rộng. 

Nhiều diện tích tôm nuôi ở Quỳnh Lộc (Thị xã Hoàng Mai) nhiễm bệnh, chết hàng loạt. Ảnh: Thanh Phúc

Theo báo cáo của UBND các huyện, thành, thị, từ đầu năm 2022 đến nay (đầu tháng 6/2022) dịch bệnh trên tôm nuôi đã xảy ra tại 109 hộ/191 đầm thuộc 4 huyện gồm: Thị xã Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc, Diễn Châu với tổng diện tích bị bệnh 65,57 ha.

Trong đó, tôm bị bệnh đốm trắng là 34,98 ha, tôm bị bệnh hoại tử gan tụy cấp tính 28,87 ha, tôm chết do môi trường 1,72 ha. Bệnh chủ yếu xảy ra tại các vùng nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh thuộc thị xã Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu. Cụ thể, ở thị xã Hoàng Mai có 4 vùng nuôi gồm Quỳnh Dị, Quỳnh Liên, Quỳnh Lộc, Quỳnh Xuân với tổng diện tích bệnh 50,47 ha (riêng Quỳnh Xuân trên 40 ha); huyện Quỳnh Lưu có 3 vùng nuôi gồm Quỳnh Bảng, Quỳnh Minh, Quỳnh Lương với tổng diện tích nhiễm bệnh là 14,5 ha; Diễn Châu 0,2 ha và Nghi Lộc 0,4 ha.

Tôm chết do nhiễm bệnh hồng thân, đốm trắng và gan tuỵ cấp tính. Ảnh: Thanh Phúc

Vụ tôm năm nay, gia đình ông Nguyễn Bảo Dũng (phường Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai) thả nuôi hơn 1,6 ha tôm. Sau khi xuống giống được hơn 1 tháng thì tôm bị nhiễm bệnh, chết hàng loạt. “Mấy năm gần đây, con tôm vừa xuống giống được vài chục ngày thì đều bị nhiễm các bệnh như: gan tuỵ, đốm trắng, hồng thân. Nhưng năm nay thì bị nặng nhất, các ao tôm đều đã nhiễm bệnh. Thiệt hại kinh tế không nhỏ. Nguyên nhân ban đầu là nghi con giống không đảm bảo”.

12 năm theo nghề nuôi tôm, chưa năm nào, gia đình bà Nguyễn Thị Hằng (Quỳnh Lộc, thị xã Hoàng Mai) lại thua lỗ nặng như vụ tôm 2022. Trên diện tích 4,5ha với 10 ao nuôi, từ tháng 3 đến nay, gia đình bà đã xuống giống 3 đợt tôm nhưng đợt nào con tôm cũng bị bệnh.

“Cứ xuống giống được 30-45 ngày là bị hồng thân và đốm trắng, tôm chết hàng loạt. Để cứu vốn, đành thu hoạch non, bán tháo ra thị trường với giá rẻ mạt. 5 ao nuôi, lẽ ra đến kỳ cho thu hoạch tiền tỷ thì nay, tôm bệnh, bán đổ bán tháo thu về được vài chục triệu đồng. Tính từ đầu năm đến nay, thiệt hại do tôm bệnh đã lên đến tiền tỷ”, bà Hằng xót xa.

Nhiều diện tích ao nuôi đã xuống giống trong tháng 3, tháng 4. Nay, tôm bị bệnh, chết hàng loạt đành tháo xả, phơi ao và chờ xử lý xong sẽ tiếp tục xuống giống cho vụ sau. Ảnh: Thanh Phúc

Quỳnh Xuân là địa phương có diện tích tôm nuôi nhiều nhất thị xã Hoàng Mai với 47 hộ nuôi trên diện tích gần 100ha. Mỗi năm, thu nhập từ tôm nuôi khoảng 30-40 tỷ đồng, nhiều hộ dân phất lên làm giàu từ con tôm. Tuy nhiên, vài năm gần đây, diện tích tôm nuôi bị bệnh gia tăng, do ảnh hưởng của dịch Covid 19 nên tôm mất giá, khó tiêu thụ, người nuôi tôm gặp khó. Từ đầu năm 2022 đến nay, dịch bệnh trên tôm nuôi đã xảy ra tại hàng chục hộ nuôi với diện tích trên 40ha.

Theo chia sẻ của người dân, để xuống giống 1ha tôm, phải đầu tư hàng trăm triệu đồng. Hai năm nay, giá thức ăn cho tôm tăng vọt, chi phí đầu vào cũng tăng cao trong khi giá tôm thất thường khiến người chăn nuôi thua lỗ. Năm 2022, khi dịch bệnh được kiểm soát, giá tôm ổn định và có xu hướng nhích dần, người dân phấn khởi vào vụ nuôi mới thì lại gặp phải dịch bệnh nên người nuôi gặp không ít khó khăn.

Liên tiếp trong 3 năm nay, do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, chi phí vật tư đầu vào cao lại bị tác động của dịch Covid-19 nên người nuôi tôm đối mặt với nhiều khó khăn. Ảnh: Thanh Phúc

Theo phân tích từ Chi Cục Chăn nuôi và Thú y thì tôm bị bệnh là do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là vấn đề quy hoạch hạ tầng vùng nuôi thiếu đồng bộ, xuống cấp, một số vùng nuôi hệ thống kênh cấp đã bị bồi lắng và chưa có kênh cấp, thoát nước riêng biệt, các ao hồ nuôi ngọt mùa nắng nóng không có nguồn nước bổ sung. Thứ hai, một số hộ nuôi thả sớm so với lịch mùa vụ khuyến cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, khi môi trường thay đổi làm cho tôm mẫn cảm, bùng phát bệnh. Khi tôm nhiễm bệnh lại không báo cáo lên các cấp, ngành để xử lý triệt để mầm bệnh mà tự xử lý, thu hoạch.

Do mầm bệnh không được xử lý triệt, việc khử trùng ao nuôi không tuân thủ đúng quy định nên khi xả thải ra môi trường mầm bệnh dễ phát tán, lây lan, lưu hành từ vụ nuôi này sang vụ nuôi khác, từ vùng nuôi này sang vùng nuôi khác. Bên cạnh đó, do diễn biến thời tiết cực đoan, nắng, mưa thất thường khiến tôm nuôi bị sốc, giảm sức đề kháng và bùng phát bệnh.

Việc xử lý triệt để môi trường, vấn đề chất lượng con giống và ứng dụng công nghệ vào nuôi tôm cần được chú trọng. Ảnh: Thanh Phúc

Theo nhận định từ cơ quan chuyên môn, kết quả giám sát bị động ở các vùng nuôi tại các huyện có nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh cho thấy: một số loại mầm bệnh nguy hiểm vẫn lưu hành tại nhiều vùng nuôi (AHPND, WSSV….), biến đổi môi trường nhanh, mạnh, cực đoan… tác động sức khỏe tôm, làm cho tôm chậm lớn, kém phát triển, mầm bệnh phát triển.

Ông Ngô Đức Quỳnh - Chi cục phó, Chi Cục Thú y cho biết: “Hiện nay tại các vùng nuôi, diện tích thả tăng mạnh, nguy cơ dịch bệnh tiếp tục lưu hành, lây lan. Do đó, các hộ nuôi cần chủ động áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt là lựa chọn con giống đảm bảo chất lượng; chuẩn bị kỹ lưỡng ao nuôi, xử lý triệt để mầm bệnh trong môi trường trước khi xuống giống. Đồng thời, nhân rộng mô hình Tổ cộng đồng nuôi tôm nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cho người dân từ khâu chọn giống, biện pháp chăm sóc tôm; giám sát lẫn nhau trong việc phòng, chống dịch bệnh...”.

Thanh Phúc